huyện về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng hiện nay
Chính quyền cấp xã hiện nay như nhiều người thường ví là "phân cấp hình nón và bộ máy hình phễu". Bộ máy hành chính cấp xã như cái “máng xối”: lượng việc phình ra, số người ít lại. Phần lớn công việc đều liên quan đến chính quyền cấp xã, nhưng chưa được quan tâm phân bổ kinh phí, biên chế phù hợp, như: hiện nay công chính địa chính phường chỉ có một người, vừa xử lý hồ sơ, vừa tiếp công dân, vừa xuống địa bàn xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoà giải tranh chấp đất đai, quản lý nhà nước về môi trường tại cơ sở, kiêm nhiệm theo dõi một số vấn đề liên quan khác. Đối với lãnh đạo, công chức khối văn xã theo dõi từ xoá đói giảm nghèo, lao động, thương binh và xã hội, ma tuý, mại dâm, công tác thi hành án duới 500.000 đồng, giám sát án treo, hộ tịch, tôn giáo, di tích, lễ hội… Đồng thời, công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu giải quyết công việc trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, như:
- Hiện nay, tranh chấp đất đai chiếm phần lớn số vụ việc khiếu nại ở cơ sở, nhưng công tác tham mưu, chỉ đạo giải quyết vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng cán bộ Tư pháp xã, phường chưa qua đào tạo Trung cấp Luật, lãnh đạo chính quyền cơ sở chưa nắm vững các quy định pháp luật trong quá trình chỉ đạo giải quyết công việc vẫn là tình trạng phổ biến. Nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, thừa kế xuất phát từ việc UBND xã, phường chứng thực, xác nhận chữ ký, biên bản họp gia đình của các cá nhân liên quan không thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời,
theo Điều 135, 136 Luật Đất đai năm 2003, UBND cấp xã là cấp hoà giải. Nếu hoà giải không thành thì hướng dẫn các đương sự gửi đơn đến Toà án nhân dân để được xem xét, thụ lý, giải quyết. Nhưng qua tìm hiểu thực tế, hầu như diễn ra tình trạng: có nơi không tổ chức hoà giải mà ký xác nhận là người tại địa phương, có đất tại địa phương đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết. Có nơi thì hoà giải nhưng sau đó bỏ tủ hồ sơ, mà không hướng dẫn cụ thể cho nhân dân, từ đó người dân làm đơn khiếu nại vượt cấp, gửi nhiều ngành, nhiều cơ quan, gây phức tạp tình hình.
- Kiểm tra, phát hiện tình trạng lấn chiếm trái phép đất công, xây dựng nhà trái phép là trách nhiệm đầu tiên của UBND cấp xã. Nhưng hiện nay, vấn đề này còn nhiều bị động, phần lớn là Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị của cấp huyện phải giải quyết, xử lý, kể cả việc đơn giản nhất là lập Biên bản vi phạm.
- Kỹ năng tiếp công dân, giải quyết công việc của lãnh đạo chính quyền cơ sở cũng là một vấn đề. Nhiều vụ khiếu nại ở cơ sở không phức tạp, nhưng người dân vì bức xúc với thái độ, hành vi không đúng của lãnh đạo UBND cấp xã mà họ khiếu nại lên cấp trên.
Nếu ở xã có diện tích rộng, một người càng không thể đủ thời gian làm tốt hết bấy nhiêu việc được. Đối với phường, còn phải chỉ đạo quản lý trật tự đô thị, xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép, lấn, chiếm lòng đường, vỉa hè, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị… trong khi những công chức được đào tạo bài bản, có trình độ, có năng lực thì không muốn về hoặc về được một thời gian thì nghỉ, xin chuyển công tác (mặc dù được UBND tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ).
Theo NQ của nhiều Đảng bộ ở các địa phương, phải trẻ hóa đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở UBND cấp xã, như CT, PCT
UBND. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp một số khó khăn:
- Nhiều CT, PCT UBND xã, phường, thị trấn công tác lâu năm, chưa đến tuổi hưu, hiện nay chưa đạt chuẩn, năng lực không đáp ứng được yêu cầu, nhưng lại không thể bố trí công tác khác. Trong khi, đội ngũ công chức trẻ, có trình độ chuyên môn, hầu như không muốn chọn cấp cơ sở là nơi gắn bó cống hiến lâu dài.
- Phần lớn cán bộ, công chức chính quyền cơ sở chưa được đào tạo bài bản, hệ thống về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Đa số từ đoàn thể lên, dần dần được bổ nhiệm và hợp thức hóa bằng con đại học tại chức, từ xa. Trong khi đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ phải có thời gian, theo chỉ tiêu, kinh phí, sự quan tâm của lãnh đạo, phải sắp xếp công việc của người được cử đi học, vì theo quy định của Chính phủ số lượng cán bộ, công chức được định biên theo dân số, dân số ít thì định biên ít, dân số đông thì định biên nhiều.
- Không ít cán bộ, công chức chính quyền cơ sở chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao nên nhiều lúc giải quyết công việc còn mang tính chủ quan, xử lý vụ việc không đúng pháp luật, thiếu chủ động, đùn đẩy.
- Kỹ năng quản lý hành chính của lãnh đạo chính quyền cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là kỹ năng quản lý, điều hành, phương pháp giải quyết, xử lý một số tình huống thường xảy ra trong công việc…
Đồng thời, cùng với quá trình phát triển của đất nước, trình độ dân trí của nhân dân ngày càng cao, các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước cần giải quyết của chính quyền cơ sở ngày càng phức tạp, nhất là tranh chấp, khiếu nại về đất đai, quản lý trật tự đô thị, xây dựng, quy hoạch, vệ sinh môi trường, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng, phát triển
kinh tế, văn hoá, xã hội… Chính vì vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, có bản lĩnh chính trị, am hiểu pháp luật, nắm vững kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước,… trong khi đó để đào tạo nguồn lãnh đạo kế cận hoặc tham mưu có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm… không phải ngày một ngày hai có thể làm được. Hơn nữa, để góp phần từng bước giải quyết tình trạng khép kín, địa phương trong công tác cán bộ nói chung thì việc đẩy mạnh luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở là một yêu cầu cấp thiết.