Ngoài những kiến nghị đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ các nghiên cứu, luận điểm trong luận văn này, có thể rút ra một số đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thực thi các quy định về pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn tại Việt Nam.
Thứ nhất, cần xây dựng cơ chế phối hợp chung giữa các cơ quan thực thi các quy định về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo.
Ở Việt Nam, quá trình thực thi các quy định về cạnh tranh không lành mạnh nói chung cũng như cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo nói riêng ngoài Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, còn có nhiều cơ quan khác
như: Cục Sở hữu trí tuệ, Thanh tra một số Bộ (Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Thông tin và Truyền thông…), một số Sở ban ngành ở địa phương (Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ,…). Do đó:
Để thực thi các quy định có hiệu quả, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nêu trên trên nhiều khía cạnh: phối hợp trong nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo; phối hợp trong tham vấn đánh giá và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo; phối hợp trong trao đổi thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu chung về các vụ việc đã xử lý… [32].
Thứ hai, cần nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi các quy định về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam. Việc nâng cao năng lực cần được thực hiện ở nhiều góc độ như nâng cao năng lực con người, nâng cao số lượng và chất lượng cán bộ, hoàn thiện cơ sở vật chất…
Một mặt, cần đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao trình độ cho các cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh nói chung và các cơ quan quản lý về hoạt động quảng cáo nói riêng, đặc biệt là đối với các cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn. Hiện tại, Cục Quản lý cạnh tranh đang tập trung vào việc đào tạo thông qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước, các chuyến thực tập học hỏi kinh nghiệm và kiến thức tại các cơ quan cạnh tranh khác và một số công tác đào tạo nội bộ. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục các hoạt động đào tạo đang có cần phải xây dựng thêm nhiều hoạt động đào tạo khác, trong đó chú trọng đào tạo các kỹ năng và nghiệp vụ chuyên sâu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, phương tiện và công cụ làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh nói riêng.
Theo số liệu năm 2010, Ủy ban Thương mại lành mạnh liên bang Hoa Kỳ có khoảng trên dưới 1000 cán bộ trong đó đa phần là các luật sư hoặc tiến
sỹ kinh tế. Đối với các cơ quan quan cạnh tranh của Nhật Bản và Hàn Quốc, số lượng cán bộ cũng trên dưới 700 người và hầu hết là có trình độ cao về luật pháp và kinh tế. Hiện tại ở Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi Luật Cạnh tranh (trong đó có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và 03 pháp lệnh về phòng vệ thương mại chỉ có số cán bộ trên dưới 80 người. Ngoài ra, cơ sở vật chất chỉ được trang bị như mọi cơ quan hành chính thông thường dù phải thực thi hoạt động của một cơ quan điều tra về cạnh tranh, phòng vệ thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, yêu cầu nâng cao năng lực về mọi mặt cho bộ phân trực tiếp thực thi các quy định về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam là một yêu cầu bức thiết.
Thứ ba, cần xây dựng một cơ chế hợp tác quốc tế liên quan đến thực thi các quy định về cạnh tranh không lành mạnh nói chung và hoạt động cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo nói riêng, trong đó chứa đựng các quy định điều chỉnh hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn.
Hiện tại, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam, đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan và tổ chức quốc tế về cạnh tranh trên thế giới. Biểu hiện của sự hợp tác đó là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ về chuyên môn, hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo về cạnh tranh cũng như các lĩnh vực liên quan… Tuy nhiên:
Cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung cũng như các dạng vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo nói riêng (bao gồm hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn) đang có nhiều biến tướng và ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, việc hợp tác để giải quyết các vụ việc cụ thể cũng như cùng nhau chia sẻ các kiến thức lý luận và thực tiễn trong quá trình thực thi sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên [28].
Thứ tư, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội đối với pháp luật cạnh tranh thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh tại các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo về cạnh tranh,… Các hoạt động này cần phải không ngừng được mở rộng và phải được xây dựng phù hợp hơn nữa với nhu cầu và đối tượng được tuyên truyền.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, bổ sung các hình thức tuyên truyền mới trong đó có nhiều hình thức đã được triển khai hiệu quả tại các nước khác hoặc trong các lĩnh vực khác ở chính Việt Nam.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Tính khả thi trong việc nâng cao hiệu lực thi hành của một chế định pháp luật trước hết phụ thuộc vào khả năng áp dụng trên thực tế những quy phạm pháp luật được quy định trong đó. Quan điểm, đường lối và chính sách của Nhà nước trong bất kỳ một lĩnh vực nào cũng đều được thể hiện thông qua các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề đặt ra. Đối với lĩnh vực pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, định hướng cơ bản của Nhà nước là tôn trọng và bảo vệ quyền được cạnh tranh và tham gia cạnh tranh trong hoạt động quảng cáo. Nhà nước chỉ can thiệp và kiểm soát đối với những hành vi quảng cáo nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn.
Giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực thi hành pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn ở Việt Nam trước tập trung vào hai mảng hoạt động chính, đó là những giải pháp trong hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Nhận định chung cho thấy, hiệu quả quản lý phụ thuộc rất lớn vào mối tương thích và sự kết hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa hai mảng hoạt động này. Việc xây dựng và ban hành pháp luật về quảng cáo phải được tiến hành phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở của thực tiễn, lấy thực
tiễn làm cơ sở lý luận cho hoạt động của mình. Ở chiều ngược lại, hoạt động thực thi pháp luật cũng phải được tuân thủ thực hiện một cách nghiêm chỉnh, theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật mà Nhà nước ban hành. Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo cần quán triệt, đề cao tinh thần tôn trọng và tuân thủ pháp luật, kết hợp với sự chủ động sáng tạo hợp lý trong hoạt động thi hành pháp luật của mình, để đạt được hiệu quả quản lý cao nhất, tăng cường hiệu lực thi hành pháp luật nói chung cũng như hiệu lực thi hành pháp luật về kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn nói riêng.