Chưa có sự nhất quán trong quy định: Đối với quy định chung về tài sản bảo đảm, tỷ lệ cấp tín dụng đối với hàng hóa là ô tô, xe máy, hàng điện gia dụng là 70%, hàng hóa khác là 50%, trong khi theo quy định của sản phẩm cho vay dựa trên HTK, quy định một tỷ lệ chung giá trị cho vay trên tài sản bảo đảm là 70%.
Theo quy định, một số trường hợp hàng hóa phải do MB AMC hoặc công ty bảo vệ do MB AMC chỉ định bảo vệ, tuy nhiên, trong thực tế không phải tất cả các doanh nghiệp đều chấp nhận bảo vệ của MB AMC mà tự liên hệ công ty bảo vệ. Nguyên nhân là do MB AMC là công ty chuyên về lĩnh vực xử lý nợ, không phải là công ty chuyên về cung cấp dịch vụ bảo vệ do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, lực lượng nhân sự của MB AMC còn mỏng, mặt khác MB AMC chưa có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ chuyên nghiệp do đó công tác giới thiệu đơn vị bảo vệ cho MB chưa được hiệu quả. Viêc các doanh nghiệp tự liên hệ công ty bảo vệ hoặc sử dụng dịch vụ của công ty bảo vệ hiện tại khách hàng đang quan hệ sẽ làm tăng rủi ro cho ngân hàng. Vì vậy, trong quy định đối với sản phẩm không nên bắt buộc phải thuê MB AMC hoặc công ty bảo vệ do MB AMC chỉ định mà nên để bộ phận thẩm định đánh giá và xác định đơn vị bảo vệ.
Quy định mới chỉ đưa ra tỷ lệ tài trợ với một số loại KPT, chưa quy định tỷ lệ tài trợ đối với các KPT từ các đối tác đầu ra như: các đối tác không có quan hệ tín dụng với MB, MB không có thông tin để xếp hạng, các doanh nghiệp không phải là công ty niêm yết, cơ quan hành chính sự nghiệp, các KPT từ đối tác nước ngoài.
Quy trình chưa đưa ra cách thức kiểm tra kho hàng như thế nào. Trong khi ngân hàng chưa thể thông qua 01 tổ chức kiểm định độc lập để kiểm tra (nghiệp vụ logistic chưa phát triển…) thì các CV QHKH, CV thẩm định phải làm công việc này. Tuy nhiên, các nhân viên này không có chuyên môn về lĩnh vực này, do đó ngân hàng vẫn chủ yếu căn cứ trên số liệu của khách hàng và đánh cược vào mức độ trung thực của báo cáo khách hàng gửi.
Các quy định hướng dẫn về việc quản lý HTK không luân chuyển ban hành còn chậm. MB đã ban hành quy định về việc nhận, quản lý tài sản là hàng hóa, hướng dẫn thu giữ tài sản bảo đảm là hàng hóa, các thông báo về việc tăng cường công tác quản lý là hàng hóa tuy nhiên các văn bản này chỉ mới được ban hành vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Chưa có các mẫu biểu hợp đồng bảo vệ; hợp đồng thuê kho giữa MB, khách hàng, bên cho thuê kho và bảo vệ; hợp đồng quản lý kho hàng giữa bên cho thuê kho, khách hàng và ngân hàng. Thực tế, phát sinh nhiều trường hợp hàng hóa để tại kho hàng của bên bán hàng hóa, chứ không để tại kho của khách hàng (bên mua), yêu cầu đặt ra là ngân hàng, bên bán và khách hàng phải ký hợp đồng 3 bên về việc quản lý hàng hóa. Tuy nhiên, do chưa có mẫu biểu, ĐVKD phải hỏi phòng pháp chế để xin mẫu biểu. Quá trình chờ phòng pháp chế cho ý kiến mất khá nhiều thời gian, gây chậm trễ trong tác nghiệp.