d. Kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch
3.2.5. Tăng cuờng quản lý công tác bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng và viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên
viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên
Bồi dưỡng trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm cho đội ngũ GV được xem là nhiệm vụ của mọi CBQL, giáo viên; chứ không phải chỉ là HT. Công tác
tự học, tự bồi dưỡng cũng rất quan trọng bởi vì đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học - giáo dục trong các nhà trường. Do đó, bản thân mỗi cán bộ, GV phải nhận thức sâu sắc được vai trò của việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu phát triển GD của nhà trường. Từ đó họ xây dựng cho mình một kế hoạch cụ thể để thực hiện và quyết tâm đạt được mục tiêu.
3.2.5.1. Mục đích
- Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của TTCM và GV về công tác tự học, tự bồi dưỡng.
- Tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, có điều kiện để cập nhật kiến thức trong quá trình giảng dạy.
- Phát huy được năng lực, tính sáng tạo của từng giáo viên, kết hợp tạo thành sức mạnh trí tuệ của tập thể.
- Giúp Hiệu trưởng nắm được năng lực của GV để có biện pháp và quyết định quản lý đúng đắn trong công tác chỉ đạo hoạt động chuyên môn.
- Góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong nhà trường để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục.
3.2.5.2. Nội dung
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ: bồi dưỡng trình độ chuyên môn, phương pháp dạy học; bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, tin học; bồi dưỡng kiến thức quản lý cho tổ trưởng chuyên môn.
- Động viên, khuyến khích và có kế hoạch cử GV tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, các lớp học tập trên chuẩn …
- Tổ chức thảo luận trong tổ chuyên môn về kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng và đưa vào kế hoạch chuyên môn của cá nhân ngay từ đầu năm học.
- Chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng dần tay nghề sư phạm cho giáo viên.
3.2.5.3. Cách thức thực hiện
- Ngay từ đầu năm học Hiệu trưởng cùng với Ban giám hiệu và các tổ trưởng chuyên môn phải bàn bạc thống nhất lên kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng cho giáo viên. Trong kế hoạch thể hiện cụ thể các nội dung:
+ Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhằm đạt được vấn đề gì? những lĩnh vực nào cần đào tạo, bồi dưỡng? Trình độ đạt được sau khi kết thúc các khoá đào tạo? …
+ Phương thức và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nào? địa điểm tổ chức? Phân công trách nhiệm cho các bộ phận như thế nào? số lượng tham gia?
+ Dự kiến các nguồn lực như: người thực hiện, người thay thế, dự trù kinh phí, thời gian dự kiến ….
+ Lựa chọn các biện pháp, phương pháp tối ưu để thực hiện mục tiêu.
- Hiệu trưởng chỉ đạo các đạo các TCM bàn bạc, để lên kế hoạch cụ thể về vấn đề tự học, tự bồi dưỡng của tổ mình; phải phân công cụ thể cho từng giáo viên nghiên cứu những vấn đề cần thiết để thảo luận trước tổ trong buổi họp chuyên môn, như: những bài giảng khó, PPDH mới, những chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy... Từ đó, các giáo viên được phân công chịu trách nhiệm giảng dạy nêu ra vấn đề để cả tổ cùng bàn bạc, thảo luận đi đến thống nhất chung.
- Hàng năm cùng với tổ trưởng chuyên môn, Hiệu trưởng phải phân loại đánh giá năng lực của từng giáo viên trong tổ để phân công giáo viên kèm cặp giúp đỡ lẫn nhau về chuyên môn và có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên. Hiệu trưởng phải tổng hợp nhiều kênh thông tin như: dự giờ thăm lớp, dùng phiếu thăm dò học sinh, thông qua tổ, nhóm chuyên môn, lấy ý kiến từ phía cha mẹ học sinh… để phân tích đánh giá phân loại phải chính xác đối với mỗi giáo viên. Từ đó, có cơ sở phân công giảng dạy phù hợp, tổ chức bồi dưỡng giáo viên đúng năng lực, làm cho công tác giảng dạy của giáo viên đáp ứng được yêu cầu của người học, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
- Thường xuyên tổ chức Hội thảo, hội thi, hội giảng, câu lạc bộ trong nhà trường về đề tài chuyên môn như: Hội thi GV dạy giỏi cấp trường, Hội thảo chuyên đề đổi mới PPDH, Hội thi làm đồ dùng dạy học, ngoại khoá các chuyên đề về sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, về bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, về viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu đề tài khoa học sư phạm ứng dụng,…có mời các chuyên gia, các GV dạy giỏi, GV có kinh nghiệm báo cáo.Sau mỗi lần tổ chức các hội thi, đều phải rút kinh nghiệm, tổng hợp khen – chê đúng lúc, đúng chỗ, để động viên khuyến khích mọi người tham gia.
- Ngay từ đầu năm học HT chỉ đạo các TCM bàn bạc để các cá nhân trong tổ chọn đề tài sáng kiến kinh nghiệm trong năm và xây dựng KH bảo vệ đề cương, bảo vệ chính thức. Phải coi việc viết sáng kiến kinh nghiệm là việc làm bắt buộc đối với tất cả các GV và là tiêu chí xếp loại thi đua đối với tổ trưởng, cá nhân.
- Tổ chức các lớp học Tiếng Anh, Tin học trong nhà trường để mọi GV đều có cơ hội để học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học.
- Mua các loại sách, tài liệu tham khảo các môn học bổ sung vào thư viện nhà trường cho GV có thêm nguồn tài liệu học tập và nghiên cứu.
- Tăng cường công tác kiểm tra; sơ, tổng kết việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của GV, để kịp thời động viên, khen thưởng những bộ phận, cá nhân có thành tích tốt và rút ra bài học kinh nghiệm cho những tồn tại, hạn chế. Từ đó, có những điều chỉnh hợp lý giúp cho việc quản lý của HT đạt hiệu quả cao hơn.