Từ những nhân vật lý tưởng về đạo đức

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 86 - 88)

5. Cấu trúc luận án:

2.3.1. Từ những nhân vật lý tưởng về đạo đức

Có thể khái quát rằng trong các tiểu thuyết của mình, Vũ Trọng Phụng đã đi từ kiểu nhân vật lý tưởng về đạo đứcđến kiểu nhân vật cải cách xã hội. Sau chị Cả Thuận (Trong kịch Không một tiếng vang), Huỳnh Đức (Dứt tình) là nhân vật tích cực đầu tiên được tác giả hết sức đề cao ở phương diện đạo đức. Nếu như đám đông nhân vật trong Dứt tình như Yvonne, Việt Anh, Tiết Hằng đều là những kẻ chạy theo dục vọng mà mất dần nhân cách thì Huỳnh Đức là kiểu người dị biệt đối với họ. Người đọc cảm thấy đây là một nhân vật cao thượng đến khó hiểu, bởi Huỳnh Đức là kiểu nhân vật lý tưởng, chủ quan, đứng cao hơn hoàn cảnh thường thấy xuất hiện trong văn học lãng mạn.

Huỳnh Đức là kẻ "đến muộn" trong cuộc đời Tiết Hằng, sau khi Tiết Hằng đã kết hôn với người mà mình không yêu là Đào Quân. Đào Quân bị tai nạn chết, Tiết Hằng lại sa vào cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng do những dằn vặt tâm hồn gây nên bởi mối quan hệ với người tình cũ là Việt Anh. Giữa lúc đó, Huỳnh Đức xuất hiện như một vị cứu tinh trong cuộc đời Hằng. Vũ Trọng Phụng bỏ qua tất cả các mối quan hệ xã hội phong phú của Huỳnh Đức để tập trung ngòi bút tô đậm vẻ đẹp đạo đức ở con người này. Người đọc không rõ Huỳnh Đức làm ăn, buôn bán, sinh hoạt... như thế nào, chỉ biết loáng thoáng rằng Đức là người gia thế, giàu có, trong tay có nhiều tiền, xe hơi riêng, những mỏ than lớn. Thế nhưng, điều mà người đọc thấy rõ là Đức đúng là người tình, người chồng lý tưởng ít ai bì kịp. Đức yêu Hằng chân thành, không ghen tuông với quá khứ của vợ, đối xử với việc vợ vẫn yêu người đàn ông khác bằng sự hy sinh cao thượng: "quên tôi đi mà sống bằng cái hạnh phúc của người mà tôi yêu quí". Nếu như Đức viết trong nhật ký: "các nhà văn hào đều nói rằng ái tình là một món mỹ thuật, người nào muốn đắc thắng trong tình trường, ít ra cũng phải có tư cách một nghệ sĩ" thì anh ta quả là một thứ "nghệ sĩ" đầy lãng mạn trong con mắt Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Phụng xây dựng nhân vật Huỳnh Đức là con người đầy nội tâm, có bản lĩnh, ý thức sự khác biệt giữa mình và những người tầm thường xung quanh khi anh tâm niệm: "Tôi không thể như người khác được". Trong con mắt Tiết Hằng, Đức là người quân tử hiếm có, là ân nhân cứu mạng. Trong quan hệ với Việt Anh, Đức càng lộ rõ cái

87

bản lĩnh, cái tư cách không thay đổi của mình. Với Huỳnh Đức, tác giả đã khá nhất quán trong bút pháp lý tưởng hóa. Đức được miêu tả đẹp về ngoại hình: "người đẫy đà, mặc bộ âu phục màu gỗ hồng... bộ mặt trắng trẻo như một người Nhật Bản". Đức cư xử lịch thiệp, đoàng hoàng, khi buồn cũng có lúc nhỏ lệ và lau nước mắt, viết nhật ký cảm động không thua kém nhật ký của Tố Tâm (Một độc giả đương thời là Lệ Chi đã quá thật thà khen: "Văn của Đức viết hay hơn văn của tác giả ở nhiều chương"), nói nàng văn hoa kiểu cách như nhiều nhân vật lãng mạn của Tự lực văn đoàn. Chẳng hạn lời của Đức nói với Hằng: "Mừng cho cô thì có nhưng chẳng đáng mừng gì cho tôi, cô nên biết rằng việc cô lấy chổng tôi coi như... cái chết của cuộc đời tôi vậy", "Tôi bây giờ không dám nghĩ đến tôi nữa. Tôi phải quên tôi đi mà nghĩ đến Hằng... Vì ái tình! trời ơi! tôi yêu Hằng quá, không thể để Hằng cứ đau khổ như thế mãi được" (tr. 143).

Cách xử lý tình huống theo lôgic chủ quan thể hiện rõ rệt ở kết thúc tác phẩm. Biết vợ vẫn chưa quên hẳn mối tình xưa với Việt Anh, Đức không hề trách móc oán hận. Anh ta nhanh chóng chọn phương án hy sinh hạnh phúc của mình để nhường vợ cho bạn với ý thức muốn cho Hằng được hạnh phúc: "Hằng chỉ cần gật đầu một cái là tôi xin nhận hết mọi điều lầm lỗi của một người chồng không ra gì, để Hằng có thể được tự do. Tôi xin dằn lòng ký một chữ. Nếu mình yêu Việt Anh thì tôi khuyên mình nên cùng ra đi với anh ấy" (tr. 143). Một cách xử lý tình huống có phần đơn giản và dễ dãi, chỉ có thể lý giải bằng lôgic chủ quan chứ không thể là lôgic của hiện thực. Rõ ràng Huỳnh Đức là ước muốn của Vũ Trọng Phụng về một kiểu người cao thượng, có nhân phẩm, không chạy theo dục vọng, đối lập với đám đông ích kỷ, tầm thường trong

Dứt tình.

Kiểu nhân vật lý tưởng về đạo đức còn thể hiện ở nhân vật Tú Anh trong Giông tố. Có thể nói Tú Anh là "lương tâm sống" của đám đông nhân vật trong Giông tố. Trong con mắt của Long, đây là một mẫu người đức hạnh hiếm có: "Một người ngồi trên đống bạc mà không bị ánh hoàng kim chiếu lóa mắt, đương tuổi thanh xuân mà thản nhiên được trước ái tình, một người học thức cao, nhân phẩm cao, một người hữu ích rất hiếm có vậy". Với Vũ Trọng Phụng, một kẻ thừa điều kiện để hư hỏng lại không bị tiền, tình đánh gục, lại luôn đứng ra chạy chữa những nỗi đau của người khác thì quả là mẫu người mà ông hết sức ngưỡng mộ, mong đợi.

88

Kiểu nhân vật đạo đức còn tồn tại ở tiểu thuyết cuối cùng của Vũ Trọng Phụng là

Trúng số độc đắc. Trong đám đông nhân vật khốn nạn, nhắm mắt chạy theo đồng tiền

lại xuất hiện gần như lạc lõng một người đàn bà nhân hậu, suốt đời làm việc từ thiện không hề tính toán là bà Cả Mộc. Đứng trước người đàn bà đức hạnh hội trưởng hội "Tế sinh" ấy, Phúc đã phải "kính phục" và "ngưỡng mộ", "một thứ ngưỡng mộ có tính chất tôn giáo của người sùng đạo trước hình tượng đấng cứu thế" (tr. 191).

Như vậy, tuy biểu hiện có khác nhau, những hình tượng này đều thể hiện mong muốn của Vũ Trọng Phụng về một loại người có đạo đức, phẩm hạnh, biết sống vì người khác. Đây chính là biểu hiện của "sự tôn sùng các nguyên tắc luân lý", "khuynh hướng ngấm ngầm muốn giữ gìn những tình cảm đặc biệt Á đông" như Lan khai đã có lần nói về Vũ Trọng Phụng [72, 63].

Nhìn rộng ra, với những biểu hiện khác nhau, khuynh hướng đề cao kiểu người đạo đức, phẩm hạnh là đặc điểm khá phổ biến trong tác phẩm của nhiều nhà văn hiện thực phê phán. Hồ Biểu Chánh, cây bút mở đường cho tiểu thuyết hiện thực cũng đã từng đề cao nhiều mẫu người đức hạnh hoặc tu nhân tích đức như Lê Văn Đó, hòa thượng Chánh Tâm, Lý Ánh Nguyệt trong Ngọn cỏ gió đưa, Ba Thời trong Cay đắng mùi đời... Trong tác phẩm Nguyễn Công Hoan trước cách mạng (Tắt lửa lòng, Tấm lòng vàng, Thanh đạm, Danh tiết...), nhà văn cũng thường đề cao một số nhân vật có

"tấm lòng vàng'" như Tú Nguyễn, thầy Chính, Đức, ông huyện Lê Sĩ Cư...

Rõ rằng, ở đây vừa có ước mong về lẽ sống tốt đẹp cần phải có của con người, muốn con người trở nên hoàn thiện hơn, vừa có những ảo tưởng chủ quan mang tính phổ biến của các cây bút hiện thực chưa đến được với tư tưởng tiên tiến của thời đại.

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 86 - 88)