Con người "vô nghĩa'lý"

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 56 - 61)

5. Cấu trúc luận án:

1.4. Con người "vô nghĩa'lý"

Lý do tồn tại của con người, con người cao cả hay thấp hèn, có nghĩa hay vô nghĩa, luôn luôn là câu hỏi ám ảnh nhiều nhà triết học và nhà văn từ cổ chí kim.

Chân dung con người trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là một chân dung được nhìn từ nhiều mặt. Trong cái nhìn ấy, thực ra không phải không có những điểm sáng, những tia hy vọng. Đặc biệt là trong thời kỳ 1935 đến khoảng giữa 1937, Vũ Trọng Phụng đã cố gắng xây dựng cho mình một niềm tin ở con người và lối thoát của xã hội. Thời kỳ này, trong tác phẩm của ông xuất hiện nhiều hơn những gương mặt có nghĩa lý. Nguyễn Đăng Mạnh có một phát hiện thú vị: trong truyện ngắn Lỡ lời (Hà nội báo - 1936), Vũ Trọng Phụng đã viết về một mối tình đẹp, trong đó người con trai có tên là Tùng đã biết hy sinh một cách cao thượng để xây đắp hạnh phúc cho người mình yêu. Từ nhân vật này, Vũ Trọng Phụng đã mở rộng ý nghĩa của truyện bằng một kết luận lạc quan: "Mới biết rằng sự đời thường vẫn có nghĩa lý lắm". Sự xuất hiện một kết thúc như vậy rất đáng chú ý với ngòi bút Vũ Trọng Phụng, người thường xuyên sử dụng với một tần số cao ba chữ "vô nghĩa lý" trong các tác phẩm của mình. Như vậy, ở đây, Vũ Trọng Phụng quan niệm con người "có nghĩa lý" là con người có đạo đức, cao thượng, lúc cần dám hy sinh bản thân vì hạnh phúc người khác.

Một số nhân vật của Vũ Trọng Phụng theo cách nhìn này có thể xem là những người "có nghĩa lý". Đó là chị Cả Thuận (Không một tiếng vang) - một người vợ, người con sống hiếu nghĩa, thủy chung; là Huỳnh Đức (Dứt tình) - người chồng quân tử, cao thượng; là Tú Anh (Giông tố) - ''người ngồi trên đống vàng bạc mà không bị ánh sáng hoàng kim chiếu cho lóa mắt, đương tuổi thanh xuân mà thản nhiên được trước ái tình, một người học thức cao, nhân phẩm cao, một người hữu ích rất hiếm có vậy". Từ phương diện đạo đức, quan niệm con người "có nghĩa lý" của Vũ Trọng Phụng dần dần mở rộng nội dung, bao hàm nhiều phẩm chất như có học thức, "nhân phẩm cao", sống "hữu ích", đặc biệt là có lý tưởng xã hội để tôn thờ. Vũ Trọng Phụng đã đề cao những người như Huyện Liên, Hải Vân (Giông tố); Minh, Phú, những anh em trợ bút báo "Lao động" (Vỡ đê), vì họ sống không chỉ biết có mình mà còn muốn vùng vẫy để cải cách xã hội.

Thế nhưng, những con người "có nghĩa lý" như trên không nhiều lắm và cũng chỉ hiện diện tập trung trong thời kỳ Vũ Trọng Phụng chịu ảnh hưởng của phong trào Mặt

57

trận Dân chủ. Chiếm phần đông đảo hơn trong thế giới nhân vật của ông vẫn là những bộ mặt "vô nghĩa lý". Ba tiếng "vô nghĩa lý" xuất hiện với một tần số rất cao trong các tiểu thuyết của ông: Dứt tình: 5 lần, Giông tố: 12 lần, Số đỏ: 3 lần, Trúng số độc đắc: 7 lần, Vỡ đê: 2 lần... Đó là chưa kể các biến thể của nó như "vô lý", "vô nghĩa", "nghĩa lý gì" cũng thường hay xuất hiện trong các tác phẩm.(*) Với Vũ Trọng Phụng, hầu như cái gì cũng có thể gắn với ba tiếng "vô nghĩa lý": một chân dung, một tính cách, một điệu bộ, một cử chỉ, một câu nói, thậm chí một làn khói thuốc phiện, một điệu nhạc Java v.v... Trong đó, ám ảnh nhất với ông là những bộ mặt, những con người "vô nghĩa lý" vẫn đầy rẫy trong xã hội.

Lý giải nội hàm của quan niệm con người "vô nghĩa lý" trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là một vấn đề phức tạp bởi vì nó vừa là "hiển ngôn" lại vừa là "hàm ngôn", vừa có điểm gặp gỡ với một số nhà văn hiện thực phê phán khác, lại vừa là cách nhìn riêng độc đáo của chính ông, vừa là một cách nhìn cụ thể, có thể áp vào nhân vật này, nhân vật nọ, vừa có xu hướng khái quát những vấn đề lớn lao của nhân sinh. Với nguyên tắc xuất phát từ hình tượng nhân vật, trước hết chúng tôi bắt đầu đi từ những chân dung mà Vũ Trọng Phụng đã gọi thẳng là "vô nghĩa lý".

Nhân vật "vô nghĩa lý" đầu tiên phải kể đến là Kim, chồng của Huyền trong Làm đĩ. Tác giả mô tả Kim dưới cái nhìn khinh bỉ của Huyền: "Đó là một thiếu niên tầm thước, không đẹp cũng không xấu, không béo cũng không gầy, mặt ngây ngô như mặt những kẻ hưởng thụ khác, một thứ mặt vô nghĩa lý vì mỗi khi nhìn đến, ta không thấy một mối thiện cảm gì sinh trong lòng ta, mà cả đến ác cảm nữa cũng không! Cái mặt không có nét đặc sắc gì đã khiến em phải nghĩ đến một hạng thiếu niên học thức không xuất sắc, tư tưởng rất tầm thường, không một lý tưởng cao xa nào nữa ngoài cái lý tưởng học để thi đỗ, làm việc nhà nước và lấy vợ đẹp, dễ thường đã lên lớp vì đút lót, một hạng nếu không có bố mẹ giàu thì hẳn chỉ còn có thể có một cách là đê tiện, mà sinh được vào một cửa phú quí thì cũng chỉ kết quả đến cái giá áo, cái túi cơm..." (tr. 178).

Kim đúng là một định nghĩa sống về con người "vô nghĩa lý", một thứ "vô nghĩa lý" đồng nhất từ hình dáng bên ngoài đến tâm hồn, tư tưởng bên trong. Cả quãng đời mà Kim trải qua đã phơi bày tất cả: trụy lạc về đạo đức, dốt nát về văn hóa, tầm

58

thường về tư tưởng. Kim đi học không cần phải giỏi, lấy vợ không cần tình yêu, chọn bạn bè chỉ nhìn vào túi tiền của bạn. Kim trở thành một số không trong cuộc đời của Huyền. Đấy là một lý do đã đẩy Huyền đến chỗ ngoại tình rồi chán chường, thất vọng mà sa chân vào con đường "làm đĩ".

Chân dung thứ hai cũng được Vũ Trọng Phụng dán nhãn "vô nghĩa lý" là nhân vật Hai Cò trong Vỡ đê. Khác với Kim, Hai Cò là một kẻ thất học, nghèo khổ, ngu dốt. "Một giai làng, một kẻ vô nghĩa lý mà chỗ nào người ta cũng thấy có mặt, mà có mặt ở chỗ nào thì người ta cũng chỉ biết là có mặt hay vắng mặt, một kẻ không được yêu, chẳng bị ghét, đến cả bị khinh bỉ nữa cũng không, một thứ người đần độn mà ở nhà nào có việc thì người ta cũng thấy ngồi thái thịt dưới bếp" (tr. 15).

Hai kẻ "vô nghĩa lý" khác nhau về học vấn, về địa vị xã hội nhưng bổ sung cho nhau để hoàn thiện một cách nhìn về con người "vô nghĩa lý". Như vậy, trong quan niệm của Vũ Trọng Phụng, "vô nghĩa lý" có khi hàm chứa nghĩa vô đạo đức (ở Kim có nét trụy lạc, tàn nhẫn, ích kỷ), nhưng dường như mặt chính trong cảm nhận của tác giả lại chính là ý nghĩa tồn tại của con người trên phương diện ý thức, tinh thần, là sự khẳng định bản ngã của nó, sự hiện diện của nó giữa đồng loại. Kim là người có học, có địa vị xã hội, nhưng vẫn là kẻ mù tối về tinh thần, nhợt nhạt về ý thức. Hai Cò lại càng là một số không vô nghĩa, xét trên ý nghĩa tồn tại của con người. Kẻ trai làng chỉ biết làm mỗi một việc là ai có đám thì "ngồi thái thịt dưới bếp" ấy không phải vì tham lam kiểu như Cu Lộ trong Tư cách mõ của Nam Cao mà chỉ là hành động theo một thứ bản năng ngu dại của một người đã bị tê liệt về ý thức. Không phải ngẫu nhiên mà ở cả hai nhân vật, tác giả đều nhấn mạnh cái hiện diện vô nghĩa của chúng trong con mắt đánh giá, trong cảm nhận của những người xung quanh. Nói theo cách nói của Nam Cao trong Sống mòn, đó là những kẻ "đã chết ngay lúc còn đang sống".

Từ hai định nghĩa sống nói trên, chúng ta có thể mở rộng đến những nhân vật "vô nghĩa lý" khác, dù ông không dán vào trán họ ba tiếng quen thuộc đó. Cụ Cố Hồng trong Số đỏ xứng đáng được xếp vào số này. Một cụ già cổ hủ không hề biết một cái gì, suốt ngày ngồi bên bàn đèn thuốc phiện nhưng hễ mở miệng là "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi", một người chưa đến 50 tuổi nhưng thích khoe cái già, cái lẩm cẩm của mình, một người khi sung sướng thì chỉ mong được người khác đấm vào mặt để cho xứng với câu thành ngữ "vênh váo như bố vợ phải đấm" quả không có từ ngữ nào đích đáng

59

hơn với ba tiếng "vô nghĩa lý". Ngoài ra, những Phó Đoan, Văn Minh, Trực Ngôn, Xuân Tóc Đỏ... ở khía cạnh này, khía cạnh khác cũng chứa đựng'nhiều nét của những chân dung "vô nghĩa lý".

Mô tả những chân dung "vô nghĩa lý" có ý nghĩa phổ biến trong bối cảnh một xã hội vô nhân đạo, "chó đểu", ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã chạm đến một vấn đề có ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc. Phủ nhận những tồn tại "vô nghĩa lý" đã bao hàm trong đó mong muốn con người được sống có nghĩa lý, sống cho ra con người. Nam Cao trong Sống mòn đã đối lập hai phương diện "sống" và "tồn tại", xuất phát từ một

yêu cầu rất cao đẹp về lẽ sống của con người. Ở đây, nếu ngòi bút tả chân của Vũ Trọng Phụng tiếp tục đào sâu hơn vấn đề với một cái nhìn đúng đắn thì chắc chắn ông sẽ tìm thấy những điều mới mẻ và sáng tác của ông sẽ có thêm những thành tựu mới. Tiếc rằng ngoi bút của Vũ Trọng Phụng càng đi sâu càng tỏ ra lạc hướng. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ có lúc Vũ Trọng Phụng nhìn thấy căn nguyên xã hội đẻ ra những kiểu người "vô nghĩa lý", "nhưng cũng có lúc ông lãng quên điều ấy để hướng mũi dùi đả kích vào chính con người. Ngay từ năm 1941, Lan Khai đã có phần chính xác khi nhận xét: "Cũng vì không hiểu biết, Phụng công kích thù hằn người hơn là công kích thù hằn cái chế độ đã sản ra người" [72, 66]. Hơn 50 năm sau, Vương Trí Nhàn cũng khẳng định: "Từ tác phẩm của ông, bắt gặp một cái nhìn gần như tuyệt vọng với bản chất con người... Trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, rốt cuộc, Vũ Trọng Phụng hiện ra như một nhà văn bi quan bậc nhất" [108, 26 - 27]. Không phải bất cứ chân dung "vô nghĩa lý" nào cũng gắn liền với cái nhìn bi quan, nhưng đồng thời cũng không ít chân dung trong đó được tạo ra dưới nhãn quan về một thứ tính người vụ lợi, về những trò hề mà con người đang diễn trên sân khấu cuộc đời. Vì thế, ông đã không ngại ngần gọi hàng trăm dân làng Quỳnh Thôn từ những đứa trẻ đến các cụ già là "vô nghĩa lý" khi họ mới hôm qua còn hùng hổ, hăng hái, đòi đi kiện Nghị Hách, hôm nay thua cuộc đã tiu nghỉu, chán chường, "bỏ cả việc tơ tằm, đồng áng để mà kháo chuyện nhau, chèn chỗ nhau, khích bác nhau, chửi bới nhau". Đám người "vô nghĩa lý" ấy còn có dịp diễn trò khi họ "làm giúp một cách hăng hái nhất" để "đứng bên ngoài cái rào găng mà chuyền tay nhau phỗng hàng rá thịt một" trong đám cưới Thị Mịch (tr. 367).

Vũ Trọng Phụng cũng dùng ba tiếng "vô nghĩa lý" để gọi đám đông bốn nghìn người đến lĩnh chẩn của Nghị Hách trước Tiểu vạn trường thành. Vì một rá gạo, một

60

vài hào bạc họ đã kéo nhau đến "nằm ngồi hỗn độn, cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, ỉa đái tung tóe ra cả quanh đấy, và để cho lính đánh đập" (tr.480).

Cái nhìn bi quan về con người được thể hiện một cách sâu đậm nhất trong cuốn tiểu thuyết cuối đời Vũ Trọng Phụng: Trúng số độc đắc. Hầu hết các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này đã được tạo ra từ một cái nhìn bi quan: đời là trò hề, còn con người giàu cũng như nghèo chỉ là một giống ích kỷ, tàn nhẫn, đầy cơ hội. Cái triết lý mà Tú Anh đã có lần phát biểu trong Giông tố: "loài người chỉ là một lũ ngu dốt không phân biệt điều hay, điều dở, không biết ăn ở sao cho phải, luôn luôn bất cập, luôn luôn thái quá, loài người chỉ là một lũ nhầm lẫn đáng thương" đã hiện hình thành đám nhân vật diễn trò trong tác phẩm: Phúc, bố mẹ vợ Phúc, lão chủ hãng ô tô, tay ký giả... Đám người đáng được gọi là "vô nghĩa lý" này hiện ra thật thảm hại trước đồng tiền. Khi Phúc còn là một anh ký kiết thất nghiệp, họ sỉ vả, khinh miệt. Khi anh trúng số, họ quay ngoắt 180°: bố, mẹ dỗ dành ngon ngọt, vợ chiều chuộng, săn sóc, em phỉnh nịnh, tâng bốc. Bố và anh cả Phúc tranh nhau năm trăm bạc Phúc cho "như hai con ác thú trước một miếng mồi". Ở ngoài xã hội thì từ lão Tây đến lão chủ hãng ô tô thấy Phúc là cúi đầu chào, uốn lưỡi nịnh hót, xin lỗi tới tấp "lấy làm hối hận, thật thế, vô cùng hối hận". Rồi một bọn ký giả săn đón, xin đăng bài, chụp ảnh... Phúc, đến lượt mình cũng chẳng khá gì hơn họ, cũng biến đổi từ đầu đến chân. Rõ ràng, những thói xấu của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ trong xã hội tư sản đã bị biến thành một thứ bản tính tiền định mà con người không thể vượt qua. Về phương diện này, Vũ Trọng Phụng không đứng cao hơn một số nhà văn hiện thực phê phán khác như Nam Cao, Nguyên Hồng. Trong Sống mòn, nhân vật Thứ cũng hay nghĩ đến những cái vô lý tồn lại trong xã hội. Nhưng điều chủ yếu mà Nam Cao - qua nhân vật Thứ muốn phê phán là những "lối sống vô lý" hạ thấp giá trị con người. Nam Cao, tuy không phải không có lúc xoi mói, khinh bạc, nhưng ông không hướng sự đả kích vào chính con người. Chính cái nhìn bi quan về con người đã đưa Vũ Trọng Phụng đến với tư tưởng định mệnh. Tư tưởng này trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng không còn là những yếu tố lẻ tẻ mà đã trở thành có hệ thống, khi thì hiện hình thành những ông thầy bói, thầy tướng nói trúng như thần trong Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, khi thì thể hiện ở không khí định mệnh, ở các tình tiết ngẫu nhiên, may rủi qui định số phận nhiều nhân vật như Mịch, Long, Phúc... Con

61

người trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng vốn đã "vô nghĩa lý" ở giữa cuộc đời, lại thêm một lần nữa bé nhỏ và "vô nghĩa lý" trong bàn tay trớ trêu của định mệnh và may rủi.

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 56 - 61)