Ngôi thứ nhất với việc đi sâu vào tâm hồn nhân vật xưng “tôi”

Một phần của tài liệu Ngôi kể trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly & Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 45 - 47)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.1. Ngôi thứ nhất với việc đi sâu vào tâm hồn nhân vật xưng “tôi”

trong Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly viết về thời kỳ cuối nhà Trần, mà tâm điểm là nhân vật từng

gây tranh cãi trong lịch sử - Hồ Quý Ly.

Ở Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh lựa chọn hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất ở các chương, phần: chương II - Hồ Nguyên Trừng, chương VI - Cô gái vườn mai, phần 1, 2 chương XII - Đường lên Yên Tử và phần 3, 4, 5 chương XIII - Hội thề Đốn Sơn. Tại đây, câu chuyện được kể qua người kể

chuyện ngôi thứ nhất - nhân vật Hồ Nguyên Trừng. Người kể chuyện ở đây xuất hiện một cách tường minh trong tác phẩm, với tư cách một nhân vật,

tham gia vào các sự kiện, biến cố của cốt truyện và đứng cùng bình diện với các nhân vật khác. Hồ Nguyên Trừng kể về chính cuộc đời của mình với tiểu sử, chân dung, cảm xúc, suy nghĩ, cách nhìn nhận và đánh giá về cha anh - nhân vật trung tâm Hồ Quý Ly, về thời “thiên túy” và những vấn đề của cuộc sống con người.

Bằng cách kể chuyện từ ngôi thứ nhất, trước hết, Nguyễn Xuân Khánh

để Hồ Nguyên Trừng tự phác họa chân dung mình qua lời tự thuật: “Tôi là Lê Nguyên Trừng, hay nói cho đứng hơn tôi là Hồ Nguyên Trừng. Theo gia phả từ xưa để lại, ông tổ của chúng tôi Hồ Hưng Dật từ miền Triết Giang Trung Hoa, vào thời Ngũ Quý, đã sang đất Giao Chỉ làm quan ở Diễn Châu. Trải qua mười hai đời, đến đời cụ Hồ Liêm lại di cư sang trương Đại Lại phủ Thanh Hoa làm con nuôi quan tuyên úy Lê Huấn; từ đấy chi họ Hồ ở Thanh Hoa đổi làm họ Lê. Cha tôi, Lê Quý Ly là cháu bốn đời của cụ Hồ Liêm [...]hàng quan nhất tể triều đình” [31, 51].

Với cái tôi tự thuật, Hồ Nguyên Trừng trước hết kể về bản thân mình với tiểu sử, nguồn gốc dòng tộc, gia đình.... Tiếp đó, anh hiện hữu trong các mối quan hệ.

Trần thuật theo ngôi thứ nhất giúp con người trong tác phẩm không chỉ hiện ra với tên tuổi, lai lịch rõ ràng mà còn cả phần hồn sống động như bản thân đời sống. Chọn cái tôi tự thuật với phương thức trần thuật chủ quan tức là sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn của một nhân vật - Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Xuân Khánh có khả năng nhìn thấy được mọi biến cố trong câu chuyện, có khả năng đi sâu vào thế giới nội cảm của nhân vật. Phương

thức trần thuật “có tính chất nội quan” (GS Nguyễn Văn Hạnh) này giúp

người trần thuật có điều kiện phô bày, diễn tả tất cả những gì là thầm kín, là sâu thẳm nhất của thế giới bên trong, thế giới tâm hồn. Cái tôi chủ quan, cái tôi kí ức có thể khám phá sự đa dạng, phức tạp trong đời sống nội tâm của

chính mình. Và, chỉ trong tầng sâu thẳm của mình, Hồ Nguyên Trừng mới có thể nói lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình về cuộc sống cung đình, về những trăn trở hay những việc làm của cha anh trong công cuộc thoán ngôi đoạt vị, về vận mệnh của đất nước trước cơn bão táp lịch sử và số phận con người thời “tao loạn”; thậm chí cả những dục vọng đắm say, những cảm xúc yêu đương với Quỳnh Hoa hay Thanh Mai - những xúc cảm thầm kín, riêng

tư nhất cũng được chàng nói đến. “Ở Quỳnh Hoa tôi được nhấm nháp cái hương vị tinh tế của bông hồng trong chậu cảnh” [31, 340], “nàng xõa mái tóc trùm kín lên người tôi; để cuối cùng là những rung động, run rẩy xóa tan đi mọi sự ấp úng, bỏ nốt những rào chắn cuối cùng dẫn ta trở về niềm tin cậy, về với sự lột vỏ hòa đồng, xóa sạch mọi giả dối ở đời” [31, 64]. “Còn ở Thanh Mai tôi mới hiểu cái hương vị nồng nàn của thứ lan rừng [...]. Người đàn bà ấy cuốn tôi vào cuộc tình, lúc êm đềm, lúc man dại... Đôi vú phì nhiêu kiều diễm của nàng làm tôi chợt hé nhìn thấy một điều bí ẩn [...]. Thanh Mai nhắm hờ mi mắt, giang tay đón tôi vào khúc đàn ái ân đầy mới lạ [...]. Đôi tay ấm áp lúc mơn trớn, lúc níu kéo, lúc buông lơi. Đôi mắt chớp chớp, lim dim, chúng đón nhận ánh vàng bạch lạp, giữ những giọt sáng ở đó để chúng tỏa ra sắc cầu vồng trên hàng mi mà chỉ riêng mình tôi trông thấy [...]. Tôi còn nghe thấy cả tiếng phập phồng của con tim nàng nữa. Không nghe bằng tai mà nghe bằng những làn da” [31, 341].

Như thế, kể chuyện từ ngôi thứ nhất không chỉ mô tả cái ý thức hiện hữu mà còn có khả năng khám phá, phô diễn những ẩn ức, những ám ảnh vô thức ẩn chứa bên trong sâu thẳm của nhân vật. Nghĩa là nó có khả năng khám

phá “con người trong con người”. Nếu không phải trần thuật từ ngôi thứ nhất,

ắt hẳn nhân vật sẽ không có được sức sống nội tại như vậy.

Một phần của tài liệu Ngôi kể trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly & Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)