Các nhân vật phản diện và thành công xuất sắc trong điển hình hóa hiện thực

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 69 - 76)

5. Cấu trúc luận án:

2.2. Các nhân vật phản diện và thành công xuất sắc trong điển hình hóa hiện thực

Vũ Trọng Phụng là nhà văn của những "niềm căm uất không nguôi" (chữ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh) đối với xã hội thực dân nửa phong kiến. Niềm căm uất ấy đã tạo nên một ngòi bút thật sắc sảo, đầy gai góc trong việc phanh phui những mặt trái của xã hội. Ngòi bút Vũ Trọng Phụng cũng thật tài tình khi dựng nên những điển hình phản diện sống động như những con người có thật ở ngoài đời. Bám sát hiện thực, các điển hình của Vũ Trọng Phụng cũng đi theo những cách thức nhìn bên ngoài có vẻ rất khác nhau: có dạng điển hình hóa theo kiểu "tả chân" sắc sảo, có pha những nét phóng sự ở Nghị Hách, có dạng điển hình hóa theo bút pháp hiện thực trào phúng ở Xuân Tóc Đỏ, Văn Minh, Cố Hồng...

70

2.2.1. Nhân vật Nghị Hách và những đóng góp mới mẻ trong điển

hình hóa hiện thực chủ nghĩa

2.2.1.1. Một điển hình sống động của "phái tư bản" trong xã hội thực dân nửa phong kiến

Giai cấp tư sản Việt Nam là giai cấp mới hình thành, nhận diện bộ mặt của giai cấp này để phản ánh vào văn học là điều khó khăn với nhiều cây bút. Vũ Trọng Phụng - nhà văn gắn đời mình với mảnh đất thành thị xô bồ, đầy biến động đã gánh trách nhiệm này và ông là người sớm nhất và thành công nhất đưa được vào tiểu thuyết bộ mặt của những "ông chủ" tư sản hãnh tiến mới phát lên như Văn Minh, Victo Ban, thầu khoán Khoát, Nghị Hách. Trong đó Nghị Hách là người hùng của bọn người này.

Nghị Hách là một nhân vật điển hình thể hiện rõ chân tướng của giai cấp tư sản phản động ở một nước thuộc địa. Vũ Trọng Phụng - qua lời của Long, đã từng chỉ mặt, gọi tên rất chính xác bọn người này: "Tôi đã trông thấy rõ những cử chỉ của phái tư bản mà ông cụ Nghị là tiêu biểu, đã nghe thấy những phút chuông điện thoại gọi, do đó số phận hàng nghìn người bị định đoạt qua một cơn giận dữ" (tr. 311). Ở nhân vật này, từ cung cách sinh hoạt, hành động đến lời ăn tiếng nói luôn toát ra bản chất của một ông chủ tư sản "phú gia địch quốc", hơn nữa, đây còn là một ông chủ có tính cách của một "bạo chúa".

Tính cách "bạo chúa" thể hiện trước hết ở sự độc ác đến lạnh lùng, hỗn xược của kẻ nắm vững sức mạnh của đồng tiền. Nghị Hách là kẻ dám làm tất cả mà không hề biết ghê tay, run sợ. Y giám trâng tráo hiếp gái lành ngay trên xe ô tô trước mặt tài xế và sau đó trâng tráo thanh minh trước quan huyện Cúc Lâm: "Dẫu người tai to mặt nhớn đến thế nào đi nữa thì cũng phải có lúc giăng gió một chút, cái ấy là trời sinh ra". Y dám nói thẳng vào mặt ông huyện trẻ Cúc Lâm cái lý của kẻ mạnh: "Bẩm quan lớn, nén bạc đâm toạc tờ giấy (...) việc lên đến quan sứ thì chúng tôi chỉ hơi phiền lòng mà thôi, chứ thua thì không thể" (tr. 231). Rồi y ngang nhiên gieo vạ cho cả làng Quỳnh thôn bằng cách cho tay chân quăng cờ đỏ vào làng để vu cho họ tội Cộng sản. Đó là chưa kể đến cái quá khứ đã từng "cướp vợ bạn", "bỏ bả rượu vào ruộng lương dân", "đánh chết người rồi vứt xác người ta xuống giếng"... Rõ ràng, những hành động tàn

71

bạo, trâng tráo ấy gắn liền với bản chất của một giai cấp bóc lột, tàn ác, được sự hậu thuẫn của xã hội thối nát đương thời.

Cũng rất tư sản là lối sống xa hoa, đồi bại. Ở Nghị Hách là sự kết hợp giữa cái dâm ô của một lãnh chúa phong kiến với cái đồi bại hiện đại của một ông chủ tư sản cỡ lớn. Không phải chỉ vài ba bà vợ xếp ngôi thứ rõ ràng như với địa chủ Hàn Thanh hay Bá Kiến của Khái Hưng và Nam Cao, Nghị Hách có cả một tòa lâu đài trong đó nuôi đến mười một cô nàng hầu để "chủ nhân ổng sai bảo việc vặt, hoặc ngứa mồm thì hôn một cái, ngứa tay thì sờ soạng một cái, cấu véo một cái" (Tr. 199). Chưa đủ, ông chủ khi cần còn đánh tê lê phôn về Hà nội, trả tiền hậu hĩnh để gọi lên những cô đào "trẻ nhất, đẹp nhất". Rồi những thực đơn sang trọng, những chai nước suối Vi ten đổ vào bể tắm, những buổi chiếu phim khiêu dâm, những hộp thuốc phiện trắng, sinh phần được xây dựng công phu..., tất cả đều là những dẫn chứng sinh động của một lối sống tư sản đồi bại mà chắc chắn những kẻ trọc phú nhà quê như Nghị Quế, Nghị Lại không thể nào hình dung nổi. Sau này, trong Vỡ bờ, Nguyễn Đình Thi cũng có một số trang miêu tả lối sống tư sản thối nát của gia đình Nghị Khánh, Nguyên Hồng trong

Cửa biển thì dựng nên hình tượng Thi San, nhưng quả là không gây được ấn tượng sau sắc như Vũ Trọng Phụng.

Là một nhà văn hiện thực, Vũ Trọng Phụng không chỉ sắc sảo phơi bày những nét biểu hiện cụ thể của tính cách một "bạo chúa" mà còn tỉnh táo lột trần những gì phía sau tính cách ấy. Chưa thể nói là qua hình tượng Nghị Hách, Vũ Trọng Phụng đã chăm chú nghiên cứu quá trình hình thành và tích lũy tư bản sơ khai của giai cấp tư sản Việt Nam, nhưng bằng trực giác tài tình của một nghệ sỹ, Vũ Trọng Phụng cũng đã bước đầu đề cập đến hiện thực ấy.

Một trong những đóng góp của Balzac đối với trào lưu hiện thực phê phán là đã đi sâu nghiên cứu quá trình tích lũy tư bản của giai cấp tư sản Pháp một cách chính xác, sắc sảo. Qua những tiểu thuyết nổi tiếng như Gobseck, Vỡ mộng, Eugénie Grandet..., ông đã phơi bày những phương thức tích lũy đồng tiền hết sức bẩn thỉu như cho vay nặng lãi, bóc lột, cướp đoạt phát minh người khác... Ở Việt Nam, một trong những tác phẩm đầu tiên đã phản ánh được ít nhiều quá trình làm giàu của một nhà kinh doanh cỡ lớn trong xã hội tư sản là Kim tiền của Vi Huyền Đắc. Tuy vậy, vở kịch không đi sâu vào những hành vi bóc lột, kiếm tiền của Trần Thiết Chung mà chủ yếu

72

tập trung phê phán sự biến chất tệ hại của con người hắn trước ma lực của đồng tiền, đồng thời cho thấy những bất hạnh mà đồng tiền phi nghĩa gây ra. Giông tố của Vũ Trọng Phụng – với tính chất là một tiểu thuyết, có nhiều khả năng hơn để nghiên cứu, theo dõi nhân vật trong chiều sâu quá trình biến đổi của nó. Với Nghị Hách, Vũ Trọng Phụng chưa làm thật rõ điều đó, nhưng ông cũng đã phần nào nhìn thấy con đường tiến thân của một kẻ vốn là cai thợ nề, đã từng lăn lộn kiếm sống ở Lào rồi dần dần phất lên thành một nhà tư sản giàu có. Quá trình ấy gắn liền với bao nhiêu tội ác kinh tởm. Mượn những lời đồn đại mà dân làng Quỳnh Thôn nghe được, mượn lá số tử vi của Hải Vân, tác giả đã làm tái hiện - tuy chưa thật là chi tiết, cái tiểu sử đầy tàn bạo, độc ác gắn liền với quá trình làm giàu của Nghị Hách.

K. Marx đã có lần phân tích sâu sắc vai trò của lợi nhuận đối với những hành vi của giai cấp tư sản. Vũ Trọng Phụng có thể chưa có điều kiện tiếp xúc với lý luận của Marx, nhưng ông cũng đã nhìn thấy điều đó ở nhân vật Nghị Hách. Có một sự kiện ở chương XXI của tác phẩm rất giàu ý nghĩa. Đó là màn hội kiến, mặc cả giữa Nghị Hách và "đại diện cho một hội lý tài mới thành lập bên Pháp" để cùng nhau làm một cái áp phe lớn là "độc quyền nước mắm ở Trung kỳ và Bắc kỳ". Để làm được điều đó, "hội lý tài" này cần có người ra tranh cử dân biểu, leo lên ghế nghị trưởng để tạo vây cánh. Ban đầu Nghị Hách ngần ngại vì sợ "không đủ tài hùng biện", sợ báo chí chửi là "vô học". Thế nhưng, 500 cổ phần, mỗi cổ phần hai nghìn phật lăng và bên cạnh đó là sự bài bản của đối tác đã tạo nên can đảm cho Nghị Hách. Sau cuộc mặc cả này, Nghị Hách đã hăng hái ra tranh cử chức nghị trưởng, tổ chức phát chẩn để được báo chí ca ngợi, đọc diễn văn và nhỏ nước mắt cá sấu thương xót bình dân. Rõ ràng, đằng sau những hành động ấy là sức đẩy của lợi nhuận và nhiều "việc lợi khác". Đúng là mượn chính trị để trục lợi kinh tế, dùng kinh tế để đầu cơ chính trị, lợi nhuận cao thì sẵn sàng làm tất cả, cái quy luật ma phi a phổ biến của xã hội đồng tiền đã được Vũ Trọng Phụng vạch trần một cách chính xác.

2.2.1.2. Một hình tượng điển hình mang ý nghĩa khái quát cao độ

Bản chất giai cấp ở điển hình Nghị Hách là điều dễ thấy, nhưng ở hình tượng điển hình này không chỉ có bản chất giai cấp. Nghị Hách của Vũ Trọng Phụng là một hình tượng mang ý nghĩa khái quát xã hội rộng lớn và sức mạnh nghệ thuật hiếm có.

73

Trong văn học hiện thực phê phán, khi nói về Nghị Hách, nhiều nhà nghiên cứu thường so sánh y với hai nhân vật ông nghị của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan là Nghị Quế và Nghị Lại. Cái khác biệt căn bản tạo nên "tầm cỡ" của Nghị Hách không phải ở chỗ một bên là "địa chủ ở thôn quê", còn bên khác là "một nhà đại tư bản" mà chủ yếu là ở chiều sâu và tầm khái quát xã hội của hình tượng. Nghị Hách được Vũ Trọng Phụng đặc biệt quan tam (xuất hiện ở 11/30 chương gồm 96/348 trang tiểu thuyết, về tần số xuất hiện đứng thứ hai chỉ sau nhân vật Long), được soi chiếu trên nhiều bình diện, nhiều mối quan hệ. Có thể chỉ ra các bình diện sau:

- Bình diện gia đình:ở bình diện này, tác giả lên án sự thối nát, loạn luân trong gia đình Nghị Hách. Sự thối nát đi đến mức trâng tráo, vô liêm sĩ khi Nghị Hách xử cho hai đứa con đẻ chính thức lấy nhau và dùng hành vi loạn luân này để trục lợi về chính trị.

- Bình diện xã hội: ở bình diện này, Nghị Hách vừa là một tên tư sản tàn bạo, dâm ác, vừa là kẻ có bản chất chính trị phản động, căm ghét Cộng sản, sẵn sàng cấu kết và ôm chân thực dân để bảo vệ cho quyền lợi ích kỷ của mình.

- Bình diện triết lý về con người: ở bình diện này, Nghị Hách là một sự minh chứng cho tư tưởng định mệnh của Vũ Trọng Phụng: con người dù nghèo hèn hay giàu có đến đâu đi nữa thì cũng không thể thoát khỏi bàn tay chi phối của "Hoàng thiên", đều không thể tránh được những bi kịch bất ngờ do "số phận xui khiến cả".

Ba bình diện trên đan xen với nhau, trong đó bình diện xã hội là bình diện chủ yếu, là tiêu điểm quan tâm của Vũ Trọng Phụng. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm bắt đầu từ tình tiết Thị Mịch bị hiếp dâm, nhưng câu chuyện đã nhanh chóng được triển khai nhằm phơi bày những quan hệ xã hội - giai cấp, trước hết là lột trần sự bất công, thối nát của cả một guồng máy xã hội. Ban đầu chỉ là một mâu thuẫn có tính chất cục bộ, sau đó mâu thuẫn ngày càng được mở rộng, kéo theo vào cuộc hàng loạt nhân vật chia làm hai tuyến đối lập. Một bên là Thị Mịch, ông bà Đổ Uẩn, lý dịch và dân làng Quỳnh thôn, được sự ủng hộ của ông huyện trẻ trọng công lý. Một bên khác là Nghị Hách, có sự tiếp sức của hệ thống quan lại, chính quyền và đồng tiền phi nghĩa. Rồi một phiên toà cũng được mở ra, nhưng tội phạm thì được trắng án, còn nạn nhân lại ngỡ ngàng thấy mình biến thành tội phạm với lời đe dọa trắng trợn của quan tòa: "Con Mịch kia! Trước pháp luật, việc mày như thế là một việc làm đĩ không môn

74

bài, vậy mày có muốn làm nhà thổ suốt đời không? Bọn lý dịch! Chúng mày đi kiện láo như thế tức là phạm tội vu cáo, vậy chúng mày có muốn vào tù không?"(tr. 273). Công lý đã thuộc về kẻ mạnh, kẻ có tiền. Trước khi phiên tòa được mở, "công lý" kia được thực hiện, Vũ Trọng Phụng đã tài tình miêu tả một chuyến viếng thăm bằng xe ô tô của Nghị Hách đến nhà quan công sứ để ton hót về "nạn Cộng sản", đến nhà quan tổng đốc bắt tay móc ngoặc để tìm cách trừng trị ông huyện Cúc Lâm trẻ và lật ngược vụ án. Rõ ràng, ngòi bút phân tích xã hội của Vũ Trọng Phụng - qua những mối quan hệ của Nghị Hách đã đụng đến cả một guồng máy xã hội, với cơ chế xã hội và những động lực thật sự của nó. Sự đi sâu phân tích những "tương quan xã hội và cấu trúc xã hội" như thế được Bôrix Xuskov cho là "linh hồn" của chủ nghĩa hiện thực [169, 61 - 62].

Thực ra, phân tích những "tương quan xã hội" là đặc điểm chung của văn học hiện thực phê phán. Nhưng trước năm 1936, các nhà văn hiện thực như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Công Hoan - kể cả Vũ Trọng Phụng chỉ mới chú ý đến vấn đề giàu nghèo. Bước vào thời kỳ mặt trận Dân chủ, Vũ Trọng Phụng là người sớm nhất mài sắc nhãn quan giai cấp để nhìn nhận hiện thực. Do đó, trong Giông tốVũ Trọng Phụng không xây dựng Nghị Hách như một kẻ trọc phú, háo danh, xôi thịt kiểu Nghị Quế. Ông chọn một nhà tư sản cỡ lớn, một "nhân vật quan trọng" để từ đó dễ dàng lật mặt tất cả những quan hệ cơ bản nhất, đen tối nhất của tầng lớp thống trị cũng như phanh phui tất cả cơ chế tồn tại của xã hội thối nát đương thời.

Trong lịch sử nghiên cứu Vũ Trọng Phụng, do không chú ý đến bình diện xã hội là chủ yếu nên có người đã lạc hướng nhấn mạnh Giông tốvà điển hình Nghị Hách ở bình diện gia đình hoặc bình diện triết lí định mệnh. Tác giả Hiên Chi trên Ích Hữu (Số 66, 25/5/1937) có lúc xem Giông t "phảng phất như một thiên phóng sự đi sâu vào trong một gia đình trưởng giả đầy trụy lạc", có lúc lại cho rằng Giông tố là tiểu thuyết "kể một việc báo ứng nhỡn tiền gieo vào trong gia đình một kẻ tai to mặt lớn" [19, 51 - 52]. Những ý kiến đó không phải không có mặt đúng, nhưng quả là chưa toàn diện và đầy đủ khi nhìn nhận ý nghĩa của một điển hình phản diện có giá trị khái quát sâu sắc, trên nhiều phương diện. Phạm Thế Ngũ rất chính xác khi nhận định rằng Giông tố

trước hết "mang chủ ý đấu tranh xã hội, châm biếm hạng tư bản" - trong đó "Nghị Hách là hình ảnh tột bực của cường hào, ác bá", đồng thời còn là "một vở đại bi kịch

75

nhân loại nhân tình có một giá trị luân lý rất cao: sự quả báo của tội ác, sự tai họa của giàu sang, sự trớ trêu của định mệnh, sự phi lý của cuộc sống…" [105, 525 - 526].

2.2.1.3. Một nhân vật điển hình được cá thể hóa sâu sắc

Nghị Hách không chỉ là điển hình mang ý nghĩa khái quát cao mà còn là một cá tính sinh động, là "con người này" theo cách nói của Hegel. Ở Nghị Hách, từ chân dung, hành động đến nói năng đều để lại ấn tượng sâu đậm đối với người đọc.

Balzac đã nhiều lần nói đến "những tội ác lớn" phía sau "những tài sản lớn" của giai cấp tư sản. Nghị Hách của Vũ Trọng Phụng không nằm ngoài qui luật đó. Nhưng ở Nghị Hách cái ác vẫn có bộ mặt riêng: lạnh lùng, tàn nhẫn và rất quyết đoán. Thợ đình công, y gọi điện thoại ra lệnh đuổi việc. Gây tội ác xong, y thản nhiên ra lệnh cho lái xe phóng thẳng vào trương tuần làng Quỳnh Thôn: "Cứ mở hết máy, tội vạ đâu tao

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 69 - 76)