Việt Nam có quá trình tăng trưởng tín dụng khá mạnh, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2008 – 2011 xấp xỉ 25%. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới 2007 - 2008 cũng như sự kéo dài của khủng hoảng nợ công của khu vực châu Âu đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời với đó là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, sự đóng băng của thị trường BĐS.
Kể từ cuối năm 2008, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, sau đó là vấn đề lạm phát cao. Những tác động tiêu cực này khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng cầu chậm lại, trong 6 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng kinh tế ước chỉ đạt 4,38% so với cùng kỳ năm 2011. Các chỉ số
tiêu dùng (gồm cả chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp và chỉ số tiêu dùng cá nhân) tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp chỉ số tồn kho tăng mạnh và ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước, tại thời điểm 01/6/2012, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng kỳ năm 2011. Hàng tồn kho nhiều dẫn đến đọng vốn trong sản xuất kinh doanh và làm tăng nợ xấu của các TCTD. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay có năng lực tài chính yếu, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu nhỏ và khả năng ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng nhanh: năm 2011 có 79.014 doanh nghiệp và tính từ đầu năm đến ngày 21/6/2012 có khoảng 25.250 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2011 (23.358 doanh nghiệp bị phá sản trong 6 tháng đầu năm 2011).
Do bối cảnh thực tiễn gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp suy giảm khiến các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ ngân hàng và nợ xấu tăng lên là vấn đề khó tránh khỏi.