Quan niệm con người "tha hóa"

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 36 - 46)

5. Cấu trúc luận án:

1.2.Quan niệm con người "tha hóa"

Quan tâm đến "con người xã hội" là đặc điểm chung của văn học hiện thực phê phán. Khrapchenkô khẳng định: "Cá nhân con người, số phận của nó, tất nhiên bao giờ cũng thu hút sự chú ý của các nhà hiện thực phê phán, song cái quan trọng nhất trong sự miêu tả hiện thực của họ sẽ là sự phụ thuộc của số phận con người vào sự phát triển của những quan hệ xã hội, vào xã hội nói chung" [64, 358].

Ý thức về mối quan hệ biện chứng giữa con người và hoàn cảnh trong trạng thái đầy biến động của lịch sử - xã hội, Vũ Trọng Phụng thường chú ý đến loại nhân vật "tha hóa" (Aliénation). Khái niệm "tha hóa" đã từng được nhiều nhà triết học lớn như Hegel, Feurbach, K. Marx đề cập đến. Ở đây, chúng tôi không dùng khái niệm theo nghĩa triết học mà theo nghĩa thông thường, phổ biến đã được xác định trong từ điển tiếng Việt: "tha hóa nghĩa là con người biến chất thành xấu đi" [163, 892].

37

Trong tám cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, có đến năm nhân vật chính (trong bốn cuốn tiểu thuyết) là nhân vật "tha hóa" (Việt Anh trong Dứt tình, Long, Mịch trong Giông tố, Huyền trong Làm đĩ và Phúc trong Trúng số độc đắc). Tần số xuất hiện của các nhân vật được thống kê sau đây cho thấy vấn đề con người "tha hóa" đã trở thành một quan tâm đặc biệt, một nỗi ám ảnh đối với cây bút tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ở tất cả các chặng đường sáng tác của ông:

- Trong Dứt tình, Việt Anh xuất hiện ở 9/11 chương, với 82/145 trang tiểu thuyết, chiếm vị trí thứ 2 về tần số xuất hiện.

- Trong Giông t, Long xuất hiện ở 16/30 chương, với 152/348 trang tiểu thuyết, chiếm vị trí thứ nhất, Mịch xuất hiện ở 11 chương, với 75/348 trang tiểu thuyết, chiếm vị trí thứ ba về tần số xuất hiện.

- Trong Làm đĩ, Huyền xuất hiện ở bốn phần và hai phần đầu cuối tác phẩm, với 209/258 trang tiểu thuyết, chiếm vị trí thứ nhất.

- Trong Trúng số độc đắc, Phúc xuất hiện ở 9/9 chương, với 285/289 trang tiểu thuyết, chiếm vị trí thứ nhất.

Sự quan tâm đến con người "tha hóa" với những biểu hiện khác nhau của nó thực sự là một bước đào sâu, phát hiện một phương diện của hiện thực cuộc sống đương thời. Hiện thực này, không phải nhà văn nào cũng nhìn thấy.

Với các nhà tiểu thuyết lãng mạn, nhân vật thường tách rời hoàn cảnh, do đó vấn đề con người "tha hóa" thực chất chưa nằm trong tầm quan tâm của các nhà văn. Không ít nhân vật của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn như Lộc trong Nửa chừng xuân, Duy trong Con đường sáng bỗng xấu đi hoặc tốt lên một cách bất ngờ bên ngoài lôgic của cuộc sống. Các nhà văn hiện thực, trong đó có Vũ Trọng Phụng với cái nhìn duy vật về mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh, đã sớm nhìn thấy vấn đề "tha hóa" như một hệ quả tất yếu của sự biến đổi tính cách con người dưới sự tác động của những quan hệ xã hội thiếu tính người. Đây là một đóng góp lớn của các nhà văn hiện thực trong việc nhìn nhận một cách đầy đủ, chân thực hơn về con người. Tuy vậy, trong các nhà văn hiện thực phê phán, chưa ai quan tâm chú ý đặc biệt đến kiểu người "tha hóa" như Vũ Trọng Phụng. Hồ Biểu Chánh - nhà văn Nam Bộ có công lớn trong buổi đầu hình thành tiểu thuyết hiện thực, đã bước đầu có những đổi mới trong nội dung đề tài, xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ nôm na, dân giã để kể chuyện.

38

Nhưng Hồ Biểu Chánh căn bản vẫn đứng trên những chuẩn mực luân lý cũ để nhìn nhận và đánh giá con người. Do đó, khuynh hướng hiện thực trong các tiểu thuyết của ông là một thứ hiện thực nửa vời, không triệt để. Hệ thống nhân vật trong các tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng (1929), Con nhà nghèo (1930), Con nhà giàu (1931), Thiệt giả giả thiệt (1935) v.v... tuy đa dạng, đông đúc gồm đủ mọi thành phần giai cấp: nông dân, địa chủ, quan lại, nghị viên..., nhưng trên căn bản vẫn được tác giả nhìn nhận theo hai tuyến rạch ròi: những kẻ bất nhân, độc ác (thường là "con nhà giàu") và những kẻ sống có nhân, có nghĩa (thường là "con nhà nghèo"). Mâu thuẫn thiện - ác được triển khai một cách có hệ thống trong cấu trúc cốt truyện luôn gắn liền với sự định hình nhất định trong tính cách của nhân vật. Vì thế, trong các tiểu thuyết của ông, chỉ có những nhân vật "Con nhà nghèo" nhất thời phạm trọng tội như Trần Văn Sửu trong Cha con nghĩa nặng chứ không có những nhân vật "tha hóa" theo đúng nghĩa của từ này.

Khuynh hướng đạo lý không chỉ có ở Hồ Biểu Chánh mà còn có mặt trong tác phẩm của một số nhà văn khác trong trào lưu hiện thực phê phán. Ngô Tất Tố, nhà nho tiến bộ, "đứa con bất kính" của Khổng Tử vẫn giữ lại trong tiểu thuyết Tắt đèn (Đăng

trên Việt nữ - 1937) cái nhìn đạo lý đối với nhân vật của mình. Chỉ có điều, ở Ngô Tất Tố, màu sắc đạo lý đã tìm được sự hài hòa với cái nhìn hiện thực sắc sảo về xã hội và con người đương thời. Trong các nhân vật của tiểu thuyết hiện thực phê phán, chị Dậu là một kiểu người đặc biệt. Chị vừa là một điển hình nông dân chân lấm, tay bùn bị đè nén, đọa đày trong xã hội thực dân nửa phong kiến, lại vừa là điển hình cho một vẻ đẹp đạo lý mang màu sắc truyền thống đã từng kết tinh qua Tô Thị của dân gian, Cúc Hoa, Ngọc Hoa của truyện Nôm khuyết danh, Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu... Ngòi bút trọng đạo lý của một nhà nho muốn giữ cho nhân vật yêu quý của mình một vẻ đẹp đồng nhất từ bên trong đến bên ngoài. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải ăn rễ khoai, dù phải bán con, bán chó, phải đi ở vú, phải đối mặt với đồng tiền và quyền thế ép buộc, với chị Dậu, lương tâm con người là điều không thể mua bán, trao đổi. Nhân vật Tám Bính trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng - so với chị Dậu có những biến đổi phức tạp hơn trong tính cách. Nhìn bề ngoài, Tám Bính là một nhân vật "tha hóa". Từ một cô gái quê ngây thơ, trong trắng, vị tha, Bính đã dần dần bị xã hội buôn thịt bán người làm cho biến dạng, trở thành một gái đĩ, một "bỉ vỏ" có hạng, vợ một tên tướng cướp khét tiếng. Nguyên Hồng vừa nhìn thấy sự biến đổi tất yếu của nhân

39

vật do hoàn cảnh tạo nên, đồng thời ngòi bút nhân hậu của ông vẫn muốn níu giữ đến tận cùng bản chất nhân hậu, vị tha ở Tám Bính. Trước sau, trong Bính vẫn là một tâm hồn phụ nữ thuần hậu, giàu đức hi sinh, muốn sống lương thiện bằng bàn tay lao động của mình. Trớ trêu thay, đó chính là nguồn gốc của những bi kịch đau đớn trong cuộc đời của cô giữa sự dồn đẩy oái oăm của số phận.

Nhân vật của Nguyễn Công Hoan có khác với các nhân vật của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng. Nguyễn Công Hoan - đặc biệt là ở các truyện ngắn, thường không ngại phơi bày tất cả sự "tha hóa" đến khốn nạn, bi thảm của nhân vật - cả ở phía những kẻ giàu lẫn người nghèo. Nhưng ngòi bút Nguyễn Công Hoan - không phải vì tài năng mà do đặc trưng thể loại, nên không có nhiều điều kiện để đi sâu vào quá trình biến đổi của nhân vật. Vũ Trọng Phụng - với thế mạnh của tiểu thuyết, không chỉ dám phơi bày tất cả những kiểu người quái gở nhất, mà ông còn đi sâu phanh phui các nguyên nhân, dõi theo từng chặng đường dẫn nhân vật đến chỗ "tha hóa". Ông đã từng băn khoăn, day dứt, tìm cách cắt nghĩa vì sao Mịch trở thành thiếu phụ dâm đãng, Long sa đọa trong cảnh giàu sang, Huyền bước vào con đường làm đĩ. Những câu hỏi truy tìm nguyên nhân đã vang lên ở nhiều trang của tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ, Trúng số độc đắcnhư: "Một người xưa kia như thế mà bây giờ như thế? Hay là tại ông Đồ chưa phải hẳn người đã thấm nhuần đạo Nho?", "Những sự khó hiểu trái ngược nhau đến thế, trong cái thời gian chưa đầy nửa năm! Những nguyên nhân nào đã thay đổi lòng người đến thế?" (Giông tố, trang 418 - 419); "Hư? cái chữ ấy ngụ ý nghĩa gì? Thế nào là hư? Tại sao là hư? Tại sao mà hư? Nếu nó hư thì nó chịu lấy trách nhiệm thôi, hay là còn có kẻ khác cũng đáng buộc tội?" (Làm đĩ, tr.72)... Đúng như nhận xét của Trương Tửu:

"Một ngày ông thấy một gái đĩ rơi xuống đời gái điếm, một thanh niên rơi xuống đời bài bạc, một người rơi xuống đời cơm thầy cơm cô hay đời trộm cướp. Ông rùng mình. Ông chăm chỉ tìm nguyên nhân của sự sa ngã ấy" [141, 139].

Vũ Trọng Phụng có can đảm đi tìm nguyên nhân và điều đó thể hiện trách nhiệm của một ngòi bút "tả chân" nhạy cảm với những vấn đề của xã hội và con người. Nhưng không phải những điều mà Vũ Trọng Phụng tìm thấy đều là chân lý. Việt Anh - nhân vật "tha hóa" đầu tiên trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã thể hiện phần nào sự lúng túng của ngòi bút nhà văn. Ở đầu tác phẩm, Việt Anh được giới thiệu là một thanh niên đầy chí khí, có nghị lực, đã từng tham gia bãi khóa để tang Phan Châu

40

Trinh, đã từng viết báo "công kích bọn trưởng giả", tôn thờ triết lý "sinh ra ở đời không phải để hưởng mọi hạnh phúc êm đềm mà chỉ để tự hoại mọi đường công danh vì một chí hướng riêng". Thế mà con người ấy, sau cuộc hôn nhân không thành với Tiết Hằng, đã nhanh chóng biến thành một kẻ trụy lạc, sống bê tha trong vận đỏ đen, dùng khói thuốc phiện và rượu để giết dần giết mòn tinh thần và thể xác của mình. Ngay Tiết Hằng, một người thấu hiểu Việt Anh cũng phải kêu lên: "Tôi thật không ngờ một người có học thức như anh, có chí khí như anh mà bây giờ mất nhân cách đến như thế?"(tr. 134). Rõ ràng, tách rời nhân vật khỏi hoàn cảnh bao quanh, chỉ đi tìm nguyên nhân tha hóa trong bản tính cá nhân, dục vọng bất thành của nhân vật, Vũ Trọng Phụng đã sa vào chủ quan như các nhà văn lãng mạn đương thời.

Giông tố là một bước tiến mới của Vũ Trọng Phụng trong việc đi sâu cắt nghĩa nguyên nhân "tha hoá" con người. Quá trình hư hỏng của Long, của Mịch được tác giả đặt vào bối cảnh xã hội đồng tiền đầy cạm bẫy lúc đó.

Mịch là một nhân vật tiêu biểu cho loại nhân vật tha hóa của Vũ Trọng Phụng. Về nhân vật này, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Lê Quý Đôn nhận xét: "Đối với Thị Mịch, nạn nhân trong Giông tố, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng cũng không đều. Đoạn đầu ông tả Thị Mịch là một cô gái quê hiền lành, chất phác, giản dị, chung tình, và khi bị Nghị Hách làm nhục, ông có tỏ một chút thương hại. Nhưng về sau, dưới ngòi bút của ông, Thị Mịch trở thành một nhân vật dâm đãng, và có những cử chỉ vô duyên, đáng ghét của một người đang ở cảnh nghèo khổ bỗng được sống trong cảnh giàu có phong lưu... Cảm tình người đọc sẵn có ở trang đầu đối với Thị Mịch đến đây thì mất hẳn" [72, 189].

Nhận xét trên có nhiều phần xác đáng, nhưng cũng cần thấy thêm rằng trong tác phẩm, Vũ Trọng Phụng không có ý đồ xây dựng Thị Mịch thành một chị Dậu trong

Tắt đèn. Thị Mịch cũng giống như Long, Phúc, Huyền... khá giống nhau trên con đường số phận, dường như được ông tạo ra để chứng minh cho các qui luật "tha hóa" nghiệt ngã đang có nguy cơ trở nên phổ biến trong xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời, đang giết chết dần bao con người vốn xuất thân lương thiện. Mịch ban đầu là một cô gái quê hiền lành, chất phác. Long là một đứa trẻ mồ côi trở thành thư ký làm công cho Đại Việt học hiệu của Tú Anh, một người thanh niên có đạo đức, trọng danh dự. Phúc (Trúng số độc đắc) là một viên chức thất nghiệp, có học vấn, ham hiểu

41

biết. Huyền (Làm đĩ) vốn là một "cô gái con nhà tử tế, có học thông minh". Thế nhưng họ không thể nào sống yên ổn, dù họ đã chấp nhận số phận của mình. Cuộc sống, với biết bao tấm bi kịch trớ trêu dồn đẩy họ đi. Đến một lúc nào đó ngoảnh lại nhìn, họ chợt nhận ra rằng con người mình, từ vẻ ngoài đến tâm tính đã đổi khác, đã biến dạng. Và thế là một kết cục bi đát đã mở ra với các nhân vật: Mịch lẻ loi, cô độc trong phận lẽ mọn trở nên trơ tráo, dâm đãng, Long tự tử sau một cơn thác loạn, Phúc say sưa trong trụy lạc, Huyền chấp nhận cuộc sống ô nhục. Quá trình bước vào thế giới tư sản, thế giới của đồng tiền cũng là quá trình tha hóa con người một cách mau chóng. Long đã hết sức ngạc nhiên về sự biến đổi - từ ăn mặc, nói năng đến tâm tính của Mịch, từ khi thoát lốt cô gái quê để trở thành một mệnh phụ giàu có, vợ lẻ của nhà tư bản Tạ Đình Hách. Rồi đến lượt Long, đồng tiền và cảnh giàu sang cũng lại nhanh chóng nhấn chìm anh ta xuống vũng bùn trụy lạc. Cho đến khi cắt mạch máu tự tử, Long vẫn không sao cắt nghĩa được chính xác nguyên nhân hư hỏng của mình, chỉ biết kêu lên rằng: "Tôi tự tử vì tôi sung sướng quá".

Như vậy, cũng như nhân vật Mịch, quá trình "tha hóa" của Long được tác giả thể hiện gắn liền với sự chuyển đổi địa vị xã hội nhanh chóng, bất ngờ của nhân vật: từ một đứa con hoang, bị bỏ rơi, trở thành con đẻ và con rể của nhà tư sản "phú gia định quốc". Như vậy, thêm một lần nữa Vũ Trọng Phụng hướng sự căm thù vào bọn tư sản, bọn giàu có trong xã hội, xem chúng và đồng tiền nhơ bẩn là nguyên nhân gây ra sự biến chất, hư hỏng của biết bao con người. Về nhân vật Long, Vương Trí Nhàn có nhận xét rất đáng chú ý: "Thế giới nhân vật của Vũ Trọng Phụng khá đông và thuộc nhiều giới khác nhau. Khi được nâng lên đến mức điển hình, một số người trong họ là tài liệu quý, giúp đỡ đắc lực cho những ai muốn nghiên cứu về xã hội hoặc tìm hiểu tài nghệ ngòi bút Vũ Trọng Phụng. Nhưng còn như để hiểu tâm sự người viết, cái phức tạp đa đoan của chính tác giả thì có những nhân vât chỉ đóng vai phụ, hoặc có vẻ không tiêu biểu gì, thật ra lại là một chìa khóa khá tốt, mà người nghiên cứu không có quyền sao nhãng. Ý chúng tôi muốn nói tới nhân vật Long trong Giông tố" [107, 63 - 64].

Sẽ không đúng nếu nói rằng trong Giông tố, Long chỉ là vai phụ, là "không tiêu biểu gì". Nhưng cho rằng Long thể hiện được "tâm sự người viết" thì quả là chính xác. Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Trọng Phụng đã gửi gắm qua Long nhiều triết lý về

42

cuộc đời, về con người. Long đã là người phát ngôn cho lòng căm uất hướng vào xã hội "chó đểu" Long cũng là người nói hộ Vũ Trọng Phụng về những nguyên nhân làm "tha hóa" con người. Long cắt nghĩa một cách chua chát: "Những nguyên nhân nào đã thay đổi lòng người đến thế? Sau cùng, Long tìm ra được cái bả vật chất. Thật vậy, sự phù hoa giả dối của một xã hội chỉ trọng những cái bề ngoài, một nền luân lý ích kỷ, sự tín ngưỡng thế lực hoàng kim, cuộc cạnh tranh dữ dội đến hình thức đã làm hại tâm thuật người đời" (tr.419). Gắn sự biến đổi tính cách với tác động của hoàn cảnh là một quan niệm mang tính duy vật, nhưng đồng thời cũng dễ thấy rằng cách nhìn của Vũ

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 36 - 46)