5. Cấu trúc luận án:
2.4.2. đến những hình tượng nhân vật minh họa
Ở trên, chúng tôi đã chỉ ra những thành công của Vũ Trọng Phụng trong việc thể hiện số phận những nạn nhân đáng thương của xã hội cũ như Long, Mịch. Nhưng ngòi bút của Vũ Trọng Phụng đã tỏ ra không nhất quán khi ông hành trình cùng nhân vật của mình. Cùng với việc nhân vật dấn sâu vào con đường tha hóa thì ngòi bút "tả chân" của Vũ Trọng Phụng cũng trở nên chệch choạc, có khi lạc hướng. Nhược điểm căn bản của ông là sự chủ quan, dùng nhân vật để minh họa cho những định kiến của mình về con người. Đúng như nhận xét của nhóm Lê Quý Đôn: "Đối với Mịch, nạn nhân trong Giông tố, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng cũng không đều" [87, 344]. Ở phần đầu tác phẩm, Mịch là một nhân vật được thể hiện khá đầy đặn, có bề dày xã hội nhất định. Sự biến đổi tính cách của Mịch có nguyên nhân ở sự thay đổi hoàn cảnh, địa vị xã hội. Nhưng tác giả không tập trung khai thác mối quan hệ biện chứng giữa con người và hoàn cảnh để làm chủ quá trình thay đổi tính cách của Mịch. Ngòi bút của ông nhiều lúc lạc hướng, chạy theo quan điểm sinh lý sai lầm. Chính ảnh hưởng của Freud mà chúng tôi đã nói ở Chương 1 đã làm mất đi sự nhất quán của hình tượng nhân vật. Sự biến đổi tính cách của Mịch có cái gì bất ngờ, không thuyết phục. Chỉ trong vòng nửa năm "Mịch đã đi từ một cô thôn nữ ngây thơ, hiền lành, chất phác đến một thiếu phụ gian dâm, lãng mạn, xảo quyệt, đáng sợ". Trong văn học không hiếm những nhân vật tha hóa một cách ghê gớm, nhưng sự biến đổi ấy phải được lý giải một cách thuyết phục bằng sự phân tích hoàn cảnh xã hội và bằng quy luật tâm lý, phải kết hợp được những nét biến đổi và nét ổn định trong tính cách. Mịch chưa phải là một nhân vật như thế. Định kiến chủ quan về "căn tính dâm đãng" của con người làm cho ngòi bút Vũ Trọng Phụng có khi lạc hướng, bắt sang một thứ cảm hứng khác, một mạch văn khác xa lạ với cảm hứng quen thuộc. Ông say sưa với những hồi tưởng "đê
102
mê", những "ẩn ức" sinh lý, những cuồng vọng bạo liệt có cái gì không hợp với tính cách của một cô gái quê, rời đồng ruộng bước chân vào môi trường mới chưa bao lâu và cũng chưa hề lăn lộn gì nhiều với môi trường ấy. Rõ ràng bỏ rơi bản chất xã hội của nhân vật, Vũ Trọng Phụng cũng chệch hướng trong ngòi bút phân tích tâm lý đã có những thành công của ông. Từ một nhân vật của chủ nghĩa hiện thực, Mịch đã dần dần trở thành một nhân vật chủ quan, minh hoạ.
Cũng như với nhân vật Mịch, Vũ Trọng Phụng đã hết sức lúng túng khi thể hiện quá trình tha hóa của Long. Những định kiến về "chỗ hèn yếu của lòng người" đã làm hỏng đi một hình tượng đã có nhiều trang được viết rất thành công. Vũ Trọng Phụng đã không tuân theo quy luật biến đổi hợp lý của tính cách khi ông mô tả Long dường như trở thành một con người khác chỉ sau có một tuần xuống cảng làm nhiệm vụ điều đình với bà cả: từ chỗ thương yêu, thông cảm với Mịch đến chỗ thấy Mịch "chỉ là một vật hôi tanh, một hòn ngọc có vết", từ chỗ cho cảnh trưởng giả là "khó chịu" là "chướng mắt" đến chỗ "lóa mắt", "lấy làm tự kiêu ở sự giàu có" của kẻ thù, từ chỗ định báo thù Tuyết và Loan đến chỗ chỉ còn cân nhắc "xem ai là đáng yêu trong hai người"... Tác giả đã cố gắng sắp xếp một loạt tình tiết nhằm giải thích cho sự biến đổi ấy: nào "chép hàng cuốn sách lớn những bài ca cải lương Nam kỳ", nào "giữ hộ xe đạp để tập", rồi những đụng chạm xác thịt dễ chịu làm "lòng dục bùng lên như lửa bén vào rơm"... Người trần thuật cũng đưa ra nhiều bình luận trực tiếp có ý định hướng độc giả (thực chất là tư tưởng của nhà văn và Long sẽ là nhân vật minh họa cho tư tưởng đó) như: "Sự trưởng giả vẫn có nhiều thứ hào quang làm cho người ta lóa mắt", "Đó là sự đắc thắng của sức cám dỗ, của sự mê muội của ái tình"... Nhưng có vẻ hợp lý mà cũng đầy phi lý. Sự phi lý nằm ngay trong thái độ chủ quan, trong cái nhìn hoài nghi về lương tâm, bản lĩnh con người. Qua những tác động nhanh chóng, dễ dàng của hoàn cảnh, Vũ Trọng Phụng dường như muốn đưa ra cách lý giải của ông: Long hèn kém, nhu nhược nhưng đó cũng là sự thường, là đặc tính chung của con người. Long cũng không có gì đáng trách vì "mấy ai mà chống trả nổi hoàn cảnh". Rồi tiếp đến là những biến đổi kỳ lạ của Long ở phần sau của tác phẩm: trở thành một kẻ "phá gia chi tử", "một kẻ chơi bời, trụy lạc" nổi tiếng đất Hà Thành. Cũng có lúc Long hối hận, nhưng đó là thứ hối hận chu kỳ để rồi sau đó lại tiếp tục lao sâu vào tội lỗi, để "yên tâm" đổ lỗi cho hoàn cảnh: "Long thấy mình không có điều gì trái đạo cả (...) Long hình như
103
không phải chịu trách nhiệm những cử chỉ của mình" (tr. 420). Chạy theo những luận đề minh hoạ ấy, Vũ Trọng Phụng đã dần dần bỏ rơi sự phân tích tâm lý đối với nhân vật. Người đọc không hiểu Long nghĩ gì sau những biến động lớn của cuộc đời mình: biết rằng mình là con đẻ của Nghị Hách, biết Tuyết - người vợ tương lai, lại là em ruột mình. Ý kiến sau đây của Bakhtin có thể xem là sự giải thích rất phù hợp về nguyên nhân thất bại của Vũ Trọng Phụng ở nhân vật Long và cả nhân vật Mịch: "Mỗi nhân vật có quy luật riêng của nó, có lôgíc của nó, gia nhập vào phạm vi ý chí nghệ thuật của tác giả, nhưng không thể bị phá vỡ bởi sự tùy tiện của tác giả" [8, 56]. Như vậy, chỗ yếu trong quan niệm về con người của Vũ Trọng Phụng đã biến thành sự chủ quan, tùy tiện trong bút pháp thể hiện nhân vật của nhà văn.
Nếu như ở hai nhân vật Mịch và Long, sự thành công và thất bại đan xen lẫn nhau trong quá trình điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa thì với các nhân vật Phúc (Trúng số độc đắc), Huyền (Làm đĩ), sự thất bại đã đến sớm hơn với Vũ Trọng Phụng. Trong Trúng số độc đắc, không phải là không có những trang giàu tính hiện thực: cảnh Phúc trong tình cảnh thất nghiệp, bị gia đình khinh rẻ, phải trốn ra vườn hoa ngồi đọc sách giết thời gian; cảnh Phúc khúm núm vác đơn xin việc đi hết chỗ nọ, chỗ kia và bị từ chối một cách nhục nhã... Cảm hứng phê phán "thói đời" một cách mãnh liệt, chua chát trong cuốn tiểu thuyết không phải là không phản ánh đúng những phương diện nào đó của hiện thực cuộc sống đương thời. Nhưng cảm giác chân thực chỉ có ở những cảnh, những tình tiết riêng lẻ. Nhìn trên tổng thể, "Trúng số độc đắc" là một tiểu thuyết luận đề và Phúc là một hình tượng minh họa khá lộ liễu. Hơn nữa, luận đề mà Trúng số độc đắc cố sức chứng minh lại hết sức phiến diện, sai lầm: con người ta giàu cũng như nghèo, thân cũng như sơ đều là một lũ xu thời, vụ lợi, nô lệ của đồng tiền. Dưới sự dắt dẫn của cái nhìn định kiến ấy, tác giả đã chông chênh, phi hiện thực khi thể hiện tính cách và số phận một loạt nhân vật. Nhận xét về nhân vật Phúc, Hoàng Thiếu Sơn cho rằng Vũ Trọng Phụng "đã vẽ lại một con đường rất biện chứng biến một anh ký kiết ra một tay cự phú, với các hoàn cảnh gia đình, xã hội vây quanh anh ta", "đến năm 39 với tác phẩm cuối cùng này của đời mình, Vũ Trọng Phụng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật phân tích tâm lý" [133, 7 - 9]. Những nhận xét trên xuất phát từ lòng quí mến nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhưng quả là thiếu đi sự khách quan trong nghiên cứu tác phẩm. Cuộc đời Phúc, ngay từ những chương đầu của cuốn tiểu thuyết đã được định đoạt
104
bằng một yếu tố ngẫu nhiên - đó là tấm vé số mua bằng những đồng tiền Tấn cho vay sau khi anh ta trúng số. Khi cầm tấm vé ấy, Phúc đã "có một cái cảm giác rất lạ lùng, là rồi anh sẽ trúng số"(tr. 116). Cuộc đời con người không thiếu những may mắn ngẫu nhiên. Trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng cũng không hiếm những tình tiết ngẫu nhiên được người đọc chấp nhận. Nhưng ở Trúng số độc đắc, tấm vé trúng thưởng mười vạn bạc đã được tác giả dùng làm phép thử để thử thách lòng dạ người đời. Và Phúc trở thành kẻ khoanh tay mỉm cười chua chát, chứng kiến một cách khoan khoái cái "thói đời" đen bạc, quay quắt mà anh ta trước đây chỉ mới biết qua sách vở. Với cái nhìn có phần tàn nhẫn ấy, từ Phúc, bố, mẹ, vợ, em Phúc đến lão Tây, lão chủ hãng ô tô... đều ít nhiều trở thành những nhân vật minh họa cho thói tham lam, ích kỷ mang màu sắc trừu tượng ở con người. Lạc hướng trong sự "phân tích xã hội" vốn là mặt mạnh trong ngòi bút của mình, Vũ Trọng Phụng cũng chông chênh trong sự phân tích tâm lý nhân vật. Sự phân tích tâm lý khá công phu, với nhiều trang đào sâu vào nội tâm nhân vật Phúc đã không đi theo quy luật biện chứng của hiện thực mà để minh chứng cho một luận đề sai lầm về con người mà tác giả tỏ ra tâm đắc. Cái vé số độc đắc trở thành bản lề mở cuộc đời Phúc sang một trang khác hẳn, từ một anh "ký kiết" thất nghiệp đến một tay tư sản giàu có. Và Phúc không cần đến nửa năm để từ trắng hóa đen như Long, như Mịch, Phúc đã là một tính cách khác hẳn ngay từ buổi đầu tiên sau khi cầm tấm vé "đổi mệnh" trên tay. Anh chua chát, tàn nhẫn với người thân khác hẳn với vẻ hiền lành, tự ty thường ngày. Anh quyết đoán, bạo liệt với người ngoài để trả thù những ngày bị lép vế, bị sỉ nhục. Rồi Phúc vứt bỏ những ý định tốt đẹp ban đầu, lao vào ăn chơi, hưởng lạc. Phúc đã đi theo "vết xe thiên hạ" và ngòi bút của Vũ Trọng Phụng lại đi theo những định kiến, chủ quan quen thuộc khi thể hiện loại nhân vật này. Rõ ràng, Phúc không phải là một nhân vật được xây dựng bằng ngòi bút khách quan, chân thực. Tính cách Phúc không đi theo "một con đường rất biện chứng" như nhận định của Hoàng Thiếu Sơn. Sự thiếu khách quan ấy còn hiện hình trên nhiều chi tiết. Cảnh Phúc ngồi "chễm chệ giữa sập", lên tiếng chì chiết, bởn cợt bố, mẹ, các em; cảnh Phúc dùng năm trăm bạc để cố tình biến bố và anh thành "hai con ác thú trước một miếng mồi" vừa không tạo được cảm giác chân thực, vừa có cái gì thật tàn nhẫn, vô nhân đạo. Bên cạnh Phúc, hình ảnh Tấn như một sự đối trọng của Phúc cũng không mấy thành công. Khi Phúc hiền lành, nghiêm chỉnh thì Tấn hư thân mất nết. Khi Phúc trở nên hư hỏng
105
sa đọa thì Tấn lại tu chí, sửa mình và tìm cách khuyên giải Phúc. Nhưng hư hỏng hay tu chí thì cũng không gắn gì lắm với môi trường, hoàn cảnh vây quanh nhân vật. Hay nói đúng hơn, môi trường, hoàn cảnh đã bị mờ đi màu sắc lịch sử - cụ thể mà trở thành một thứ "thói đời" chung chung trùm lên tất cả các nhân vật, chi phối họ nghiệt ngã như một định mệnh. Rõ ràng, cái bế tắc, bi quan trong quan niệm về con người ở giai đoạn sáng tác cuối cùng đã phát lộ qua hệ thống nhân vật, mà rõ nhất là qua Phúc - "nhà triết lý" đầy khinh bạc đối với cuộc đời.
Nhân vật Huyền trong Làm đĩcũng được tác giả tạo nên bằng bút pháp minh họa dễ dãi, tuy rằng sự minh họa đi theo một hướng khác. Đây là cuốn tiểu thuyết duy nhất được Vũ Trọng Phụng kể chuyện bằng ngôi thứ nhất - Huyền tự kể "cuốn tiểu thuyết" của đời mình từ khi còn bé đến khi trở thành gái đĩ. So với cách kể chuyện từ ngôi thứ ba quen thuộc, cách kể chuyện theo quan điểm nhân vật kiểu này có mặt mạnh trong việc tạo ra "ảo tưởng" về sự khách quan của câu chuyện đối với độc giả, ít bị những định kiến của một người trần thuật "vô hình", "biết hết" chi phối. Nhưng mặt mạnh của lối kể chuyện này đã không phát huy được tác dụng trong Làm đĩ. Một loạt các tình tiết được sắp xếp công phu, các bối cảnh được dàn dựng có vẻ hợp lý đã phản lại dụng ý người viết. Tác giả muốn biến Huyền thành một nhân vật điển hình, một "tấm gương" cho chị em phụ nữ soi chung, một "bài học trọng đại" của đời (chữ dùng của Vũ Trọng Phụng trong tác phẩm). Nhưng quả là người ta không thấy xúc động gì nhiều qua "tấm gương" ấy, qua "bài học" ấy, ngoại trừ một số hiểu biết mới về "tuổi dậy thì", "những sự hại về thủ dâm", những "ám ảnh" về sinh lý... Vũ Trọng Phụng đã đi trái qui luật tiếp nhận: sự hấp dẫn của văn học là sự hấp dẫn của tư duy hình tượng chứ không phải là của những kiến thức khoa học, dù đó là khoa học về sinh lý con người.
Rõ ràng ở Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng đã ảnh hưởng lối viết kiểu "tiểu thuyết thực nghiệm" của E.Zola. Kết cấu cuốn tiểu thuyết có hình thức như một cuốn khảo cứu khoa học (Chính ở phần đầu của tác phẩm tác giả có viết rằng: "chúng tôi "khảo cứu" sự hư hỏng của Huyền" (tr. 73). Tác giả "khảo cứu" nhân vật theo từng chặng đường đời mà sự phân chia những chặng này chủ yếu bám sát những sự biến đổi của sinh lý: I, Tuổi dậy thì, II, Ra đời, III, Lấy chồng, IV, Trụy lạc. Thỉnh thoảng giữa các phần lại xen vào những đoạn giải thích tỷ mỉ những vấn đề liên quan đến tình dục: "ái tình với
106
sinh thực khí", "những sự hại về thủ dâm và ý dâm"... Với một ngôn ngữ mang phong cách khoa học rõ nét như: "Sự đói ăn khát uống là ở bộ máy tiêu hóa thì ái tình là ở sinh thực khí. Tư tưởng ăn uống là ở bộ máy tiêu hoá sinh ra. Người có bộ máy tiêu hóa suy yếu không thiết ăn uống; người có bộ máy tiêu hóa hư hỏng ăn uống xong lại nôn mửa hết"... (tr. 103).
Với Làm đĩ, ảnh hưởng của Freud và kiểu "khảo cứu" khoa học này đã đẩy ngòi bút Vũ Trọng Phụng đến gần với chủ nghĩa tự nhiên. Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945 thường không tồn tại ở dạng "thuần nhất" mà phổ biến là những yếu tố xen kẽ với chủ nghĩa hiện thực, thể hiện ở thái độ khinh thị người nghèo hèn, sự mô tả sinh lý thô bạo, sự chạy theo tình tiết thiếu chọn lọc... Điều này có thể lý giải bởi hạn chế trong lập trường, tư tưởng của nhà văn, bối cảnh hiện đại hóa văn học diễn ra gấp rút, sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học phương Tây và sự đan xen, tác động lẫn nhau giữa các trường phái, trào lưu văn học. Tác giả Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại giải thích rằng: "Do hạn chế của nhãn quan giai cấp, do còn lầm lẫn về mặt lý luận giữa chủ nghĩa hiện thực và "chủ nghĩa tả chân", một phần nào do ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên Pháp, một số nhà văn hiện thực phê phán nước ta đã có những lúc sa vào chủ nghĩa tự nhiên [39, 111]. Ở Vũ Trọng Phụng, ngoài sự chi phối của Freud mà chúng tôi đã trình bày ở chương 1, có thể còn có ảnh hưởng của E.Zola. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài luận chiến: "Để đáp lời báo Ngày nay: dâm hay
là không dâm", Vũ Trọng Phụng có nhắc đến Zola như là một trong những nhà văn mà ông kính phục, bên cạnh những tên tuổi khác như Hugo, Malraux, Đoxtoievsky,