PCPNN và cơ chế phối hợp
Nội dung QLNN về hoạt động PCPNN có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan, nhiều cấp chính quyền. Do đó, để hệ thống các cơ quan này hoạt động có hiệu quả giữa chúng cần xác lập mối quan hệ chặt chẽ, đúng đắn tạo thành một cơ chế đồng bộ trong QLNN đối với hoạt động của các tổ chức PCPNN. Tất cả những yêu cầu này muốn thực hiện được phải được luật hóa thành những nguyên tắc và quy định cụ thể.
Như đã phân tích ở chương 2, bộ máy tổ chức QLNN về hoạt động của các tổ chức PCPNN ở nước ta hiện nay đã được cơ bản hình thành bao quát từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương do đặc thù khác nhau lại có một cơ chế quản lý hoạt động PCPNN khác nhau.
Tại TPHCM, bộ máy quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN đã được hình thành tương đối đầy đủ với việc thành lập Tổ công tác về các tổ chức PCPNN. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đối với từng cơ quan cũng như lĩnh vực cụ thể mà mình phụ trách cũng đã được quy định tương đối rõ ràng. Tuy nhiên trong thời gian tới để bộ máy này hoạt động hiệu quả hơn nữa cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, phải phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan đầu mối quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN. Theo Chỉ thị 19/CT-TW Ban Bí thư thì phải coi trọng việc củng cố cơ quan đầu mối viện trợ PCPNN cả ở trung ương và địa phương. Việc củng cố phải được thực hiện trên mọi khía cạnh, từ cơ cấu tổ chức đến chất lượng đội ngũ cán bộ, từ phương thức tiếp cận đến các mối quan hệ.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị đã được UBND thành phố giao làm cơ quan đầu mối trong quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp quản lý Liên hiệp vẫn chưa thực sự làm tốt các
quan đầu mối, trong thời gian tới UBND thành phố cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và có sự hỗ trợ nhiều mặt cho Liên hiệp cả về cơ sở pháp lý, bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ lẫn kinh phí hoạt động. Cụ thể
- UBND thành phố cần sớm ra quyết định chính thức quy định cơ chế, tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của Liên hiệp trong quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN
- Ban hành văn bản yêu cầu, hướng dẫn các cơ quan đối tác Việt Nam, lãnh đạo các quận huyện khi muốn tiếp nhận các khoản tài trợ hay hợp tác với các tổ chức PCPNN cần thông qua cơ quan đầu mối là Liên hiệp.
- Chỉ đạo các cơ quan thành viên trong Tổ công tác về các tổ chức PCPNN phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp trong quá trình xử lý công việc
- Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ quan Liên hiệp
Bên cạnh đó, Liên hiệp cũng cần khẳng định vai trò của cơ quan đầu mối như cần nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; Nắm vững quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương, từng thời kỳ và nhu cầu vận động, tài trợ; Nắm vững các tổ chức PCPNN, dự án mình quản lý; Kịp thời tham mưu đề xuất lãnh đạo thành phố về các vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức PCPNN và có cách tiếp cận xử lý công việc sâu sát nhưng mềm dẻo.
Hai là, cần nâng cao hiệu quả phối hợp trong quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN. Dù đã thành lập được hơn 2 năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức xác định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Tổ công tác về các tổ chức PCPNN. Dẫn đến kết quả là việc phối hợp quản lý còn chưa thống nhất và nhuần nhuyễn. Do đó, trong thời gian tới cần phải:
- Xác định rõ chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên trong Tổ công tác về các tổ chức PCPNN cũng như thẩm quyền, trách nhiệm đó bao gồm những nội dung cụ thể gì.
- Xác định rõ hệ thống cơ chế phối hợp trong Tổ công tác về các tổ chức PCPNN. Trong đó phải lưu ý đảm bảo phạm vi hoạt động, nội dung hoạt động và quyền lợi gắn liền với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan quản lý. Làm sao phải khuyến khích sự nhiệt tình, sáng tạo của các thành viên đồng thời có tác dụng ngăn chặn, răn đe, điều tiết các hành vi sai trái, tiêu cực.
Bên cạnh việc đó cũng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý với các cơ quan, đơn vị có quan hệ phối hợp, tiếp nhận viện trợ của các tổ chức PCPNN, các địa phương nơi tổ chức PCPNN có hoạt động. Cũng cần lưu ý, trong quá trình xây dựng bộ máy và thiết lập quan hệ phải lưu ý chú trọng việc xây dựng và củng cố các mối quan hệ ngang – dọc – chéo chứ không thể một chiều. Có như vậy thì cơ chế phối hợp mới đầy đủ, thống nhất và quan hệ phối hợp mới rõ ràng.