Các quy định pháp luật trong một số lĩnh vực cụ thể

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn tại Việt Nam (Trang 68 - 71)

Điều chỉnh hoạt động quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh hiện nay bên cạnh Luật cạnh tranh năm 2004 còn có một số văn bản pháp luật khác quy định điều chỉnh về hoạt động này như Luật thương mại năm 2005, Pháp lệnh quảng cáo năm 2001, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011)... Các quy định về hoạt động quảng cáo khi thoả mãn các dấu hiệu của hành vi cạnh tranh, nhằm xâm phạm đối thủ cạnh tranh hay người tiêu dùng vì mục đích cạnh tranh sẽ được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới dạng quảng cáo. Các quy định vi phạm hoạt động quảng cáo trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ là nguồn của pháp luật cạnh tranh khi điều chỉnh cũng như nhận dạng, xác định từng hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo khi những hành vi đó được chủ thể thực hiện vì mục đích cạnh tranh.

Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 quy định chi tiết thêm hai hành vi quảng cáo thương mại bị nghiêm cấm vi phạm tính trung thực về nội dung quảng cáo như hành vi quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác; và hành vi quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hoá, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá dịch vụ. Có ngoại lệ trong trường hợp này, đó là việc sản phẩm quảng cáo có nội dung so sánh hàng hóa của mình với hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sau khi có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng những hàng hóa này để so sánh, thì không bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới dạng quảng cáo so sánh. (Điều 22 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại).

Ngoài ra, Điều 3 Nghị định số 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13 tháng 3 năm 2003 quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh quảng cáo liệt kê 9 hành vi quảng cáo bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi: Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quảng cáo có tính chất kích thích bạo lực, kinh dị, dùng từ ngữ không lành mạnh; dùng hình ảnh người lãnh đạo Đảng và Nhà Nước Việt Nam; quảng cáo không đúng chất lượng hàng hoá, dịch vụ, không đúng địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ép buộc quảng cáo dưới mọi hình thức; quảng cáo hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông; làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm tại nơi làm việc của các cơ quan nhà nước; dùng âm thanh gây tiếng ồn vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam; "quảng cáo nói xấu, so sánh hoặc gây nhầm lẫn với cơ sở sản xuất, kinh

doanh, hàng hoá, dịch vụ của người khác" [4]; dùng danh nghĩa, hình ảnh của

tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo mà không được sự chấp thuận của tổ chức, cá nhân đó; quảng cáo thuốc chữa bệnh cho người bán theo đơn của

thầy thuốc; thuốc chưa được cấp đăng ký hoặc hết hạn đăng ký, đã loại ra khỏi danh mục thuốc cho phép sử dụng; thuốc đã được đăng ký nhưng bị đình chỉ lưu hành; các thiết bị dụng cụ y tế chưa được phép sử dụng, dịch vụ y tế chưa được phép thực hiện tại Việt Nam; quảng cáo hàng hoá, dịch vụ khác mà pháp luật cấm quảng cáo.

Hoạt động quảng cáo ngoài chịu sự điều chỉnh của các quy định mang tính chất chung nêu trên còn chịu sự điều chỉnh rất chặt chẽ và chi tiết trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011 có nhiều quy định "nghiêm cấm các hành vi thông tin, quảng cáo sai sự thật và các hành vi khác nhằm lừa dối người tiêu dùng" [20].

Điều chỉnh quảng cáo về chất lượng hàng hóa , Khoản 2 điều 9 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 quy định nghiêm cấm hành vi "Thông tin, quảng cáo sai sự thật và các hành vi gian dối khác trong hoạt

động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật" [22]. Điều

chỉnh về quảng cáo giá cả, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 28 Pháp lệnh giá năm 2002 quy định:

Cấm các hành vi bịa đặt, loan tin không có căn cứ về việc tăng giá hoặc hạ giá gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh khác, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước; nghiêm cấm hành vi định giá sai để lừa dối người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân hợp tác sản xuất, kinh doanh với mình [26].

Điều chỉnh về quảng cáo trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, khoản 2 điểm a Điều 10 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định "nghiêm cấm hành vi thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm" [16]. Trong lĩnh vực dược phẩm, khoản 5 Điều 9 Luật dược năm 2005 cũng có quy định "nghiêm cấm hành vi thông tin, quảng cáo thuốc sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng" [21].

Trong lĩnh vực quảng cáo thương mại đối với hàng hoá, dịch vụ liên quan đến y tế, pháp luật đã có quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Theo đó, "hoạt động quảng cáo thương mại đối với hàng hoá, dịch vụ liên quan đến dược phẩm, văc-xin, sinh phẩm y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh và các loại thực phẩm chức năng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về y tế" [8].

Đối với hàng hoá, dịch vụ liên quan đến thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, giống cây trồng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật có liên quan và không được chứa đựng các nội dung khẳng định về tính an toàn, tính không độc hại, khẳng định về hiệu quả và tính năng của thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, giống cây trồng mà không có cơ sở khoa học và không có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Điều 26 Nghị định 37/2006/NĐ-CP cũng quy định, trong hoạt động quảng cáo thương mại đối với hàng hoá thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về chất lượng hàng hoá, thì doanh nghiệp chỉ được phép quảng cáo đối với hàng hoá loại này sau khi hàng hoá đó được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc quy định kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc được công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm soát hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn tại Việt Nam (Trang 68 - 71)