ngân hàng thương mại.
1.3.1 Tín dụng dựa trên bảo đảm bằng hàng tồn kho.
Tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK là việc ngân hàng thỏa thuận để các doanh nghiệp vay vốn, phát hành bào lãnh với tài sản để bảo đảm cho khoản tín dụng là HTK. Mục đích của các khoản vay theo hình thức này là bổ sung vốn lưu
động với thời gian vay ngắn hạn, doanh nghiệp có thể vay theo món hay theo hạn mức.
Phương thức cấp tín dụng này được chia làm 2 loại:
Cấp tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK không luân chuyển. HTK
không luân chuyển có nghĩa là hàng hóa mà bên bảo đảm chỉ được phép mua bán, chuyển nhượng trong thời hạn bảo đảm nếu được sự cho phép của bên nhận bảo đảm. Hình thức cấp tín dụng này cũng được chia làm 02 nhánh nhỏ như sau:
- HTK vừa là tài sản bảo đảm, vừa là nguồn trả nợ: Ngân hàng sẽ cho vay và doanh nghiệp cũng tham gia vốn tự có của mình với một tỷ lệ tối thiểu nhất định để mua hàng, hàng hóa sau khi mua sẽ là tài sản bảo đảm cho khoản vay. Hàng hóa được dùng để bảo đảm sẽ được quản lý theo phương thức “tiền vào - hàng ra”. Khi khách hàng nộp tiền trả nợ một phần, ngân hàng sẽ giải tỏa một phần hàng hóa tương ứng với số tiền khách hàng đã trả, việc giải tỏa hàng hóa phải đảm bảo tỷ lệ dư nợ/ tài sản bảo đảm tuân thủ theo đúng phê duyệt cấp tín dụng và hợp đồng bảo đảm đã ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
- HTK thế chấp không đồng thời là nguồn trả nợ vay: Bên vay cũng có thể dùng tài sản bảo đảm là 01 lô hàng khác, không hình thành từ vốn vay để bảo đảm cho nghĩa vụ của mình tại ngân hàng. Phương thức quản lý tài sản cũng giống như hình thức cấp tín dụng dựa trên HTK hình thành từ vốn vay, tuy nhiên nguồn trả nợ cho khoản vay không phải từ việc bán lô hàng thế chấp mà từ phương án vay.
Cấp tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK luân chuyển. HTK luân chuyển
có nghĩa là hàng hóa lưu kho mà bên bảo đảm được phép xuất, nhập, mua bán, chuyển nhượng trong thời hạn bảo đảm mà không cần văn bản cho phép của bên nhận bảo đảm. Tuy nhiên, quá trình xuất hàng phải đảm bào giá trị hàng hóa còn lại trong kho không thấp hơn một mức giá trị nhất định, hoặc làm cho tỷ lệ tổng nghĩa vụ bảo đảm/giá trị HTK vượt quá mức cho phép quy định tại hợp đồng bảo đảm.
Hàng hóa thế chấp là một phần hoặc toàn bộ hàng hóa trong kho của bên bảo đảm, bên bảo đảm được chủ động sử dụng hàng hóa trong kho trong phạm vi hoạt động kinh doanh thông thường.
1.3.2 Tín dụng dựa trên bảo đảm bằng khoản phải thu.
Tín dụng dựa trên bảo đảm bằng KPT việc ngân hàng thỏa thuận để các doanh nghiệp vay vốn, phát hành bào lãnh với tài sản để bảo đảm cho khoản tín dụng là KPT. Mục đích của các khoản vay theo hình thức này là bổ sung vốn lưu động với thời gian vay ngắn hạn, doanh nghiệp có thể vay theo món hay theo hạn mức. Hình thức cấp tín dụng này được chia làm 02 loại:
Cấp tín dụng dựa trên bảo đảm bằng KPT không luân chuyển: KPT không
luân chuyển là KPT hình thành từ phương án vay vốn và chỉ hình thành 01 lần tương ứng với 01 hợp đồng hoặc đơn hàng với 01 đối tác nhất định. Nghĩa vụ thanh toán của đối tác đối với hợp đồng hoặc đơn hàng sẽ giảm trừ tương ứng với số tiền mà phía đối tác đã trả, nghĩa là KPT sẽ tự động giảm dần tương ứng. Ngân hàng sẽ tiến hành thu nợ ngay khi có tiền từ KPT về tài khoản của khách hàng dù khoản vay đã đến hạn thanh toán hay chưa.
Cấp tín dụng dựa trên bảo đảm bằng KPT luân chuyển: KPT luân chuyển
là các KPT hình thành từ các hợp đồng nguyên tắc giữa doanh nghiệp và các đối tác. Đây là những đối tác thường xuyên của doanh nghiệp với nhiều giao dịch mua hàng trong 01 năm. Các đối tác sẽ liên tục phát sinh những nghĩa vụ thanh toán đối với nhiều đơn hàng khác nhau. Giữa doanh nghiệp và các đối tác thường xuyên này sẽ duy trì một giá trị công nợ trung bình. Ngân hàng có thể chọn ra một số các đối tác uy tín, xác định giá trị các KPT trung bình trong 01 năm của doanh nghiệp đối với các đối tác này và nhận các KPT này như một tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ vay vốn của doanh nghiệp. Điều kiện để ngân hàng nhận các khoản phải thu này làm tài sản bảo đảm là việc thanh toán của các đối tác cho khách hàng phải được thực hiện qua tài khoản của khách hàng tại chính ngân hàng.
1.3.3 Đặc điểm của tín dụng dựa trên bảo đảm bằng hàng tồn kho và khoản phải thu.
Do tài trợ để phục vụ việc bổ sung vốn lưu động của doanh nghiệp nên thời gian vay thường là ngắn hạn, tương ứng với chu kỳ quay vòng hàng tồn kho, khoản phải thu tại doanh nghiệp (đối với phương thức tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK & KPT luân chuyển) hay thời gian thu hồi khoản phải thu hoặc thời gian hàng hóa tồn kho được tiêu thụ (đối với phương thức tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK & KPT không luân chuyển).
Ngân hàng trên cơ sở các nghiệp vụ của mình sẽ xác định mức cho vay tối đa và thời hạn cho vay dựa trên thẩm định khách hàng, phương án vay vốn, tài sản bảo đảm…Đối với phương án vay vốn mà tài sản bảo đảm là hàng hóa hay KPT không luân chuyển, ngân hàng có thể yêu cầu bên được cấp tín dụng tham gia một tỷ lệ vốn nhất định vào phương án. Thông thường, tỷ lệ cho vay/tổng nhu cầu vốn khoảng ~ 70%, 80%, và khoảng ~ 70%, 80% giá trị tài sản bảo đảm.
Tài sản của khoản cấp tín dụng vừa là tài sản bảo đảm vừa là nguồn trả nợ. Ngay cả đối với tài sản bảo đảm là hàng tồn kho hay khoản phải thu luân chuyển, một phần tài sản bảo đảm cũng được hình thành từ vốn vay và việc bán hàng hóa và thu hồi các KPT luân chuyển này cũng chính là nguồn trả nợ của doanh nghiệp. Các khoản tín dụng mà tài sản bảo đảm là hàng hóa và KPT khác không hình thành từ phương án thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong loại hình tín dụng này.
Tài sản bảo đảm là HTK & KPT không luân chuyển có tính chắc chắn và dễ quản lý hơn HTK & KPT luân chuyển. Đối với HTK: Thứ nhất, nếu HTK luân chuyển thế chấp tại nhiều ngân hàng khác nhau, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, ngân hàng sẽ rất khó khăn trong việc phân định đâu là tài sản thế chấp tại ngân hàng mình. Thứ hai, HTK luân chuyển là do khách hàng trực tiếp quản lý, do đó khả năng hàng hóa bị thất thoát và rút ruột, giá trị hàng hóa thực tế nhỏ hơn so với số liệu khách hàng cung cấp rất dễ xảy ra. Thứ ba, tình trạng, chất lượng và giá trị của
hàng hóa là rất khó xác định do hàng hóa thường xuyên luân chuyển. Đối với KPT, giá trị thực tế của KPT luân chuyển khó xác định và phụ thuộc vào mức độ chân thực trong các báo cáo khách hàng gửi cho ngân hàng.
Đối với các nghiệp vụ khác của cấp tín dụng như mở L/C, chiết khấu, cho thuê tài chính, là những sản phẩm đặc thù riêng với tài sản bảo đảm là bộ chứng từ, máy móc thiết bị cho thuê, không thuộc phạm vi của nghiệp vụ cấp tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK & KPT. Riêng đối với bao thanh toán, các ngân hàng đã có quy trình riêng do đó bài viết cũng không nghiên cứu về loại hình cấp tín dụng này.
Nghiệp vụ chủ yếu của hình thức tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK & KPT là cho vay, vì: thứ nhất hình thức tín dụng này chủ yếu dựa trên việc khách hàng mua bán hàng hóa và dùng nguồn tiền thu được từ việc bán hàng hóa này để trả nợ; thứ hai: nghiệp vụ cho vay vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn tại các ngân hàng.