Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu phân tích kênh phân phối sản phẩm của công ty suntory pepsico chi nhánh cần thơ (Trang 72 - 74)

Nhìn chung hệ thống kênh phân phối của công ty SPVBCT được xây dựng khá hoàn chỉnh, công việc được phân chia rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên. Tuy nhiên vẫn có những bất cập xảy ra trong hoạt động của kênh xuất phát từ nhiều khía cạnh.

Thứ nhất là công tác quản lý và thu hồi vỏ chai. Theo tác giả Trương Đình Chiến, dòng thu hồi, tái sử dụng lại bao gói là một trong những dòng chảy hoạt động của kênh phân phối đối với một số sản phẩm. Và sản phẩm của công ty SPVB thuộc loại hình sản phẩm có yêu cầu bắt buộc về dòng vận động này. Các sản phẩm chai thủy tinh của công ty được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của các điểm bán lẻ, nhất là các quán cafe, quán ăn do giá thành sản phẩm thuộc loại hình đóng gói này có chi phí tương đối thấp, đồng thời việc sử dụng chai thủy tinh cũng nhằm mục đích đóng góp vào quá trình bảo vệ môi trường khi loại hình chai thủy tinh là hình thức bao bì có thể thu hồi và tái sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên công tác quản lý và thu hồi vỏ chai tại công ty SPVBCT, cụ thể là tại khu vực Cần Thơ chưa thật sự hoàn thiện. Tình trạng hao hụt, tổn thất vỏ chai vẫn còn diễn ra khá thường xuyên. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách của công ty. Do công ty muốn hỗ trợ khách hàng, nhất là những điểm bán mới nên các khách hàng này sẽ được nhận một số lượng két chai thủy tinh mà không phải trả bất kỳ chi phí đặt cọc nào. Điều này có nghĩa là bao gói chai thủy tinh này vẫn là tài sản của công ty SPVB. Thế nhưng sự hỗ trợ này lại có tác dụng ngược khi khách hàng không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào, tâm lý của họ sẽ không ưu tiên bảo quản các sản phẩm. Đặc biệt khi các điểm bán ngừng kinh doanh, do không có sự ràng buộc nào về mặt lợi ích, dẫn đến khách hàng làm mất hoặc không trả vỏ chai lại cho phía công ty. Mặc dù đây là một khoản chi phí không quá lớn, thế nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên cũng sẽ gây ra khá nhiều tổn thất cho công ty. Về công tác quản lý và thu hồi bao gói này, đối thủ cạnh tranh của công ty là Tân Hiệp Phát đã có những ràng buộc rõ ràng về chính sách bao gói, yêu cầu tiền đặt cọc đối với các sản phẩm chai thủy tinh. Vì thế công tác này của phía đối thủ khá thuận lợi, bảo quản được tài sản cho công ty. Bên cạnh bao bì thì các công tác về quản lý các thiết bị hỗ trợ bán hàng như kệ, tủ lạnh cũng gặp vấn đề về việc bảo quản, quản lý, dẫn đến việc thất thoát cũng thường xuyên xảy ra gây tổn thất cho công ty.

62

Thứ hai là hạn chế trong quá trình quản lý hoạt động trưng bày và tiêu thụ sản phẩm. Trưng bày một hoạt động mang ý nghĩa quảng bá hình ảnh sản phẩm và công ty kết hợp với mục đích đẩy thêm lượng hàng hóa tiêu thụ. Hoạt động trưng bày có hiệu quả là nhờ một phần rất lớn vai trò của hệ thống phân phối. Tại công ty SPVBCT, hoạt động trưng bày diễn ra khá sôi nổi khi rất nhiều trung gian bán lẻ đã phối hợp thực hiện các hoạt động trưng bày và công ty SPVBCT cũng đã hỗ trợ rất nhiều công cụ cho hoạt động này. Tuy nhiên vấn đề lại xảy ra ở chính sự phổ biến của hoạt động này. Do ban đầu công ty muốn đột phá vào điểm bán mới hoặc đánh bật đối thủ về độc quyền trưng bày nên những cam kết, ràng buộc về sản lượng tiêu thụ tối thiểu để điểm bán có thể nhận được trả thưởng không được chú trọng. Kết quả là rất nhiều khách hàng bán lẻ trưng bày nhưng không đạt được sản lượng tiêu thụ mong muốn của công ty, thậm chí nhiều điểm bán nhỏ lẻ không đặt hàng để tiêu thụ mà chỉ trưng bày để chờ sản phẩm trả thưởng của công ty. Điều này làm giảm tác dụng của việc trưng bày và không tạo được hiệu quả thúc đẩy sản lượng. Thêm vào đó việc kiểm soát trưng bày chưa thật sự chặt chẽ dẫn đến việc xuất hiện nhiều trường hợp trưng bày hàng hóa của đối thủ trên các công cụ hỗ trợ của công ty SPVB. Nhìn chung nguyên nhân của những hạn chế này bắt nguồn từ việc ban đầu công ty không cam kết rõ ràng về những điều khoản ràng buộc liên quan đến sản lượng và cách thức trưng bày, sau khi những vấn đề này phát sinh dẫn đến một số bất mãn và mâu thuẫn đối với khách hàng. Tuy nhiên trong năm 2014, công ty SPVBCT đã khắc phục hạn chế này bằng chương trình Pepsi Club đã cụ thể hóa ràng buộc với các trung gian phân phối.

Hạn chế thứ ba phát sinh do chính sách hỗ trợ của công ty SPVBCT đối với trung gian thương mại. Do công ty thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ từ kệ trưng bày đến bảng hiệu, tủ lạnh, TOT,... và thủ tục cấp công cụ cũng khá dễ dàng dẫn đến việc nhiều khách hàng có tâm lý phụ thuộc quá nhiều vào công ty và vì thế công tác bảo quản các công cụ hỗ trợ này cũng không được họ xem trọng. Điều này tạo nên hiện tượng các công cụ trưng bày không được khách hàng trân trọng, đôi khi ảnh hưởng và hạ thấp hình ảnh sản phẩm của công ty.

Một hạn chế mà phía công ty SPVBCT cần khắc phục nữa là công tác trả thưởng cho các điểm bán thuộc Club trưng bày còn chậm trễ. Trả thưởng là cam kết của phía công ty SPVBCT đối với trung gian thương mại khi họ phối hợp thực hiện các hoạt động trưng bày và tiêu thụ sản phẩm. Việc trả thưởng trễ hẹn không chỉ gây ra tâm lý bất mãn của các trung gian đối với công ty mà còn làm giảm uy tín của công ty, tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa các thành viên kênh mà công ty SPVBCT đã cố gắng xây dựng và duy trì trong thời gian qua.

Trên đây là một số hạn chế phát sinh trong quá trình hoạt động của hệ thống phân phối của công ty SPVBCT nói chung và tại địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng. Công ty SPVBCT cần có những biện pháp để hoàn thiện hơn nữa hoạt động của kênh phân phối, giảm bớt mâu thuẫn, hạn chế để kênh phân phối hoạt động một cách hiệu quả nhất.

63

4.6 CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HỆ THỐNG KÊNH PHÂN PHỐI SẢN PHẨM CỦA CÔNG TY

Một phần của tài liệu phân tích kênh phân phối sản phẩm của công ty suntory pepsico chi nhánh cần thơ (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)