552. 3.3 Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp
3.2.4 Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên
giờ lên lớp cho học sinh
3.2.4.1. Mục đích
Nhằm khắc phục lối dạy truyền thống áp đặt một chiều, thực hiện vai trò của người thầy là chủ đạo, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động cho học sinh.
Phát huy tính tích cực tự giác, vai trò chủ thể của học sinh trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, đem lại niềm vui, tạo hứng thú trong hoạt động học tập cho học sinh.
Giúp cho Hiệu trưởng, Ban chỉ đạo hoạt động GDNGLL quản lý, chỉ đạo và triển khai tốt hoạt động GDNGLL của nhà trường; đồng thời đổi mới hình thức tổ chức để hoạt động GDNGLL phong phú về các hình thức tổ chức giáo viên và học sinh tham gia tích cực hơn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động GDNGLL.
3.2.4.2. Nội dung
Giáo viên phải nắm thật chắc nội dung hoạt động đã được đơn vị thống nhất lựa chọn trong từng tiết sinh hoạt, trong các hoạt động chung và phần tự chọn. Sau đó lựa chọn các hình thức hoạt động cho phù hợp, hình thức này có thể được thay đổi hoặc được nhắc lại ở mỗi chủ đề, chủ điểm để giúp học sinh thực hiện các hoạt động GDNGLL một cách linh hoạt, chủ động hơn. Bên cạnh đó, gắn đổi mới các hình thức hoạt động với đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động GDNGLL để tăng cường tính chất tương tác, phát huy tính sáng tạo trong học sinh khi tham gia vào hoạt động. Tính sáng tạo là công cụ nhận thức giúp học sinh nâng cao hiểu biết của mình qua hoạt động. Đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động GDNGLL là để khuyến khích tính sáng tạo của học sinh.
- Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, của học sinh trong hoạt động GDNGLL: sự tham gia của học sinh tạo điều kiện cho các em phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức và điều khiển hoạt động của tập thể. Đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động GDNGLL không chỉ kiên quyết khắc phục cách làm áp đặt, bao biện, làm thay học sinh mà còn phải đưa học sinh vào những tình huống cụ thể với những công việc được giao cụ thể. Có như vậy mới giúp các em có điều kiện để trưởng thành. Cùng với việc làm trên, cần bồi dưỡng, phát huy cao độ khả năng của đội ngũ cán bộ lớp và khéo léo lôi cuốn mọi thành viên trong lớp cùng tham gia vào các khâu của quy trình hoạt động.
- Tổ chức hoạt động GDNGLL theo hướng tăng cường vận dụng các thiết bị và phương tiện dạy học các môn học: nói đến hoạt động là nói đến các phương tiện, trang thiết bị kèm theo. Tuy nhiên trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc huy động sử dụng các thiết bị và phương tiện dạy học của một số môn học vào trong hoạt động GDNGLL là một cách làm thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt. Những phương tiện dạy học của các môn học được dùng cho việc tổ chức hoạt động GDNGLL có thể là: bản đồ giáo khoa, tranh ảnh, băng hình, sơ đồ, biểu bảng và đặc biệt có thể vận dụng công nghệ tin học trong những hoạt động cụ thể sẽ tạo
những hứng thú bất ngờ cho học sinh, đồng thời có khả năng kích thích sự sáng tạo của học sinh trong hoạt động.
- Nâng cao vai trò của giáo viên đối với hoạt động của học sinh: sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố tác động, trong đó nhân tố giáo dục có vai trò chủ đạo. Giáo dục học sinh là tổ chức và hướng dẫn các loại hình hoạt động phong phú và đa dạng; tổ chức và điều khiển các mối quan hệ nhiều mặt của các em với người khác, với thế giới xung quanh; là hoạt động tổ chức và lãnh đạo các dạng hoạt động và giao lưu giữa các học sinh với nhau và giữa học sinh với người khác.
Trong quá trình trên, vai trò của người giáo viên là chủ đạo, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động cho học sinh. Ngày nay, khái niệm tổ chức giáo dục không chỉ bó hẹp hàm nghĩa trong giáo dục nhà trường, mà còn phối hợp chặt chẽ với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội trong mối quan hệ biện chứng với giáo dục nhà trường. Dù ở dạng hoạt động nào, nhà trường - với vai trò chủ đạo của giáo viên, hoạt động giáo dục có nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức đa dạng, góp phần quyết định đến sự phát triển nhân cách học sinh.
Vai trò chủ đạo của giáo viên thể hiện ở tổ chức, điều khiển các dạng hoạt động của học sinh như: học tập, giáo dục, giao lưu, hoạt động lao động, xã hội công ích, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Sự tác động này được thực hiện đồng thời lên các mặt: nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh trong quá trình lĩnh hội chuẩn mực giá trị, kinh nghiệm ứng xử, thái độ với tự nhiên, với con người và hoạt động rèn luyện hành vi đạo đức của học sinh. Đồng thời, giáo viên còn là người tổ chức quá trình dạy học - giáo dục một cách khoa học cho học sinh. Hoạt động của giáo viên thực hiện hai chức năng: cung cấp tri thức và hướng dẫn tổ chức giáo dục học sinh.
- Tổ chức hoạt động GDNGLL theo hướng đổi mới phương pháp ở trường THPT: Để đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động, cần thực hiện quy trình tổ chức sau đây:
+ Bước 1: Chuẩn bị hoạt động
Hiệu quả của các hoạt động GDNGLL lớp phụ thuộc phần lớn vào giai đoạn chuẩn bị, trong bước này, cả giáo viên và học sinh cùng tham gia hoạt động chuẩn bị. Chính trong bước này, giáo viên có điều kiện để thực hiện đổi mới phương pháp. Muốn vậy, giáo viên phải:
- Lựa chọn nội dung và hình thức hoạt động. Mỗi hoạt động có nội dung riêng của nó, có hoạt động thì nội dung khá dài, song có những hoạt động thì nội dung lại rất ngắn gọn. Vì vậy, tùy theo mức độ dài ngắn, độ khó dễ, độ cập nhật với bối cảnh xã hội hay chỉ là những nội dung đời thường… mà giáo viên quyết định chọn hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động GDNGLL nào là phù hợp. Để làm được điều này, giáo viên phải: làm rõ những nội dung cần thiết cho hoạt động. Trên cơ sở đó định hướng cho học sinh sưu tầm, tìm hiểu, tập hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nhằm bổ sung cho phong phú hơn. Nội dung hoạt động phải phù hợp với yêu cầu của thực tiễn nhà trường, địa phương, đất nước, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, nhu cầu, hứng thú của học sinh.
- Vạch kế hoạch, thời gian chuẩn bị, thời gian tiến hành hoạt động (thời gian chuẩn bị dài hay ngắn tùy theo yêu cầu của hoạt động cụ thể).
- Dự kiến được nội dung công việc, hình dung được tiến trình hoạt động, những công việc phải chuẩn bị và phân công cụ thể lực lượng tham gia chuẩn bị.
- Dự kiến sẽ giao những nhiệm vụ gì cho đối tượng nào, thời gian phải hoàn thành là bao lâu…
- Bản thân giáo viên sẽ làm những việc gì để thể hiện sự tương tác tích cực giữa thầy và trò trong bước chuẩn bị này.
- Về phía học sinh: Khi được giao nhiệm vụ sẽ chủ động bàn bạc cách thực hiện trong tập thể lớp. Các em phải chỉ ra được những việc phải làm, phân công rõ ràng, đúng người đúng việc.
- Dự kiến các tình huống xảy ra trong quá trình hoạt động và cách ứng xử, giải quyết.
- Tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các lực lượng giáo dục khác trong và ngoài trường (nếu cần).
- Đôn đốc, kiểm tra và hoàn tất giai đoạn chuẩn bị.
Tóm lại, quá trình chuẩn bị cho hoạt động GDNGLL nên mở rộng, phát huy tính phát huy dân chủ, khuyến khích học sinh cùng tham gia bàn bạc, trao đổi, sáng tạo, tìm ra những hình thức sinh động, bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung hoạt động cho phù hợp với điều kiện và khả năng thực hiện của học sinh, của lớp.
+ Bước 2: Tiến hành hoạt động
Học sinh hoàn toàn làm chủ trong bước này. Do đó cần sắp xếp một quy trình tiến hành hợp lí, phù hợp với khả năng của học sinh. Cần lưu ý một nguyên tắc ở bước này là: phát huy khả năng tự quản, tính sáng tạo của học sinh, giáo viên chỉ giữ vai trò cố vấn, chỉ xuất hiện khi thật cần thiết giúp các em xử lý các tình huống giáo dục nảy sinh trong hoạt động, giúp các em điều chỉnh hoạt động cho hợp lý hơn.
Kết thúc hoạt động, cán bộ lớp có thể lên nhận xét về kết quả hoạt động, ý thức, thái độ tham gia của các tổ, nhóm hoặc cá nhân, biểu dương hoặc nhắc nhở, động viên các bạn làm tốt hơn.
+ Bước 3: Đánh giá kết quả hoạt động
Đánh giá là dịp để học sinh tự nhìn lại quá trình tổ chức hoạt động của mình từ chuẩn bị, tiến hành hoạt động đến đánh giá kết quả hoạt động. Có nhiều hình
thức đánh giá như: Nhận xét chung về ý thức tham gia của học sinh, viết thu hoạch sau hoạt động nhằm tìm hiểu mức độ nhận thức vấn đề của học sinh, dùng câu hỏi trắc nghiệm để đánh giá thái độ của học sinh về một vấn đề nào đó của hoạt động, thông qua sản phẩm hoạt động…
Nói chung, nếu giáo viên thực hiện và vận dụng theo quy trình ba bước này thì hoạt động sẽ đạt được những kết quả cụ thể, sẽ tạo được hứng thú cho học sinh, giúp các em có thêm kinh nghiệm.
3.2.4.3. Tổ chức thực hiện
Hiệu trưởng thực hiện các biện pháp quản lý để quán triệt quan điểm đổi mới giáo dục THPT nói chung, đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nói riêng trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực hỗ trợ cho các hoạt động. Phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, phương tiện dạy học để đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đồng thời chỉ đạo việc kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm.
Phó hiệu trưởng phối hợp các bộ phận, trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động GDNGLL theo kế hoạch.
Tổ trưởng chuyên môn, cùng với cùng giáo viên trao đổi, thống nhất lựa chọn nội dung phương pháp hoạt động, thiết kế bài giảng, lựa chọn và kết hợp sử dụng các thiết bị, phương tiện dạy học của những môn học khác vào hoạt động GDNGLL, thực hiện quy trình tổ chức hoạt động GDNGLL theo hướng đổi mới, đánh giá kết quả hoạt động của học sinh.
Bí thư đoàn thanh niên cùng giáo viên hướng dẫn cán bộ lớp, Đoàn viên nòng cốt những kỹ năng sinh hoạt, kỹ năng tự quản, một số trò chơi, tìm những phương tiện, đồ dùng phục vụ cho hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Giáo viên bộ môn, phụ trách thiết bị nhà trường tư vấn cho giáo viên chủ nhiệm những đồ dùng, thiết bị dạy học có thể vận dụng được.
Phụ trách các bộ phận (Y tế học đường, Thư viện, Thiết bị…) nắm những yêu cầu đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động GDNGLL để có biện pháp hỗ trợ tích cực cho hoạt động chung của nhà trường.
Giáo viên tìm tòi, suy nghĩ những biện pháp tác động để thu hút học sinh tham gia các hoạt động của nhà trường.
3.2.4.4. Điều kiện thực hiện
Tập thể sư phạm quán triệt quan điểm đổi mới giáo dục THPT nói chung, đổi mới phương pháp tổ chức họat động giáo dục ngoài giờ lên lớp nói riêng.
Dự toán đúng, huy động đủ nguồn lực tài chính (trích từ kinh phí nhà trường, vận động từ Hội Cha mẹ học sinh, các nhà tài trợ, học sinh đóng góp…), sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động.
Khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị, đồ dùng dạy học bằng nhiều hình thức (liên kết sử dụng, thuê mướn sân bóng, hồ bơi, phòng đa năng… của Trung Tâm Thể dục - thể Thao, sử dụng đồ dùng dạy học của những môn học khác một cách hợp lý; khuyến khích việc tự làm, tự tìm đồ dùng dạy học của thầy và trò…)
Quan hệ phối hợp, hỗ trợ giữa các lực lượng giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường được thực hiện hợp lý.
Lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp họat động thích hợp, sắp xếp thời gian tổ chức họat động phù hợp.
Đưa kết quả việc thực hiện đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp vào tiêu chí đánh giá thi đua, đánh giá công chức, quy hoạch cán bộ của đơn vị.
Biểu dương, khen thưởng, và có biện pháp khuyến khích hợp lý về vật chất lẫn tinh thần cho các đối tượng thực hiện tốt công tác.