- Thứ nhất, nhằm đào tạo, bồi dưỡng công chức thành người lãnh đạo, quản lý, điều hành có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự nghiệp đổi mới của đất nước đòi hỏi người lãnh đạo quản lý, điều hành phải có tầm hiểu biết rộng, sâu và bao quát nhiều vấn đề. Người lãnh
đạo muốn xây dựng, thực hiện các các chủ trương, chính sách, phải hiểu thực tiễn ở địa phương, phải được trải nghiệm qua nhiều vị trí công tác. Vì vậy, cần luân chuyển công chức để cho họ được thử thách, rèn luyện trong thực tế.
- Thứ hai, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc rèn luyện, thử thách và khảo nghiệm người được luân chuyển một cách chủ động, toàn diện, nhất là công chức trẻ tuổi
Thực tiễn là trường học khách quan, công bằng để rèn luyện và đánh giá công chức. Đối với người lãnh đạo, việc trải qua nhiều môi trường, hoàn cảnh, lĩnh vực sẽ làm gia tăng bề dày tri thức và thực tiễn. Vì vậy, luân chuyển chính là cơ hội để thể nghiệm tài năng, phẩm chất, được thử thách để ứng phó với những tình huống khác nhau. Luân chuyển là cách thức để có thêm những căn cứ đánh giá đúng, đồng thời tạo điều kiện cho người được luân chuyển tạo dựng uy tín trong nhân dân. Tài năng của người lãnh đạo được thể hiện ở việc đưa ra các quyết định hiệu quả, ứng phó linh hoạt với những thay đổi, tình huống phát sinh trong công tác, mà thông qua luân chuyển, sẽ góp phần minh chứng và kết luận.
- Thứ ba, tạo điều kiện cho công chức từ công chức thừa hành chuyển sang nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý phù hợp với năng lực, sở trường, đồng thời tạo tinh thần khí thế, hăng hái và một môi trường làm việc mới.
Nhìn chung, một người nếu làm việc quá lâu ở một chỗ không những trì trệ mà có thể tạo lập ra những mối liên hệ, những ê kíp ngầm làm cản trở công việc, vì thế luân chuyển là quyết định đúng đắn. Các nhà khoa học lao động đã kết luận rằng, trong một đời người làm việc, một người có thể luân chuyển, thay đổi từ 2 đến 4 nơi công tác. Theo quan trắc của các nhà khoa học Xô viết trước đây, nếu cả đời chỉ làm việc ở một nơi thì từ năm thứ 10
trở đi, anh ta bắt đầu làm theo lối mòn, đầu óc anh ta bắt đầu ngừng tìm tòi. Đọc gì, nghe gì, anh ta cũng mang máng biết rồi. Vậy là ba, bốn năm đầu tập sự và hai phần ba cuộc đời làm việc phía sau của anh ta rất kém hiệu quả. Ngược lại, một đời công tác trung bình ba mươi năm mà có hàng chục, thậm chí 15 lần thay đổi nơi làm việc thì chắc chắn trong tình trạng chuồn chuồn đạp nước, anh ta chẳng tích luỹ được một kinh nghiệm gì trong một việc gì cho sâu sắc (ra về với hai bàn tay trắng, với đầu óc trống rỗng).
- Thứ tư, góp phần phá vỡ thế khép kín, cục bộ địa phương, bè cánh, đặc quyền, đặc lợi, ngại khổ, thụ động, ỷ lại, chủ nghĩa cá nhân… trong công tác cán bộ nói chung hiện nay
Tình trạng khép kín, cục bộ địa phương đang cản trở chiến lược tổng thể sắp xếp, bố trí nhân sự, tạo đà cho sự phát triển chung của đất nước. Tính cục bộ trong việc sử dụng nhân sự sẽ tạo ra một thế hệ công chức trì trệ, quan liêu, xa rời quần chúng, không sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng, quan điểm, phương pháp làm việc mới, là cơ sở nảy sinh mất đoàn kết, bè cánh, nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của một số người, bỏ qua lợi ích của tập thể, đơn vị. Những người có tài, nhưng không trong phe nhóm sẽ bị cô lập, trù dập và vô hiệu hóa, từ đó tạo ra tâm lý bức xúc trong tập thể. Phá vỡ thế cục bộ địa phương sẽ tránh được chủ nghĩa quan liêu, thoát khỏi tư tưởng bè phái, phe nhóm…
Luân chuyển khắc phục tình trạng bố trí công chức làm lãnh đạo tại quê nhà hoặc nơi sinh ra và lớn lên. Hiện tượng người lãnh đạo đưa người thân, họ hàng thân thích vào các tổ chức công quyền từ dưới lên trên tại địa phương nơi mình phụ trách đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả của bộ máy chính quyền. Nó tạo ra kiểu điều hành “gia đình”, lạm quyền trong bố trí nhân sự, thi hành công việc, nảy sinh nghi kỵ, mất đoàn kết, ảnh hưởng sâu
rộng đến mọi hoạt động của tổ chức. Đặc biệt, do sử dụng người thân quen nên những công chức này thường không đảm bảo tiêu chuẩn, cậy quyền, cậy thế, ỷ lại, thiếu ý chí phấn đấu, gây tâm lý chán nản đối với những người có năng lực.
- Thứ năm, góp phần tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cấp có phẩm chất, năng lực, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiến liên tục và vững vàng giữa các thế hệ.
Muốn có một người lãnh đạo có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm thực tiễn không phải ngày một, ngày hai có thể đào tạo, bồi dưỡng mà thành. Đó là kết quả của một quá trình phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, đơn vị; là kết quả rèn luyện, thử thách, phấn đấu, cố gắng, nỗ lực rất nhiều của công chức. Chính vì vậy, luân chuyển những công chức tuổi trẻ, triển vọng phát triển qua nhiều vị trí, môi trường làm việc, sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cấp có phẩm chất, năng lực, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiến liên tục và vững vàng giữa các thế hệ.