Các nhà nghiên cứu bàn về ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu Ngôi kể trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly & Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 41 - 44)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.1.Các nhà nghiên cứu bàn về ngôi thứ nhất

Theo giáo sư G.N Pospelov, trần thuật từ ngôi thứ nhất là hình thức

trần thuật mà “khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật trên thực tế bị thủ tiêu, điểm nhìn hai phía hòa nhập vào một” [79, 90]. Đây là kiểu kể chuyện “mang tính chất “cá nhân”, có tính bộc lộ chủ quan và sắc thái cảm

xúc cao độ chiếm ưu thế” [79, 91]. Tại đây, người trần thuật “nhìn thế giới theo con mắt của một nhân vật, thâm nhập vào suy nghĩ và ấn tượng của người ấy” [79, 91]. Tính chất cá nhân, tính chủ quan với sắc thái cảm xúc cao

được giáo sư G.N. Pospelov đặc biệt nhấn mạnh.

Hình thức kể ngôi thứ nhất, còn gọi là hình thức nhân vật kể chuyện, chủ thể xưng “tôi” trong tác phẩm. Khác với hình thức kể chuyện ngôi thứ ba, chủ thể kể chuyện trong trường hợp này được đặt vào trong chính các sự kiện, tình tiết với tâm thế của người trong cuộc. Đây chính là lúc nhu cầu bộc bạch thế giới nội cảm hoặc các sự kiện của tâm tư, tâm trạng, cảm xúc của chủ thể kể chuyện phong phú và trực tiếp hơn. Ngôi thứ nhất cho phép người kể trực tiếp kể những gì mình nghe, mình thấy, mình trải qua, nói ra cảm tưởng, ý nghĩ của mình. Câu chuyện được kể, do đó, chủ quan, tình cảm, khơi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật làm tăng tính chân thực, thuyết phục cho tác phẩm. Goeth từng nhấn mạnh vai trò của kiểu kể chuyện ngôi thứ nhất trong tiểu

thuyết: “Tiểu thuyết sử dụng ngôi thứ nhất trở thành phương tiện để che giấu bớt cái chủ quan (subjectivité) này của các tác giả, đồng thời cũng cho phép họ xác lập các chủ thể mang tính lý tưởng (subjectivité idéale) [66, 432]. Theo đó, “câu chuyện được kể trở thành câu chuyện về một cái tôi cá nhân cụ thể nào đó bởi lẽ cái tôi rất riêng ấy là nhân chứng duy nhất của những sự kiện được kể. Từ đó, trần thuật ở ngôi thứ nhất tạo ra hình thức tồn tại của nhân vật, cho phép nhân vật hồi sinh và gắn với quãng đường đã qua của chính nhân vật” [66, 433]. Câu chuyện về cá nhân đó với những suy nghĩ,

cảm xúc, tâm trạng trước những đổi thay của cuộc sống trở thành tiêu điểm của việc tổ chức trần thuật, cho việc thể hiện quan điểm tự sự của tác giả.

Kể chuyện từ ngôi thứ nhất ở mức độ đậm đặc như một thủ pháp, một kỹ xảo vì ở đó, tác giả được tung bút, được tự do nói về mọi chuyện của mình, có vẻ như không động chạm và phương hại đến ai. Nhà văn Nguyễn

Công Hoan đã nhấn mạnh hiệu quả của kiểu kể chuyện từ ngôi thứ nhất khi nói về kinh nghiệm sáng tác của mình:

“Ngoài hình thức kể chuyện mà tác giả làm như một người ngoài truyện (tức ngôi thứ ba), còn có một hình thức khác nữa là tác giả làm như chính mình là người trong truyện. Tác giả vờ đóng vai chủ động để kể chuyện mình, xưng với độc giả là Tôi...

Khi một chuyện diễn ra từ đầu đến cuối bằng nhiều cảnh, nhiều việc thì tác giả nên đóng vai người ngoài đã nhìn thấy những cảnh, những việc ấy mà kể lại cho độc giả nghe... nhưng khi một tiểu thuyết chỉ dựa vào cảnh, vào việc để nói lên sự diễn biến của tâm lý, tư tưởng thì người viết dùng hình thức kể chuyện cũng không sao. Nhưng tốt hơn là nên dùng hình thức mình kể chuyện mình. Mình nói tâm lý, tư tưởng mình, thì nếu vai trò chủ động là một người có tâm lý xấu hoặc có nhiều ý nghĩ ngốc nghếch, dại dột, đáng buồn cười thì chi bằng tác giả nhận phăng ấy là vai mình. Mình kể chuyện mình xưng là Tôi, thì dù ai xấu, ngốc dại như người trong truyện, có bị chạm nọc, họ cũng không giận tác giả đã lật tẩy họ” [66, 380].

Thêm vào đó, trần thuật từ ngôi thứ nhất xưng tôi còn là “một phương thức biểu đạt độc đáo mập mờ quy cả về tác giả, cả về người kể chuyện và cả về nhân vật”. Roland Barthes cho rằng, so với vai “nó”, vai “tôi” ít tính nước

đôi hơn, nên chính vì thế nó cũng ít tính tiểu thuyết hơn: như thế nó vừa là giải pháp tức thì nhất khi truyện kể còn nằm ở phía bên này quy ước (R.Barthes dẫn chứng tiểu thuyết của M.Proust) vừa được tinh luyện nhất, khi vai tôi nằm ở phía bên kia quy ước và toan phá huỷ quy ước bằng cách đưa câu chuyện kể trở lại vẻ tự nhiên giả tạo của một lời tâm sự (tác giả dẫn chứng trường hợp A.Gide). Vì ít tính nước đôi nên phương thức kể từ ngôi thứ nhất thường tạo độ tin cậy nhất định. Người đọc cũng dễ dàng thâm nhập vào thế giới nội tâm đầy phức tạp và bí ẩn của nhân vật qua lời kể trung thực,

chân thành của chính họ. Trần thuật từ ngôi thứ nhất xưng tôi là hình thức kể chuyện đáp ứng được “khát vọng giãi bày” của nhân vật (một phần nào đó cũng là của cái tôi nhà văn). Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến tiểu thuyết Việt Nam đương đại đặc biệt ưa chuộng hình thức trần thuật này.

Khi trần thuật ở ngôi thứ nhất, tức người kể được nhân vật hoá, sẽ thoả mãn được hai chức năng: một là chức năng miêu tả hoàn cảnh, thời gian, không gian, các biến cố sự kiện, hai là chức năng phát hiện ra thế giới bên trong của nhân vật người kể chuyện. Ở đây, người kể chuyện không chỉ kể mà còn đóng vai trò là một nhân vật, do vậy, tất yếu phải biểu hiện những quan niệm, suy nghĩ, tình cảm với ngôn ngữ, giọng điệu của một con người cụ thể. Nhờ thế, tạo ra hai hiệu quả: tạo ra ảo giác ở độc giả về tính khách quan của câu chuyện và thể hiện đậm nét dấu ấn chủ quan của người kể chuyện.

Ngôi thứ nhất cho phép người đọc như đọc những câu chuyện từ đáy lòng mình, chân thành, cảm động và đáng ghi nhớ. Bởi khi nhà văn để cho nhân vật tự cất lên tiếng nói của mình, nó sẽ giúp người đọc khám phá ra một bình diện mới có tính toàn vẹn - một bản ngã đích thực. M.Bakhtin đã khẳng

định điều này khi nghiên cứu nhân vật của Đôx: “ở con người, bao giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hành động tự do của sự tự ý thức và lời nói, điều này không thể nào xác định được từ bên ngoài, từ “sau lưng con người” [66, 461].

Một phần của tài liệu Ngôi kể trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly & Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 41 - 44)