Thúc đẩy hoạt động tín dụng dựa trên HTK & KPT là cần thiết để đẩy mạnh hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Tuy nhiên các ngân hàng cần phải có giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đối với loại hình tín dụng này. Giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động tín dụng dựa trên HTK & KPT giữ vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng dựa trên HTK & KPT tại ngân hàng.
Qua thực tế triển khai tại Việt Nam và trên thế giới, những bài học kinh nghiệm rút ra đối với hoạt động cấp tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK & KPT tại ngân hàng thương mại là được rút ra như sau:
Ngân hàng cần thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng dựa trên HTK, đặc biệt là HTK được khách hàng thế chấp tại nhiều ngân hàng khác nhau. Cần phải có sự phân tách giữa hàng hóa thế chấp tại ngân hàng mình và các ngân hàng khác để xác lập quyền đối với tài sản trong trường hợp cần phải xử lý kho hàng của khách hàng để trả nợ.
Cần phải tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm đối với tài sản bảo đảm khi thẩm định khách hàng. Việc tra cứu thông tin này được tiến hành tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm thuộc Cục Đăng ký giao dịch bảo đàm, Bộ Tư pháp. Việc tra cứu thông tin nhằm xác định được tài sản đang được dùng để bảo đảm cho những khoản vay nào, xác định được thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ có bảo đảm, đánh giá được khả năng thu hồi nợ trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm… Trên cơ sở đó ngân hàng sẽ được cảnh báo những rủi ro trước khi xem xét, quyết định việc cấp tín dụng.
Ngay khi nhận thế chấp kho hàng, các ngân hàng cần thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thường xuyên cân đối giữa tổng dư nợ của khách hàng tại các tổ chức tín dụng và tổng giá trị HTK được thế chấp, bảo đảm không vượt quá tỷ lệ an toàn.
HTK cần phải được kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để theo dõi những biến động vế chất lượng và số lượng.
Theo dõi chặt chẽ và đưa ra các phân tích về tình hình kinh doanh, tài chính của khách hàng, kịp thời phát hiện các thay đổi bất thường để có phương hướng xử lý.
Cần phải có phản ứng nhanh đối với các trường hợp khách hàng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có biện pháp thu giữ hàng hóa kịp thời nhằm giảm bớt những tổn thất cho ngân hàng.
Việc xử lý và thu giữ tài sản phải tuân theo đúng pháp luật, khôn khéo, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh của ngân hàng.
Ngoài tài sản bảo đảm là HTK & KPT, ngân hàng cần yêu cầu khách hàng bổ sung thêm các tài sản bảo đảm là bất động sản, giấy tờ có giá, phương tiện vận tải… để bảo đảm một phần cho khoản vay nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng.
Chính phủ và ngân hàng nhà nước cần có những giải pháp hình thành và phát triển các ngành phụ trợ như logistic, quản lý tài sản, bảo hiểm, định giá tài sản, thị trường thứ cấp đối với hàng hóa thế chấp…nhằm hạn chế rủi ro và tạo cơ chế thúc đẩy hoạt động tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK & KPT phát triển.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Hàng tồn kho và khoản phải thu là các khoản mục chiếm tỷ trọng cao trong tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. Đây là những tài sản tham gia vào toàn bộ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Công tác cấp tín dụng dựa trên bảo đảm bằng HTK & KPT là một trong các hình thức cấp tín dụng của ngân hàng để tài trợ các doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động, tài sản bảo đảm cho khoản cấp tín dụng chủ yếu chính là hàng hóa, khoản phải thu hình thành từ phương án. Đây là hình thức cấp tín dụng các doanh nghiệp dễ tiếp cận nhưng lại mang tính rủi ro cao cho ngân hàng, do tài sản bảo đảm có sự biến động cao, khó kiểm soát và quản lý. Tuy nhiên, đây là hình thức chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng và có vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế, do đó, yêu cầu đặt ra là phải có giải pháp có giải pháp để loại hình cho vay này phát triển một cách bền vững.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ TÍN DỤNG DỰA TRÊN BẢO ĐẢM BẰNG HÀNG TỒN KHO VÀ KHOẢN PHẢI THU TẠI NGÂN HÀNG