Khách du lịch: Theo Pháp lệnh du lịch Việt Nam tại điểm 2, Chương I: “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến“
Khách du lịch bao gồm khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch và công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.
Hoạt động du lịch thường di chuyển, thay đổi theo không gian. Do đó nghiên cứu hoạt động du lịch từ đó xác định khu vực nào, quốc gia nào… là thị trường mục tiêu; Khu vực nào, quốc gia nào là thị trường tiềm năng để có nhưng giải pháp thu hút du khách.
Trong tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2005 có tới 88,8% đi bằng đường không, đi bằng đường bộ là 7,1% và đường thuỷ là 4,1%. Trong đó mục đích khách quốc tế đến Việt Nam gồm 59,9% với mục đích thương mại, mục đích du lịch thuần tuý chiếm 31,1% và mục đích khác là 18%. Riêng khách du lịch là Việt kiều có mục đích thuần tuý, thăm thân nhân chiếm 76,4%; mục đích thương mại chiếm 2,8%, khách có mục đích khác là 20,8%.
Theo các nhà nghiên cứu về du lịch, ở các nước đang phát triển và phát triển thì tỷ lệ du khách được điều tra thích đi du lịch biển hơn là lục địa. Dân thành thị có khả năng đi du lịch cao hơn; còn đối với nông thôn thì tỷ lệ dân vùng nội địa có khả năng đi du lịch cao hơn dân vùng biển.
Thị trường nguồn khách cũng sẽ thay đổi theo cự ly. Thị trường nguồn khách du lịch của một thành phố đạt 37% ở cự ly 15km; 24% ở trong cự ly 15 - 50km; 21% ở cự ly 50 - 500km và chỉ khoảng 6% cho cự ly ngoài 500km. Trong vùng du lịch có khoảng cách từ 50 - 800km dân cư từ thành phố đó đi du lịch được gọi là thị trường tạo nguồn cấp I; Còn các nơi khác
lấy thành phố đó làm điểm trung chuyển rồi từ đó đi xuống các thành phố khác từ bốn phía thì gọi là thị trường cấp II của thành phố xung quanh vùng du lịch. Đối với thị trường cấp II, theo nhiều nghiên cứu cho thấy phạm vi toả đi từ trung tâm khoảng 250km, nhìn chung phạm vị toả đi từ trung tâm không quá 500km.
Khả năng chi tiêu của du khách: Nhìn chung với khách quốc tế, do những hạn chế về số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ nên mức chi tiêu của du khách đến Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 1995 trung bình mỗi ngày một khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 70 USD, đến năm 2005 mức chi tiêu một ngày trung bình của một du khách quốc tế là 120 USD.
Cơ cấu chi tiêu của khách tập trung vào lưu trú tới 50,17%; Ăn uống 19,6%; Mua hàng lưu niệm 12,34%, lữ hành vận chuyển 9,55% và các dịch vụ khác chỉ 8,34%. Cơ cấu chi tiêu của khách quốc tế đã phản ánh sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu; Hiệu quả kinh doanh hạn chế.
Đối với khách du lịch nội địa: Các hình thức đi du lịch chủ yếu của khách du lịch nội địa là du lịch lễ hội, tín ngưỡng (thường tập trung vào mùa xuân), du lịch tham quan (các di tích lịch sử, bảo tàng và công viên) và du lịch nghỉ dưỡng (đi biển). Nhìn chung khả năng chi tiêu của khách du lịch nội địa phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng có hai yếu tố chính là khả năng tài chính của du khách và khả năng đáp ứng các dịch vụ của cơ sở kinh doanh du lịch, thông thường chi phí cho lưu trú, ăn uống chiếm 75%, còn lại chi phí cho vận chuyển và các chi phí khác.