Xét về bản chất, pháp luật cạnh tranh có mối quan hệ mật thiết và gắn bó chặt chẽ với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh, với mục đích cuối cùng hướng đến là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, thiết lập và duy trì một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, xét dưới góc độ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã xâm phạm hoặc đưa đến khả năng xâm phạm lợi ích cũng như những quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Với việc cung cấp những thông tin quảng cáo dẫn đến sự nhầm lẫn đối với khách hàng, hành vi này đã vô tình hoặc cố ý gây ra những thiệt hại không đáng có cho người tiêu dùng từ việc quyết định lựa chọn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dựa trên những thông tin quảng cáo được đưa ra. Khoản 1 Điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định cụ thể hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là một trong những hành vi bị cấm thực hiện. Như vậy có thể thấy, với việc luật hóa thành quy định cấm, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ghi nhận hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn như là một dạng hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và cộng đồng xã hội. Điều này xuất phát từ một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ là quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, đã sử dụng và những thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung ứng trên thị trường (Khoản 2 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Do vậy, việc ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các
hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn chính là góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, vai trò của các Hiệp hội cũng như trách nhiệm của chính quyền cũng được thể hiện khá rõ nét.
Một điều dễ nhận thấy là các hiệp hội đang ngày càng đóng một vai trò và có tiếng nói quan trọng trong đời sống xã hội nói chung. Những hiệp hội với sự đa dạng của các ngành nghề, ngày càng thể hiện vị thế của mình, khẳng định sự tồn tại qua những hoạt động thiết thực. Trong lĩnh vực pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, vai trò của hiệp hội càng được thể hiện rõ nét. Không thể phủ nhận rằng, các hiệp hội như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội doanh nhân Việt Nam đã và đang góp một tiếng nói lớn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đôi khi, chính những tổ chức này là nơi phát hiện và đưa ra những chứng cứ cho thấy các hành vi của cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo gây nhầm lẫn, vi phạm Luật cạnh tranh. Vì vậy, trong thời gian tới, các hiệp hội cần đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật nói chung và những quy định của pháp luật về kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn nói riêng, để người tiêu dùng nhận thực được đầy đủ hơn các quyền và lợi ích của bản thân họ; đồng thời góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi các hành vi đi ngược lại với quảng cáo lành mạnh; chung tay xây dựng và bảo vệ một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả.
Bên cạnh vai trò của các hiệp hội, trong bất kỳ một chế định pháp luật nào, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan công quyền cũng là nhân tố không thể thiếu trong việc triển khai và thực thi pháp luật. Lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nói chung cũng như pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn nói riêng cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, trực tiếp giám sát và thực thi pháp luật kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn là Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thuơng.
Với chức năng thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xử lý các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn. Bên cạnh những vụ việc được phát hiện và xử lý từ những khiếu nại của các doanh nghiệp hay bản thân người tiêu dùng, thì những vụ việc được khởi xướng điều tra từ quyết định của Cục Quản lý cạnh tranh cũng góp phần đáng kể trong việc phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực pháp luật này. Thực tế trong hai năm trở lại đây đã cho thấy, những vụ việc quảng cáo gây nhầm lẫn bị phát hiện và xử lý chiếm áp đảo trong số những vụ việc vi phạm quảng cáo không lành mạnh. Điều này phần nào thể hiện tính hiệu quả trong công tác điều tra và xử lý các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh.
KẾT LUẬN CHƢƠNG 2
Luật cạnh tranh đã liệt kê ba hành vi quảng cáo bị pháp luật cạnh tranh nghiêm cấm thực hiện. Đó là quảng cáo so sánh, quảng cáo bắt chước và quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn. Có thể nhận thấy đây cũng là ba dạng hành vi quảng cáo không lành mạnh đặc trưng trong pháp luật cạnh tranh của nhiều quốc gia, thể hiện rõ các yếu tố không lành mạnh điển hình là "công kích", "lợi dụng" và "gây nhầm lẫn".
Qua 5 năm thực thi Luật cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, đã tiếp nhận và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh 28 vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, chủ yếu trong số đó là quảng cáo gian dối hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn. Như vậy, nếu so với tổng số vụ việc đã được Cục Quản lý cạnh tranh xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh trong 5 năm kể từ khi Luật cạnh tranh có hiệu lực, thì đây là loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh chiếm tỷ lệ lớn nhất (28/61 vụ), đã phần nào chứng tỏ các quy định về quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh nói chung và quảng cáo gây
nhầm lẫn nói riêng là quy định được thực hiện hiệu quả nhất. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng, điều này chứng tỏ hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực này đã tăng lên đáng kể.
Quảng cáo là một trong những hành vi được thực hiện phổ biến nhất trong các hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại và kinh doanh của doanh nghiệp. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, bằng cách này hay cách khác, nhiều doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn để thu hút các khách hàng cả tin, đặc biệt trong bối cảnh thị trường phức tạp và một bộ phận người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết như tại Việt Nam. Vì vậy dạng hành vi này sẽ vẫn còn là điểm nóng trong các dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xử lý trong tương lai.
Chương 3