5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
4.3.1. Hoàn thiện về nội dung chính sách
4.3.1.1. Chính sách đối với người học nghề
Chính sách đối với người học nghề được xác định là giải pháp quan trọng để huy động các nguồn lực từ người học đầu tư cho đào tạo nghề, tạo điều kiện tăng quy mô đào tạo, thu hút nguồn vốn đầu tư cho đào tạo. Đổi mới chính sách đối với người
học cần đảm bảo các nguyên tắc như: Đảm bảo thu hút nhiều đối tượng tham gia học nghề, học suốt đời; đảm bảo công bằng trong đào tạo; mức thu phí và các khoản lệ phí từng bước bù đắp chi phí đào tạo.
Nhằm thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc trên, hiện nay cần đổi mới một số chính sách đối với người học nghề như sau:
- Cải tiến việc thu, chi và quản lý học phí: Việc thực hiện thu, chi, quản lý học phí đối với các cơ sở dạy nghề công lập hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 49/2010/NĐ- CP ngày 15 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ. Tuy nhiên theo quy định này quy định mức thu học phí cho đào tạo nghề sẽ là quá cứng trong điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong môi trường cạnh tranh, trong việc đào tạo nghề cho những ngành nghề mũi nhọn, trong điều kiện thu nhập của các địa phương khác nhau. Để tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, kế hoạch đầu tư, Nhà nước nên thực hiện việc nới rộng khoảng cách mức thu, có thể thực hiện mức thu từ 100.000đ đến 1.200.000đ/ tháng.
- Chính sách miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, học bổng chính sách: Thực hiện việc miễn, giảm học phí, trợ cấp xã hội, học bổng chính sách là chủ trương hỗ trợ các đối tượng chính sách trong quá trình đào tạo, đây cũng là thực hiện công bằng trong giáo dục và đào tạo. Để đạt được điều đó, cần đổi mới chính sách miễn, giảm học phí, trợ cấp xã hội, học bổng chính sách cho học sinh, thực hiện nguyên tắc mọi người đi học đều phải có nghĩa vụ đóng học phí cho cơ sở đào tạo, còn chế độ, chính sách do các cơ quan chính sách của Nhà nước hỗ trợ hoặc đài thọ cho các đối tượng chính sách cho người đi học theo cách sau:
+ Thực hiện chung một chính sách hỗ trợ cho người học là trợ cấp xã hội với nhiều mức khác nhau cho các đối tượng khác nhau, bỏ trợ cấp bằng học bổng chính sách (vì thực chất học bổng chính sách cũng là khoản trợ cấp của Nhà nước cho người học), bỏ chế độ miễn, giảm học phí (vì việc hỗ trợ người học được tính chung vào trợ cấp xã hội, nhằm tránh tình trạng nhiều hình thức hỗ trợ, nhằm thực hiện chỉ có 1 hệ thống cơ quan chính sách, giải quyết được bất hợp lý đã nêu ở trên, nhưng các cơ sở đào tạo nghề có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ hỗ trợ dạy nghề hoặc cho ngân sách trên tỷ lệ phần trăm thu từ học phí.
+ Chuyển việc trợ cấp xã hội (kể cả học bổng chính sách) về chính quyền địa phương (bộ phận quản lý chế độ chính sách) nơi quản lý trực tiếp các đối tượng chính sách chi trả. Trong quá trình chi trả có sự phối hợp xác nhận của Nhà trường nơi học sinh học.
+ Tăng mức trợ cấp xã hội (kể cả học bổng chính sách), đảm bảo mức thấp nhất bằng ít nhất 70% mức lương tối thiểu.
- Cải tiến chính sách cho học sinh, sinh viên vay ưu đãi: Thực hiện cho học sinh vay ưu đãi để có điều kiện học tập, nhất là đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc cho vay ưu đãi là nhằm tạo điều kiện cho mọi người có nguyện vọng học đều có thể được học, nhằm thực hiện công bằng trong đào tạo.
Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/QĐ- TTg ngày 02/3/1998 về việc thành lập Quỹ tín dụng đào tạo, Ngân hàng Nhà nước bàn hành một số quy định, thể lệ tín dụng cho học sinh học nghề vay ưu đãi. Tuy nhiên, việc thực hiện cho vay còn chưa được nhiều, thủ tục thanh toán còn rườm rà, lãi suất chưa thực sự hấp dẫn người vay. Vì vậy, việc cho vay tín dụng được hiệu quả cần:
+ Tăng cường phổ biến, hướng dẫn cho người học và gia đình học sinh nắm được thể lệ, cách thức vay vốn.
+ Thực hiện mức lãi suất thấp, không cần thế chấp, chỉ cho những học sinh, sinh viên có học lực trung bình khá trở lên vay vốn, trường hợp học sinh có kết quả học tập xuất sắc hoặc có công trình nghiên cứu khoa học thì được vay với mức lãi cao hơn.
- Có chính sách hỗ trợ một lần đối với người lao động chưa có nghề tham gia học nghề dưới 1 năm để tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.
- Nhà nước có chính sách tôn vinh thích đáng những người lao động giỏi có nhiều cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.
- Nhà nước có chính sách tiền lương tương xứng với từng cấp độ đào tạo nghề (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) và với từng bậc kỹ năng nghề.
- Ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham dự đánh giá để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
4.3.1.2. Chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề Thứ nhất là, tăng cường nguồn lực đầu tư cho dạy nghề:
- Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho dạy nghề gồm: Ngân sách Nhà nước (cấp trung ương và địa phương), đóng góp của người học, nguồn thu sự nghiệp từ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, liên kết của các Trường cao đẳng nghề; đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực dạy nghề và các nguồn thu khác, trong đó chi đầu tư của ngân sách giữ vai trò chủ đạo. Tỷ lệ cơ cấu theo tác giả vào năm 2010 nên đảm bảo: 60% nguồn ngân sách Nhà nước, 6% nguồn vốn đầu tư nước ngoài và 34% nguồn xã hội hóa; vào năm 2015 nên đảm bảo tỷ lệ 55%, 7%, 38% và năm 2020 là 50%, 9% và 41%.
- Nhà nước nên đầu tư để hình thành một số trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của thế giới, khu vực và trường chuẩn quốc gia.
- Có chính sách khuyến khích các trường cao đẳng nghề chủ động thực hiện đa dạng hóa các nguồn thu từ hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ phù hợp với ngành nghề đào tạo.
- Xây dựng Quỹ hỗ trợ học nghề: Để phát triển đào tạo nghề và thực hiện công bằng xã hội trong đào tạo và sử dụng lao động, cần thành lập quỹ hỗ trợ học nghề.
Việc đóng góp vào quỹ hỗ trợ học nghề đã được một số nước áp dụng có hiệu quả như Hàn quốc (Luật khuyến khích đào tạo nghề năm 1999 quy định các doanh nghiệp phải đóng phí bảo hiểm việc làm theo số lượng công nhân của doanh nghiệp để có quy chi cho đào tạo nghề) hoặc như ở CHLB Đức là các doanh nghiệp tùy thuộc vào quy mô sản xuất mà Chính phủ bắt buộc mỗi năm phải có trách nhiệm tham gia đào tạo một lượng học sinh học nghề nhất định, nếu doanh nghiệp không có khả năng đào tạo thì phải thuê các trường dạy nghề đào tạo hoặc nộp kinh phí để Chính phủ thuê đào tạo.
Đối với nước ta, hàng năm các doanh nghiệp đa số tuyển dụng công nhân đã được đào tạo, nhưng không phải trả tiền đào tạo. Việc quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đào tạo nghề cho người lao động (theo quy định của Bộ luật lao động) mới quy định trách nhiệm trong việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho
người lao động, nghề dự phòng cho lao động nữ, nhưng không có chế tài bắt buộc người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Hiện nay, Luật dạy nghề quy định Quỹ hỗ trợ học nghề bao gồm nguồn tài chính do các doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan, tổ chức đóng góp tự nguyện. Chính phủ quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý và sử dụng.
Thứ hai, là đổi mới chính sách ưu đãi đối với các Trường cao đẳng nghề:
- Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi cho các Trường cao đẳng nghề vay vốn để mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo.
- Hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với các Trường cao đẳng nghề: Chính sách giao đất, cho thuê sử dụng đất, chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động của trường cao đẳng nghề, chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, dụng cụ thí nghiệm phục vụ cho hoạt động dạy nghề.
- Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; mua sắm thiết bị dạy nghề cho các trường cao đẳng nghề thuộc doanh nghiệp Nhà nước; xây dựng cơ sở vật chất để cho các trường tư thục có thể thuê.
- Mở rộng cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu chỉ tiêu dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo đối với các trường để đào tạo các nghề mũi nhọn, các nghề khó tuyển sinh và đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách. Ưu tiên đặt hàng chỉ tiêu dạy nghề đối với các trường đã đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề.
Thứ ba, chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề:
- Xây dựng các chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị theo nghề và chuẩn cơ sở vật chất đối với các trường cao đẳng nghề.
- Tập trung đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho các trường được quy hoạch trở thành trường đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, trường chuẩn quốc gia.
- Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, vùng căn cứ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến, tỉnh khó khăn về kinh tế và huyện nghèo.
4.3.1.3. Chính sách đối với giáo viên dạy nghề
Thứ nhất, về chế độ, chính sách khuyến khích, thu hút giáo viên dạy nghề:
Cần tiếp tục ban hành những chính sách, chế độ đối với giáo viên dạy nghề mang tính đồng bộ nhằm khuyến khích, thu hút những người có tài, có đức làm giáo viên dạy nghề, gồm:
- Cải cách chế độ tiền lương: Xem xét cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên
dạy nghề theo hướng tính đến đặc thù nghề nghiệp, nhằm thu hút người có tài, có tâm huyết làm giáo viên dạy nghề. Đồng thời đề cập đến cả chế độ ưu đãi đối với giáo viên dạy nghề miền xuôi lên công tác ở cơ sở dạy nghề miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
- Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn các ngạch viên chức giáo viên dạy nghề và
sắp xếp đội ngũ theo chức danh: Để sắp xếp giáo viên dạy nghề theo chức danh, cần
sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn các ngạch viên chức giáo viên dạy nghề.Tiêu chuẩn là cơ sở để xây dựng chương trình bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cũng như xác định nội dung đào tạo giáo viên dạy nghề mới phù hợp với chuẩn trình độ. Đồng thời là cơ sở sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy nghề tạo nên cơ cấu trình độ hợp lý.
- Có chính sách khuyến khích, thu hút nghệ nhân, lao động có tay nghề cao đã từng trực tiếp tham gia lao động sản xuất có nguyện vọng làm giáo viên dạy nghề để đào tạo thành giáo viên dạy nghề.
Thứ hai, chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên:
- Đầu tư xây dựng các trường Đại học sư phạm kỹ thuật đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.
- Xây dựng khoa sư phạm nghề ở một số trường cao đẳng nghề mạnh, có yếu tố vùng miền. Các khoa sư phạm nghề này có nhiệm vụ:
+ Đào tạo phần sư phạm cho những người đã có trình độ chuyên môn kỹ thuật mà có nguyện vọng trở thành giáo viên dạy nghề.
+ Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho đội ngũ giáo viên dạy nghề theo chương trình khung chứng chỉ sư phạm kỹ thuật dạy nghề.
- Có chính sách đưa giáo viên đi đào tạo tại nước ngoài: Bên cạnh việc phát huy sức mạnh nội lực để nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề. Muốn theo kịp trình độ
các nước trong khu vực và trên thế giới cần mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao số lượng giáo viên dạy nghề được đi đào tạo tại nước ngoài sử dụng nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia hoặc học bổng do Chính phủ nước bạn giúp. Đặc biệt là các ngành nghề mũi nhọn mà Việt nam chưa có khả năng để đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, cần có sự tính toán khoa học, lựa chọn chính xác trong việc đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách.Giáo viên đó khi về nước phải là hạt nhân, truyền thụ lại các kiến thức cho các giáo viên khác.
Thứ ba là, đổi mới công tác quản lý, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy nghề
- Tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên dạy nghề để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu ngành nghề.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên dạy nghề.
- Phân công, phân cấp trách nhiệm từ cơ sở dạy nghề đến cơ quan quản lý các cấp.
- Tiếp tục xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và quản lý đội ngũ giáo viên dạy nghề. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo viên dạy nghề thông qua hệ thống co sở dữ liệu chung.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề, nhất là thanh tra, kiểm tra công tác chuyên môn và quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
- Tăng cường công tác dự báo, đổi mới công tác xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ giáo viên dạy nghề.