Tính biến động

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 95 - 101)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2.Tính biến động

Sống trong một thời đại lịch sử nhiều biến động mà các sự kiện của nó liên tục tác động trực tiếp vào tâm thức con người, làm cho con người phải dè chừng, cảnh giác, thậm chí sợ hãi, nơm nớp lo âu, Thanh Tâm Tuyền đã tạo được một thế giới thơ luôn biến động, thế giới với những va chạm, thậm chí là những đe doạ chết chóc...

Trong văn học trung đại, thi sĩ mang tâm thế ung dung tự tại. Quan niệm xuất xử của Nho gia tác động đến thế giới quan của họ, không vội vàng cuống quýt, cũng không cuồng nhiệt thái quá mà có cái nhìn bình thản trước những biến động. Nói cách khác những xúc cảm trước thế giới của nhà Nho đươc dấu kín, chính vì vậy thi sĩ xưa nhìn thế giới và con người một cách trầm tĩnh. Nói đến

tính biến động trong thơ Thanh Tâm Tuyền là nói ở hai góc độ cơ bản: sự phức tạp của tâm thức cảm xúc con người và sự biến động của thế giới khách quan.

Thơ Thanh Tâm Tuyền không đơn thuần chỉ là một trạng thái cảm xúc. Nói cách khác cảm xúc nhà thơ, và cũng là nhân vật trữ tình, không chỉ giới hạn ở một trạng thái hoặc buồn hoặc vui mà đó là sự đan xen của nhiều cung bậc. Có khi yêu mà phải chia xa, có khi đang hạnh phúc mà thấp thỏm bất an. Con người trong thơ Thanh Tâm Tuyền mang nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn với chính mình và mâu thuẫn với hoàn cảnh. Tâm trạng cảm xúc con người trong thơ ông không phải là một hằng số mà là một biến số, tâm trạng ấy luôn giao động trong một trường mà "từ tính" chính là những biến động của xã hội tác động vào.

Phục sinh là mâu thuẫn trong nội tại con người tác giả, có con người trong sáng thánh thiện và "một con chó sói" lang thang ẩn mình sau hình hài một đứa trẻ. Muốn được phục sinh người phải bóp chết phần con, ''loài sát nhân'' tội lỗi ấy. Muốn sống nhưng phải chết, chỉ có thể sống đúng nghĩa một con người nếu giết đi phần bản năng dã thú trong mình, chết để phục sinh, chết để được sống. Con người không phải lúc nào cũng là con người toàn vẹn, nó dao động từ cõi người đến cõi thú vật, từ trong sáng trinh nguyên, đến tội ác, sát nhân lúc nào là điều không thể đoán định:

đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi em bé quàng khăn đỏ ơi

này một con chó sói thứ chó sói lang thang tôi thèm giết tôi

loài sát nhân muôn đời'

Với cái nhìn biện chứng về cuộc đời, Thanh Tâm Tuyền thấy được những kết cục không vui của một kiếp người. Bao nhiêu giông tố, bao nhiêu

biến đổi khiến ông không thể nào bình thản nhưng Thanh Tâm Tuyền chấp nhận những đe dọa, những gì nghiệt ngã của một kiếp nhân sinh khi biết đó là một quy luật:

cần thêm vào tam đoạn luận người là phải chết

mày là một người vậy mày phải chết

(Định nghĩa một bài thơ hay)

Sự biến động trong thơ Thanh Tâm Tuyền thường theo chiều bi kịch, nhà thơ cảm nhận cuộc đời trong tâm thế cô đơn. Như người mơ bỗng choàng tỉnh và nhận ra hiện thực phũ phàng. Trong trạng thái mộng mị, người thơ luôn bị dày vò bởi những cơn ác mộng. Mọi vật trong cơn mê luôn biến đổi theo tâm thức kẻ mộng du, mộng du giữa cuộc đời, giữa ban ngày, tất cả chao đảo chống chếnh, chơi vơi. Ranh giới thực - mộng không thể nào phân biệt cho tới lúc người thơ bừng tỉnh. Nghe "có ai gọi tên tôi giữa phố", anh ta thấy cái tên mình như một vật thể phát ra âm thanh "âm lên sự thù hằn", rồi "cái tên lăn như một xác chết nhập hồn", nó như một sinh thể "mọc hai cánh tay chới với". Khi "không ai gọi tên tôi nữa" nó, cái tên, "đứng ở sau lưng", trong cơn thịnh nộ anh ta đã đâm chết nó, kẻ cô độc đã đồng hành cùng anh suốt kiếp thương đau:

Sao không ai gọi tên tôi nữa? Kìa đồ khốn kiếp, quân vô lại, tôi cầm dao đâm mày đây, không một lời cầu cứu? Đồ khốn kiếp ... Hoá ra tôi đâm tôi chết tốt. Cũng xong.

(Đêm 10)

Từ bức tranh tĩnh vật tĩnh lặng, chỉ một mẩu bánh mì, cốc nước ở góc bàn nhà thơ thấy trong đó một sự vận động khủng khiếp. Những gì đẹp đẽ chỉ là giấc mơ, mọi sắc màu, âm thanh hiện hình nỗi chết, sự nghèo đói. Người nghệ sĩ tạo nên sắc màu như vết máu tuôn ra từ lồng ngực. Trong cái tĩnh

Thanh Tâm Tuyền tưởng tượng ra bao nhiêu biến cố, những chết chóc đau thương hiện hình ngay trong những gì tưởng như bình yên nhất:

mẩu bánh mì ở góc bàn

và cốc nước trong như mắt đẹp thôi để giấc mơ lên cỏ hoa hiện hình nỗi chết

từ ngón tay

hết cả niềm hồn hậu

người đau bằng màu bằng âm thanh những ngày nghèo đói

ăn mày

cố rúc tiếng cười lên cổ nõn tóc mai

phố ngõ lên chiều mãi nhớ thương

người nhổ muôn ngàn vết máu ra khỏi lồng ngực... (Tĩnh vật)

Trong tình yêu, Thanh Tâm Tuyền đang yêu, được yêu và hạnh phúc ấy thế mà tâm hồn người thơ đầy xao động. Anh sợ những gì có vẻ rất xa xôi thậm chí hoang đường. Không cần giàu trí tưởng tượng những ám ảnh đổ vỡ, chết chóc, chia li... lúc nào cũng đeo đuổi thi sĩ:

Anh sợ những cột đèn đổ xuống Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta Bóp chết mọi hi vọng

Nên anh dìu em đi xa

(Dạ khúc)

Để chạy đua với thời gian Xuân Diệu đón đầu thời gian mà sống, chạy trước thời gian để yêu, để tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống muôn màu: "Tôi không

chờ nắng hạ mới hoài xuân" (Vội vàng). Thanh Tâm Tuyền ở một góc độ nào cũng vậy, đang ở bên em thế mà đã lo sợ giờ phút chia xa, nói cách khác dự cảm về một sự bất an, chia li đổ vỡ cứ ám ảnh nhà thơ, thậm chí hành hạ ông ngay cả lúc tưởng như hạnh phúc nhất:

Anh là thằng điên khùng

Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới (Dạ khúc)

Có những lúc biến động cuộc đời thật khủng khiếp, nỗi sợ hãi yêu mà phải chia xa, yêu mà người yêu chết hơn một lần hành hạ chàng:

Em đã chết đã chết Trong im lặng hết thảy

(Sầu khúc 7)

Thế giới trong thơ Thanh Tâm Tuyền không có cái gì bất biến, từ con người, cảnh vật cho đến những sự kiện, biến cố... "Em biến thành pho tượng rực rỡ/ Anh biến thành thiên tài ngây thơ". Trong sự hỗn loạn của thời cuộc chuyện gì cũng có thể xảy ra, cả những căm giận yêu thương, cả niềm tủi cực, những mất mát đau thương, những hành động dũng cảm quyết liệt... tất cả diễn ra vội vã với tiết tấu như quay cuồng:

hôm nay ta xông ra ngoài phố Ngày 20

nắm tay tròn cáu giận má phừng lửa yêu thương môi bỏng niềm tủi cực (...)

phá cho tan hoang nổ tung căm phẫn chưa biết chị là ai

đau như đạn xuyên ngực mình

chị trúng thương rồi chị trúng thương rồi

(Phiên khúc 20)

Tính biến động trong thơ Thanh Tâm Tuyền cho chúng ta thấy một thế giới chao đảo, những vận động chuyển dời hết sức nghiệt ngã. Sống trong một thời đại lịch sử mà từng ngày từng giờ không thể hình dung nổi cục diện tương lai, hoặc giả nếu có thì tương lai ấy cũng không mấy êm đềm tốt đẹp. Sự tác động của thời đại vũ bão không cho phép con người sống thanh thản, thời đại làm nảy sinh những hồ nghi - hồ nghi mọi người, hồ nghi chính mình, bất bình với quá khứ: "quá khứ hỗn xược trên da trống" (Đêm 10), thất vọng với thực tại: "hôm nay thiếp dưới lần chăn gai" (Tình cờ), nghi ngờ tương lai: "tương lai thét đớn đau"(Đêm 10). Hơn nữa với sự nhạy cảm vốn có, Thanh Tâm Tuyền bộc lộ cái nhìn, cảm xúc của mình về cuộc đời, biểu hiện bằng sự dao động của một tâm thế bất an. Một con người luôn hành động muốn thay đổi thực tại nhưng đành bất lực trước biến động của thế thái nhân tình.

Ở chương 2, chúng tôi làm rõ đặc điểm con người thơ và thực tại - chủ yếu là thực tại tinh thần - trong hai tập Tôi không còn cô độcLiên, Đêm, Mặt trời tìm thấy. Để làm rõ điều đó trước hết chúng tôi tìm hiểu quan niệm của nhà thơ về văn học, về chất thơ, về thi sĩ để thấy được nhận thức mới của nhà thơ về nghệ thuật nói chung, về thơ ca nói riêng. Thực tại trong thơ Thanh Tâm Tuyền là thực tại có tính chủ động cao, ở đó con người thi sĩ được bộc lộ một cách trực tiếp, rõ nét nên thế giới trong thơ Thanh Tâm Tuyền được phản ánh qua tâm thế của thi sĩ. Nhà thơ bày tỏ cảm xúc của mình bằng giọng nói, tiếng nói của chính mình. Nét đặc sắc trong cái tôi trữ tình Thanh Tâm Tuyền là cái tôi đa ngã với sự giằng xé mãnh liệt, cái tôi mang nặng những bi kịch: bi kịch cá nhân gắn liền với bi kịch thời đại, một cái tôi luôn biến động trước những rung chuyển vũ bão của thời đại.

Chương 3

CẤU TRÚC VÀ NGÔN NGỮ THƠ THANH TÂM TUYỀN QUA HAI TẬP TÔI KHÔNG CÒN CÔ ĐỘC

LIÊN, ĐÊM, MẶT TRỜI TÌM THẤY

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 95 - 101)