Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mình TPHCM vẫn tiếp tục cần sự trợ giúp từ các tổ chức PCPNN và chủ trương kêu gọi, vận động sự hỗ trợ của các tổ chức PCPNN trên nhiều lĩnh vực. Để tiếp tục định hướng và khai thác viện trợ PCPNN một cách hợp lý, phù hợp với nhu cầu của mình, đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trong thời gian tới, tại TPHCM cần quan tâm đến các nội dung như:
- Cần chủ động xây dựng danh mục vận động tài trợ theo nhu cầu ưu tiên của ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Cần tìm hiểu, xác định kỹ tránh trùng lặp nơi quá nhiều, nơi quá ít dự án mà phải điều phối được dự án về nội dung và lượng tài chính.
- Đầu tư, chuẩn bị kỹ nội dung các chương trình, dự án vận động. Những thông tin dữ liệu đưa ra trong các chương trình, dự án càng cụ thể,
được luận chứng càng xác thực thì quá trình tiếp nhận và triển khai dự án càng có tính khả thi cao, càng nâng tính bền vững của dự án. Đồng thời điều này sẽ giúp cung cấp thông tin cho đối tác nước ngoài để họ dễ tìm hiểu hơn và hướng đối tác nước ngoài vào quỹ đạo, các kênh cần thu hút viện trợ của chúng ta.
- Cần chủ động thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức PCPNN (đang hoạt động hoặc chưa có hoạt động tại TPHCM) bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, không chỉ nhằm mục đích vận động, tranh thủ sự hỗ trợ của họ cho các chương trình, dự án của thành phố mà còn góp phần mở rộng quan hệ hữu nghị giữa hai bên.
- Cần xây dựng kế hoạch và kiến nghị Bộ Tài chính, nghiên cứu bố trí vốn đối ứng cho các dự án của các tổ chức PCPNN tương tự như đang áp dụng với các chương trình viện trợ chính thức (ODA). Đây cũng là khuynh hướng chung khi ngày càng nhiều tổ chức PCPNN yêu cầu phía Việt Nam phải có nguồn vốn đối ứng tương ứng.