5. Cấu trúc luận án:
1.5. Tính thống nhất và mâu thuẫn trong quan niệm về con ngườ iở tiểu thuyết
ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng
Qua những đặc điểm trên, có thể thấy quan niệm về con người trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là khá đa diện nhưng cũng rất phức tạp, đầy mâu thuẫn. Suy tư thường xuyên về con người, Vũ Trọng Phụng đồng thời có những nổ lực không nhỏ nhằm đi sâu khám phá, nhìn nhận con người từ nhiều phương diện: xã hội và cá nhân, ý thức và bản năng, bản chất và ý nghĩa tồn tại. Những nổ lực ấy đã tạo nên chiều sâu nhất định trong sự thể hiện con người so với nhiều nhà văn cùng thời. Nếu xem một trong những đóng góp của văn học hiện thực phê phán là sự đi sau khám phá những mặt khác nhau trong cấu trúc nhân cách con người thì Vũ Trọng Phụng quả đã có đóng góp không nhỏ đối với trào lưu văn học hiện thực.
Trong cái nhìn đa diện của Vũ Trọng Phụng, điểm nổi bật là sự quan tâm đến con người trên bình diện xã hội, giai cấp, trong các mối quan hệ phong phú của nó. Cái "tinh thần giai cấp" mà ông đề cập đến thực chất là mặt cốt lõi trong bản chất xã hội của con người. Cũng như Balzac, ông nhìn xã hội trong sự phân chia thành các giới, các hạng, các típ (tipe) người khác nhau. Thực ra Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan cũng nhận thấy sự phân hóa này, nhưng cái nhìn của hai nhà văn này tương đối hẹp, trong những mối tương quan rõ nét như quan lại - nông dân - địa chủ, giàu - nghèo. Cái nhìn của Vũ Trọng Phụng có phần mở rộng hơn, đa dạng hơn. Trong tiểu thuyết của ông có những điển hình giai cấp sắc sảo, nhưng cũng có những nhân vật không thể đóng khung trong một cái khuôn giai cấp cứng nhắc, chẳng hạn Xuân Tóc Đỏ, Vạn Tóc Mai, Huyền... Có người cho Xuân Tóc Đỏ là bình dân, có người xếp vào tư sản. Rõ ràng ở đây, nhân vật điển hình mang ý nghĩa rộng lớn, vượt ra ngoài điển hình của một tầng lớp, một giai cấp.
Sự quan tâm đặc biệt đến con người "tha hóa" với những kiểu biến dạng tiêu cực khác nhau cũng xuất phát từ sự nhìn thấy mối quan hệ giữa con người với môi trường, hoàn cảnh, tiếc rằng ông lại không chính xác khi đi sâu cắt nghĩa nguyên nhân sâu xa của hiện tượng xã hội phổ biến này.
62
Đi sâu vào các phương diện trong quan niệm về con người của Vũ Trọng Phụng sẽ thấy ở đó vừa có mặt thống nhất, lại vừa có sự mâu thuẫn, thậm chí đối lập nhau. Có mâu thuẫn giữa các mặt khác nhau trong quan niệm con người xét trên cái nhìn đồng đại. Có mâu thuẫn giữa các thời kỳ sáng tác xét trên phương diện lịch đại. Mâu thuẫn này đã từng được nhiều nhà nghiên cứu nói đến. Vũ Bằng cho rằng: "Vũ Trọng Phụng là một sự mâu thuẫn lớn do những mâu thuẫn nhỏ kết tinh" [11 - 16]. Nguyễn Đăng Mạnh cũng khẳng định: "Kể ra nếu nói phức tạp thì Vũ Trọng Phụng quả là phức tạp thật. Con người này, tính cách đến tác phẩm, chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn làm rối trí những người muốn tìm hiểu và lý giải" [99, 13]. Vì thế, đằng sau những Huỳnh Đức, Việt Anh, Hải Vân... là bao nhiêu dằng xé do Vũ Trọng Phụng đã gửi vào đó những quan niệm chủ quan của mình. Và qua các nhân vật của ông, vừa thấy những khám phá mới mẻ, vừa có những giản đơn sai lầm khi nhìn nhận con người; vừa có những nổ lực xây dựng niềm tin, lại vừa lo âu, thậm chí khinh bạc đối với con người.
Tính phức tạp còn thể hiện ở chỗ quan niệm ấy không hề đứng yên mà có sự thay đổi, biến chuyển trong quá trình sáng tác của nhà văn. Từ một Huỳnh Đức hiền nhân quân tử đến một Hải vân vùng vẫy cải tạo xã hội là một quá trình thay đổi không nhỏ. Từ một Nghị Hách điển hình cho "phái tư bản" tàn bạo, trụy lạc đến một Phúc giàu có, tiêu biểu cho thói tham lam, ích kỷ của loài người là một bước chuyển biến nữa. Đây cũng không phải là một quá trình vận động để ngày càng tiến bộ hơn như Văn Tâm đã phân tích trong Vũ Trọng Phụng nhà văn hiện thực [142] mà là một quá trình quanh co, khi tiến lên, khi thụt lùi, tương ứng với các thời kỳ sáng tác của nhà văn.
Có thể đi sâu chỉ ra mâu thuẫn ấy trong nhiều hình tượng nhân vật, trong nhiều tác phẩm tiểu thuyết. Giông tố đã chứa đựng những mâu thuẫn không nhỏ, dù đây là tiểu thuyết thành công của Vũ Trọng Phụng. Giông tố có cái sắc sảo của cái nhìn con người trên phương diện xã hội - giai cấp, nhưng Giông tố cũng có cả cái mơ hồ trong
cách nhìn về một thứ bản năng trừu tượng, phi giai cấp ở con người. Ngòi bút Vũ Trọng Phụng thật sâu sắc khi ông lột trần bản chất trụy lạc, vô đạo ở Nghị Hách, nhưng đồng thời khi ông say sưa mô tả cái cảm giác đê mê, háu đói dục tình ở Thị Mịch, khi ông qua lời một nhân vật trong tiệm hút chú Sềnh ném ra cái triết lý: "loài người là một lũ ăn cắp và hiếp dâm" (Hà Nội báo - bị bỏ khi in thành sách) thì tội ác của Nghị Hách vô tình đã được bào chữa một cách sai lầm.
63
Có thể nói, những nhân vật dễ gây ra tranh cãi ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng chính là những nhân vật ở đó có sự gửi gắm của những mặt trái ngược trong quan niệm về con người của nhà văn. Tú Anh là một mẫu người lý tưởng về đạo đức, là một kẻ mong muốn cải cách xã hội, giảm bớt nỗi đau cho con người trong vòng hợp pháp. Nhưng điều ấy lại mâu thuẫn với một Tú Anh hư vô, khinh bạc, muốn "dí xuống gót chân" tất cả những "quan hệ thiêng liêng" nhất của con người. Hải Vân vừa muốn vùng vẫy cải tạo xã hội lại vừa tin ở bàn tay sắp đặt của Hoàng thiên. Phú vừa hăm hở nhiệt tình nhập cuộc, lại vừa dễ chán nản, không tin vào sức mạnh quần chúng...
Những phức tạp, mâu thuẫn nói trên có nguyên nhân khách quan ở sự diễn biến của đời sống chính trị, xã hội, vừa có nguyên nhân chủ quan trong nhận thức, tư tưởng nhà văn. Có thể thấy rõ ảnh hưởng tích cực của phong trào quần chúng, của sách báo tiến bộ đối với sáng tác của Vũ Trọng Phụng trong khoảng thời gian từ cuối 1935 đến hết 1936. Nhưng sự tác động bên ngoài vẫn phải thông qua chủ thể sáng tạo. Điều này giải thích vì sao trong giai đoạn sáng tác này, bên cạnh Giông tố, Số đỏ, ông còn viết
Làm đĩ với cái nhìn sai lạc về con người và xã hội. Cũng có thể thấy rõ những tác động tiêu cực của tình hình xã hội, của hoàn cảnh bản thân đến những tiểu thuyết được viết ra trong thời kỳ sáng tác cuối cùng của Vũ Trọng Phụng (từ 1937 đến tháng 10/1939). Đây là thời kỳ ông thường nghĩ đến một thứ tình người trừu tượng đầy vụ lợi, ích kỷ mang màu sắc phi giai cấp.
Địa vị xã hội, hoàn cảnh xuất thân, trình độ học vấn... cũng chi phối cách nhìn về con người của Vũ Trọng Phụng. Với chỗ đứng bấp bênh của người tiểu tư sản, với một trình độ văn hóa, chính trị "không tránh khỏi chắp vá què quặt". Vũ Trọng Phụng không tránh khỏi có những nhận thức mơ hồ về con người và xã hội. Ông viết nhiều, chịu khó suy nghĩ nhưng đồng thời cũng rất dễ bị "nhiễu" trước những tác động từ bên ngoài. Vương Trí Nhàn nhận xét: "Cách tiếp cận Freud của Vũ Trọng Phụng chỉ là một ví dụ về khả năng tiếp nhận các vấn đề khoa học - tự nhiên cũng như xã hội của nhiều người dân thành thị đương thời, kể cả những người hành nghề trí thức" [107, 71 – 72].
Một nguyên nhân nữa làm cho Vũ Trọng Phụng nhiều lúc đi xa chân lý là do môi trường sống của ông không cho phép ông được gần gũi những người lao động. Cái môi trường sống Hà thành mà lâu nhất là ở phố Hàng Bạc - nơi tập trung nhiều kẻ giàu có, giúp ông nhìn thấy rõ cái sân sau của tầng lớp trưởng giả cùng những nhếch nhác
64
của đám hạ lưu, ma cà bông, nhưng lại không cho ông nhìn thấy những con người lương thiện, sống đẹp đẽ bằng đôi bàn tay của chính họ. Đây là một thiệt thòi của Vũ Trọng Phụng so với Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng. Nếu xem thái độ đối với nhân dân lao động, đối với con người như một phép thử đối với chủ nghĩa nhân đạo của các nhà văn hiện thực phê phán thì Vũ Trọng Phụng quả đã có những chao đảo đáng tiếc.
Với Vũ Trọng Phụng, sự thiếu thấu hiểu cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự thiếu cảm thông và niềm tin đối với con người nói chung, người lao động nói riêng ở một mức độ nào đó. Chính sự thiếu niềm tin vào con người là một nguyên nhân dẫn ngòi bút Vũ Trọng Phụng đến những bế tắc trong sáng tác, đặc biệt là trong các sáng tác từ cuối năm 1937 đến tháng 10/1939. Thực ra, sự bế tắc này không chỉ có ở Vũ Trọng Phụng mà còn có ở nhiều nhà văn hiện thực phê phán khác khi họ chưa đến được với cách mạng. Sự bế tắc này, một mặt cũng góp phần tạo nên "niềm căm uất không nguôi" (chữ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh) đối với xã hội thực dân nửa phong kiến, mặt khác cũng có lúc dẫn niềm căm uất ấy đến chỗ mất phương hướng. Rõ ràng, đây là chỗ đáng tiếc của văn tài Vũ Trọng Phụng.
Nhìn chung lại, Vũ Trọng Phụng là một cây bút đã xác lập được một cách nhìn, một quan niệm về con người. Đó là một quan niệm khá phong phú và phức tạp, là một "khối mâu thuẫn" lớn. Nếu như một trong những thành tựu của văn học hiện thực phê phán là đi sâu phát hiện những phương diện khác nhau của cấu trúc nhân cách thì Vũ Trọng Phụng đã nhìn thấy những phương diện khác nhau ấy trong con người: con người xã hội và con người cá nhân, con người ý thức và con người bản năng, mặt tích cực và mặt hạn chế… Tuy vậy, sự cố gắng đi sâu nhìn nhận con người từ nhiều góc độ có lúc lại đi liền với những giản đơn, cực đoan khi nhấn mạnh thái quá vai trò của bản năng sinh lý, khi nhìn nhận một cách bi quan về bản tính con người. Rõ ràng không thể nói Vũ TRọng Phụng là một nhà văn thiếu tinh thần nhân đạo, nhưng cũng không thể không nói rằng Vũ Trọng Phụng đã tỏ ra thiếu một nền tảng nhân đạo thất vững chắc, thật sâu sắc khi đến với con người.
65
Chương 2 THẾ GIỚI NHÂN VẬT VŨ TRỌNG PHỤNG VÀ CHỖ MẠNH, CHỖ YẾU CỦA NGÒI BÚT NHÀ VĂN
Vũ Trọng Phụng đi vào lịch sử văn học trước hết với tư cách của một nhà văn hiện thực. Nhiều nhân vật của ông như Nghị Hách, Xuân Tóc Đỏ, Phó Đoan... là những điển hình hiện thực chủ nghĩa bất hủ, đã từ trang sách bước ra ngoài cuộc đời để sống mãi trong lòng độc giả.
Vì vậy, khi tiếp cận tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, nhiều nhà nghiên cứu thường sử dụng khái niệm "điển hình hóa" như một thứ chìa khóa để xem xét, đánh giá các nhân vật của ông. Tuy nhiên, nhìn trên cả quá trình sáng tác, Vũ Trọng Phụng không phải là một cây bút hiện thực nhất quán và trong thế giới nhân vật của ông, có những nhân vật không phải là sản phẩm của bút pháp điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa. Do đó, nếu chỉ sử dụng khái niệm "điển hình hóa" - theo cách hiểu chặt chẽ của nó, thì khó bao quát hết sự đa dạng, phức tạp của thế giới nhân vật Vũ Trọng Phụng.
"Điển hình hóa" hiện nay có hai cách hiểu. "Theo nghĩa rộng, là tổng hợp mọi biện pháp nghệ thuật nhằm làm cho hình tượng trở thành điển hình, là con đường đưa sáng tạo nghệ thuật đạt tới chất lượng cao" [48, 82]. Theo nghĩa rộng này, điển hình hóa cùng nghĩa với khái quát hóa và người ta có thể nói tới "các hình thức điển hình hóa cụ thể khác nhau như: điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa, điển hình hóa lãng mạn chủ nghĩa hay điển hình hóa trong cổ tích, trong tiểu thuyết, trong ký" [48, 82].
Điển hình hóa có thể hiểu theo nghĩa hẹp, đó là "hình thức khái quát hóa đặc trưng của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, hình thành trên cơ sở quan sát tính lắp đi lắp lại tương đối ổn định của các hiện tượng, tính cách và quá trình cuộc sống cùng loại trong thực tế" [48, 82]. Như vậy, theo nghĩa này thì "nói một cách nghiêm ngặt đến văn học hiện thực phê phán mới thật sự có điển hình" [89, 93].
Trong luận án, để tránh sự trùng lặp của thuật ngữ, khi dùng theo nghĩa hẹp, chúng tôi sử dụng cụm từ "điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa" để phân biệt với khái niệm được hiểu theo nghĩa rộng (đồng nghĩa với "khái quát hóa"). Điều này phù hợp với cách hiểu của nhiều nhà nghiên cứu và cũng phù hợp với việc khảo sát thế giới nhân vật Vũ Trọng Phụng. Cách hiểu này cũng sẽ xác lập được mối liên hệ giữa khái
66
quát hoá và điển hình hóa nghệ thuật, trong đó "điển hình hóa nghệ thuật là hình thức khái quát hóa cao nhất trong các hình thức khái quát" [48, 83].