Những bức chân dung "hí họa" độc đáo

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 108 - 112)

5. Cấu trúc luận án:

3.1.1.Những bức chân dung "hí họa" độc đáo

Nhận xét về tài năng của Vũ Trọng Phụng trong thể loại phóng sự, Hoàng Như Mai cho rằng đây là cây bút có "biệt tài ký họa chân dung" [97, 57]. Quả là trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng có rất nhiều chân dung rất "thần": Ấm B, Ba Mỹ Ký (Cạm bẫy người), con sen Đũi (Cơm thầy cơm cô), bà Kiểm Lâm, Duyên, Ách (Kỹ nghệ lấy Tây). Nhưng "biệt tài" ấy không chỉ có trong phóng sự mà trước hết còn thể

hiện rõ trong tiểu thuyết của ông. Đương thời, các nhà văn hiện thực phê phán cũng thường qua chân dung (hình dáng, nét mặt, đôi mắt, áo quần...) để thể hiện tâm lý, tính cách nhân vật, nhưng chưa cây bút nào "ký họa" chân dung có "biệt tài" như Vũ Trọng Phụng.

Nhìn lại những năm hai mươi đầu thế kỷ, trong tiểu thuyết của Trọng Khiêm, Hồ Biểu Chánh, sự miêu tả chân dung thường chung chung, chưa cụ thể hay gắn liền với việc trình bày rườm rà, dài dòng về nguồn gốc, tiểu sử nhân vật. Đặc điểm chân dung

109

nhiều khi không gắn gì với việc miêu tả tâm lý, tính cách. Chẳng hạn Hồ Biểu Chánh miêu tả thằng Cu trong Con nhà nghèo: "Thằng Cu là trai ở xóm trên, mặt đen, môi dày, hàm răng thưa, chân mày rậm, vóc trung trung, mà bộ tướng coi mạnh dạn lắm. Nó mồ côi cha mẹ mà cũng không có anh em chi hết. Năm nay nó đã được 23 tuổi rồi. Mẹ nó mất hồi nó được 20 tuổi. Từ bấy đến nay, nó ở bạn cầm cầy cho ông Cả Tri". Cách miêu tả chân dung kiểu này là khá phổ biến trong các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.

Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố đã có bước tiến mới trong miêu tả chân dung, với lối tả thực, chú trọng cái thần, đậm đà chất hội họa. Nguyễn Công Hoan tả viên "quan phụ mẫu" trong Bước đường cùng với những nét thật sinh động, hài hước: "Quan phụ mẫu là một người có nhiều cái đặc biệt. Đứng trước ngài, ta có cảm tưởng hỗn xược như ta lại phải ăn một mâm cỗ đầy ăm ắp những thịt mỡ khi ta đã no nê. Nghĩa là ta phát ngấy về sự phì nộn của ngài. Ngài cúi mặt xuống, cả tấm thịt trên quai hàm bị cổ áo là cứng nó đùn lên, nó vẽ lên một nét răn, chia má ra làm hai khu đều nhau, khu nào cũng phình và nung núc những thịt. Cái tấm má ấy đầy đặn đến nỗi giá chỉ một mũi ghim nhỏ lỡ đụng vào, là có thể làm chảy ra hàng lít nước nhờn nhờn mà ta quen gọi là mỡ. Lông mi ngài rậm mà vòng lên, đối với đôi mắt ngài hùm hụp cong xuống. Từ thái dương, đến má, đến xung quanh miệng ngài, người ta tưởng mặt ngài làm bằng sắt vì nó đen đen. Nhưng không, màu ấy chỉ là di tích bộ râu quai nón mà sáng nay ngài quên chưa cạo"... Tuy vậy, cái sinh động ở đây vẫn chủ yếu hướng đến

khắc họa cái chung, địa vị xã hội là chính chứ chưa chú trọng cái riêng, cái cá tính của nhân vật. Điều này trong một lần tâm sự về nghề nghiệp, Nguyễn Công Hoan đã nói rõ: "Bởi vì tiếng quan là tiếng đồng nghĩa với tiếng nịnh hót, gian ác và ăn tiền. Thì những nét nào ở mặt mũi, ở cử chỉ, hành động tỏ được tính nịnh hót, gian ác, ăn tiền, ta cứ việc rút vào bức họa một tên quan, ta không sự mang tiếng là vu oan cho một điển hình quan lại" [57, 45]. Với quan niệm như thế, Nguyễn Công Hoan có thể miêu tả nhiều quan ông, quan bà khác nhau: huyện Hinh (Đồng hào có ma), quan "phụ mẫu" (Bước đường cùng), quan bà (Đàn bà là giống yếu)... nhưng tất cả đều giống nhau ở

một nét chung: to béo, phì nộn, ác độc. Ngược lại khi ông miêu tả những kẻ nghèo hèn, khốn khổ thì họ thường có ngoại hình gầy gò, ốm yếu, bệnh tật, có khi dị dạng.

110

Ngòi bút miêu tả ngoại hình của Ngô Tất Tố có nhiều điểm gặp gỡ với Nguyễn Công Hoan, chẳng hạn ông tả viên quan phủ trong Tắt đèn: "Cái râu mới lạ làm sao? Nó đen như vệt hắc ín và cong như cái lưỡi liềm. Nó nhọn như mũi dùi nung và bầu như đầu dao trổ. Nó khum khum quắc lấy hai mép, giống như hai cái cánh dơi. Nó vất vểu vểnh ra hai mang tai, gần như hai sừng củ ấu. Nó châu đầu dưới ống mũi, như sắp chui vào trong cái mũi dọc dừa. Nó lại giúp cho cái mồm lèm nhèm thêm sự dữ dội". Bộ râu ấy với "cái mặt nặng trịch" của ngài đã báo trước cơn thịnh nộ sẽ trút xuống đầu những người dân lương thiện. Ngược lại, Ngô Tất Tố miêu tả chị Dậu với những nét đẹp đẽ, hài hòa, cách miêu tả có phần công thức và sáo. Chị Dậu khi bình thường đã đẹp với "đôi mắt sắc ngọt", "cặp môi đỏ tươi", "nước da đen dòn", khi buồn, đau khổ, lại càng như đẹp hơn: "bên đám lông mày cong rướn, mấy sợi tóc mai lả thả rủ xuống, hình như làn khói thuốc lá phớt phơ bay trước khuôn gương. Và trên cái gò má đỏ bừng, vài ba giọt nước mắt thánh thót đuổi nhau chẳng khác hạt sương mai lánh động trong cánh hoa hồng mới nở". Đây là cách thể hiện đồng nhất bên trong với bên ngoài, nội tâm với ngoại hình rất phổ biến trong truyện nôm và tiểu thuyết trung đại, và cũng phù hợp với cách nhìn nhân vật trong sự phân tuyến rõ ràng: giàu - nghèo, thiện - ác của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố.

Ngòi bút miêu tả các nhân vật phản diện của Vũ Trọng Phụng cũng thường giàu tính biếm họa, nhưng các chân dung của ông đã kết hợp được tính hội họa với phân tích tâm lý, cái chung với cái riêng, cái tĩnh với cái động một cách khá nhuần nhuyễn. Trong rất nhiều trường hợp, những chân dung "ký họa" đã trở thành những chân dung "hí họa" xuất thần. Chỉ cần một nét nhấn, một nét tô đậm, Vũ Trọng Phụng đã phác ra được một bộ mặt, một tư thế, một kiểu người, vừa phù hợp với bản chất xã hội của nhân vật, vừa thể hiện được cá tính riêng. Chân dung bà Phó Đoan - một me tây dâm đãng, lẳng lơ là một ví dụ sinh động: "Cửa xe mở, một bà trạc ngoại tứ tuần mà y phục còn trai lơ hơn của các thiếu nữ, mặt bự ra những son và phấn, tóc đen lay láy nhưng mà quăn quăn, cả người nặng ít ra cũng bảy mươi cân, nhưng cái khăn vành dây đúng mốt hết sức thì lại nhỏ xíu và ngắn ngủn có một mẩu, một tay cầm một cái dù thật tý hon và một cái ví da khổng lồ, tay kia ôm một con chó bé trông kỳ dị như một con kỳ lân, bước xuống mặt đất một cách nặng nề vất vả" (tr. 264). Một bức "hý họa" đầy những nét trái ngược, chướng mắt: trái ngược giữa tuổi tác và cách ăn mặc đỏm dáng,

111

trái ngược giữa thân hình to béo và cái khăn vành dây "nhỏ xíu và ngắn ngủn", trái ngược giữa "cái dù thật tý hon" và "cái ví da khổng lồ". Những nét bề ngoài ấy thống nhất với cái trái ngược khôi hài trong tính cách: lẳng lơ, dâm đãng bậc nhất nhưng thích khoe khoang cái đạo đức, tiết hạnh của mình. Chân dung cụ Cố Hồng cũng được vẽ với nét bút sinh động như thế: "Chưa 50 tuổi, cụ đã làm ra vẻ già cả sắp chết: ra phố là cụ phải mặc áo bông, chưa đến mùa rét cụ đã khoác cái áo ba đờ xuy dày sù, trước khi trả tiền phu xe, cụ phải ôm ngực ho rũ rượi hàng năm phút và đếm nhầm một xu để phu xe tưởng cụ đã lẫn lộn; nằm dài bên khay đèn thuốc phiện, nghe ai nói chuyện cụ cũng nhắm nghiền mắt lại, nhăn mặt khẽ gắt: "Biết rồi, biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" (tr. 321). Đúng là chân dung rất thần của một kẻ vô nghĩa lý, luôn luôn chỉ thích khoe cái già, cái lẩm cẩm, gàn rỡ của mình. Cũng qua mấy nét khắc họa chân dung Nghị Hách, người ta đã thấy hé lộ những nét cá tính lẫn cái tiểu sử xuất thân hèn hạ của nhà tư bản: "Đó là một người gần 50, thân hình vạm vỡ, hơi lùn, trước mắt có một cặp kính trắng gọng vàng, trên môi có một ít râu lún phún kiểu tây, cái mũ dạ đen hình quả dưa, cái áo đen bóng một khuy, cái quần đen, sọc trắng, đôi giày láng mũi nhọn và bóng lộn, làm cho lão có cái vẻ sang trọng mà quê kệch, cái vỏ rất khó tả của những anh trọc phú học làm người văn minh" (tr. 172).

Ngòi bút Vũ Trọng Phụng thường thiên về miêu tả những chân dung "động", kết hợp tả thân hình, bộ mặt, dáng điệu với tả hành vi, cử chỉ, qua đó mà bộc lộ những nét chủ đạo trong tính cách. Vì thế, nhiều khi chỉ qua ít nét chân dung mà lột trần bản chất con người bên trong của nhân vật. Tính cách một ông trương tuần mẫn cán, máy móc, dốt nát trong Giông tố hiện lên thật rõ qua cái dáng điệu "ngoan ngoãn ra đứng trước bàn, mặt mày hí hửng" với tiếng dạ "thật to y như lên sân khấu phường chèo" khi được quan huyện gọi đến tên mình. Tính cách và phẩm hạnh của ông "sư hổ mang" Tăng Phú chuyên chén thịt chó và hô hào "cải cách Phật giáo" trong Số đỏ đã phần nào bị lật tẩy bởi những nét bên ngoài đầy lố lăng : "Ông này cũng tân thời âu hóa theo văn minh vì ông có ba cái răng vàng ở trong mồm, cái áo lụa Thượng hải nhuộm nâu, đi đôi dép láng đế cao su, và nhất là đẹp trai lắm, trông phong tình lắm" (tr. 405). Còn đây là dáng điệu, cũng là chân dung tinh thần của một "nhà thi sĩ" lãng mạn đang cố bám theo Tuyết ở khách sạn Bồng lai: "Một thiếu niên bé nhỏ, mặt hốc hác như mặt những

112

thi sĩ có tên tuổi, đôi mắt lờ đờ, cái thân thể ốm o lẫn trong bộ âu phục quần chân voi, cứ đăm đăm chiêu chiêu nhìn Tuyết" (tr. 366).

Đại văn hào L. Tolstoi có lưu ý rằng tác động của nghệ thuật "chỉ đạt được chừng nào mà nhà nghệ sĩ thấy được vô vàn các yếu tố nhỏ bé tạo thành tác phẩm nghệ thuật". Trong các tác phẩm của ông, những chi tiết nhỏ nhặt như một nụ cười, một ánh mắt, một biến thái trên gương mặt đều có ý nghĩa của nó. Trong tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng cũng tạo được nhiều chi tiết đầy ấn tượng: cái mái tóc đỏ của thằng Xuân là bằng chứng của những ngày đầu đường xó chợ, trèo me trèo sấu, bán phá xa, bán nhật trình, bán cao đơn hoàn tán... Cái "méo xệch mồm ra cười" của Vạn Tóc Mai báo hiệu những tràng chửi rủa liên hồi của một gã con rơi lăn lộn, suy sụp cả thể xác lẫn tinh hồn nơi "thế giới làng bẹp". Rồi "cái cười ngẩn ngơ" của cậu Phước "em chã", cái khuôn mặt buồn "lãng mạn" và bộ voan mỏng viền đen lẳng lơ của cô Tuyết, những khuôn mặt "đều đủ râu ria" và những bộ ngực "đầy những huy chương" trong đám ma cụ cố Tổ... đều là những chi tiết thật "biệt tài", đầy ý nghĩa, góp phần mở ra thế giới bên trong của các nhân vật.

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 108 - 112)