TÌNH HÌNH KHAI THÁC TÀI NGUYÊN THỰC VẬT

Một phần của tài liệu ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN ĐA DẠNG SINH HỌC VÙNG RỪNG CAO MUÔN VÀ CÀ ĐAM, TỈNH QUẢNG NGÃI PHỤC VỤ XÂY DỰNG KHU BẢO TỒN GẮN VỚI DU LỊCH SINH THÁI BỀN VỮNG (Trang 126 - 128)

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã khai thác 5.000ha rừng trồng với khối lượng gỗ là 400.000m3. Sản lượng khai thác Song mây là 200 tấn; tre nứa 1 triệu cây và lâm sản khác là 350 tấn.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng thuộc ngành, hướng dẫn UBND các huyện, xã có rừng phải tổ chức phổ biến, triển khai đến các cấp quản lý, các chủ rừng về trình tự thủ tục phê duyệt; cấp phép; đăng ký; quản lý khai thác và công tác thống kê báo cáo theo nội dung của Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát từ khâu khai thác, nghiệm thu, vận chuyển và sử dụng gỗ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để chặt phá rừng bất hợp pháp.

Theo kết quả thống kê đất đai năm 2008, diện tích đất lâm nghiệp của huyện Ba Tơ là 97.021,45ha, trong đó diện tích đất rừng sản xuất là 59.834,8ha, đất rừng phòng hộ là 37.443,8ha. Năm 2009 độ che phủ của rừng là 63,03%. Trong khi đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng của toàn huyện Trà Bồng là 32.058,35ha. trong đó diện tích đất còn tăng khoảng 20.500ha, độ che phủ đạt khoảng 34 - 35%, chủ yếu là rừng trung bình và rừng nghèo.

Một số loài cây lâm nghiệp quý hiếm hiện nay vẫn còn ở một số khu rừng nguyên sinh như: Gõ bông lau, Hoàng đàn có nhiều ở Trà Thọ, Trà Xinh (huyện Trà Bồng); Thông tre, Kim giao, Hoàng đàn giả có nhiều ở Ba Nam (huyện Ba Tơ); Sao xanh ở Ba Tiêu (huyện Ba Tơ); Xoay ở Ba Lế, Ba Nam (huyện Ba Tơ) và Trà Thủy (huyện Trà Bồng); Ươi có ở Trà Bùi (huyện Trà Bồng). Các loại cây đặc sản rừng ở Quảng Ngãi nổi bật nhất là cây quế. Quế được trồng nhiều ở các huyện Trà Bồng. Quế Trà Bồng nổi tiếng trong và ngoài nước về chất lượng,

được biết đến với tên gọi Quế Quảng. Giống quế có nguồn gốc tại Trà Bồng có hàm lượng tinh dầu cao hơn hẳn các giống quế ở miền Bắc đem về trồng tại Trà Bồng. Trồng quế là một nghề truyền thống và trở thành tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Bồng. Người dân thu nhặt hạt quế hoặc bứng lấy cây con tự mọc đem về trồng; hộ trồng ít cũng có vài trăm cây, hộ trồng nhiều lên đến cả ngàn cây.

Ngoài cây quế, rừng ở Trà Bồng và Ba Tơ còn có các loại cây đặc sản khác như: Mây, Xá xị, Sa nhân, Trầm hương (các loại cây này có nhiều ở các huyện Ba Tơ); các loại cây thuốc như: Ngũ gia bì, Ba kích (có nhiều ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng; xã Ba Nam, huyện Ba Tơ).

Tuy nhiên, số lượng và sinh khối của các loài thực vật này còn lại không đáng kể. Thời gian qua, tình hình chặt, phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái pháp luật với hình thức lén lút nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra, nhất là tại các các xã Trà Hiệp, xã Trà Thủy (Trà Bồng) và khu vực giáp ranh 2 huyện Ba Tơ - Đức Phổ; tuyến đường Di Lăng - Trà Trung… Đặc biệt là tình hình xâm hại rừng phòng hộ để lấy đất trồng mì, cây nguyên liệu của đồng bào địa phương diễn ra khá phức tạp.

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Trà Bồng và Ba Tơ, tính đến đầu tháng 8/2011 đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 36,33ha rừng sản xuất; 7,4ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất bị phá trái phép; 177 vụ vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng. Các hạt kiểm lâm và đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đã tổ chức truy quét, tuần tra, phát hiện và xử lý 136 vụ vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng; trong đó có 135 vụ xử phạt hành chính và 1 vụ xử lý hình sự; tịch thu 8 xe máy; 36m³ gỗ tròn, 122,39m³ gỗ xẻ (5,2m³ gỗ quý hiếm)… Các vụ vi phạm thường xảy ra vào ban đêm. Ðối tượng chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, học sinh các xã ven rừng Cao Muôn và Cà Đam; phương thức hoạt động rất tinh vi, táo bạo; lợi dụng địa bàn rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng, đêm tối lẻn vào rừng khai thác trái phép rồi dùng trâu, đóng bè vận chuyển gỗ qua hồ và dùng xe bò, xe máy chở đến bán cho các đầu nậu gỗ thuộc các xã Trà Nham, Trà Trung, Trà Bùi huyện Trà Bồng. Các xã Ba Thành, Ba Cung, Ba Chùa của huyện Ba Tơ.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng phá rừng một phần là do rừng trải dài trên nhiều địa bàn, lực lượng kiểm lâm mỏng, phương tiện hoạt động hạn

chế. Mặt khác, đời sống của người dân vùng ven rừng còn nhiều khó khăn, công tác giao đất, giao rừng đối với những diện tích rừng giáp địa bàn dân cư cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng chưa được coi trọng. Các cấp, các ngành chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ (có lúc còn thiếu đồng thuận) giữa các địa phương, ngành, lực lượng liên quan; còn thiếu kiên quyết trong quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và xử lý người vi phạm.

Một phần của tài liệu ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN ĐA DẠNG SINH HỌC VÙNG RỪNG CAO MUÔN VÀ CÀ ĐAM, TỈNH QUẢNG NGÃI PHỤC VỤ XÂY DỰNG KHU BẢO TỒN GẮN VỚI DU LỊCH SINH THÁI BỀN VỮNG (Trang 126 - 128)