2.3.2.1. Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng cần phải thừa nhận QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN là một công việc mới mẻ, nhạy cảm và phức tạp do đó không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế nhất định. Đó chính là:
Về mặt thủ tục pháp lý. Các văn bản quy định trong việc QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN vẫn còn nhiều bất cập. Có rất nhiều quy định cho dù đã không còn phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế hiện nay và gây không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhưng vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Có thể thấy điều này qua một số dẫn chứng cụ thể như: Việc quy định các tổ chức PCPNN có giấy phép hoạt động không được phép thuê người lao động, thuê văn phòng làm việc nhưng thực tế quy định này là bất hợp lý và không thể áp dụng được; Thủ tục tiếp nhận hàng viện trợ (nhất là hàng đã qua sử dụng) rất khó khăn, phức tạp và có những qui định chưa hợp lý đối với hàng hóa đã qua sử dụng cần phải có xác nhật của cơ quan kiểm định (trong khi không phải nước nào cũng có cơ quan này); Chưa
có quy định cụ thể về hình thức quản lý đối với đội ngũ tình nguyện viên, về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hội đoàn quần chúng, quy định về việc tổ chức gây quỹ của các tổ chức PCPNN (trong khi đây lại là xu thế phát triển mạnh gần đây)…
Cũng theo xu hướng chung, số lượng các tổ chức PCPNN cũng như tính chất phức tạp trong hoạt động sẽ ngày càng gia tăng. Ngày càng có nhiều tổ chức chuyển hướng từ viện trợ trực tiếp sang các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp tình nguyện viên hoặc muốn phối hợp, tài trợ cho các đối tác không phải là cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền mà là nhóm hội đoàn, nhóm từ thiện, tổ chức, hội, quỹ xã hội, các quỹ từ thiện không phải là cơ quan trực thuộc chính quyền. Trong khi đó, các văn bản quy định về những vấn đề này vẫn còn chưa đầy đủ và thống nhất. Nên quá trình giải quyết vẫn chưa thống nhất mà linh hoạt theo từng trường hợp. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc lớn trong quá trình quản lý
Trong công tác phối hợp quản lý, tại TPHCM do chưa có văn bản chính thức về quy chế phối hợp trong Tổ công tác về các tổ chức PCPNN nên dù các cơ quan chức năng đã có sự trao đổi thông tin và phối hợp trong quá trình quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN nhưng sự phối hợp đó vẫn chưa mang tính liên tục, chặt chẽ và ràng buộc cao. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đối tác Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thành phố với cơ quan quản lý còn thiếu đồng bộ và thống nhất. Nhiều cơ quan thụ hưởng còn thiếu tinh thần hợp tác với cơ quan quản lý trong việc hợp tác, chia sẻ thông tin.
Về việc thực hiện thể chế. Tuy đã xây dựng được bộ máy QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN nhưng việc quản lý tại TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn và mang nặng tính quản lý về mặt hành chính chưa đi sâu vào quản lý về thực chất. Điều này, thể hiện qua một số hiện tượng như:
ـ Nhiều tổ chức PCPNN ký kết chương trình hợp tác trực tiếp với các Bộ và cơ quan trung ương, sau đó được triển khai thực hiện tại các đơn vị trực thuộc ở thành phố. Tuy nhiên, khi các tổ chức trong số này không tiến hành đăng ký hoạt động theo quy định thì các cơ quan quản lý ở địa phương hầu như không nắm được các hoạt động của họ trên địa bàn của mình.
ـ Đôi khi, trong quá trình xem xét gia hạn hoặc cấp giấy phép cho các tổ chức PCPNN, Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN đã bỏ qua bước thu thập ý kiến địa phương nên có không ít trường hợp các tổ chức PCPNN được cấp, gia hạn, bổ sung giấy phép để hoạt động tại thành phố mà cơ quan QLNN tại TPHCM hầu như không nắm được các thông tin của tổ chức như người đại diện, có địa chỉ liên lạc, hoạt động cụ thể tại thành phố…
QLNN về việc tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN cũng còn nhiều vấn đề bất cập như:
- Quá trình thẩm định phê duyệt dự án và xin tiếp nhận viện trợ đôi khi còn kéo dài và mất nhiều thời gian do cần phải có ý kiến nhiều cơ quan khác nhau và quy trình thủ tục chưa thực sự khoa học nên thường kéo dài và đôi khi không tránh khỏi việc làm phiền lòng nhà tài trợ. Ngoài ra, từ việc e ngại các thủ tục nhiêu khê nên ngày càng có nhiều cơ quan đối tác Việt Nam cố tình bỏ qua một số thủ tục hành chính hoặc tìm cách lách các quy định (như hợp tác, tiếp nhận viện trợ mà không báo cáo, hoặc nhận viện trợ trước rồi báo cáo ghi thu chi sau…) điều này càng gây thêm nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý.
- Vẫn còn nhiều đối tác Việt Nam coi nguồn viện trợ là nguồn trên trời rơi xuống nên quản lý sử dụng không chặt chẽ hoặc buông lỏng thiếu trách nhiệm trong quá trình quản lý như chi sai mục đích, chi phí cho công tác hành chính (trả lương cán bộ làm dự án, chi phí đi lại…) quá cao, thất thoát tài chính… dẫn đến dự án không đạt hiệu quả. Thậm chí, đôi khi có cơ quan đối tác Việt Nam còn để nguồn viện trợ ngoài nguồn ngân sách, không báo
cáo Sở Tài chính làm thủ tục ghi thu, ghi chi hoặc không tiến hành thủ tục xin phê duyệt tiếp nhận viện trợ. Ngược lại, cũng có một số cơ quan đối tác lại quá cứng nhắc không cho các tổ chức PCPNN được tham dự bất cứ công đoạn nào của việc quản lý tài chính, kể cả giám sát, khiến các nhà tài trợ không hài lòng và không mong muốn tiếp tục hợp tác. Tất cả những điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả thực chất của dự án.
- Việc quản lý thông tin các nhà tài trợ còn thiếu chủ động, nhiều đối tác Việt Nam còn mù mờ về nhà tài trợ và khả năng ngân sách của nhà tài trợ. Dẫn đến việc nhiều thỏa thuận dự án được trình phê duyệt trong khi nhà tài trợ thực sự chưa có kinh phí dành cho dự án hoặc mới bắt đầu tiến hành gây quỹ. Lại có một số đối tác không coi trọng yếu tố bền vững nên khi dự án kết thúc hoặc nguồn tài trợ không còn thì các hoạt động cũng chấm dứt.
- Số liệu các báo cáo của các cơ quan quản lý vẫn còn có sự chênh lệch lớn và chưa phản ánh chính xác tình hình viện trợ tại thành phố. Thực tế trong những năm gần đây chỉ có khoảng 3/5 các đơn vị có tiếp nhận viện trợ có báo cáo gửi cơ quan QLNN trong khi có nhiều đơn vị tiếp nhận viện trợ rất nhiều lại không có báo cáo cụ thể. Bên cạnh đó, có nhiều dự án ký kết ở cấp trung ương được triển khai thực hiện ở thành phố nhưng cũng thiếu sự thông báo và phối hợp trong quản lý. Do đó, vẫn chưa thể quản lý một cách đầy đủ và chính xác nguồn viện trợ này.
- Việc tổng kết, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ sau khi dự án kết thúc cũng chưa được quan tâm thực hiện tốt. Cho đến nay chủ yếu mới chỉ quản lý được ở quá trình xin tiếp nhận viện trợ mà chưa quản lý được việc nguồn viện trợ này sẽ được tiếp tục duy trì, sử dụng ra sao khi dự án kết thúc. Chính từ việc chưa thể đánh giá một cách chính xác kết quả đem lại của các dự án nên cho dù đến nay đã có rất nhiều dự án tiếp nhận viện trợ của các tổ chức PCPNN, nhưng các cơ quan nhà nước vẫn chưa xây dựng được một
chương trình đúc kết một cách tổng hợp các dự án tiêu biểu và có tính bền vững, những mô hình có hiệu quả có thể nhân rộng được mang tính vĩ mô.
Công tác quản lý về con người mới chỉ đơn thuần là quản lý về mặt nhân sự, hành chính mà chưa thực sự gắn với quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN. Vẫn còn hiện tượng nhiều tổ chức tuyển dụng nhân viên theo các tiêu chí riêng của mình mà không thông qua cơ quan tuyển dụng theo quy định. Các chính sách và quy chế về quản lý hoạt động viện trợ, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ cũng như các quy định về nhập cảnh chưa được phổ biến kịp thời cho nhân viên Việt Nam làm việc tại các tổ chức PCPNN. Cũng như chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các tổ chức PCPNN với cơ quan có chức năng tuyển dụng và quản lý người lao động.
Đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN còn nhiều hụt hẫng và chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ, năng lực của lực lượng cán bộ làm công tác quản lý và quan hệ với các tổ chức PCPNN còn thiếu, yếu và còn nhiều hạn chế như:
- Hạn chế về nhận thức. Từ hạn chế về nhận thức nên dẫn đến cái nhìn thiên lệch hoặc quá coi trọng nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN chỉ thấy trước hết là nguồn lợi về vật chất được hưởng từ đó nặng về hàm ơn và chỉ thấy mặt tích cực của các tổ chức PCPNN chứ không chú ý đến khía cạnh phức tạp trong hoạt động của các tổ chức này. Hoặc ngược lại, quá thiên về khía cạnh phức tạp mà hạn chế hiệu quả của công tác PCPNN. Cũng từ nhận thức hạn chế mà dẫn đến tình trạng mất cảnh giác, buông lỏng trong quản lý tạo ra khe hở dễ bị lợi dụng.
- Hạn chế về năng lực. Hạn chế về năng lực thể hiện ở trình độ chuyên môn, ngoại ngữ hạn chế, kiến thức xã hội và kiến thức trên các lĩnh vức khác còn mỏng, tác phong làm việc thiếu năng động, kỹ năng làm việc thiếu tính chuyên nghiệp… Bên cạnh đó một loạt vấn đề thuộc về ý thức như thói vô trách nhiệm, cửa quyền, tư lợi, thiếu sáng tạo, thiếu sự phối hợp của
một bộ phận cán bộ quản lý cũng khiến cho công tác quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN không đạt hiệu quả mong muốn
- Hạn chế về tầm nhìn. Cũng một phần vì hạn chế này mà cho đến nay trong công tác QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN tại thành phố, vẫn chưa có một chiến lược vận động và quản lý tổng thể và lâu dài được xây dựng. Điều này khiến cho công tác quản lý vẫn chưa thoát khỏ tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, hiện tượng tự phát mạnh ai nấy làm vẫn còn tiếp diễn.
Do đó, xuất phát từ những hạn chế nêu trên yêu cầu về hình thành một đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao và bản lĩnh chính trị vững vàng để làm tốt công tác thẩm định, điều hành, quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN đã thực sự trở thành một thách thức lớn hiện nay.