Những đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế tư nhân ở tỉnh thanh hóa (Trang 37 - 42)

1.3.1.1. Huy động ngày càng nhiều nguồn vốn trong xã hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào ngân sách Nhà nước

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay đó là vốn. Nhưng nguồn vốn từ Nhà nước rất hạn hẹp, phải huy động nguồn vốn trong xã hội - cách tốt nhất để huy động nguồn vốn này là phát triển kinh tế tư nhân.

Kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế bao gồm các đơn vị sản xuất , kinh doanh được hình thành và phát triển dựa vào nguồn vốn của các cá nhân, các gia đình. Các nhà kinh doanh tự bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình. Sự phát triển của khu vực này có vai trò rất lớn trong việc thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn của các cơ sở tư nhân phần lớn được hình thành bằng lao động sáng tạo của cá nhân và gia đình họ, được tích luỹ từ thế hệ này sang thế hệ khác, tất nhiên không loại trừ các biện pháp tích luỹ cực đoan, không chính đáng. Song nếu Nhà nước cấm đoán hoặc không cho phép các cơ sở kinh tế tư nhân hoạt động thì đồng nghĩa với việc nguồn vốn đó không được khai thác, sử dụng trong sản xuất kinh doanh - trở thành nguồn vốn chết. Như vậy, vô hình chung Nhà nước đã xoá bỏ khu vực kinh tế sôi động nhất, nhanh nhạy nhất và rất hiệu quả của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nền kinh tế nước nhà. Nhưng nếu Nhà nước có những chính sách phù hợp, kích thích khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì sẽ có tác dụng ngược lại: Khai thác, sử dụng, huy động được nhiều nguồn vốn từ xã hội đưa vào sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố đưa nền kinh tế nước ta hoạt động sôi động hơn, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế, nhanh chóng thực hiện

được nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ: Phát triển kinh tế hàng hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, kết thúc thời kỳ quá độ.

Từ khi Nhà nước ra những văn bản pháp lý đối với khu vực kinh tế tư nhân mà gần đây nhất là các Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho khu vực KTTN hoạt động. Thực tế cho thấy khu vực kinh tế này phát triển khá mạnh. Đi cùng với số lượng cơ sở kinh tế tư nhân ngày càng tăng nhanh là lượng vốn của tư nhân cũng được đưa ra hoạt động nhiều hơn. Nếu 1991 cả nước có 132 doanh nghiệp của tư nhân đăng ký kinh doanh thì đến tháng 10/2001 cả nước có 66.780 doanh nghiệp của tư nhân đăng ký kinh doanh. Năm 2000 cả nước có 9.793.878 hộ kinh doanh cá thể. Với số lượng cơ sở kinh tế tư nhân lớn như vậy là một minh chứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn, cạnh tranh gay gắt hơn, số lượng hàng hoá sản xuất ra nhiều hơn, phong phú hơn... đánh dấu bước phát triển của nền kinh tế nước nhà. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự phát triển này từ nguồn vốn của xã hội chứ không phải từ Nhà nước. Vốn đầu tư của KTTN chiếm tỷ trọng đáng kể trong Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, vốn sử dụng, vốn đăng ký kinh doanh đều tăng. Năm 2000 vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, của tư nhân tăng rất nhanh đạt 13.831 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 1996. KTTN gồm (cả cá nhân và doanh nghiệp) đã đầu tư mua 20,3% cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá. Trong các ngành phi nông nghiệp, vốn đầu tư phát triển năm 2000 của khu vực KTTN là: 17.981,6 tỷ đồng, tăng 16,53%, so với năm 1999. Còn trong ngành nông nghiệp vốn đầu tư phát triển của hộ đạt 17.633 tỷ đồng tăng 11% so với năm 1999... [2, tr.50].

Như vậy, khu vực KTTN có tiềm năng vốn rất lớn, đồng thời cũng chỉ cho chúng ta thấy, để phát triển nền kinh tế nước nhà nếu chỉ trông chờ vào nguồn đầu tư của Nhà nước thì sẽ không thể đáp ứng được các nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế đặt ra.

Kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế phát triển cho thấy: Nguồn thu ngân sách chủ yếu của mỗi quốc gia từ các khoản thuế thu được từ khu vực kinh tế tư nhân. Ở nước ta, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực KTTN

ngày càng tăng. Năm 2000 khu vực KTTN nộp được 5.900 tỷ đồng, chiếm 7,3% tổng thu ngân sách, tăng 12,5% so với năm 1999; năm 2001 nộp được 6.370 tỷ đồng, tăng 7,96% so với năm 2000 [5, tr.64-65].

1.3.1.2. Khu vực kinh tế tư nhân tạo thêm nhiều việc làm và góp phần cải thiện đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo

Một vấn đề mà Nhà nước Việt Nam đang rất quan tâm đó là tạo việc làm cho lực lượng lao động còn dư thừa trong xã hội. Lực lượng lao động này có mặt ở tất cả các địa bàn: từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, ở nhiều trình độ khác nhau: Qua đào tạo, không qua đào tạo, là lực lượng lao động hết sức đa dạng: Học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, số lao động dôi dư từ các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước do tinh giảm biên chế, giải thể, những người đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn khả năng lao động và có nhu cầu lao động, lực lượng lao động nông nhàn... lực lượng lao động này nếu chỉ trông chờ vào Ngân sách Nhà nước thông qua các doanh nghiệp Nhà nước sẽ không bao giờ tạo đủ việc làm, thu hút hết lao động dư thừa. Bởi vì, doanh nghiệp Nhà nước thường chỉ tập trung ở một số ngành then chốt, chỉ đòi hỏi một số ngành nghề nhất định được đào tạo chính quy. Vậy, thông qua khu vực KTTN với mọi loại hình, mọi quy mô, mọi ngành nghề, áp dụng nhiều phương thức tổ chức, sử dụng một cách linh hoạt mọi đối tượng lao động của xã hội mới có thể tạo thêm được nhiều việc làm, tận dụng được lực lượng lao động dư thừa này. Thực tế trong bốn năm từ 1997 đến năm 2000 chỉ tính riêng các ngành phi nông nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân và thu hút thêm 977.019 lao động, gấp 6,6 lần so với khu vực Nhà nước. Cũng năm 2000, lao động ở khu vực KTTN trong nông nghiệp có 16.373.482 người, chiếm 63,9% tổng số lao động nông nghiệp toàn quốc [2, tr.49]. So sánh với các khu vực khác thì lao động khu vực KTTN vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn (xem bảng 3).

Bảng 3:Số ngƣời từ đủ 15 tuổi trở lên có việc làm thƣờng xuyên trong 12 tháng chia theo thành phần kinh tế

Tổng số lao động (triệu người) 33,98 34,35 34,80 35,68 36,21

Tổng 100% 100% 100% 100% 100%

Nhà nước % 8,75 9,01 10,15 10,11 10,06

Có vốn đầu tư nước ngoài % 0,38 0,53 0,53 0,61 Ngoài Nhà nước % 91,25 90,61 89,32 89,36 89,33

Nguồn: Số liệu thống kê lao động - việc làm ở Việt Nam 1996 - 2000. NXB Thống kê năm 1998, tr. 606.

Qua khảo sát còn cho chúng ta thấy: Thứ nhất: Số lượng lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân (nhất là ở hộ kinh doanh cá thể) thực tế nhiều hơn so với số thống kê 20% - 30% vì nhiều hộ gia đình chủ yếu sử dụng lao động trong dòng họ, lao động mang tính thời vụ và lao động nông nhàn không thể hiện bằng báo cáo thống kê. Thứ hai là: Thu nhập của người lao động trong khu vực KTTN thường có mức thu nhập tương đương hoặc cao hơn thu nhập của lao động trồng lúa ở nông thôn cùng địa bàn. Thứ ba là: Ở nông thôn, lao động được thu hút vào chủ yếu ở hình thức kinh tế hộ, ở thành thị lao động được thu hút vào chủ yếu ở các cơ sở cá thể, tiểu chủ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, thủ công nghiệp.

Như vậy, hoạt động kinh tế của khu vực KTTN không chỉ đáp ứng yêu cầu quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất mà còn có vai trò rất quan trọng tạo thêm nhiều việc làm góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân, xoá đói giảm nghèo. Năm 2000 lao động khu vực KTTN là 21.017.326 người, chiếm 56,3% lao động có việc làm thường xuyên trong cả nước.

1.3.1.3. Kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng kim ngạch xuất khẩu

Sự phát triển kinh tế tư nhân đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bằng sự nhạy bén, năng động của khu vực KTTN đã mở ra nhiều ngành nghề và lưu thông hàng hoá. Sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở từng địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả

nước. Một biểu hiện rõ nét với sự phát triển của kinh tế tư nhân đã thu hút nhiều lao động từ nông thôn (chủ yếu là làm nông) vào các ngành phi nông nghiệp nhất là công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế nước ta từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang sản xuất công nghiệp, thực hiện mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã chọn là đưa nước ta trở thành nước công nghiệp.

Trình độ sản xuất kinh doanh của khu vực KTTN ngày càng tiến bộ hơn đã góp phần chặn đứng, đẩy lùi được sự xâm nhập của hàng ngoại nhập. Ngoài ra, số lượng hàng tham gia xuất khẩu của KTTN ngày càng tăng. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu uỷ thác qua doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực KTTN còn trực tiếp tham gia nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của KTTN khu vực phi nông nghiệp đến nay đã tăng khá nhanh, năm 2001 đạt 2,851 tỷ USD. Đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động tốt, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm. Tính đến năm 2000 số doanh nghiệp của tư nhân đã tham gia xuất khẩu trực tiếp tăng lên 16.200 doanh nghiệp. Nhiều DNTN đã xuất khẩu được những sản phẩm từ hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến như cá khô đi Nhật Bản... đến cả rơm sạch là những mặt hàng mà các doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước chưa quan tâm đến. Vì thế khu vực ngoài quốc doanh trong nước từ chỗ chỉ chiếm 11% giá trị xuất khẩu năm 1997 đến nhưng năm 2002 đã tăng lên 32% [tr. 34].

1.3.1.4. Đóng góp quan trọng vào gia tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Trong những năm qua, khu vực KTTN chiếm tỷ trọng khá lớn và ổn định trong GDP. So với doanh nghiệp Nhà nước thì khu vực KTTN đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước cao hơn. Năm 2000 GDP của tư nhân đạt 187.715 tỷ đồng theo giá hiện hành, chiếm 42,3% GDP toàn quốc, trong khi đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm 39% GDP toàn quốc, còn khu vực khác là: 18,7% GDP toàn quốc.

Biểu đồ 1: Cơ cấu GDP của các khu vực kinh tế năm 2000 (%)

Nguồn: Trần Ngọc Bút: Phát triển kinh tế tư nhân định hướng xã hội chủ nghĩa. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002.

Trong khu vực KTTN thì hộ kinh doanh cá thể chiếm ưu thế hơn so với doanh nghiệp trong việc gia tăng GDP. Năm 2000 GDP của khu vực KTTN đạt 187.715 tỷ đồng, trong đó hộ kinh doanh cá thể đóng góp được 154.562 tỷ đồng, chiếm 82,34% các doanh nghiệp đóng góp được 33,153 tỷ đồng chiếm 17,66%.

Từ những đóng góp trên có thể nói phát triển KTTN trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là một đòi hỏi bức thiết, nhằm phát huy cao độ nguồn lực của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong thời kỳ quá độ, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng và vị thế của nó trong nền kinh tế.

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế tư nhân ở tỉnh thanh hóa (Trang 37 - 42)