GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN CỦA CHIM

Một phần của tài liệu ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN ĐA DẠNG SINH HỌC VÙNG RỪNG CAO MUÔN VÀ CÀ ĐAM, TỈNH QUẢNG NGÃI PHỤC VỤ XÂY DỰNG KHU BẢO TỒN GẮN VỚI DU LỊCH SINH THÁI BỀN VỮNG (Trang 119 - 121)

Chim là những sinh vật tiêu thụ ở các cấp trong chuỗi và lưới thức ăn trong quần xã, đặc biệt trong quần xã hệ sinh thái rừng. Chim có thể là sinh vật chỉ thị để xác định chất lượng rừng. Vì vậy, sự hiện diện và các hoạt động sống của các nhóm chim trong hệ sinh thái rừng nói chung và của vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam nói riêng có ảnh hưởng đến xu thế phát triển ở đây, chim góp phần duy trì và thúc đẩy sự phát triển hay làm suy giảm hoặc kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển của thực vật rừng. Vai trò sinh thái của chim vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam co thể tóm tắt một số điểm sau đây:

- Nhiều loài chim có vai trò đóng góp vào việc tái sản xuất và phục hồi rừng. Các loài chim hút mật, ăn quả rừng đã trở thành nhân tố thụ phấn và phát tán hạt phấn của nhiều loài cây có vai trò sinh thái quan trọng trong hệ sinh thái rừng. Ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam có trên 50 loài chuyên hút mật hoa và ăn quả.

- Đặc biệt vai trò sinh thái của chim trong việc tiêu diệt côn trùng gây hại và bảo vệ rừng. Ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam đã thống kê được 136 loài chim ít nhiều ăn côn trùng, trong đó các loài chuyên ăn côn trùng: 7 loài chim gõ kiến, 15 loài chim chích,… Rõ ràng là các loài chim ăn côn trung ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam đã góp phần khống chế sự phá hại của côn trùng đối với cây rừng.

- Số lượng chim ăn thịt ngày và ăn thịt đêm ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam khá phong phú: 13 loài chim trong bộ Cắt, 7 loài trong bộ Cú đã tiêu diệt nhiều loài Gặm nhấm gây hại trong khu vực.

- Các loài chim ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam tham gia chặt chẽ vào chuỗi và lưới thức ăn góp phần tạo tính bền vững tự nhiên cho quần xã và hệ sinh thái.

4.2.6.2. Giá trị khoa học

Việt Nam có nhiều nhóm động vật quý hiếm khá phong phú và đa dạng về thành phần loài và là trung tâm nổi tiếng bảo tồn nhiều loài trĩ quý hiếm, đặc hữu. Vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam thấy có xuất hiện một số loài chim đặc hữu: Trĩ sao (Rheinartia ocellata), Gà lôi hồng tía (Lophura diarda), Gà lôi trắng (Lophura nycthemera),… Một số loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: Đại bàng đầu nâu (Aquila heliaca), Cú lợn lưng nâu (Tyto capensis), Hồng hoàng (Buceros bicornis), Đuôi cụt nâu (Pitta phayrei), Đuôi cụt đầu đỏ

(Pitta cyanea),... Với 296 loài vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam có đủ điều kiện

là một trung tâm đa dạng sinh học của Nam Trung bộ Việt Nam.

Việc kinh doanh chim làm cảnh, chim hót hay ngày nay ở nước ta đang phát triển mạnh. Chim làm cảnh trở thành hàng hóa. Theo thống kê vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam có trên 20 loài chim có màu sắc đẹp, tiếng hót hay có thể nuôi làm cảnh có giá trị như: Yểng quạ (Eurystomus orientalis), Sáo mỏ ngà

(Acridotheres cristatellus), Chích chòe (Copsychus saularis), Chích chòe lửa (Copsychus malabaricus), các loài chim trĩ như Trĩ sao (Rheinartia ocellata), Gà lôi

hồng tía (Lophura diarda), Gà lôi trắng (Lophura nycthemera), Cu gáy (Streptopelia

chinensis), Họa mi (Garrulax canorus),… Tuy nhiên, trong phạm vi vùng rừng Cao

Muôn và Cà Đam, các loài chim cảnh này không được phép khai thác và sử dụng. Mặt khác các loài chim cảnh ỏ đây cũng không phong phú về số lượng.

4.2.6.4. Giá trị dược liệu

Theo dân gian, một số loài chim có thể dùng ngâm rượu hay sử dụng cơ thể của chúng chữa một số bệnh. Bìm bịp lớn (Centropus sinensis), Bìm bịp nhỏ

(Centropus bengalensis) ngâm rượu dùng chữa bệnh đau xương. Cả hai loài này

đều có mặt ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam, nhưng số lượng không nhiều. Các loài quạ được sử dụng làm thuốc chữa bệnh hen ở trẻ em, cũng có ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam.

Một phần của tài liệu ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN ĐA DẠNG SINH HỌC VÙNG RỪNG CAO MUÔN VÀ CÀ ĐAM, TỈNH QUẢNG NGÃI PHỤC VỤ XÂY DỰNG KHU BẢO TỒN GẮN VỚI DU LỊCH SINH THÁI BỀN VỮNG (Trang 119 - 121)