Hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, xét dưới góc độ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã xâm phạm hoặc đưa đến khả năng xâm phạm lợi ích cũng như những quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Với việc cung cấp những thông tin quảng cáo dẫn đến sự nhầm lẫn đối với khách hàng, hành vi này đã vô tình hoặc cố ý gây ra những thiệt hại không đáng có cho người tiêu dùng từ việc quyết định lựa chọn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dựa trên những thông tin quảng cáo được đưa ra. Khoản 1 Điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định cụ thể hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là một trong những hành vi bị cấm thực hiện. Như vậy có thể thấy, với việc luật hóa thành quy định cấm, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ghi nhận hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn như là một dạng hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và cộng đồng xã hội. Điều này xuất phát từ một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ là quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, đã sử dụng và những thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung ứng trên thị trường (Khoản 2 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Do vậy, việc ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các
hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn chính là góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, vai trò của các Hiệp hội cũng như trách nhiệm của chính quyền cũng được thể hiện khá rõ nét.
Một điều dễ nhận thấy là các hiệp hội đang ngày càng đóng một vai trò và có tiếng nói quan trọng trong đời sống xã hội nói chung. Những hiệp hội với sự đa dạng của các ngành nghề, ngày càng thể hiện vị thế của mình, khẳng định sự tồn tại qua những hoạt động thiết thực. Trong lĩnh vực pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, vai trò của hiệp hội càng được thể hiện rõ nét. Không thể phủ nhận rằng, các hiệp hội như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội doanh nhân Việt Nam đã và đang góp một tiếng nói lớn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đôi khi, chính những tổ chức này là nơi phát hiện và đưa ra những chứng cứ cho thấy các hành vi của cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo gây nhầm lẫn, vi phạm Luật cạnh tranh. Vì vậy, trong thời gian tới, các hiệp hội cần đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật nói chung và những quy định của pháp luật về kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn nói riêng, để người tiêu dùng nhận thực được đầy đủ hơn các quyền và lợi ích của bản thân họ; đồng thời góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi các hành vi đi ngược lại với quảng cáo lành mạnh; chung tay xây dựng và bảo vệ một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả.
Bên cạnh vai trò của các hiệp hội, trong bất kỳ một chế định pháp luật nào, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan công quyền cũng là nhân tố không thể thiếu trong việc triển khai và thực thi pháp luật. Lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nói chung cũng như pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn nói riêng cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, trực tiếp giám sát và thực thi pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn là Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thuơng.
Với chức năng thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xử lý các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn. Bên cạnh những vụ việc được phát hiện và xử lý từ những khiếu nại của các doanh nghiệp hay bản thân người tiêu dùng, thì những vụ việc được khởi xướng điều tra từ quyết định của Cục Quản lý cạnh tranh cũng góp phần đáng kể trong việc phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực pháp luật này. Thực tế trong hai năm trở lại đây đã cho thấy, những vụ việc quảng cáo gây nhầm lẫn bị phát hiện và xử lý chiếm áp đảo trong số những vụ việc vi phạm quảng cáo không lành mạnh. Điều này phần nào thể hiện tính hiệu quả trong công tác điều tra và xử lý các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Luật cạnh tranh đã liệt kê ba hành vi quảng cáo bị pháp luật cạnh tranh nghiêm cấm thực hiện. Đó là quảng cáo so sánh, quảng cáo bắt chước và quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn. Có thể nhận thấy đây cũng là ba dạng hành vi quảng cáo không lành mạnh đặc trưng trong pháp luật cạnh tranh của nhiều quốc gia, thể hiện rõ các yếu tố không lành mạnh điển hình là
"công kích", "lợi dụng" và "gây nhầm lẫn".
Qua 5 năm thực thi Luật cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, đã tiếp nhận và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh 28 vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, chủ yếu trong số đó là quảng cáo gian dối hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn. Như vậy, nếu so với tổng số vụ việc đã được Cục Quản lý cạnh tranh xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh trong 5 năm kể từ khi Luật cạnh tranh có hiệu lực, thì đây là loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh chiếm tỷ lệ lớn nhất (28/61 vụ), đã phần nào chứng tỏ các quy định về quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh nói chung và quảng cáo gây
nhầm lẫn nói riêng là quy định được thực hiện hiệu quả nhất. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng, điều này chứng tỏ hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực này đã tăng lên đáng kể.
Quảng cáo là một trong những hành vi được thực hiện phổ biến nhất trong các hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại và kinh doanh của doanh nghiệp. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, bằng cách này hay cách khác, nhiều doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn để thu hút các khách hàng cả tin, đặc biệt trong bối cảnh thị trường phức tạp và một bộ phận người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết như tại Việt Nam. Vì vậy dạng hành vi này sẽ vẫn còn là điểm nóng trong các dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xử lý trong tương lai.
Chương 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC THI HÀNH PHÁP LUẬT KIỂM SOÁT HÀNH VI
QUẢNG CÁO GÂY NHẦM LẪN Ở VIỆT NAM
3.1. ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH TRỊ, CƠ SỞ LÝ LUẬN
Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đã quy định những nguyên tắc cơ bản nhất cho sự vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường ở Việt Nam như: khẳng định sự tồn tại lâu dài của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường (Điều 15); ghi nhận nguyên tắc tự do kinh doanh (Điều 57); quyền bình đẳng trước pháp luật của các chủ thể kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế (Điều 22); Nhà nước bảo hộ sở hữu đối với vốn và tài sản hợp pháp của cá nhân và tổ chức (Điều 22, Điều 23, Điều 58); bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng (Điều 28). Như vậy, lần đầu tiên, những nguyên tắc vận hành của kinh tế thị trường đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận và khẳng định là những nguyên tắc Hiến định, đặc biệt là nguyên tắc tự do kinh doanh. Cạnh tranh cũng như các quy luật kinh tế khác, chỉ tồn tại và phát triển trên nền tảng của tự do kinh tế. Ghi nhận quyền tự do kinh doanh của các chủ thế kinh doanh, tức là pháp luật cũng ghi nhận và bảo hộ quyền được cạnh tranh hợp pháp, lành mạnh của họ.
Cũng trong Điều 28, chương II - Chế độ kinh tế, có quy định:
Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bất hợp pháp, mọi hành vi phá hoại nền kinh tế quốc dân làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nhà nước có chính sách bảo hộ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng [28].
Như vậy, bên cạnh việc khẳng định quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, Hiến pháp năm 1992 cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc trong việc xử lý các hành vi kinh doanh bất hợp pháp (những hành vi này cũng bao gồm cả những hành vi cạnh tranh không lành mạnh), qua đó Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng xã hội.
Từ các quy định mang tính nguyên tắc trong Hiến pháp năm 1992, Luật Doanh nghiệp năm 1999 và sau đó là Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã cụ thể hoá thành các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong pháp luật; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh; Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp; tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính, trong trường hợp thật cần thiết bị trưng mua, trưng dụng thì doanh nghiệp được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm công bố trưng mua hoặc trưng dụng (Điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2005). Doanh nghiệp có quyền chủ động lựa chọn ngành, nghề;
địa bàn đầu tư; hình thức đầu tư, kể cả liên doanh, góp vốn vào doanh nghiệp khác; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; được lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp; có quyền tự chủ kinh doanh, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh
tranh; tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ;… (Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2005).
Việc quy định tương đối chi tiết, cụ thể về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở trên cũng được hiểu là pháp luật thừa nhận và cho phép các doanh nghiệp "quyền được cạnh tranh và tham gia cạnh tranh trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác)" [28]. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền cạnh tranh của các doanh nghiệp được thực hiện như thế nào, giới hạn phạm vi, phương thức, mức độ, cơ chế bảo đảm,… còn là những vấn đề đang tiếp tục được nghiên cứu để đi đến hoàn thiện.
Cạnh tranh cũng được xuất hiện dựa trên nền tảng của tự do khế ước, tự do hợp đồng, tự do xác lập các giao dịch trong kinh doanh, thương mại và đời sống dân sự thường ngày. Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 đã quy định những nguyên tắc cơ bản, chung nhất trong giao lưu dân sự (đây cũng là những nguyên tắc được áp dụng cho cả các giao lưu kinh tế, thương mại) như:
Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 10); Nguyên tắc tuân thủ pháp luật (Điều 11);
Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp (Điều 8); Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận (Điều 4); Nguyên tắc bình đẳng (Điều 5);
Nguyên tắc thiện chí, trung thực (Điều 6).
Các chủ thể kinh doanh có quyền tự do khế ước, tự do giao kết hợp đồng, song phải tuân theo các nguyên tắc: Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực, ngay thẳng.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như trong đời sống dân sự, nếu các chủ thể kinh doanh gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại; cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác có hành vi xâm phạm đến danh dự, uy tín của người sản xuất, kinh doanh mà gây thiệt hại cho
hoạt động sản xuất kinh doanh của người đó, thì phải bồi thường. Bộ luật Dân sự cũng quy định, các chủ thể có quyền và lợi ích bị xâm hại có thể khởi kiện yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Các cơ quan này có quyền quyết định buộc chủ thể vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, buộc bồi thường thiệt hại.
Có thể nói Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 đã bước đầu tạo ra những cơ sở pháp lý để điều chỉnh vấn đề cạnh tranh, cũng như quy định các nguyên tắc phục hồi quyền lợi cho các chủ thể kinh doanh khi bị các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (trong đó có hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn) xâm hại.
Luật Thương mại năm 2005 - đạo luật điều chỉnh trực tiếp các hoạt động thương mại trên thị trường Việt Nam, cũng đưa ra các quy định mang tính nguyên tắc về cạnh tranh trong thương mại. Nếu như ở Luật Doanh nghiệp, quyền cạnh tranh của các doanh nghiệp được hiểu gián tiếp qua các quy định về quyền của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thì theo Khoản 1 Điều 8 Luật Thương mại, thương nhân được cạnh tranh hợp pháp trong hoạt động thương mại. Nhằm hướng mục đích của pháp luật tới việc xây dựng và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất, người tiêu dùng, Luật Thương mại cũng quy định rõ: Thương nhân có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hoá và dịch vụ mà mình cung ứng, phải đảm bảo tính hợp pháp của hàng hoá bán ra. Khoản 3 Điều 9 Luật Thương mại cũng đưa ra các quy định cấm thương nhân thực hiện cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, trong đó có quy định cấm thương nhân gây nhầm lẫn cho khách hàng (Điểm b Khoản 3 Điều 9). Những quy định này sẽ giúp cho người tiêu dùng, có những thông tin, hiểu biết rõ ràng về sản phẩm hàng hoá, dịch vụ mà họ lựa chọn, tránh sự nhầm lẫn hoặc bị lừa dối. Bên cạnh đó, chính những quy định này cũng góp phần hạn
chế việc xâm hại của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất, đặc biệt là việc quy định phải đảm bảo tính hợp pháp công khai về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá.
Bên cạnh đó, Luật Thương mại năm 2005 cũng đã tiếp cận gần hơn, trực tiếp hơn trong việc điều chỉnh vấn đề cạnh tranh khi gọi tên và cấm đoán những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, những hành vi có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, gây thiệt hại cho lợi ích của quốc gia, lợi ích của những nhà sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng. Đó là các hành vi: Đầu cơ để lũng đoạn thị trường; bán phá giá để cạnh tranh; dèm pha thương nhân khác; ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe doạ nhân viên hoặc khách hàng của thương nhân khác; xâm phạm quyền về nhãn hiệu hàng hoá, các quyền khác về sở hữu công nghiệp của thương nhân khác; nâng giá, ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất, người tiêu dùng; lừa dối khách hàng, gây nhầm lẫn cho khách hàng;
bán hàng giả, bán hàng kém chất lượng, sai quy cách lẫn với hàng hoá đã đăng ký; quảng cáo gian dối; khuyến mãi bất hợp pháp; và các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp khác (Khoản 2 Điều 8 và Khoản 3 Điều 9). Luật cũng đưa ra cách thức bảo vệ cho thương nhân khi bị hành vi cạnh tranh không lành mạnh của thương nhân khác xâm hại. Trong trường hợp lợi ích hợp pháp bị xâm hại, người tiêu dùng, nhà sản xuất có quyền khiếu nại thương nhân có hành vi vi phạm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện thương nhân tại Toà án theo quy định của pháp luật (Khoản 5 Điều 9).
Như vậy, mặc dù chưa thật đầy đủ, song các quy định của Luật Thương mại năm 2005 đã phác họa những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc điều chỉnh pháp luật đối với vấn đề cạnh tranh. Tuy nhiên, do thiếu các quy định cụ thể về cơ chế áp dụng cũng như các quy định về biện pháp chế tài, trách nhiệm pháp lý của thương nhân vi phạm, nên các quy định của Luật Thương mại về vấn đề cạnh tranh chưa điều chỉnh được một cách thực sự toàn diện và đi vào đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì vậy,