Sự đan xen ngôi kể với việc tạo nên những nhân vật lập thể

Một phần của tài liệu Ngôi kể trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly & Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 73 - 75)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Sự đan xen ngôi kể với việc tạo nên những nhân vật lập thể

Sự đan xen ngôi kể, bên cạnh việc đem lại hiệu quả nghệ thuật cao cho điểm nhìn trần thuật còn góp phần to lớn trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm Hồ Quý Ly và tuyến nhân vật chính. Cách kể xen cài ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất cho phép nhà văn liên tục thay đổi điểm nhìn, dịch chuyển điểm nhìn, theo đó, các nhân vật được soi chiếu kĩ lưỡng trên nhiều góc cạnh, nhiều chiều kích, theo nhiều quan điểm có khi đối

lập nhau. Do vậy, các nhân vật trong Hồ Quý Ly đều mang tính lưỡng diện:

Hồ Quý Ly có thể là người hiểm ác, dùng mưu mô để thoán ngôi đoạt vị nhưng cũng là người đa mưu túc trí, thông minh hơn người, nhạy bén với thời cuộc; Trần Khát Chân là một dũng tướng văn võ song toàn nhưng lại là người tiếc nuối quá khứ, đi ngược lại bánh xe lịch sử... Chọn một thời điểm lịch sử nhạy cảm, viết về một nhân vật lịch sử hết sức phức tạp mà cho đến nay những quan niệm trái chiều xung quanh ông còn chưa ngã ngũ, nếu không biết vận dụng một cách nghệ thuật, sáng tạo với sự đan xen linh hoạt các hình

thức ngôi kể, sẽ không thiết tạo được một hệ thống điểm nhìn đa dạng thì có lẽ cùng lắm, Nguyễn Xuân Khánh chỉ có thể làm sinh động lịch sử bằng cách thêm thắt, hư cấu một số chi tiết mà thôi. Song, bằng ngòi bút sáng tạo đầy đột phá, nhà văn đã xây dựng thành công tác phẩm với cấu trúc mở, giàu tính đối thoại, nói về quá khứ lịch sử nhưng chất chứa nhiều suy ngẫm sâu sắc về thực tại.

Tiếp theo Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa thể hiện bút lực dồi dào cùng

khả năng sáng tạo độc đáo của Nguyễn Xuân Khánh ở phương diện ngôi kể. Cùng lựa chọn kết hợp hai hình thức kể ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba khi trần thuật nhưng ở mỗi tác phẩm, cách kết cấu đan xen ngôi kể mỗi khác. Nếu ở

Hồ Quý Ly, tác giả để người kể chuyện trần thuật ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba gần như một bản đàn “ngẫu hứng” thì Đội gạo lên chùa lại được cấu trúc

trong sự xen cài logic lần lượt hai hình thức. Chúng tôi tạm gọi cách cấu tạo đó là kết cấu ngôi kể vòng. Chương I - Trôi sông - gồm 18 phần, được kết cấu theo dây đan 3 - 1 (ngôi thứ ba -> ngôi thứ nhất). Chương II - gồm 5 phần nhưng không đi theo lối mòn của chương I mà lại là một bước đi đầy sáng tạo của nhà văn theo lối kết cấu ngược với dây đan 1 - 3 (ngôi thứ nhất -> ngôi thứ ba). Kết thúc tác phẩm là sự trở lại của hình thức dây đan 3 - 1 ở 8/9 phần, riêng phần cuối, nhà văn lựa chọn hình thức kể ngôi thứ nhất nhằm tăng cường mức độ tin cậy của câu chuyện, đồng thời cũng nhằm thể hiện một cách sâu sắc nhất quan điểm, cách nhìn của mình về cõi nhân sinh.

Dõi theo ngôi kể trong tác phẩm, độc giả dễ dàng nhận thấy có một sự kết nối hữu hình từ đầu đến cuối truyện. Kết thúc chương III cũng chính là lúc hình thức kể đan xen đi được một cuộc hành trình (3 - 1, 1 - 3, 3 - 1 và 1). Phải chăng đây cũng chính là cuộc đồng hành của con người và đạo Phật trong xã hội Việt Nam qua quãng đường đầy giông tố của lịch sử.

Không chỉ các phần trong chương có sự đan xen, dịch chuyển liên tục ngôi kể mà trong mỗi phần nhỏ của chương cũng xuất hiện sự chuyển dịch ngôi kể. Phần 5, 8, 18 của chương I thể hiện rõ nét điều này. Trong phần 5 - Sư Vô Trần, diễn ra sự đan xen ngôi kể liên tục (3 - 1 - 3): trước khi để nhân vật An

nhập vai “tôi” kể lại chuyện sư thúc Vô Trần - “một ông sư lại là một nhà cách mạng”, tác giả đã vào đầu bằng sự thắc mắc của “chú tiểu An” về sự nổi xung của thằng Căn (con trai Vô Trần) khi nghe một đứa trẻ hát to câu: “Ba cô đội gạo lên chùa - Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư”, tức là mở đầu bằng

hình thức kể chuyện ngôi thứ ba. Điểm đặc biệt là dù để cho nhân vật lộ diện

xưng “tôi” kể lại những gì mà An “tìm hiểu, lượm lặt” được nhưng cách kể

của An lại hoàn toàn khách quan theo cái nhìn khách quan của ngôi thứ ba, thành thử câu chuyện được kể lại hết sức tự nhiên, sống động. Hình tượng người kể xưng “tôi” ở đây thực chất chỉ là một thủ pháp nghệ thuật tinh vi của nhà văn tài ba Nguyễn Xuân Khánh nhằm kết nối câu chuyện linh hoạt, mềm mại, hấp dẫn. Phần 8 lại là một kiểu chuyển dịch khác của ngôi kể: 8.1 (chúng tôi tạm quy ước vì ở đây tác giả không chia phần) được kể theo ngôi ba, từ 8.2 -> 8.7 câu chuyện lại được triển khai theo ngôi thứ nhất... Sự xen cài, chuyển đổi liên tục ngôi trần thuật như thế, tất yếu tạo ra sự chuyển dịch điểm nhìn, sự gia tăng điểm nhìn, làm phong phú điểm nhìn trần thuật.

Một phần của tài liệu Ngôi kể trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly & Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 73 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)