Stress là gì?

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối liên hệ giữa khí chất và stress của học sinh trường THPT Hà Huy Tập – Hà Tĩnh (Trang 31 - 35)

6. Phƣơng pháp nghiên cứu

1.3.1.1.Stress là gì?

Stress là một thuật ngữ chỉ sự quá tải về mặt thể chất và tinh thần. Theo tiếng Anh, stress có nghĩa là sức căng, sức ép, sự cố gắng quá mức... Nếu bị quá nhiều áp lực thì đối tượng sẽ không chịu nổi hoặc bị ảnh hưởng bất lợi.

Stress được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau: như một tác nhân môi trường, một đáp ứng sinh lý, và như một quá trình nhận thức - hành vi. Các định nghĩa này đều tập trung vào một bình diện cơ cấu (organizational level) nào đó và loại bỏ một cách tương đối những bình diện khác; và điều này đã dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn. Mỗi một định nghĩa đơn bình diện (single-level) này sẽ được xem xét một cách vắn tắt để đưa những lý thuyết và nghiên cứu liên quan đến stress vào những bối cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi một trong số những cách nhìn này đều không đầy đủ. Khái niệm về stress vốn dĩ là một khái niệm đa bình diện (multilevel), nó bao gồm những đáp ứng thuộc về cảm xúc, hành vi và sinh lý của cơ thể thông qua sự tương giao với môi trường.

Các khái niệm đơn bình diện gồm có các khái niệm sau:

Một là, khái niệm stress - Một đáp ứng sinh học: Walter Cannon (1927) - người đầu tiên đưa ra khái niệm về stress. Ông quan sát một loạt phản ứng bản năng trong giới tự nhiên,gọi là phản ứng “Chống hoặc chạy”. Mỗi khi các loài vật đối mặt với kẻ săn mồi, chúng phải quyết định chống cự hay chạy chốn. Trong cả hai tình huống này, nhịp tim và huyết áp tăng cao, tăng nhịp thở, tăng hoạt động cơ bắp. Thị lực và thính lực hoạt động mạnh hơn để đạt được hiểu qua tốt hơn. Theo ông, đây là một phản ứng được “cài đặt sẵn” về mặt sinh học, cho phép mỗi cá nhân có thể ứng phó với những tác nhân gây đe dọa từ môi trường bên ngoài.

Theo Hans Selye: “Stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể trước những tình huống căng thẳng”.

Theo J. Delay: “Stress là một trạng thái căng thẳng cấp diễn của cơ thể buộc phải huy động các khả năng phòng vệ để đối phó với một tình huống đang đe doạ”.

Hai là khái niệm stress - Một hiện tượng thuộc về nhận thức - hành vi: “Căng thẳng xuất hiện khi cá nhân nhận thấy rằng họ không thể ứng phó hay đáp ứng được với những yêu cầu đối với họ hoặc đe dọa sự tồn tại khỏe mạnh của họ (R. S. Lazarus,1966)

Stress là kết quả của sự mất cân bằng giữa những yêu cầu và những nguồn lực (R. S. Lazarus and S. Folkman,Stress, Appraisal and Coping. New York: Springer, 1984).

Một định nghĩa đơn giản về stress có thể được sử dụng là: stress xuất hiện khi áp lực vượt quá khả năng thông thường của bạn để ứng phó (S. Palmer, 1999).

Ba là, khái niệm stress - Một sự kiện từ môi trường: Quan niệm về stress như một sự kiện từ môi trường được xuất phát từ các quan sát lập đi lập lại của tình trạng suy sụp về sinh lý và hành vi ở những người tiếp xúc với các điều kiện sống khắc nghiệt, như tham chiến trong quân đội (Grinker và Spiegal, 1945) và bị những mất mát (Lindemann, 1944). Nếu như môi trường khắc nghiệt dẫn đến những hậu quả tiêu cực, thì sự tích lũy dần những sự kiện ít khắc nghiệt hơn cũng có thể có những hậu quả tai hại. Từ cách nhìn này, stress được định nghĩa như một sự kiện từ môi trường đòi hỏi một cá nhân phải thử thách những tiềm năng và đáp ứng không bình thường (Holroyd, 1979). Stress trú ngụ trong những “đòi hỏi” của sự kiện hơn là bên trong cá nhân người ấy.

Cách nhìn về stress theo quan điểm sinh học và môi trường cơ bản là những mô hình kích thích - đáp ứng (Stimulus - Response model). Chúng không cung cấp một cái nhìn thấu đáo vào những thông số và những quá trình trung gian điều hòa mối liên quan giữa các sự kiện có hại và các đáp ứng sinh

học. Nếu những sự kiện gây stress dẫn đến hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, thì điều đó xảy ra như thế nào?

Các khái niệm đa bình diện gồm có 3 khuynh hướng như sau:

- Stress - một quan điểm có hệ thống: Stress là một khái niệm mang tính tổ chức, liên hệ đến nhiều thông số và quá trình, xảy ra trên nhiều bình diện của sự phân tích: sinh lý, nhận thức - cảm xúc, hành vi và môi trường. Vì thế, stress là một đáp ứng tích hợp sinh học - tâm lý - xã hội với những sự kiện được xem là có hại và đòi hỏi những kỹ năng ứng phó của đương sự. Chúng ta sẽ khảo sát từng bình diện một cách chi tiết và mô tả những ảnh hưởng qua lại của chúng.

- Stress như là một quá trình: Từ một cách nhìn hệ thống, stress là một đáp ứng tích hợp, đa bình diện (multilevel) của đương sự đối với các kích thích bên trong và bên ngoài. Các bình diện đáp ứng khác nhau có tính phụ thuộc lẫn nhau.

Có một khuynh hướng suy nghĩ về stress theo một cách thức “thẳng tắp”: kích thích - cơ thể sống- đáp ứng: Một sự kiện nào đó xảy ra, đương sự nhận thấy sự kiện có tính đe dọa, và kế đó sinh đáp ứng về cảm xúc, hành vi và sinh lý. Mối tương giao khi ấy được hoàn tất. Tuy nhiên, đây không phải là sự thể hiện đúng đắn về một mối tương giao gây stress khi nó xảy ra trong môi trường tự nhiên (Lazarus, Folkman, 1984). Stress được khái niệm hóa tốt hơn như là một quá trình tiếp diễn, hai chiều và lập đi lập lại (Leventhal, Nerenz, 1983). Khi đối đầu với tác nhân gây stress, các đáp ứng sinh lý và sự ứng phó đầu tiên của chúng ta sẽ làm biến đổi sự kiện. Kế đó, chúng ta nhận định lại sự kiện đã bị biến đổi ấy, rồi điều chỉnh lại các đáp ứng sinh lý và ứng phó của chúng ta sao cho phù hợp; rồi đáp ứng này lại làm biến đổi sự kiện, cứ thế tiếp diễn... Việc ứng phó theo kiểu định hướng vấn đề sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kích thích gốc. Ứng phó kiểu định hướng cảm xúc ảnh hưởng gián tiếp đến “đầu vào” bằng cách thay đổi sự nhận định hoặc phản ứng cảm xúc của đương sự đối với sự kiện. Vì thế, stress và đáp ứng là một quá trình xoay

vòng trong đó những cố gắng ứng phó làm biến đổi sự kiện theo một vòng cung phản hồi. Để thêm tính phức tạp, chúng ta lại thường ứng phó với nhiều tác nhân gây stress chồng chéo lên nhau bằng những cách thức phức tạp.

Tóm lại, stress có thể được xem là một đáp ứng đa bình diện của một con người đối với các kích thích được nhận định là đe dọa hoặc có hại. Đáp ứng này có thể ít nhiều cải thiện được kích thích gây stress.

- Stress là hệ quả thích nghi: Quan niệm về stress như một quá trình liên tục, lòng vòng, dẫn đến việc xem xét về những hệ quả thích nghi, hoặc những tác dụng lũy tiến theo thời gian của những cố gắng ứng phó của chúng ta với tác nhân gây stress. Những hệ quả thích nghi có thể được xem như trạng thái sinh học - tâm lý của một người ở một thời điểm nào đó. Hoạt động được ghi trong khuôn hình đó có thể được hiểu dựa trên những gì xảy ra trong một số khuôn hình trước đó (hệ quả thích nghi ngắn hạn) hoặc nhiều khuôn hình trước đó (hệ quả thích nghi dài hạn). Chúng ta có thể lượng giá những hệ quả thích nghi trên các bình diện sinh lý, nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã hội. Nói cách khác, sức khỏe thể chất, cảm xúc, sự thỏa mãn, thái độ, năng lực hành vi và các mối quan hệ xã hội của con người là một phần trong kết quả chung của khả năng tương giao giữa họ với môi trường sống. (nguồn http://www.tamlytrilieu.com)

Theo “Từ Điển Tâm Lý” của Nguyễn Khắc Viện: “Stress có hai nghĩa. Thứ nhất, stress là một mối kích động đánh mạnh vào con người. Và nghĩa thứ hai là, phản ứng tâm lý và sinh lý của người ấy”. Theo Nguyễn Khắc Viện thuật ngữ stress có nghĩa là: “kích - ứng”. Một kích động có thể làm tác nhân vật lý, hóa chất, một vi khuẩn, hoặc một tác nhân tâm lý xã hội, nói chung là một tình huống căng thẳng đột xuất đòi hỏi con người huy động tiềm năng thích ứng. Stress là nỗ lực của cơ thể để thích nghi với những đổi thay trong cuộc sống của mỗi người.

Trong bản dịch “Stress từ bệnh học tâm thần đến cách tiếp cận trong trị liệu" của Giáo sư Nguyễn Việt khái niệm stress của Giáo sư Ferreri được hiểu

là mối liên quan giữa con người và môi trường xung quanh. Stress vừa chỉ tác nhân công kích vừa chỉ phản ứng của cơ thể trước tác nhân đó. Do đó, stress là mối tương tác giữa tác nhân công kích và phản ứng của cơ thể.

Như vậy, khái niệm chung về stress bao gồm 2 khía cạnh:

+ Tình huống stress chỉ tác nhân xâm phạm hay kích thích gây ra (stressor): đó là những tác nhân vật lý, hoá học, tâm lý, xã hội.

+ Đáp ứng stress dùng để chỉ trạng thái phản ứng với stress, bao gồm phản ứng sinh lý và tâm lý không đặc hiệu và định hình.

Từ các khái niệm trên tôi đưa ra khái niệm sau: stress là trạng thái phản ứng tâm - sinh lý của chủ thể trước những tác nhân gây stress nhằm ứng phó với các tác động mà chủ thể cảm thấy có hại đối với mình.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối liên hệ giữa khí chất và stress của học sinh trường THPT Hà Huy Tập – Hà Tĩnh (Trang 31 - 35)