Độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 129 - 148)

5. Cấu trúc luận án:

3.3.2.Độc thoại nội tâm

Như đã nói ở trên, Vũ Trọng Phụng là cây bút có những cách tân, thể nghiệm táo bạo nhằm đột nhập vào thế giới nội tâm con người. Mội trong những biện pháp mà ông sớm sử dụng là độc thoại nội tâm của nhân vật. Độc thoại nội tâm là tiếng nói, ý nghĩ thầm kín bên trong tâm hồn, là sự tự đối diện với chính mình của con người. Phương tiện nghệ thuật này đã được vận dụng rộng rãi trong sáng tác của các nhà văn lãng mạn và sau này trở thành phương tiện quan trọng không thiếu được của văn học hiện thực.

Không phải loại nhân vật nào cũng được Vũ Trọng Phụng sử dụng biện pháp nghệ thuật này. Các nhân vật phản diện của ông như Nghị Hách, Phó Đoan, Xuân Tóc Đỏ, huyện T... rất ít khi độc thoại nội tâm. Nghị Hách trong Giông tố không hề độc thoại nội tâm, kể cả lúc lão "đau đớn vì tinh thần". Ông huyện trong Vỡ đê chỉ có hai lần độc thoại nội tâm. Đám nhân vật "vô nghĩa lý" trong Số đỏ không hề biết độc thoại nội tâm (một số đoạn văn ngắn trực tiếp phân tích tâm lý nhân vật bằng ngôn ngữ của tác giả chưa thể hiện rõ màu sắc của độc thoại nội tâm). Độc thoại nội tâm được sử dụng phổ biến ở các nhân vật tha hóa như Long, Mịch, Phúc (với 16 lần nhân vật độc thoại nội tâm trong Giông tố, Long chiếm 10 lần, Mịch 5 lần, ông đồ Uẩn 1 lần). Ngoài ra, một số nhân vật khác như Phú, Kim Dung (Vỡ đê), Liêm (Lấy nhau vì tình)... tác giả cũng sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm.

Qua độc thoại nội tâm, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện được những suy tư riêng, cách cảm nghĩ riêng của nhân vật. Long thường nghĩ về cái tốt và cái xấu, lòng hận thù, nguyên nhân làm con người biến đổi. Mịch hay suy tư về thân phận, về nỗi khổ của mình, về người thân. Phúc hướng chú ý đến "thói đời" đen bạc, con người chỉ hám tiền và rất giả dối. Liêm thường chỉ ám ảnh về dục tình, về sự "hư hỏng" của đàn bà... Nếu ở Giông tố, Vỡ đê, các độc thoại nội tâm còn gắn với những vấn đề xã hội, đời thường thì Làm dĩ, Lấy nhau vì tình, Trúng số độc đắc, các độc thoại thường hướng đến những vấn đề tâm lý người đời một cách trừu tượng.

130

Độc thoại nội tâm trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng có khi hướng ngoại, có khi

hướng nội. Qua những độc thoại nội tâm của Long, ta hiểu rõ những suy nghĩ của anh về ông Đồ, về Thị Mịch, về Tú Anh, về Tuyết, về uy thế của Nghị Hách. Những độc thoại nội tâm của Phú cho thấy những suy tư hướng về đời sống khốn khổ của người nông dân, sự mù tối về tinh thần của con người, sự vô lương tâm của bọn thống trị... Mặt khác, những độc thoại nội tâm nhiều lúc còn hướng vào bên trong, các nhân vật tự đánh giá, tự phê phán mình, tự mổ xẻ con người mình. Đoạn độc thoại sau đây của Long là một ví dụ: "Long vùng đứng dậy ra đứng trước gương nhìn cái bộ mặt phụ bạc của mình rồi tự nhủ: "Không! Ông Tú Anh là người đáng yêu, đáng nhớ ơn. Ta không thể ỡm ờ như trước được. Nếu ta muốn báo thù thì ta cũng phải nói thẳng ra là ta sẽ báo thù thì mới xứng đáng là một kẻ nam nhi. Ta phải nói rõ là chính ta là chồng chưa cưới của người con gái bị hiếp dâm và đừng ai mong ở một vụ cưỡng bức một cuộc nhân duyên ép uổng! Thái độ của ta không được mập mờ. Hoặc ta sẽ bỏ ơn, nhớ thù, hoặc bỏ thù, nhớ ơn. Ta cần phải nói rõ. Ta sẽ nói!" (tr. 304 - 305).

Điểm mới mẻ là qua các độc thoại nội tâm, Vũ Trọng Phụng đã tiến đến một kiểu

trần thuật đa thanh mang tính đối thoại rất hiện đại trong tiểu thuyết. Nhà thi pháp học

nổi tiếng Bakhtin đã từng nói đến hai hình thức cơ bản của đối thoại: tiểu thuyết đa thanh và lời văn hai giọng. Ông cũng đã nêu ra hàng loạt kiểu lời văn hai giọng như lời phong cách hóa, lời nhại, lời tranh luận ngầm, lời kể khẩu ngữ...[8, 195]. Theo chúng tôi, trong Giông tố, Số đỏ, Trúng số độc đắc cũng tồn tại một số kiểu lời văn hai giọng như lời nhại, lời tranh luận ngầm (Đỗ Đức Hiểu đã từng phân tích rất hấp dẫn về các kiểu lời nhại trong Số đỏ) [55]. Các độc thoại nội tâm của nhân vật Vũ Trọng Phụng cũng là một hình thức thể hiện được lời văn hai giọng. Lời trần thuật của tác giả, lời độc thoại của nhân vật có khi hòa nhập vào nhau, xuyên thấm lẫn nhau tạo thành lời

nửa trực tiếp. Đây là đoạn độc thoại nội tâm của Long sau khi nhìn thấy cảnh ông đồ Uẩn "ngồi vắt vẻo trên chiếc xe nhà mà Tú Anh đã tậu cho Mịch" với vẻ mặt "dương dương tự đắc": "Càng nghĩ đến những lời nhận xét của Tú Anh, Long càng thấy đúng, mà đã càng thấy đúng, Long càng ngán ngẩm cho sự đời. Chao ôi! Ông đồ Uẩn! một người xưa kia như thế mà bây giờ như thế! hay là tại ông Đồ chưa phải hẳn người đã thấm nhuần đạo nho? Hay tại đạo nho chỉ kết quả nên hạng người như thế? Hay bởi lẽ mặc lòng được tiếng nhà nho, ông đồ Uẩn cũng vẫn vô học như thường? Phải đâu, ừ

131

phải đâu mới là một thầy đồ có một dúm chữ ê a dạy lũ trẻ ranh mà đã là có học! Vả chăng cái số thầy đồ vô học mà tự phụ vẫn nhan nhản trong xã hội. Nếu đúng thế, Long đã nhầm, đã nhầm một cách khốn khổ"... (tr. 418).

Trong đoạn văn trên, về hình thức là lời miêu tả tâm lý của người trần thuật, nhưng ngữ điệu, cảm xúc thì đã chuyển sang giọng của nhân vật. Ban đầu giọng người trần thuật là chủ yếu: "Càng nghĩ đến những lời nhận xét của Tú Anh, Long càng thấy đúng"... Nhưng sau đó, người trần thuật tự giấu mình đi để cho Long tự nói bằng giọng của mình: "Chao ôi! ông đồ Uẩn! một người xưa kia như thế mà bây giờ như thế! hay là tại ông Đồ chưa phải hẳn người đã thấm nhuần đạo nho?... Long đang tự hỏi, rồi tự giải đáp về cái u uẩn của lòng người. Rồi dần dần, giọng người trần thuật lại hé ra: "Nếu đúng thế, Long đã nhầm, đã nhầm một cách khốn khổ"... Đây là một thứ ngôn ngữ song thanh cùng phương hướng nên khó lòng phân chia tách bạch đâu là giọng tác giả, đâu là giọng nhân vật. Nhờ thế mà người đọc như nghe thấy âm vang sinh động giọng nói của từng nhân vật trong tác phẩm.

Cũng có lúc, Vũ Trọng Phụng dùng một hình thức song thanh khác: song thanh khác phương hướng. Trong khi tiến sát đến ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người trần thuật thường mang sắc thái trêu chọc, mỉa mai, giễu nhại. (Kiểu trần thuật này Nam Cao sử dụng rất phổ biến trong Sống mòn). Đoạn độc thoại nội tâm của Phúc sau khi trúng số độc đắc là một dẫn chứng tiêu biểu cho hình thức song thanh ngược chiều trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng: "Anh thở dài, thất vọng một cách rất thành thực... Thế này là nghĩa lý gì? Mười vạn thì tậu được hai chục nóc nhà là cùng chứ đếch gì? Mà khi người ta có hai chục nóc nhà thì đã đáng gọi gì là giàu? Bất quá cái nhà tậu năm nghìn thì cho thuê mỗi tháng chỉ ba chục bạc chứ bao nhiêu! Chết chửa, thì ra thiên hạ nó ngu nó nhân bần khí đoản thật đấy! Cả cơ nghiệp có mười vạn, mỗi năm niên bổng là bảy nghìn hai thế thôi, thiên hạ nó đã cho là giàu to rồi. Đấy mà xem! rồi chúng nó sẽ kêu la ầm lên, nếu mình không đem cái của hoạnh phát ấy mà vứt bớt đi, thì hồ thí cháo cho chúng! Thì chúng sẽ dài mồm ra mà chửi mình là ích kỷ, là đểu, là chó! Chỉ chúng nó đi vay, đi xin, mới là người" (tr. 133).

Đoạn văn trên, về hình thức, người trần thuật có vẻ đồng tình với suy nghĩ của nhân vật. Nhưng thực ra bên trong có chứa giọng bỡn cợt, giễu nhại một kẻ thay lòng đổi dạ nhanh đến quá quắt, ngày hôm qua có được đồng bạc trong tay đã lấy làm sung

132

sướng, mãn nguyện, nay trúng số giàu sang có một lúc mười vạn vẫn tham lam cho là còn ít, là "nghĩa lý gì". Giọng bởn cợt của người trần thuật cứ tăng dần từng nấc, ban đầu là chĩa vào tính toán tham lam của Phúc, sau đó chĩa cả vào cái nhìn khinh bạc, ngạo mạn của anh ta đối với cuộc đời. Ngôn ngữ song thanh đan hòa vào nhau đến một lúc, ngôn ngữ nhân vật bật ra dưới dạng thức một ngôn thoại trực tiếp: "Chết chửa, thì ra thiên hạ nó ngu"... "Đấy mà xem, rồi chúng nó sẽ kêu la ầm lên". Với hình thức song thanh này, Vũ Trọng Phụng vừa thể hiện được sự vận động của tâm trạng nhân vật, vừa bộc lộ được một cách khéo léo định hướng tư tưởng của tác giả.

Có thể lấy rất nhiều ví dụ về kiểu kể chuyện mới mẻ, hiện đại này của Vũ Trọng Phụng trong Giông tố, Vỡ đê, Trúng số độc đắc, Lấy nhau vì tình. Bakhtin, trong các công trình của mình đã nhiều lần nói đến đặc điểm này. Ông cho rằng "vấn đề trung tâm của lý thuyết văn xuôi nghệ thuật là vấn đề ngôn từ song điệu được đối thoại hóa từ bên trong với tất cả các kiểu và các dạng thức phong phú của nó" [7, 139]. Khi nói về tiểu thuyết Turghênev, Bakhlin đánh giá rất cao hình thức lời nửa trực tiếp có sự đan xen giữa lời tác giả và lời nhân vật. Theo ông đó là cách thức "cho phép kết hợp hữu cơ và cân đối tiếng nói nội tâm của người khác với văn cảnh của tác giả", "cho phép giữ được cái kết cấu biểu cảm của tiếng nói nội tâm nhân vật" [7, 129 – 130]. Vũ Trọng Phụng, bằng trực giác nghệ thuật đầy tài năng và sáng tạo, đã đi đúng con đường cần phải đi của tiểu thuyết hiện đại.

So với các nhà văn cùng thời, càng thấy những đóng góp to lớn của Vũ Trọng Phụng. Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan (ra đời năm 1938) - nghĩa là sau

Giông tố, Vỡ đê hai năm vẫn chưa thấy rõ ngôn ngữ kể chuyện đa thanh này. Cách phổ biến của Nguyễn Công Hoan là dùng ngôn ngữ người trần thuật kể lại tâm trạng của nhân vật một cách trực tiếp với những câu mở đầu như: "Pha nghĩ rằng...", "Pha bồn chồn cả người vì thấy...", "Anh nhận thấy..." "chị chẳng hiểu duyên cớ vì đâu...". Cả cuốn Tắt đèn của Ngô Tất Tố (Đăng báo 1937, in thành sách 1939) cũng chi có hai lần nhân vật độc thoại nội tâm (của chị Dậu) và ngôn ngữ độc thoại cũng đơn giản, mang màu sắc ngôn ngữ miêu tả tâm lý của tác giả là chủ yếu: "Về thì đâm đầu vào đâu? để chồng bị trói đến bao giờ nữa?... Thôi, trời đã bắt tội, cũng đành nhắm mắt liều"; "Những cuộc vui ấy, chị vẫn còn nhớ rành rành. Qua tuổi trẻ con đến khi mười bốn, mười lăm, chị vẫn được sẵn cơm ăn, sẵn việc làm, chưa hề phải lam lũ. Không biết tội

133

nợ vì đâu, và từ khi lấy chồng đến giờ, tình cảnh nhà chị cứ mỗi ngày mỗi khổ thêm"... Rõ ràng, độc thoại nội tâm của Long, Mịch, Phúc... phức tạp, xoáy sâu vào nội tâm hơn, với ngôn ngữ cũng hiện đại hơn.

Nhìn chung lại, Vũ Trọng Phụng là cây bút đã vận dụng một cách sáng tạo, tài tình các biện pháp thể hiện nhân vật mang tính phổ biến trong tiểu thuyết hiện thực phê phán như miêu tả chân dung, miêu tả hành động, đối thoại và độc thoại nội tâm... Với tài năng của mình, Vũ Trọng Phụng đã thổi mội sức sống mới cho các biện pháp quen thuộc của văn học hiện thực, in vào đó dấu ấn phong cách độc đáo của riêng ông. Trong đó, nổi bật nhất là thủ pháp ký họa chân dung theo kiểu "hí họa", ký họa chân dung đám đông, đối thoại giàu kịch tính và những cố gắng đột phá vào thế giới nội tâm. Đặt trong tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng vừa là người kế thừa xuất sắc những mặt mạnh của cách biểu hiện truyền thống, vừa là cây bút có những sáng tạo mới mẻ, táo bạo, trong đó có thủ pháp độc thoại nội tâm sinh động và ngôn ngữ trần thuật đa thanh hiện đại.

134

KẾT LUẬN

Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng độc đáo của văn học 1930 - 1945, là "nhà tiểu thuyết trác việt của văn học Việt Nam" (lời Nguyễn Đình Thi). Ông đã có những thành công xuất sắc trong xây dựng nhân vật tiểu thuyết.

1. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng hết sức đông đúc, đa dạng, có những điển hình bất hủ đã bước ra ngoài trang sách và có cả những thể nghiệm chưa thật thành công. Qua hệ thống nhân vật này, có thể nhận thấy quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Đó là một quan niệm hết sức phong phú, phức tạp, một "khối mâu thuẫn" lớn, có sự biến đổi trong quá trình sáng tác. Một mặt, nhà văn cố gắng đi sâu phát hiện, nhìn nhận con người từ nhiều góc độ: xã hội và cá nhân, ý thức và bản năng, bản chất và ý nghĩa tồn lại, có những khám phá mới mẻ về tính phức tạp và chiều sâu nhân cách; mặt khác lại có lúc giản đơn, cực đoan và bi quan về con người.

Là một nhà văn hiện thực. Vũ Trọng Phụng trước hết chú ý đặc biệt đến con người trên bình diện xã hội - giai cấp. Trong mấy tiểu thuyết viết năm 1936 như Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, ông đã tiến đến cái nhìn con người trên "tinh thần giai cấp" một cách sắc sảo, góp một tiếng nói tích cực vào phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đương thời. Vũ Trọng Phụng cũng luôn bị ám ảnh bởi hiện tượng con người "tha hóa"

như một qui luật phổ biến trong xã hội cũ. Các tiểu thuyết của ông phơi bày đủ mọi kiểu "tha hóa" với một ngòi bút tố cáo sắc bén, nhưng ông lại chưa chính xác và đầy đủ khi tìm cách cắt nghĩa và chạy chữa cho căn bệnh xã hội trầm trọng ấy. Sự đi sâu vào con người bản năng, sinh lý vừa tạo thêm một góc nhìn mới về con người, đồng thời cũng bộc lộ những chủ quan, phiến diện khi Vũ Trọng Phụng quá đề cao, nhấn mạnh vai trò của nó trong cấu trúc tâm lý nhiều nhân vật. Cái nhìn con người " nghĩa lý" trên phương diện "bản thể" cũng nhiều lúc gắn liền với định kiến bi quan về

bản chất con người. Sự phức tạp trong quan niệm về con người sẽ ảnh hưởng, chi phối đến hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.

2. Cùng với cái nhìn đầy mâu thuẫn về con người là một thế giới nhân vật đông đúc, phức tạp và đa dạng về loại hình. Vũ Trọng Phụng đã tạo ra được một thứ "nhân

135

loại" độc đáo của riêng mình. Và để sáng tạo ra cái "nhân loại" ấy, ngòi bút Vũ Trọng Phụng vừa có được những mặt mạnh không ai sánh kịp, vừa thể hiện những điểm yếu, những hạn chế không nhỏ. Xét về thể loại, có thể nói đến nhiều thể loại tiểu thuyết trong sáng tác của ông: "tả chân", phóng sự, trào phúng, luận đề, tâm lý... Xét về phương pháp sáng tác, về bút pháp xây dựng nhân vật, ở ông có đủ chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên. Vũ Trọng Phụng đặc biệt sắc sảo, thể hiện được bút lực mãnh liệt khi xây dựng các điển hình phản diện - những quái thai của xã hội cũ. Nghệ thuật điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa của ông cũng đầy biến hóa theo nhiều hướng khác nhau: có lúc bằng bút pháp "tả thực", có pha những nét phóng sự; có lúc lại đi theo xu hướng hiện thực trào phúng hết sức độc đáo. Trong một số tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng còn vận dụng cả bút pháp lãng mạn hóa, lý tưởng hóa

Một phần của tài liệu nhân vật trong tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 129 - 148)