Từ những nhân vật của chủ nghĩa hiện thực

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 97 - 101)

5. Cấu trúc luận án:

2.4.1. Từ những nhân vật của chủ nghĩa hiện thực

Long, Mịch, Phúc, Huyền... đều là những con người tốt, lương thiện. Nhưng xã hội cũ đã từng bước đẩy họ vào vũng bùn tha hoá. Bám sát những chặng đường biến đổi trong cuộc đời họ, nhiều khi khá day dứt, đau đớn, Vũ Trọng Phụng đã có những trang viết chân thực, sinh động, thể hiện sự thấu hiểu và cảm thông đối với những nạn nhân đáng thương của xã hội cũ.

Mịch là một nhân vật tiêu biểu cho loại nhân vật nạn nhân, "tha hoá" của Vũ Trọng Phụng. Ngòi bút tác giả đã thành công khi mô tả Mịch như một nạn nhân đáng thương của thói dâm dục của Nghị Hách, nạn nhân của sự bần cùng hóa người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến, nạn nhân của một thứ pháp luật luôn đứng về phía người giàu để chống lại kẻ nghèo. Cũng như Tám Bính trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Thị Mịch đang sống yên ổn trong cảnh nghèo túng của mình ở một làng quê mà người làng "chưa ai trông thấy một lọ nước hoa, chưa ai nghe thấy một cái máy hát" thì bỗng nhiên bao nhiêu tai họa liên tiếp đổ lên đầu. Người con gái mà ước vọng cuộc đời chỉ là "ăn ở cho hiếu thuận, làm ăn cho chăm chỉ, thấy ai túng thiếu thì không dè dạt cởi ngay hầu bao đưa cái đồng bạc đã để dành trong mười ngày" đã bị quẳng vào cơn xoáy lốc của cuộc đời đen bạc. Từ đầu tác phẩm, Mịch đã chiếm được cảm tình của người đọc bằng vẻ hiền hậu của một cô gái quê, bằng những ước muốn chân thật về hạnh phúc gia đình bên một người chồng nghèo nhưng thương yêu vợ.

98

Sau khi tai nạn xảy ra, Mịch cũng gây được bao nỗi xót thương cho người đọc. Ngòi bút "tả chân" của Vũ Trọng Phụng đã hết sức chân thực khi đi sâu vào những chi tiết, những cảnh ngộ cụ thể: cảnh Mịch đi vớt bèo, mặt cúi gầm vì xấu hổ bởi những lời đàm tiếu xung quanh, cảnh Mịch nằm ở nhà thương xót xa đau đớn cho thân phận và đã định tự tử, cảnh Mịch giữa đêm khuya thanh vắng một mình bụng mang dạ chửa phải đi bẻ trộm ngô cứu đói cho gia đình... Vũ Trọng Phụng đã đặt nhân vật trong sự tác động tiêu cực của nhiều mối quan hệ dằng dịt xung quanh: sự dè bỉu của dư luận, sự sỉ vả của bố mẹ, sự nghi ngờ của người tình, sự túng quẫn của đời sống. Tất cả đã dồn người con gái hiền lành, đáng thương đến tận chân tường. Vũ Trọng Phụng cũng có những trang hết sức chân thực thể hiện số phận nhục nhã, chua xót của người phụ nữ nghèo lấy lẽ nhà giàu: bị bởn cợt, xúc phạm một cách thô lỗ ngay trong đêm tân hôn, bị bỏ rơi mau chóng sau ngày cưới. Rõ ràng, ở đây không chỉ có vấn đề tài năng "tả chân" mà phải có tấm lòng nhân đạo, thông cảm với người phụ nữ nông dân ở một mức độ nào đó thì tác giả mới có được những trang cảm động như thế viết về thân phận của Mịch. Do đó, không thể kết luận một cách dứt khoát rằng: "Vũ Trọng Phụng có thái độ khinh bạc với nông dân" [72, 216] hay "không tìm thấy một hình ảnh nào chân thật về người lao động công nhân hay nông dân" [72, 218].

Sự chân thực của một ngòi bút "tả chân" đi liền với chiều sâu của sự thể hiện tâm lý. Vũ Trọng Phụng đã có những trang viết sắc sảo tìm cách thâm nhập vào nỗi lòng thầm kín của cô gái quê. Ông chưa thể hiện được những quá trình tâm lý phức tạp, nhưng ông đã thành công trong việc khắc họa tâm trạng đau xót, tủi nhục, ê chề rất con người của Mịch. Phan Ngọc phát hiện ra rằng trong Truyện Kiều Nguyễn Du đã là "bậc thầy tâm lý" với thủ pháp để cho Kiều "ngồi một mình", tự phân tích tâm lý của mình [103 - 90]. Thủ pháp này cũng khá phổ biến trong tiểu thuyết hiện thực phê phán, khi mà con người cá nhân được hết sức chú ý trong văn học. Những trang hay nhất mô tả tâm lý Mịch cũng là những trang Vũ Trọng Phụng để Mịch ngồi một mình, tự đối diện với chính mình. Khi được đưa đến nhà thương, xung quanh toàn những người xa lạ, tác giả đã để cho Mịch tự bộc lộ những cảm xúc, tâm trạng trái ngược trong cõi lòng: vừa đau đớn, tủi hổ vì sự trong trắng và trinh tiết không còn, vừa oán hận, trách móc người nhà, vừa căm tức cuộc đời là "độc ác vô cùng"... Quả là những trang chân thực được viết ra với cảm hứng tố khổ và sự cảm thông đối với nhân vật. Vũ Trọng Phụng

99

còn có những trang như thế khi thể hiện tâm trạng phẫn uất, có pha chút lì lợm của một kẻ mà "lòng tự ái đã bị thương, nó không còn cần gì biết đến thế nào là điều hay, lẽ phải nữa". Trong tâm trạng ấy, Mịch đã bỏ hẵn ý định tự tử, đối đáp lại với ông đồ bằng những câu nói can đảm, quyết liệt khiến ông đồ rất ngạc nhiên vì Mịch "không khi nào nói được như thế " (tr. 334). Đi sâu vào những "mâu thuẫn", "những ý nghĩ trái ngược" đó của Mịch, ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã chạm đến nỗi đau và lòng căm hờn mất phương hướng của cô gái quê một cách chân thực, sinh động. Vũ Trọng Phụng cũng rất thành công khi mô tả Mịch như một mệnh phụ hết sức cô đơn trong căn phòng đẹp đẽ và giá lạnh khi bị Nghị Hách bỏ rơi. Sự đầy đủ về vật chất và đứa con sắp ra đời đã không khỏa lấp nỗi xót xa của thân phận lẽ mọn nhà giàu. Và bao nhiêu suy nghĩ, nỗi niềm lại hiện về trong lòng Mịch: "oán giận mẹ, căm tức bố, khinh bỏ anh, và nhớ Long". Những cảm xúc ấy đã dẫn đến sự chống đối, sự mong muốn được trả thù kẻ đã gây hại cho mình. Nhưng chống đối trong ý nghĩ mà bất lực trong hành động. Tất cả tâm trạng phức tạp của Mịch được tác giả thể hiện thật hợp lý, phù hợp với lôgic tâm lý và lôgic cuộc sống. Đọc đoạn này, Vũ Ngọc Phan đã phải thốt lên: "cái đoạn ấy là một đoạn thật hay" [111, 147]. Sợ đi sâu phân tích tâm lý con người một cách đa diện như thế chưa thấy xuất hiện trong tiểu thuyết Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan.

Số phận của nhân vật Long có nhiều điểm gần gũi với nhân vật Mịch. Bút pháp hiện thực của Vũ Trọng Phụng cũng rất chân thực khi khắc hoạ Long như một con người bé nhỏ, bị hoàn cảnh dồn đẩy. Xuất thân là một đứa trẻ vô thừa nhận, không cha mẹ, Long đã trải qua một quãng đời ấu thơ đầy tủi nhục. Quãng đời sống trong trại trẻ mồ côi này sẽ còn ám ảnh Long nhiều năm về sau như trong thư Long viết gửi Tú Anh: "Không bao giờ tôi quên được những buổi học êm ả một cách đáng chán, những bữa ăn kham khổ, những giờ đi ngủ theo tiếng trống, mà cả mấy trăm đứa chúng tôi lên giường, bắt tay ngang trán, không phải để được hưởng những giấc mộng của tuổi trẻ, nhưng mà là để tủi thân, để xót phận, để thèm thuồng khao khát cuộc đời của những đứa trẻ có bố có mẹ, được hiểu rõ nghĩa chữ: gia đình" (tr. 305 - 306). Lớn lên, trải qua một thời gian long đong nữa, Long trở thành thư ký làm công cho "Đại Việt học hiệu" của Tú Anh. Những tưởng cuộc đời sẽ trôi qua trong yên phận, với một chút an ủi được sống trong tình yêu của một cô gái quê hiền lành, chăm chỉ, với một chút

100

"mộng đẹp trong đầu" về hạnh phúc gia đình thì tai họa ập xuống. Người yêu của Long bị "người ta đè cổ xuống mà lấy sự yêu quí nhất của đàn bà là sự tiết trinh". Trong lòng Long sôi lên sự căm giận và ước muốn được trả thù. Nhưng đứng trước thế lực to lớn của Nghị Hách, đứng trước những cám dỗ tầm thường, Long đã từng bước đầu hàng, gạt sang một bên cả ước vọng lẫn lòng căm giận kẻ đã gây ra tai hoạ cho mình. Đến khi biết thêm được sự thực tàn nhẫn là kẻ hiếp dâm lại chính là bố đẻ của mình, Tuyết lại chính là em ruột thì Long thực sự lâm vào khủng hoảng quá sức chịu đựng, không cắt nghĩa nổi những gì đang diễn ra, không đủ sức làm chủ hành vi của mình. Những hành động đập phá, những ngày sống bê tha, trụy lạc càng làm cho Long thêm suy sụp. Và cuối cùng Long phải lấy cái chết để kết thúc cuộc đời vô nghĩa của mình. Rõ ràng với Long, muốn đi tìm hạnh phúc thì hạnh phúc càng là mật đắng, muốn thoát ra khỏi những nhơ nhớp, tội lỗi thì lại càng vô tình lao sâu thêm vào tội lỗi.

Qua số phận của Long, Vũ Trọng Phụng đã cảm nhận một cách thật chính xác nỗi đau đớn, tủi hổ, bất lực của một "con người bé nhỏ" giữa xã hội đồng tiền đen bạc. Vấn đề số phận "con người bé nhỏ" là một vấn đề quen thuộc của tiểu thuyết hiện thực phê phán, nhưng ở Vũ Trọng Phụng không phải là không có những dấu ấn riêng. Dường như Vũ Trọng Phụng cảm nhận rõ hơn ai hết cái thân phận bấp bênh, vô nghĩa của con người trước sự dồn đẩy của cuộc đời, của số phận. Cũng chưa có nhân vật nào trong tiểu thuyết hiện thực phê phán thời kỳ này cảm nhận về sự bất lực, bế tắc của số phận một cách xót xa, đau đớn như Long.

Như vậy, ở đây có vấn đề thức tỉnh của ý thức cá nhân con người, cảm nhận về sự bé nhỏ, bất hạnh của bản thân cũng là một biểu hiện của ý thức cá nhân, khi mà con người cảm thấy trống trải, chơi vơi khi bị cắt đứt những mối dây liên hệ với đồng loại. Vì thế Mịch cảm thấy cô đơn, đau khổ mặc dù đầy đủ về vật chất. Long tuyệt vọng không tìm được hạnh phúc dù là con đẻ của nhà tư bản giàu có. Những hành động phá phách của Long là sự lạc hướng của một thứ chủ nghĩa cá nhân bất lực, không tìm được con đường giải thoát. Vương Trí Nhàn cho rằng: "Ở Long cái ý thức về cá nhân đã lên đến cực điểm. Long mạnh, Long khác người vì phần ý thức ấy, nhưng Long cũng lại là nạn nhân của phần ý thức ấy" [6, 65]. Qua tác phẩm chưa thấy Long mạnh ở chổ nào, nhưng Long quả là "nạn nhân" của phần ý thức cá nhân mất phương hướng. Ở đây, sự đào sâu nhận thức về con người đã tạo nên chiều sâu cho hình tượng nhân

101

vật. Nhận thức về con người cá nhân với những đau đớn riêng, với những nỗi niềm sâu kín như ở Long, ở Mịch chưa thấy xuất hiện trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan.

Như vậy, với những nhân vật Long, Mịch, Vũ Trọng Phụng đã có những đóng góp nhất định trong bút pháp điển hình hoá hiện thực chủ nghĩa, mở ra khả năng về những nhân vật được xây dựng thành công. Tiếc rằng, Vũ Trọng Phụng đã không đủ lòng tin và một ngòi bút khách quan, tỉnh táo để hành trình cùng cuộc đời của họ.

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 97 - 101)