Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã và đang thúc đẩy phát triển mạnh ngành may. Tuy nhiên, ngành may có đặc thù sử dụng nhiều lao động này cũng đang đặt ra cho địa phương bài toán nan giải. Hiện nay, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn với mục tiêu thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm cho người dân địa phương nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, đặc biệt là lượng lao động nông nhàn. Nhiều ngành nghề được chú trọng đầu tư phát triển ở nông thôn như: Dệt, sợi, nhuộm, may mặc và da giày… Năm 2012, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành dệt may, da giầy tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó mục tiêu chung đối với ngành dệt may là: tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dệt may là một ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Giữ vững vị trí là một trong nhóm ngành xuất khẩu hang đầu của tỉnh, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tạo thêm nhiều việc làm mới, đóng góp cao vào GDP của tỉnh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh khu vực và thế giới của ngành dệt may Việt Nam. Định hướng chung của tỉnh Hưng Yên: đa dạng hóa và nâng cao chất lượng mặt hàng; tăng nhanh tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu và kết hợp với phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, những mặt hàng không chịu áp đặt hạn ngạch; khuyến khích đầu tư phát triển phụ kiện ngành dệt may; từng bước hình thành công nghiệp hỗ trợ nhằm hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Tăng cường đổi mới công nghệ, tập trung phát triển theo chiều sâu, hạn chế phát triển theo chiều rộng, nâng cao trình độ thiết kế. Phấn đấu sau năm 2020, trên địa bàn tỉnh hình thành trung tâm thiết kế mẫu, trình diễn thời trang. Khuyến khích, ưu tiên phát triển ngành may, đầu tư về địa bàn nông thôn gắn với quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn.
Hiện nay, thách thức đối với quản trị nhân lực trong doanh nghiệp may ở tỉnh Hưng Yên còn rất lớn. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp không phải là thiếu
vốn hay trình độ, trang bị kỹ thuật chưa hiện đại mà là làm thế nào để quan trị nhân lực cho hiệu quả. Đó chính là những khó khăn sau:
- Nhận thức chưa đúng của nhiều lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp về vai trò then chốt của nguồn nhân lực và quản trị nhân lực đối với thành công của doanh nghiệp;
- Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động thấp. Đặc biệt là cán bộ quản lý giỏi về quản trị nhân lực; cùng lúc doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động có trình độ lành nghề cao nhưng lại thừa lao động không có trình độ. Điều này khiến nhiều khâu của công việc không có người thực hiện, năng xuất lao động không cao;
- Đời sống kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ, nhiệt tình và hiệu quả làm việc của người lao động;
- Ý thức tôn trọng luật pháp chưa cao và luật pháp được thực hiện chưa nghiêm túc; Tác phong và kỷ luật công nghiệp chưa phù hợp của người lao động;
- Mối quan hệ giữa người lao động với chủ doanh nghiệp chưa được chú ý đúng mức, chưa xác lập được mối quan hệ bình đẳng, hợp tác; Người lao động chỉ được coi là một yêu tố của chi phí sản xuất, không được nhìn nhận như một nguồn tài sản quý báu của doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Hưng Yên…