Ngôi thứ nhất và cái nhìn sâu sắc về các nhân vật khác trong

Một phần của tài liệu Ngôi kể trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly & Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 47 - 50)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.2. Ngôi thứ nhất và cái nhìn sâu sắc về các nhân vật khác trong

Bên cạnh những trang tâm sự về bản thân mình, Nguyên Trừng cũng cho độc giả một cái nhìn sâu sắc hơn về cha anh.

Lật giở theo từng trang kí ức, Hồ Nguyên Trừng từng bước đưa bạn đọc đến gần hơn với hình ảnh Hồ Quý Ly. Trước hết, ông hiện ra là một con

người hữu hình về diện mạo: “cha tôi là một con người chắc nịch, đậm, bộ mặt vuông vức có chòm râu đen nhánh” [31, 321]. Ông “thâm trầm”, “khoẻ mạnh, cương nghị, đầy tham vọng và quyết đoán”. “Hơn nữa, cha lại là một con người lạnh lùng tính toán. Đối với ông, sự nghiệp là điều trên hết; tất cả phải phục vụ sự nghiệp” [31, 324]. Đó là phải thực hiện bằng được cái chí của người quân tử - cái chí của “một hòn đá nhỏ muốn làm mây làm mưa để tưới khắp cho muôn nhà” (Thử nhất quyền kỳ thạch, hữu thì vi dân vi vũ, dĩ nhận sinh dân - Hòn đá bằng nắm tay này có lúc làm mây làm mưa để thấm nhuần cho dân) [31, 52]. Trong con mắt của Nguyên Trừng, Hồ Quý Ly là một người có chí lớn hơn người, nhưng cũng là một người “đa nghi đa sát”.

Câu chuyện về Bùi Mộng Hoa đã minh chứng rõ nét.

Hồ Quý Ly, qua những trang tự thuật của Nguyên Trừng hiện ra rõ nét với cái tài kinh bang tế thế, chí khí hơn người, một vị thái sư đa mưu túc trí, thông minh hơn người nhưng cũng đầy những toan tính mưu mô để thực hiện cái chí làm mây làm mưa thấm nhuần thiên hạ. Để làm được một cuộc đổi đời, một cuộc đảo lộn trời long đất lở, Quý Ly ra sức bổ sung phe cánh, thu thập nhân tài say mê lý tưởng Minh đạo của ông, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Ông không ngần ngại lấy con trai mình làm mồi câu giữa hai dòng nước chảy về hai hướng của phe Tôn thất nhà Trần và phe đổi mới của ông. Để Hồ Nguyên Trừng làm “nội gián”, Hồ Quý Ly qua đó muốn Thái bảo Trần Nguyên Hàng hiểu được cái lòng của một kẻ nhạy cảm với cái mới, luôn khát khao dùng những chính sách mới mẻ của mình tái sinh đất nước, và quan trọng hơn, ông muốn quan Thái bảo dần rút lui khỏi cuộc đối đầu quyền lực.

Những toan tính của Hồ Quý Ly, theo Nguyên Trừng là hợp lý bởi “ở một thời điểm chính sự có thể coi là nước sôi lửa bỏng, trong một hoàn cảnh, vị thế của cha tôi, thì bất cứ một chuyện gì cũng không thể tách rời khỏi những mưu toan chính trị được” [31, 58].

Dõi theo con mắt của người kể chuyện xưng “tôi”, hình tượng nhân vật Hồ Quý Ly hiện ra rõ ràng, sâu sắc. Ở ông vừa có cái chí lớn của bậc quân tử, tài cao học rộng mưu lược hơn người, có tham vọng lớn lao muốn đổi thay đất nước, có cả những toan tính mưu mô, nhưng cũng có cả nỗi cô đơn khủng khiếp của một con người. Bảo là nỗi cô đơn của một kẻ thoán nghịch cũng được, mà bảo là nỗi cô đơn của kẻ làm một việc lớn cũng được. Con người ấy sắt đá là thế, cương nghị là thế nhưng cũng có những lúc đầy mệt mỏi trên

con đường thực hiện chí lớn. “Cha tôi đang ngồi vắt chân chữ ngũ, một tay đặt trên kỷ, một tay chống cằm, đầu rũ xuống. Ngọn bạch lạp lung linh làm cái bóng mờ của cha tôi trên tường di chuyển trong khi cái bóng thật của cha tôi ngồi im bất động” [31, 95]

Hình ảnh ấy của cha khiến lòng Nguyên Trừng “chợt thấy dâng lên một niềm thương”, thương cho một con người đầy quyền uy nhưng cũng đầy cô đơn và

mệt mỏi.

Để Nguyên Trừng xưng tôi trần thuật câu chuyện về Hồ Quý Ly là một sự lựa chọn khéo léo của Nguyễn Xuân Khánh. Một mặt, là người một nhà với Quý Ly, lại là người gần gũi với cha, hiểu cha; Nguyên Trừng thấu hiểu những suy nghĩ, những hành động của cha mình. Mặt khác, không giống như em trai Hồ Hán Thương luôn đam mê tư tưởng canh tân của cha mình, nhất nhất theo cha phục dựng sự nghiệp, cũng không như Nguyên Hàng hay Trần Khát Chân luôn sống chết bảo vệ những quy tắc của cha ông, Nguyên Trừng đứng riêng mình một phái. Vì vậy, cái nhìn của chàng không thiên về canh tân hay bảo thủ, đó là cái nhìn chung cho con người thời đại. Góc nhìn ấy

thấy được điều gì là hợp lý, điều gì là cần thiết cho vận mệnh đất nước và điều gì không cần khi một quốc gia đang trong quá trình mục ruỗng. Nó cho phép người đọc đọc và cảm nhận bằng những suy nghĩ của mình chứ không hề áp đặt một cách nghĩ nào.

Một phần của tài liệu Ngôi kể trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly & Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)