4.2.5.1. Giá trị sinh thái
Là một mắt xích quan trọng của chuỗi và lưới thức ăn, góp phần tạo nên cấu trúc bền vững cho quần xã và hệ sinh thái. Vai trò sinh thái của LC - BS trong
việc tiêu diệt các loại côn trùng gây hại. Chúng ăn côn trùng, sâu bọ, giun, dế, mối,... đặc điểm của Lưỡng cư là chỉ bắt những con mồi sống đang cử động, do đó chúng đóng góp phần đáng kể vào việc tiêu diệt các loài côn trùng, sâu bọ có hại cho mùa màng và cây trồng. Cùng với các loài sinh vật khác như (cá, chim) LC - BS ở vùng rừng Cao Muôn đã góp phần khống chế sự phá hại của côn trùng đối với cây rừng. Các loài Bò sát ăn thịt ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam khá phong phú đã góp phần tiêu diệt nhiều loài gặm nhấm gây hại trong khu vực.
4.2.5.2. Giá trị khoa học
Việt Nam là một trung tâm nổi tiếng của vùng Đông Nam Á về đa dạng thành phần loài động vật quý hiếm trong đó có Lưỡng cư và Bò sát. Vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam cũng là nơi có nhiều loài Lưỡng cư và Bò sát quý hiếm của toàn quốc, cho nên cần phải hình thành ở đây khu bảo tồn để bảo vệ các loài quý hiếm: Chàng an đéc sơn (Odorrana andecsonii), Ếch giun (Ichthyophis bannanicus), Thạch sùng ngón giả bốn vạch (Cyrtodactylus pseudoquadrivirgatus); Thạch sùng ngón vằn lưng (Cyrtodactylus irregularis); Kỳ đà vân (Varanus nebulosus); Kỳ đà hoa (Varanus salvator); Trăn đất (Python molurus); Trăn gấm (Python reticulatus); Rắn ráo trâu (Ptyas mucosa); Rắn cạp nia nam (Bungarus candidus); Rắn hổ mang xiêm (Naja siamensis ); Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah); Rùa núi vàng
(Indotestudo elongata); Rùa núi viền (Manouria impressa), Ba ba nam bộ (Amyda cartigaginea); Ba ba trơn (Pelodiscus sinensis); Ba ba gai (Palea steindachneri),…
Vì vậy, vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam cần có biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển những loài LC - BS quý hiếm này.
4.2.5.3. Giá trị thực phẩm
- LC - BS là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cho người, nguồn đạm bổ sung cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong những năm gần đây, Ếch đồng
(Hoplobatrachus rugulosus) trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa
chuộng trong các khách sạn, nhà hàng. Vì thế Ếch đồng bị săn bắt đến mức độ cạn kiệt, ở nhiều nơi đồng ruộng, xóm làng không còn tiếng ếch kêu vào mùa hạ. Ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam, trong số hơn 100 loài LC - BS thì có tới trên 60% các loài có thể cung cấp thịt. Một số loài LC - BS ở vùng rừng Cao Muôn và Cà Đam cung cấp thịt với giá trị lớn như ); Ếch gai sần (Quasipaa
verrucospinosa); Ếch suối (Hylarana nigrovittata); Kỳ đà vân (Varanus nebulosus); Kỳ đà hoa (Varanus salvator); Trăn đất (Python molurus); Trăn gấm
(Python reticulatus); Rắn sọc dưa (Dendrelaphis pictus); Rắn ráo trâu (Ptyas mucosa); Rắn hổ mang xiêm (Naja siamensis ); Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah); Rùa đỏ (Cuora cyclornata); Rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons);
Rùa sa nhân (Cuora mouhotii),… Tuy nhiên, trong phạm vi của vùng sẽ được xây dựng thành khu bảo tồn thì mọi hành vi săn bắt LC - BS đều bị cấm và vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài có nguy cơ cao
4.2.5.4. Giá trị kinh tế
Về giá trị kinh tế, LC - BS có giá trị xếp sau lớp Thú. Trong những năm gần đây Tắc kè trở thành hàng hóa buôn bán và xuất khẩu có giá trị cao ( 400.000 đồng - 600.000 đồng/con) nên chúng bị khai thác rất nhiều và đang ở mức độ cạn kiệt ngoài thiên nhiên.
Một bộ rắn tam xà hoặc ngũ xà tuỳ theo trọng lượng của từng con mà có giá trị khác nhau, có bộ lên tới 1 triệu đồng. Chính vì giá trị kinh tế lớn mà nhiều người chuyên đi bắt rắn để bán dùng trong nước hoặc xuất khẩu, có nơi phát triển thành làng nghề. Nghề bắt rắn đã được truyền từ đời này sang đời khác.
4.2.5.5. Giá trị dược liệu
Lưỡng cư - Bò sát có giá trị dược liệu rất cao. Cóc thuộc lớp Lưỡng cư được dùng trong y học cổ truyền, thịt cóc có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm lượng protein đạt trên 53% và chứa nhiều axít amin có giá trị. Thịt cóc được dùng một trong số bài thuốc chữa bệnh: cam tẩu mã, suy dinh dưỡng ở trẻ em. Nhựa cóc rất độc thuộc loại độc bảng A cũng được dùng làm thuốc chữa trị một số bệnh. Một số loài thuộc Bò sát có giá trị dược liệu như Tắc kè có giá trị bồi bổ cơ thể và chữa một số bệnh trong dân gian được sử dụng dưới dạng chủ yếu là rượu. Một số loài rắn mật và nọc độc có giá trị nhất định. Mật rắn phối hợp với các vị thuốc khác có tác dụng chữa ho, đau lưng, nhức đầu, nọc độc chế thành thuốc tiêm hay xoa bóp để giảm đau trong các bệnh hủi, ung thư, thấp khớp hoặc viêm cơ. Trong dân gian thường dùng các loại rắn phối hợp thành bộ phận để ngâm rượu. Bộ rắn gọi là tam xà gồm 3 loài: Hổ mang + Cạp nong + Rắn ráo; bộ ngũ xà gồm 5 loài: Hổ mang + Cạp nong + Rắn ráo + Hổ trâu + Rắn ba chỉ (hay rắn sọc dưa).