Đối với một số nhóm nợ xấu do doanh nghiệp “con nợ” có hàng tồn kho không thể bán được. Đối với những trường hợp này việc hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh lý hàng tồn kho là giải pháp hữu hiệu nhất. Chính phủ có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong trường hợp này thông qua việc giảm thuế, miễn thuế để doanh nghiệp hạ giá thành, kích thích tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho. Hàng tồn kho được giải quyết, doanh nghiệp có vốn để tiếp tục quay vòng phục hồi sản xuất. Từ đó, sẽ có tiềm lực để trả nợ cho các TCTD.
• Đối với khoản nợ được đánh giá mất hoàn toàn khả năng thu đòi (ví dụ doanh nghiệp nợ bị phá sản, tài sản đảm bảo không còn giá trị). Cần xác định rõ trách nhiệm của TCTD trong những trường hợp này. TCTD phải chấp nhận chịu lỗ, trích dự phòng rủi ro để giải quyết, thậm chí phải cắt lợi nhuận của ngân hàng để bù đắp vào khoản nợ không thể thu hồi này.
• Đối với các khoản nợ có tài sản đảm bảo, khoản nợ doanh nghiệp “con nợ” có khả năng phục hồi nếu có sự hỗ trợ. Trong trường hợp này nên kết hợp giải pháp chứng khoán hóa nợ xấu và giải pháp mua bán chứng khoán nợ xấu.
Cần thực hiện biện pháp này bởi vì:
+ Việc chứng khoán hóa nợ xấu có giải quyết nhanh chóng, dứt điểm trong thời gian ngắn các khoản nợ xấu của các TCTD, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “con nợ” khơi thông nguồn vốn, có cơ hội phục hồi sản xuất.
+ Việc bán chứng khoán nợ xấu cho các “bên mua” là những đơn vị am hiểu lĩnh vực hoạt động của con nợ, có vốn, có năng lực xoay chuyển tình thế để tạo ra giá trị gia tăng sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều so với việc TCTD vẫn tiếp tục ôm những chứng khoán đó. Sẽ rất hợp lý nếu một công ty sản xuất hàng tiêu dùng mua lại một công ty sản xuất bao bì đang bế tắc vì nợ nần, hay một công ty giấy mua lại một công ty chuyên sản xuất bột giấy…
+ Việc chứng khoán hóa nợ xấu sau đó mới tiến hành mua bán các chứng khoán này sẽ vừa giúp khơi thông được nguồn vốn cho doanh nghiệp “con nợ”, giải quyết nợ xấu trên báo cáo tài chính của các TCTD, đồng thời có thể thu lại vốn thông qua việc bán các chứng khoán nợ xấu cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Trong khi đó, nếu chỉ chứng khoán hóa nợ xấu thì TCTD cũng có thể gặp rủi ro trong trường hợp doanh nghiệp “con nợ” sau khi được chứng khoán hóa không thể phục hồi, mà TCTD cũng không có khả năng để khôi phục được con nợ. Hoặc nếu không chứng khoán hóa nợ xấu mà thực hiện mua bán nợ luôn thì thời gian giải quyết được hệ thống nợ xấu sẽ mất rất nhiều thời gian vì thực tế việc thành lập một công ty mua bán nợ quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng như dự định của NHNN hiện nay rất khó thực hiện, các doanh nghiệp mua bán nợ dã tồn tại như DATC và MAC đã ra đời khá lâu nhưng hiệu quả hoạt động cũng rất thấp, trong khi đó để đợi các doanh nghiệp có nhu cầu tìm đến để mua nợ thì cũng tốn không ít thời gian. Chính vì thế, trong lúc để cho thị trường mua bán nợ có thể đi vào quỹ đạo thì việc chứng khoán nợ xấu sau đó thực hiện bán các chứng khoán nợ xấu này thông qua cơ chế sàn giao dịch sẽ giải quyết được những vướng mắc được đặt ra.
+ Việc kết hợp cả hai giải pháp sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 phía. Phía doanh nghiệp mang nợ, giúp đơn vị mang nợ phục hồi hoạt động, thanh lý nợ xấu và cân đối cơ cấu tài chính. Phía ngân hàng, có thể giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu mà không mất nhiều thời gian. Phía doanh nghiệp mua chứng khoán nợ, có cơ hội mua lại các doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho hoạt động của mình với giá hời, phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp con nợ cũng có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mua, thậm chí ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp con nợ không còn một cơ sở phục hồi nào và chỉ còn cái “xác” doanh nghiệp mua nợ cũng có thể được mua vì việc sử dụng một cái “xác” đang hoạt động thua lỗ sau đó chuyển đổi mô hình hoạt động sẽ đem lại lợi ích về tiết kiệm thuế thu nhập doanh nghiệp mua nợ…