5. Cấu trúc luận án:
3.2.1. Đối thoại sinh động
Như một hệ quả tất yếu, sở trường thể hiện tính cách, tâm lý qua hành động đã qui định ngôn ngữ chủ yếu của nhân vật Vũ Trọng Phụng là đối thoại. Sự thống kê sau đây cho thấy trong nhiều tiểu thuyết của ông, ngôn ngữ đối thoại luôn chiếm ưu thế so với độc thoại nội tâm: Giông tố: 68 đối thoại/16 độc thoại, Vỡ đê: 65 đối thoại/22 độc
thoại, Số đỏ: 70 đối thoại (không có độc thoại). Trong khi đó, ở Sống mòn của Nam Cao chỉ tính riêng với nhân vật Thứ đã có 52 độc thoại nội tâm/69 đối thoại. Các cuộc thoại trong Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Trúng số độc đắc diễn ra khá dày đặc và rất nhiều cuộc kéo dài. Cuộc điều đình, mặc cả giữa Nghị Hách và huyện Liên ở chương VI kéo dài 5 trang tiểu thuyết (tr. 228 - tr. 233) trong đó Nghị Hách nói 23 lần, huyện Liên 21 lần. Cuộc chuyện trò giữa Long và Tuyết ở chương XX kéo dài 7 trang tiểu thuyết trong đó Tuyết nói 25 lần, Long nói 21 lần (tr. 374 - tr. 381). Ở Số đỏ, cuộc thoại giữa mẹ con Văn Minh ở chương XII kéo dài 5 trang (tr. 388 - tr. 393) trong đó Văn Minh nói 18 câu, cụ bà nói 18 câu. Ở Vỡ đê, cuộc chuyên trò giữa Minh và Quang ở chương V kéo dài 8 trang (tr. 172 - tr. 181) với 18 lần thoại của Minh và 18 lần của Quang
115
v.v... Các cuộc thoại thường diễn ra trong thế trao qua, đổi lại liên tục, ít khi xen lẫn độc thoại hay mở đường cho độc thoại như trong Sống mòn của Nam Cao.
Trong tiểu thuyết hiện thực, lời thoại đòi hỏi phải được cá tính hóa cao độ: "Nhà viết tiểu thuyết phải phát hiện ra phong cách, ngôn ngữ riêng của từng nhân vật. Trong lời ăn tiếng nói con người có dấu ấn của kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hóa, tư tưởng và tâm lý của họ. Đằng sau mỗi câu nói điển hình có phản ánh ít nhiều một hoàn cảnh xã hội và một tiểu sử cá nhân. Ngôn ngữ của nhân vật là một thứ ngôn ngữ phản ánh tính cách" [40, 90]. Vũ Trọng Phụng đã làm được như thế đối với nhiều nhân vật của mình.
Trong Giông tố, Nghị Hách - nhà tư bản "phú gia định quốc" nói khá nhiều và nói rất ấn tượng. Trong ngôn ngữ của y pha lẫn cái tự đắc, hãnh tiến của kẻ giàu có lẫn cái chất lưu manh, vô học của một gã thầu khoán thủa hàn vi. Đây là cuộc thoại giữa Nghị Hách với Long ở chương X của tác phẩm:
- Chúng tôi tưởng cụ cứ việc đền tiền cho người ta! - Nhưng mà chúng nó thua kiện rồi.
- Đã đành vậy. Nhưng mà đó là ông Anh muốn, chứ có phải tòa xử cho cụ thua kiện mà phải lấy người ta làm vợ đâu!
- Ừ nhỉ! Thế mà tao không nghĩ đến đấy. Kìa mày tiêm to nữa vào... mấy điếu thuốc vừa rồi bé quá, không ăn thua gì cả. Thế mày bảo đền thì đền độ bao nhiêu?
- Cụ cứ cho người ta vài trăm bạc...
- Chết! Vài trăm bạc! Mày điên! Mày có biết những nàng hầu của tao ở đây, đáng giá bao nhiêu mỗi thị không? Cái đứa đẹp nhất, tao cũng chỉ mua của bố mẹ có bảy chục. Còn phần nhiều không mất xu nào. Có bảy chục bạc còn phải về hầu hạ người ta suốt đời, huống chi... chỉ có một lần mà những vài trăm bạc!
- Cụ nên biết cho là cô gái ấy sắp lấy chồng. Cụ làm cho người ta mất tiết trước khi lấy chồng thì số tiền tưởng cũng chẳng là bao...
- Mày còn ngu lắm! Mày có biết ở những nơi phồn hoa đô hội như Hà Nội, Hải Phòng, người ta bán chữ trinh của người ta bao nhiêu không? (Đến đây lão xoè bàn tay ếch ra). Năm đồng"... (tr. 278 - 279).
116
Ngược lại với kiểu nói lỗ mãng, hách dịch của nhà tư bản, bà mẹ Phú (Vỡ đê) - một người ít khi ra khỏi nhà nói năng rất khiêm nhường với cách diễn đạt nôm na của một bà mẹ nông dân: "Thôi thì nói gần nói xa chẳng qua nói thật! Tôi đã thưa với ông rằng việc ấy là tùy cháu. Giời sinh ra thế, cha mẹ chỉ gả chồng cho con có một lần thôi... Đáng lẽ ra thì cháu nó muốn ở vậy thờ chồng nuôi con kia đấy... Nhưng mà đến khi anh giáo nó mới lại khuyên nó, thì nghe chừng con bé cũng đã nghe ra. Ông cứ việc sửa soạn đi kiếm lá trầu ra đình đi thì vừa. Con tôi, việc rổ rá cạp lại, xin thế nào cũng xong. Nhưng mà tưởng giá chờ đến lúc anh Minh nó được tha nữa thì có lẽ hơn" (tr. 253 - 254).
Có thể lấy thêm rất nhiều dẫn chứng về cách nói năng đầy cá tính của các nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Vạn Tóc Mai - đứa con hoang của Nghị Hách nói bằng ngôn ngữ của dân "làng bẹp" chính hiệu: "Bây giờ ở trên đời này, moa chỉ có ma Quì này là thân yêu! Ô hay! Trô đi chứ các ngài? Tự tử bằng thuốc phiện là nhất, nhất nhất! "(tr. 245). "Nếu anh Anh mà lại nói hộ cho chúng mình cứ mỗi tháng được hưởng một số tiền nhà thì hả lắm, thì cuộc đời chúng ta cũng không ba đào nữa. Nếu thật thì từ nay trở đi chúng ta tẩy chay mẹ nó cái thứ xái "nạm thàu" này đi!" (tr.248). Trong khi đó Tuyết (Số đỏ) một cô gái mới thì nói năng lẳng lơ, kiểu cách, rất đúng mốt lãng mạn: "Ê! ê! Thôi dốt anh đi! Bây giờ thì việc gì đi nữa cũng chỉ làm lợi cho đời một người con gái đứng đắn và tử tế, là em mà thôi! Anh biết cho rằng em lãng mạn lắm" (tr. 449). "Em sung sướng quá đi mất! Em muốn chết, anh ạ! Em muốn tự tử... Nếu hai chúng mình cùng nhảy xuống những lớp sóng bạc kia mà chết thì có phải cả nước sẽ bàn tán mãi về cuộc tình duyên ghê gớm của chúng ta không?" (tr. 444).
Ở một số nhân vật như Thị Mịch, Xuân Tóc Đỏ, Long, Phúc, Vũ Trọng Phụng còn thể hiện được sự thay đổi trong cách nói năng của họ khi địa vị xã hội thay đổi. Mịch lúc còn là một cô gái quê thường ít nói, chỉ mở miệng khi thật cần thiết bằng một giọng khiêm nhường, khi trở thành một thiếu phụ giàu có thì lời lẽ chủ động, nanh nọc: "Hay là chính anh tham vàng phụ ngãi? hay tại cô Tuyết đẹp hơn con bé quê mùa này? Anh phụ tôi hay tôi phụ anh? Ai biết? Thật khó mà biết được ai phụ ai nhỉ?" (tr. 405). Xuân Tóc Đỏ khi còn là đứa hạ lưu, nhặt ban quần "nổi tiếng" với những câu nói cửa miệng "mẹ kiếp", "nước mẹ gì"..., lọt được vào nhà Văn Minh, hắn học lỏm được những câu nói xã giao, kiểu cách như "chúng tôi rất được hân hạnh". Càng leo cao
117
hơn, hắn lại có thêm những câu đầy trịch thượng đến mức Văn Minh, bà Phó Đoan cũng phải ngạc nhiên, giật mình như: "Được lắm!", "không hợp thời trang, cổ hủ!", "Tôi mà đã nổi giận thì có người chết!", "Xin cứ tự nhiên, cái đó vô hại"...
Như vậy Vũ Trọng Phụng không chỉ diễn tả được nhân vật nói cái gì mà còn thể hiện được họ đã nói năng như thế nào. Trên nguyên tắc đó, ngòi bút tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng còn hé ra những thủ pháp tạo thêm sự sinh động cho các màn đối thoại. Sau đây là một số thủ pháp nổi bật:
- Đối thoại trong đó một nhân vật thường lặp lại những từ, những mệnh đề quen thuộc:
Mượn hình thức lập lại này, Vũ Trọng Phụng làm tăng thêm cá tính nói năng của người tham gia đối thoại. Đây là màn đối đáp giữa Phúc và ông bố hám tiền ở chương V của Trúng số độc đắc:
- "Thầy đi báo ngay sở Cẩm hàng Trống - Nhịa!
- Xong rồi thì là ... thầy đi ... thầy đi báo tin luôn cho nhà báo Đông Phương nữa. - Nhịa!
(……)
- Thầy hãy chờ vài phút để tôi viết thơ, rồi thầy đem đến nhà báo cho long trọng...
- Nhịa, Vâng!
- Thế còn đến sở Cẩm, thì thầy báo tin và xin thuê cảnh binh bằng nói miệng thôi.
- Nhịa, vâng!"... (tr. 147 - 148).
Tương tự như trên là cuộc trò chuyện giữa Phó Đoan và đứa con cầu tự ở chương III của Số đỏ:
- "À cậu tắm! Cậu của me ngoan. Me đi vắng, ở nhà có đứa nào đánh cậu không? Loulou! Huýt! Huýt (...)
- Em chã!
- Thôi thế me xin lỗi cậu vậy! Me thơm cậu nhé! - Em chã!" (tr. 282).
118
- Đối thoại trong đó một nhân vật thường nhại ngôn ngữ của một nhân vật khác:
Kiểu đối thoại này Vũ Trọng Phụng thường sử dụng thành công trong tiểu thuyết
Số đỏ. Trong cuộc thoại, một nhân vật nói bằng chính giọng của mình, còn người đối thoại thì nhại giọng người khác. Nhưng đây là kiểu nhại không có ý thức nhại, tạo nên những màn đối thoại khập khiễng rất sinh động. Chẳng hạn màn đối thoại giữa vị hôn phu của Tuyết và Xuân Tóc Đỏ:
"- Hủ lậu! Chưa tiến hoá mấy! Thể thao! Cải cách xã hội!
- Bẩm... tôi xin giới thiệu tôi... Chính tôi là người chồng chưa cưới cùa cô Tuyết vừa bỏ chạy đây kia!
Xuân Tóc Đỏ cúi đầu:
- Chúng tôi rất được hân hạnh...
- Hân hạnh lắm! Tôi xin lỗi ngài làm phiền ngài. Dầu rằng ngài tài giỏi lắm, nhưng xin ngài cũng chớ nên làm những việc có hại cho kẻ khác (...)
- Ông... không hợp thời trang, cổ hủ! Ông không biết điều! Còn tôi, tôi là người dự một phần trong việc Âu hóa, có trách nhiệm quốc dân văn minh hay dã man! Chúng tôi không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời công kích của phái hủ lậu... (tr. 446 - 447).
- Đối thoại hỗn loạn trong một đám đông.
Đây là một kiểu đa thoại rất đặc biệt, trong đó nhiều người cùng nói, lời lẽ "đầu Ngô, mình Sở". Người đọc không hiểu một cách rành mạch từng lời thoại, nhưng cũng lại hiểu được rất nhiều điều qua những đối thoại mập mờ, hỗn loạn ấy. Chẳng hạn đây là những gì tác giả "ghi âm" được trong buổi dạ tiệc đập phá cuối cùng của Long:
- Hay, Hay, Bravo! - Bis! Bis! Một lần nữa!
- Phải lắm, tuyệt! Nó ở đảng ố phụ(...) - Satan conduit le bal!
- Nàng có một vẻ đẹp tiêu hồn!
- Thế mới biết lòng thành khẩn đạo... chúa công ôi! - Mọc sừng vạn tuế!
119 - Rót đầy cốc cho trẫm!
- Ái khanh ơi! nó chêt. (tr. 510 - 511)
Màn đối thoại của đám "trai thanh gái lịch" đi đưa đám cụ Cố Tổ cũng thật đầy ấn tượng: Con bé nhà ai kháu thế? - Con bé bên cạnh đẹp hơn nữa! ừ, ừ, cái thằng ấy bạc tình bỏ mẹ! - Xưa kia vợ nó bỏ nó chớ? - Hai đời chồng rồi! - Còn xuân chán! - Gớm cái ngực, đầm quá đi mất! - Làm mối cho tớ nhé? – Mỏ vàng hay mỏ chì? - Không, không hẹn hò gì cả? - Vợ béo thế, chồng gầy thế, thì mọc sừng mất!" (tr. 431).
- Đối thoại cãi lộn:
Trong Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Trúng số độc đắc có nhiều màn đối thoại trong đó nhân vật (hai hoặc nhiều người) cãi lộn nhau rất sinh động: Cãi lộn giữa Chánh hội, lý trưởng, phó lý, trương tuần trong Giông tố, giữa lang Tỳ, Lang Phế trong Số đỏ, giữa bố và mẹ Phúc trong Trúng số độc đắc v.v... Qua những đôi co trong cơn phấn khích, tâm địa thật của các nhân vật bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết.