Môi trường chính trị - pháp luật
Việt Nam là quốc gia có môi trường chính trị ổn định nhất với một Đảng cầm quyền không có bạo lực xung đột. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, có những chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển phù hợp với tình hình đất nước, quan hệ ngoại giao tốt thiết lập nhiều mối quan hệ chính trị với các quốc gia trên thế giới tạo tiền đề cho hoạt động liên doanh liên kết hợp tác kinh doanh phát triển.
Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã được điều chỉnh bổ sung phù hợp với sự biến đổi của thực tiễn. Tuy nhiên, việc sửa đổi hệ thống luật pháp cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thay đổi áp dụng cho phù hợp do sự chồng chéo trong các văn bản luật ban hành.
Khi các doanh nghiệp tham gia kinh doanh quốc tế, họ phải đối mặt với môi trường chính trị pháp luật của nhiều quốc gia tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức trong việc tiếp cận và tuân thủ đúng các quy định pháp luật quốc tế. Để có thể hoạt động kinh doanh quốc tế hiệu quả các doanh nghiệp cần tìm hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định kinh doanh quốc tế.
Như vậy, trong nền kinh tế hiện nay, một doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế cần phải am hiểu các chính sách, các luật lệ của quốc gia mình và các nước trên thế giới. Đối với công ty TNHH May Phố Hiến, hoạt động sản xuất chính là sản xuất gia công hàng may mặc xuất khẩu với thị trường là EU, Mỹ, Nhật… Công ty cần có cán bộ am hiểu các chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu, hạn ngạch, luật kinh doanh, luật chống phá giá … để hoạt động tiêu thụ hiệu quả không bị ngưng trệ.
Môi trường kinh tế - xã hội
Trong những năm qua kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,78% cao hơn nhiều mức tăng 5,32% của năm 2009, sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực đều tăng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ ổn định. Xuất khẩu hàng hoá đạt kim ngạch cao, từ đó hạn chế được tỷ lệ nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán.
Kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu đều tăng, nhưng do tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu, nên nhập siêu năm 2010 giảm xuống chỉ còn khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu Như vậy, so với những năm gần đây cán cân thương mại đã có sự cải thiện đáng
kể. Song mức nhập siêu vẫn còn cao cho thấy việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn còn chậm.
Tuy nhiên, thị trường tài chính, tiền tệ có những biểu hiện phức tạp, lạm phát có xu hướng tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010 so với cùng kỳ năm 2009 đã tăng 11,75%, cao hơn mục tiêu được Quốc Hội điều chỉnh là dưới 8% gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tỷ giá biến động và mất giá mạnh, thị trường ngoại hối luôn có biểu hiện căng thẳng gây ra những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu
Bội chi ngân sách vẫn còn cao (chưa về mức dưới 5% như đã duy trì trong nhiều năm) và là một trong những nhân tố góp phần làm gia tăng lạm phát.
Kinh tế thế giới năm 2010 phục hồi chậm, chưa vững chắc, không đồng đều giữa các nước, khu vực; xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức mới; xu hướng tăng cường bảo hộ mậu dịch trên thế giới…
Mặc dù nền kinh tế có sự phục hồi nhưng những bất ổn vĩ mô và những yếu kém trong nội tại nền kinh tế sẽ trở thành thách thức lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, công ty TNHH May Phố Hiến nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần có kế hoạch và chiến lược kinh doanh phù hợp với sự biến động của nền kinh tế trong nước và nền kinh tế thế giới.
Môi trường công nghệ
Khoa học kỹ thuật càng ngày càng phát triển với tốc độ lớn, tạo điều kiện sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng ngày một nâng cao với năng suất lớn hơn. Do đó việc phân tích và phán đoán sự biến đổi công nghệ là rất quan trọng và cấp bách hơn lúc nào hết đối với từng doanh nghiệp.
Nước ta là một nước có nền kinh tế đang phát triển, hầu hết các trang thiết bị, công nghệ còn lạc hậu so với các nước phát triển. Vì vậy, hầu hết máy móc, dây chuyền sản xuất đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhà nước chỉ có thể cung cấp các thông tin về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao và nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tiếp cận các công nghệ mới để đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất hiệu quả nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp.
Trong những năm qua, công ty TNHH May Phố Hiến thường nhập khẩu máy móc từ Nhật Bản và Hồng Kông. Công ty có thể tiếp tục giữ mối quan hệ với các nước
này và thực hiện liên doanh liên kết với các doanh nghiệp khác để có thể tiếp cận với các công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Khách hàng
Khách hàng của công ty TNHH May Phố Hiến chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài. Họ đặt hàng với số lượng lớn, yêu cầu sản xuất theo mẫu mã kiểu dáng tiêu chuẩn của họ. Vì vậy công ty thường bị phụ thuộc vào lượng đơn đặt hàng của khách hàng. Các kế hoạch sản xuất kinh doanh tiêu thụ phải căn cứ vào đơn đặt hàng của khách hàng.
Để thu hút được các đơn đặt hàng, công ty cần tạo môi trường và điều kiện hấp dẫn để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Công ty có thể giải quyết các thủ tục nhanh gọn, đổi mới công nghệ, thiết kế các mẫu sản phẩm mới đa dạng nhiều chủng loại, xây dựng xưởng sản xuất sạch sẽ an toàn.
Đối thủ cạnh tranh của công ty
Đối với bất kỳ công ty nào, nếu muốn mở rộng thị trường tiêu thụ thì ngoài tiềm lực vốn có của mình, việc xác định đúng vị trí của công ty trên thị trường và nắm bắt được các điểm yếu của đối thủ cạnh tranh sẽ giúp công ty có chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả. Công ty TNHH may Phố Hiến đã xác định các đối thủ cạnh tranh chính của công ty trên địa bàn TP Hưng Yên là: Công ty CP May Hưng Yên, Công ty CP May II Hưng Yên, Công ty CP Cơ khí dệt may Hưng Yên…
Công ty CP May Hưng Yên được đánh giá là một đối thủ cạnh tranh mạnh. Với hơn 2000 cán bộ công nhân viên và hơn 30 chuyền may, hệ thống máy móc hiện đại, công ty này là một công ty có năng lực sản xuất lớn nhất trong lĩnh vực may mặc trên địa bàn Thành phố Hưng Yên. Đội ngũ công nhân lành nghề cùng với bộ máy quản lý hiệu quả đã giúp họ có năng suất lao động cao. Sản lượng tiêu thụ hàng năm vào khoảng 8.500.000 sản phẩm. Các mặt hàng sản xuất chính là: áo Jacket, áo thun, áo sơ mi, quần. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ chính của công ty CP May Hưng Yên là Mỹ chiếm tỷ trọng 55% và Châu Âu là 20%. Vì vậy công ty TNHH May Phố Hiến có thể tìm kiếm các khách hàng ở các thị trường mới và khách hàng truyền thống để ký kết các hợp đồng gia công.
Công ty CP May II Hưng Yên là đơn vị có truyền thống gia công hàng dệt may xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ của công ty này hàng năm vào khoảng 4.500.000 – 6.000.000 sản phẩm. Mặt hàng sản xuất gia công của công ty là áo Jacket, quần âu, áo sơ mi… trong đó mặt hàng nổi bật, có sức tiêu thụ lớn là áo sơ mi. Hàng năm, sản phẩm này chiếm tỷ trọng tương đối lớn khoảng 40% các sản phẩm của công ty, so với
Phố Hiến, sản phẩm này của May II mạnh và chiếm ưu thế hơn. Thị trường của May II Hưng Yên ở một số nước thuộc EU, còn đa phần là tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ, được biết trong thời gian gần đây sản phẩm của May II tiêu thụ tại thị trường này rất mạnh, chiếm tỷ trọng khoảng 60% trong tổng giá trị của công ty. Về đội ngũ công nhân kỹ thuật, May II cũng đào tạo và huấn luyện khá tốt, công ty thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao tay nghề và trình độ kỹ thuật trong toàn công ty. Với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, kiện toàn hệ thống kỹ thuật trong các khâu gia công, May II cũng luôn đổi mới và trang bị công nghệ máy móc hiện đại.Nhược điểm của May II Hưng Yên là chỉ chú trọng được một số sản phẩm có chất lượng tốt, còn hạn chế về mở rộng thị trường tiêu thụ, giá cả một số sản phẩm cao hơn so với Phố Hiến như áo Jacket, áo Sơmi. Công tác nghiên cứu và dự báo thị trường cũng chưa được quan tâm.