Chân dung đám đông

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 112 - 114)

5. Cấu trúc luận án:

3.1.2.Chân dung đám đông

Vũ Trọng Phụng còn là người có "biệt tài" ký họa chân dung những đám đông cùng loại. Nhiều khi chỉ cần ít nét phác họa sơ sài, Vũ Trọng Phụng đã làm tái hiện một cách sống động diện mạo lẫn bản chất của cả một lớp người. Đây là cảnh diễn ra trong phòng khách nhà Nghị Hách vào dịp "tính sổ" công việc doanh thương: "Trong phòng khách đợi, lúc ấy có ngót hai chục người ngồi chờ được tiếp, bọn người mà bề ngoài đủ rõ ra vẻ doanh nghiệp, vẻ sắc sảo, vẻ gian hùng, ở những cái mũ cát két, ở những đôi giày ống, ở những cái kính cặp, ở những cái răng vàng, ở cái máy chữ xách được, ở cái cặp da to kích xù, ở cái ống đựng nước giữ được nóng, lạnh trong 24 giờ"… Từ những nét phác thảo chân dung ấy, Vũ Trọng Phụng đã nhanh chóng đột nhập vào bản chất của loại người này: "Bọn này thuộc vào những lớp người mà do ai, xã hội được hoạt động, trông vào đâu, cũng thấy doanh lợi, sống lên trên những cuộc tai họa hoặc những sự may mắn của người đời. Trước mắt bọn triết nhân hiền giả, họ là bọn sài lang, mà đối với gia đình của họ, thì họ là những bậc can trường lỗi lạc" (tr. 385).

113

Còn đây là chân dung ký họa của đám đông 4000 người đi lĩnh chẩn trứơc Tiểu vạn trường thành: "Nào là những ông già, bà già đầu đã trắng xóa như tuyết lụ khụ vừa còng lưng chống gậy vừa lần từng bước để mà ho khạc, quần áo thì bươm như xơ nhộng, nón thì nở hoa như nón bù nhìn, hoặc chột, hoặc què, hoặc thong manh dở, hoặc mù tịt cả hai mắt, có vẻ lử khử như nhọc mệt cuộc đời lắm rồi, mà đi 20 cây số để lấy một rá gạo và một vài hào chỉ, thì dẻo dai gân cốt lắm. Nào là những đàn bà gầy còm bẩn thỉu, vì khoai, củ chuối, mưa, nắng, những cảnh bùn lầy nước đọng, vì đẻ như lợn sề, lưng cõng tay dắt những đứa trẻ xanh xao, toét mắt, bủng ỏng vì giun sán, đi cạnh những ông chồng ngực lép đét lại vì trùng ho lao, mặt mũi hốc hác vì sưu thuế, nạn tổng lý, nạn hối lộ, nạn trộm cướp, nạn bã rượu lậu..." (tr. 481).

Chân dung hai đám người ấy nếu để cạnh nhau đủ để cho người đọc thấy rõ cái "tinh thần giai cấp" mà Vũ Trọng Phụng đã có lần nói đến. Rõ ràng, ở đây không chỉ là dáng điệu, khuôn mặt, trang phục bề ngoài mà còn là những tính cách, những thân phận, với những địa vị xã hội rất khác nhau.

Trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng còn có những đám đông nhỏ hơn như "thế giới làng bẹp" của Vạn Tóc Mai, thế giới 11 cô nàng hầu của Nghị Hách trong Tiểu vạn Trường thành. Chỉ cần mấy nét vẽ, Vũ Trọng Phụng dựng lại sinh động không khí của một nhà ả đào trước khi Nghị Hách xuất hiện: "Lúc ấy cô Quý, Cô Ninh, cô Nhan đã ngồi trước bàn, kẻ chải đầu, kẻ đánh phấn. Còn cô Phú, cô Thọ, cô Trí thì vẫn uể oải trong chăn với mấy tờ báo, mấy cuốn truyện ngôn tinh. Riêng có cô Lễ, một cô mặt trông ngây thơ có cái vẻ đẹp nâu sồng thì ngồi riêng biệt một cái bàn và đương học: e oeo, ê u êu, iu iu (...). Mười lăm phút sau, cảnh tượng trong phòng đổi hẳn. Đó là những cái quần trắng, áo di-lê, áo len, khăn nhung, thắt lưng hoa đào, và những dép quai nhung hoạt động trong phòng, trước những cái tủ áo, bàn rửa mặt, không khí một nhà ả đào, lúc đã đến giờ trang điểm, đợi khách làng chơi" (tr. 198).

Cảnh "thế giới làng bẹp" cũng được phác họa thật sinh động, ấn tượng: "Khách đến hút thuốc đủ hạng người: ông chủ sòng mà sở Liêm phóng không thương hại, mấy cậu học trò vừa ra khỏi trường mà đã oán giận xã hội không trọng dụng nhân tài, cụ Phán già không được cưới thêm vợ lẽ, ông nhà văn có sách mới bị cấm (...). Cuối phòng, trên một cái sập, hai bác lính da đen nằm ôm hai chị đàn bà mặc quần áo tân thời, họ co quắp lấy nhau một cách ngạo mạn, hình như chung quanh đấy không còn ai

114

nữa. Long lấy làm lạ không hiểu sao khách hút cũng cứ thản nhiên, không buồn nhìn đến cái cảnh tượng chướng mắt ấy. Long quay ra phía khác, thì đầu phòng đằng kia, một cô đầm lai, mặt mũi xanh xao nằm với một con chó tây xinh xinh cứ vừa vỗ về con vật, như âu yếm đứa con mới đẻ..." (tr. 341 - 342).

Những chân dung đám đông này quả là đã được vẽ bằng những nét bút ký họa sơ sài nhưng bức vẽ lại rất sinh động, ấn tượng. Qua các chi tiết rất đắt, được chọn lọc, tác giả đã khắc họa được bộ mặt lẫn tính cách của một loại người, một xã hội thu nhỏ. Những loại người này quả là con đẻ của xã hội nhố nhăng, thối nát đương thời chứ không phải của một xã hội nào khác. Các nhà nghiên cứu thường nói đến ấn tượng về sự đông đúc, phức tạp của thế giới nhân vật Vũ Trọng Phụng, thì chính những chân dung đám đông này góp phần không nhỏ trong việc tạo nên ấn tượng đó. Nhiều nhân vật điển hình của Vũ Trọng Phụng như Nghị Hách, Vạn Tóc Mai càng trở nên đậm nét hơn trên cái nền của đám người tương đồng về địa vị xã hội với chúng.

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 112 - 114)