6. Cấu trúc của luận văn
3.2.2.2. Tư tưởng “tùy duyên”
Trong Đội gạo lên chùa, “tùy duyên” là tư tưởng cốt lõi của tiểu
thuyết. Tùy duyên hành đạo, tùy duyên vui với đạo, cũng tùy duyên mà xuất đạo. Tinh thần tùy duyên được nhà văn gửi gắm ngay khi chưa mở đầu thiên
truyện. Việc trích dẫn bốn câu thơ trong Cư trần lạc đạo phú của vua Trần
Nhân Tông như một sự hé lộ cho độc giả thấy tư tưởng thông suốt tác phẩm:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc san, hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền.”
(Ở giữa cõi trần vui với Đạo hãy tùy duyên, Đói thì ăn, hề mệt ngủ liền.
Trong nhà sẵn báu, tìm đâu nữa, Đối cảnh vô tâm, hỏi chi Thiền.)
“Tùy duyên” được thể hiện trong cuộc đời của sư Vô Trần, của chú tiểu
An, và các nhân vật khác (bà Thu,...). Các nhân vật bắt đầu từ cửa thiền, sống bất ly thế gian, tùy duyên ở cảnh đời nào cũng vui với Đạo. Đến với đạo từ thuở nhỏ, họ có niềm say mê mãnh liệt với cửa thiền, nhưng duyên trần còn nặng, họ đã tùy duyên mà xuất đạo, cũng có người do hoàn cảnh xô đẩy mà
đến với cửa thiền. Vô Trần từ nhà sư trở thành nhà cách mạng, trở thành một nhà chỉ huy quân sự tiếng tăm lừng lẫy, suốt đời thực hiện công việc bảo vệ bình yên cho tổ quốc, không ngại gian khổ hi sinh một lòng phụng sự kháng chiến đến ngày toàn thắng. An có duyên với chùa Sọ, một lòng muốn xuất thế tu thiền. Ngay cả khi cuộc đời cần cậu, cậu vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ với Tổ quốc, trở thành nhà sư bộ đội. Rồi cũng tùy duyên, chú trở về với cõi nhân gian cùng với người bạn gái từ thuở ấu thơ cứu sinh độ thế. Câu chuyện về bà Thu - mẹ Bernard cũng là một minh chứng chân thực cho tinh thần “tùy duyên” của đạo Phật. Vốn là một cô gái quê nhan sắc, vì quá nghèo đói nên đã định vào chùa làm ni cô nương nhờ cửa Phật. Nhưng mang thân gái hồng nhan, bà luôn bị bọn trai làng trêu ghẹo. Sư bà ở chùa thương tình cho Thu
một đồng bạc và bảo: “Thầy thấy con vừa có sắc, lại vừa lanh lợi tháo vát. Ngay từ đầu thầy đã biết con chưa có duyên với Phật. Thôi thì sống ở đời cũng được. Chỉ cốt con có cái tâm. Tâm là Phật con ơi” [33, 47]. Không thể
theo đạo, bà lạy tạ sư bà rồi lên Hà Nội kiếm sống, trở về với cuộc nhân sinh. Như vậy, người Phật tử có thể tu ở mọi lúc, mọi nơi. Gặp cảnh an bình cũng tu. Gặp cảnh oan nghiệt cũng tu. Tu ở chùa và cũng có thể tu ở cõi nhân sinh, ở chính cuộc đời.
Qua câu chuyện cuộc đời các nhân vật, Nguyễn Xuân Khánh muốn thể hiện tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo - vốn được khởi nguồn từ những vị tăng thống như Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, và đạt tới đỉnh cao với những vị tăng đế thời nhà Trần.
Thái độ khai phóng, không chấp trước, một lối ứng xử khởi mở, một
triết lý sống đúng với tinh thần “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” của thiền Việt
Nam cũng được gửi gắm sâu sắc qua cuộc đời vị sư cụ chùa Sọ - hòa thượng Vô Uý. Trong tác phẩm, sư Vô Uý hiện ra với đầy đủ diện mạo, tính cách
một ông già nhỏ thó, đầu nhẵn bóng, da hồng hào, lông mày trắng toát. Hàm răng đen nhưng nhức, gần bảy chục tuổi rồi mà vẫn không gẫy một chiếc răng nào. Ông cụ có một gương mặt rất tươi. Trông thấy cụ là thấy nụ cười trên môi. Cụ thường nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày” [33, 266]. Cuộc đời sư Vô
Uý là một ví dụ trực quan sinh động cho lối sống “tùy duyên” của dòng Việt Phật. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, dù là tồi tệ đến đâu (chịu sự khủng bố của chính quyền tề ngụy, chịu sự lộng hành đầy tăm tối của chính quyền nông dân thời cải cách ruộng đất, bị bắt rồi bị tra tấn dã man đến chết đi sống lại...), cụ vẫn “tùy duyên” mà vượt qua nó. Mọi sóng gió của cuộc đời
được cụ gói gọn trong một chữ “nghiệp”. Cụ luôn tâm niệm: “Có nghiệp thì phải trả”. Vì thế, mỗi lần bị hỏi cung, bị tra tấn, cụ chỉ cần niệm hồng danh
đức Phật là có thể vượt qua mọi sóng gió với cái tâm an nhiên như mặt nước
hồ thu: êm đềm, phẳng lặng. “A di đà Phật” như một câu thần chú đem lại
một sức mạnh kỳ diệu giúp sư cụ Vô Uý chống chọi với những đau đớn thể xác để không làm trái với những niềm tin của cả đời mình.