Quy hoạch du lịch

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhà nước nhằm phát triển du lịch biển Cửa Lò - Nghệ An giai đoạn 2006 – 2020 (Trang 27 - 29)

Quy hoạch du lịch là tập hợp lý luận và thực tiễn, nhằm phân bố hợp lý nhất trên lãnh thổ của vùng những cơ sở kinh doanh du lịch có tính toán tổng hợp các nhân tố: Điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường, kiến trúc xây dựng, kỹ thuật công trình, đường lối chính sách... Quy hoạch du lịch còn cụ thể hoá trên lãnh thổ vùng những dự đoán, định hướng, chương trình và kế hoạch phát triển du lịch của các tổng thể vùng. Đồng thời, quy hoạch du lịch bao gồm cả quá trình quyết định, thực hiện quy hoạch và bổ sung các điều kiện phát triển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Một số nguyên tắc quy hoạch du lịch:

+ Sự tham gia của địa phương: Vì nguồn tài nguyên trong bất kỳ một dự án quy hoạch nào trước khi quy hoạch đều thuộc sở hữu của người dân bản địa. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương vào các dự án quy hoạch sẽ gắn kết quyền lợi của người dân địa phương, thu hút cộng đồng vào hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch sẽ giúp cho dự án có hiệu quả hơn.

+ Nhu cầu địa phương và bảo tồn là ưu tiên trước mắt: Nguyên tắc này đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước, tạo ra sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với việc thực hiện các dự án quy hoạch; Tạo ra sức hấp dẫn của quy

hoạch và phát triển du lịch đối với du khách; Và góp phần xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ được tài nguyên và môi trường.

+ Xây dựng quy hoạch trên quan điểm trao quyền hạn với quy mô rộng cho địa phương. Việc trao quyền hạn, chức năng trong tổ chức quản lý các hoạt động du lịch và dự án quy hoạch sẽ khơi dậy, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên.

+ Sử dụng các nguồn tài nguyên vốn có: Trong việc quy hoạch du lịch cần dựa vào những nguồn lực ở địa phương như: Kỹ năng, kinh nghiệm của người dân địa phương, các nguồn tài nguyên, nguồn lao động của địa phương, các sản phẩm hàng hoá của địa phương như: Vật liệu xây dựng, đồ dùng, hàng thủ công mỹ nghệ, nông phẩm. Nguyên tắc này sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của địa phương và tạo sự đặc sắc của điểm đến.

+ Thiết kế mô hình với quy mô thích hợp: Việc thiết kế và phát triển các mô hình phát triển du lịch nên ở quy mô thích hợp dựa trên phong cách sống, cơ cấu văn hoá xã hội, cách thức tổ chức quần cư của cộng đồng, sức chứa của nguồn tài nguyên và môi trường.

+ Tính đến sự bền vững lâu dài: Các tổ chức, các chuyên gia khi thiết lập quy hoạch du lịch phải nhận thức được nhu cầu gắn bó lâu dài với tài nguyên để thiết lập định hướng đến việc phát triển hài hoà giữa phát triển cộng đồng và bảo tồn.

Nhìn chung công tác quy hoạch du lịch biển ở Việt Nam đạt được một số ưu điểm như: Có cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3-5 sao; Sản phẩm du lịch khá đa dạng và hấp dẫn du khách. Phần nhiều các công trình xây dựng đã có kiểm soát và hạn chế về độ cao và mật độ; Có kiến trúc mỹ thuật đẹp, kết hợp giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam và các trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế: Cơ sở vật chất kỹ thuật được xây dựng không đảm bảo việc phân theo đới cũng như khoảng cách bảo tồn tuyệt đối từ 100 - 500m so với mực nước thuỷ triều lên về phía bờ.

+ Việc xây dựng các công trình chưa đánh giá thấu đáo các hiện tượng địa mạo ở biển như xâm thực, triều dân có thể làm cho nhiều công trình bị huỷ hoại.

+ Một số khu du lịch xâm chiếm bãi tắm, không đảm bảo yêu cầu tiếp cận bãi tắm và mặt nước tự do của công dân mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

+ Ở các khu du lịch sinh thái biển, chất lượng nguồn nước sạch, việc xử lý nước thải và rác thải chưa được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Nguồn nước thải chủ yếu vẫn được xử lý theo phương pháp tự thấm hoặc đổ ra biển gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước biển, còn nước sạch vẫn được xử lý tại chỗ nên không đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch.

+ Mức độ tập trung các công trình xây dựng của các khu du lịch còn khá dày, chưa tạo được cảnh quan môi trường xanh mát của những vùng biển nhiệt đới và hoạt động du lịch bảo tồn.

+ Các khu du lịch được quy hoạch xây dựng chưa quan tâm nhiều đến việc quy hoạch cảnh trí, các trang thiết bị và các loại hình du lịch để tạo ra các sản phẩm độc đáo cho từng khu. Vì vậy, nhiều khu du lịch biển tuy có chất lượng về cơ sở vật chất nhưng lại mang tính tương đồng, nên đã giảm sức hấp dẫn với du khách và không tạo được lợi thế cạnh tranh cho từng khu du lịch.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhà nước nhằm phát triển du lịch biển Cửa Lò - Nghệ An giai đoạn 2006 – 2020 (Trang 27 - 29)