Công ty SPVBCT là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ uống không cồn, một thị trường có mức độ cạnh tranh gay gắt.. Theo Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA), sản phẩm nước giải khát của Việt Nam đang có xu hướng phát triển nhanh trong thời gian gần đây. Theo một báo cáo gần đây của Cục quản lý cạnh tranh, trên thị trường nước giải khát Việt Nam hiện có khoảng 300 loại nước giải khát với nhiều tính năng, tác dụng khác nhau như giải nhiệt, đẹp da, giảm béo, chữa bệnh, tăng cường sức khỏe… Tổng sản lượng các loại nước giải khát nói trên đã đạt 3,907 tỷ lít năm 2011 và năm 2012 đạt 4,055 tỷ lít . Nếu so với mặt hàng bia, mức bình quân đầu người mới đạt gần 30 lít/năm 2012 thì bình quân đầu người về nước giải khát đã cao gấp rưỡi, khoảng 45,6 lít/người/năm 2012.
Theo Tổng cục thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp ngành sản xuất đồ uống của nước ta liên tục tăng trong những năm qua. Năm 2013, giá trị này đạt 105.493,9 tỷ đồng. Trong quy hoạch phát triển ngành sản xuất Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025, chỉ tiêu sản lượng NGK đến 2015 là 4 tỷ lít, phân bố các vùng là 1,188 tỷ lít tại miền Bắc, 0,603 tỷ lít tại miền Trung và 2,209 tỷ lít tại miền Nam, sản lượng đến năm 2025 là 11 tỷ lít, phân bố lần lượt tại các vùng trên là 3,436 – 2,511 – 5,053 tỷ lít.
Bảng 4.1 Sản lượng và tỷ trọng sản xuất NGK theo quy hoạch đến năm 2015 và 2025
Vùng Sản lượng (tỷ lít) Tỷ trọng (%)
2015 2025 2015 2025
Miền bắc 1,188 3,436 29,7 31,2
Miền Trung 0,603 2,511 15,1 22,8
Miền Nam 2,209 5,053 55,2 46,0
Tổng 4 11 100 100
Nguồn: Quy hoạch phát triển ngành sản xuất Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025
Có thể thấy khu vực miền Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trong ngành sản xuất NGK của Việt Nam và sẽ là thị trường hấp dẫn thu hút nhiều nhà sản xuất thuộc lĩnh vực này.
Còn theo Báo cáo ngành nước giải khát không cồn Việt Nam của công ty VietinbankSc năm 2014, trong khi khủng hoảng kéo theo sự đi xuống của hầu hết các ngành kinh tế thì ngành nước giải khát không cồn Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ngược dòng với tốc độ trung bình 19,35%/năm trong giai đoạn 2009 – 2013. BMI đã dự báo lượng tiêu thụ nước giải khát không cồn sẽ
29
tăng lên 2,7 tỷ lít vào năm 2017, tương ứng tốc độ tăng trưởng trung bình là 7%. Đồng thời doanh thu bán nước giải khát tăng với tốc độ trung bình là 14,2%, đạt 132,6 nghìn tỷ vào năm 2017. Ngành sản xuất nước giải khát không cồn Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất. Ba công ty hiện đang nắm giữ thị phần lớn của thị trường này là PepsiCo và Coca Cola với thị phần lớn ở mảng nước giải khát có gas và Tân Hiệp Phát đang rất thành công với mảng nước giải khát không gas. Sự gia nhập của nhiều công ty sản xuất cũng như sự gia tăng về số lượng nhãn hiệu và sản phẩm đã khiến cho thị trường này trở nên rất sôi động.
Hiện nay thị trường nước giải khát không cồn Việt Nam đang có những thay đổi do xu hướng tiêu dùng thay đổi. Điều này tác động lớn đến thị phần các sản phẩm thuộc lĩnh vực sản xuất này.
Về thị trường nước giải khát có gas, do bị nhóm trà xanh và các sản phẩm mới nổi thay thế, tỷ trọng nước ngọt có gas trong ngành nước giải khát không cồn đang bị thu hẹp dần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu tính theo lít của nhóm hàng này giảm từ 8,75% năm 2010 xuống còn 8,16% năm 2013 và tiếp tục được dự báo giảm xuống còn 7% năm 2017 theo BMI. Việc mất dần tỷ trọng của nhóm nước giải khát có gas được giải thích là do nhận thức của khách hàng về dinh dưỡng và sức khỏe tiêu dùng đang ngày càng gia tăng, kéo theo sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Nếu như trước đây các sản phẩm nước giải khát có gas được người Việt Nam rất ưa chuộng thì thời gian gần đây các sản phẩm nước giải khát không gas, đặc biệt là các loại sản phẩm được biết đến với công dụng có lợi cho sức khỏe được nhiều khách hàng lựa chọn hơn. Riêng về thị phần của ngành hàng nước giải khát có gas, hai công ty chiếm thị phần lớn nhất vẫn là PepsiCo Việt Nam và Coca Cola Việt Nam.
Về thị trường nước giải khát không gas, từ những năm 2009 trở đi, nước uống có gas mất dần thị phần và thay vào đó là các sản phẩm trà xanh đóng chai, nước ép trái cây, nước bổ dưỡng. Giai đoạn 2009 – 2013 các mặt hàng này tăng trưởng trung bình lần lượt là 35%, 21% và 8% một năm. Theo Euromonitor trung bình vào năm 2013 một lon Pepsi hay Coca có giá khoảng 5.000 VND trong khi một sản phẩm trà xanh đóng chai hoặc nước hoa quả có giá khoảng 7.000 VND. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn cho các sản phẩm không gas này. Theo thống kê của Bộ công thương năm 2013, trung bình cứ 10 người đi vào siêu thị thì có đến 6 người lựa chọn các sản phẩm nước hoa quả thay vì nước ngọt có gas. Các loại nước giải khát có nguồn gốc từ hoa quả tươi và các loại nước giải khát bổ dưỡng là những sản phẩm được khuyến khích và ưu tiên phát triển theo Quy hoạch phát triển ngành sản xuất Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025. Sản phẩm trà xanh đóng chai hiện đang là thế mạnh của công ty Tân Hiệp Phát với 35,7% thị phần và URC với 22% thị phần trong khi PepsiCo đang dẫn đầu về mảng sản xuất các sản phẩm nước tăng lực với 40% thị phần thuộc về Sting, 30% thị phần là của Number 1 của Tân Hiệp Phát vào năm 2013.
30
Những thay đổi trong xu hướng của người tiêu dùng đòi hỏi các nhà sản xuất phải có những điều chỉnh, đặc biệt là về chiến lược sản phẩm để đáp ứng với nhu cầu của khách hàng và duy trì được lợi thế cạnh tranh của công ty. Đón đầu xu hướng luôn là giải pháp thông minh cho các doanh nghiệp để thích nghi với sự biến động nhanh chóng của thị trường và nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nước giải khát không cồn đang trên đà phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh khốc liệt như ngày nay.
Hệ thống phân phối của sản phẩm nước giải khát không cồn có đặc điểm là mạng lưới phân phối phải đạt được độ phủ rộng lớn. Hầu hết các công ty nước giải khát tại thị trường Việt Nam đều cố gắng đưa sản phẩm của mình đến từng điểm bán lẻ trên thị trường nhằm tăng doanh số tiêu thụ. Công ty Bidrico cho biết hiện nay sản phẩm của công ty đã có mặt rộng khắp trên toàn quốc với hệ thống gồm hơn 130 nhà phân phối trải dài từ Bắc xuống Nam, 5000 đại lý nước tinh khiết. Hệ thống kênh lẻ chiếm 50%, hệ thống chợ chiếm 70% và hệ thống siêu thị là 80% hệ thống trên toàn quốc có sản phẩm của công ty. Công ty Tân Hiệp Phát, Coca Cola, PepsiCo và nhiều công ty nước giải khát khác cũng đã xây dựng được một mạng lưới kênh trải dài khắp ba miền Bắc Trung Nam với rất nhiều đại lý và nhà phân phối phục vụ cho việc đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nước giải khát không cồn theo hai cách là tiêu dùng qua quầy và không qua quầy, tức là sử dụng trực tiếp tại nơi mua và mua tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, ... Trong đó nhánh kênh qua quầy tại thị trường Việt Nam hiện nay đang có xu hướng tăng trưởng nhanh và chiếm ưu thế. Chính vì vậy các công ty nước giải khát đã và đang bỏ ra nhiều nỗ lực nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của hệ thống phân phối để chiếm lĩnh được thị trường mục tiêu.
4.2 TÌNH HÌNH TIÊU THỤ SẢN PHẨM CỦA CÔNG TY TẠI KHU VỰC CẦN THƠ