Quan niệm về sáng tác văn học nói chung của Thanh Tâm Tuyền

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 62 - 67)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Quan niệm về sáng tác văn học nói chung của Thanh Tâm Tuyền

2.1.1.1. Quan niệm văn học là sản phẩm mang tính lịch đại

Mỗi thời đại có những chuẩn mực về văn hoá, đạo đức, triết học... khác nhau ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo của nhà văn và quá trình tiếp nhận của công chúng. Thời đại quy định sự hình thành của các thể loại, mỗi thời kì có những thể loại đặc trưng, ở một góc độ nào đó thể loại phản ánh quan niệm nghệ thuật của thời đại. Quan niệm văn học là nguyên tắc cắt nghĩa đời sống của một nghệ sĩ, một thế hệ nghệ sĩ, nó xác định kết cấu tác phẩm, thế giới quan, nhân sinh quan người nghệ sĩ về con người và vũ trụ. Mặt khác "điều chủ yếu trong sự tiến hoá của nghệ thuật và của xã hội nói chung, là đổi mới cách tiếp cận và chiếm lĩnh thế giới và con người. Và do đổi mới quan niệm mà thế giới cũng được chiếm lĩnh sâu hơn, rộng hơn với những phạm vi, giới

hạn, chất lượng mới" [16; 230].

Nói vậy có nghĩa lịch sử của văn học là lịch sử của sự đổi mới. Những cách tân sáng tạo của những tác giả Xuân Thu nhã tập, Dạ đài... và giờ đây là

Sáng tạo không nằm ngoài quy luật đó. Khi thời đại đã thay đổi, văn học không thể đứng yên bởi: "Quan niệm nghệ thuật của văn học có quan hệ mật thiết với quan niệm về thế giới và con người về mặt triết học, khoa học, tôn giáo, đạo đức chính trị vốn có của thời đại mình. Nhưng do đặc thù mà quan niệm nghệ thuật có những thể hiện bộc lộ riêng" [16; 230].

Thời kì Thơ mới, xã hội Việt Nam vẫn đang là xã hội thực dân nửa phong kiến. Sự ảnh hưởng của phong hoá Âu châu là rất đáng kể, so với những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế hỉ XX. Đội ngũ trí thức Tây học hết sức đông đảo, tầng lớp thị dân, dân buôn, khoa học kĩ thuật phát triển, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng khác. Đặc biệt là nhiều dòng ý thức hệ tân tiến Tây phương, bằng nhiều con đường khác nhau, đã đến Việt Nam. Như vậy cách cảm, cách nghĩ của người Việt lúc này đã khác cha ông mình cách đó chỉ một vài thế hệ. Không thể nói như người xưa, cũng không thể nghĩ như người xưa... Vì vậy Thơ mới ra đời phản ánh sự biến động của lịch sử xã hội chứ không phải chỉ riêng văn học.

Những năm 1950 - 1960, tuy đất nước đang bị chia cắt làm hai miền, nhưng chế độ thực dân kiểu cũ đã chấm dứt. Cuộc chiến tranh chống Mĩ ngày càng căng thẳng, quyết liệt. Miền Nam Việt Nam dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, được sự viện trợ hàng tỉ đô la của Mĩ mỗi năm, xuất hiện nhiều đô thị theo mô hình phương Tây. Sài Gòn là một trung tâm kinh tế chính trị văn hóa xa hoa tráng lệ trong khu vực. Với sự xuất hiện của binh lính và cố vấn Mĩ, lối sống Mĩ, văn hoá Mĩ... xâm nhập vào các đô thị miền Nam Việt Nam. Sách báo ngoại viện, văn hoá phẩm, xa xỉ phẩm và tư tưởng Mĩ... ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hoá - xã hội đương thời. Nói cách khác cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đã thay đổi rất nhiều so với những năm 1932 - 1945,

đó chính là những cơ sở quan trọng cho một cuộc cách tân mới trong thi ca sớm muộn cũng sẽ xẩy ra

2.1.1.2. Quan niệm về sáng tác văn học của Thanh Tâm Tuyền

Cùng với những bạn viết tham gia sáng lập và đóng góp cho tạp chí

Sáng tạo, Thanh Tâm Tuyền chủ trương làm mới cho "văn nghệ hôm nay”. Trong những cuộc thảo luận cùng các thành viên tạp chí Sáng tạo Thanh Tâm Tuyền đã thể hiện quan điểm của mình về sáng tác văn học nói chung, về thơ ca nói riêng.

Đánh giá về nghệ thuật tiền chiến, Thanh Tuyền và các đồng chí của ông cho rằng, tuy có một số tác động tới sự đổi mới thơ ca nhưng không đáng kể, theo cách nói của Thanh Tâm Tuyền, "nghệ thuật tiền chiến chỉ có giá trị của một thời kì tập sự làm quen với kĩ thuật mới du nhập từ Tây phương. Trong địa hạt văn chương thì sự trau dồi từ ngữ và cú pháp mới. Nghĩa là hoàn toàn ngôn ngữ. Còn tất cả những gì thật là nghệ thuật thì là ấu trĩ" [67; 4].

Thanh Tâm Tuyền cho rằng sáng tác của Tự Lực văn đoàn không phản ánh được bản chất đời sống. Họ chọn những vấn đề chạy theo thị hiếu tầm thường của thời đại hơn nữa những vấn đề như tình yêu - hôn nhân, lễ giáo... chỉ là những đề tài vụn vặt, nhà văn đã không có gan tìm cho mình một con đường riêng cho dù con đường ấy vắng người qua lại thậm chí thiệt thòi bởi độc giả có thể quay lưng. Văn chương nghệ thuật nói chung, tiểu thuyết nói riêng cần sâu sắc, kị sự dễ dãi nông cạn. Cũng như thơ, tiểu thuyết cần sự bí ẩn, cần những khoảng trống để người đọc khám phá. Cái mà người ta gọi là tiểu thuyết luận đề thực chất đã giết chết tiểu thuyết bởi nó là những sáng tác "nông cạn". Nghệ thuật không cho phép nhà văn xuất đầu lộ diện để phát ngôn như một nhà tư tưởng, mặc dầu tất cả những nhà văn chân chính, đích thực đều là những nhà tư tưởng. Thanh Tâm Tuyền "muốn công kích ngay cái loại mà người ta gọi là tiểu thuyết luận đề - kể cả những luận đề cao nhất - là của một quan niệm ấu trĩ về tiểu thuyết. Bởi tính cách luận đề phản nghệ thuật.

Tác giả đặt ra những bài toán mà tác giả đã biết trước lời giải rồi dùng những xảo thuật máy móc đưa độc giả tới giải pháp của mình"[67; 5].

Một trong những hạn chế khác của tiểu thuyết tiền chiến, và cũng là của nghệ thuật tiền chiến nói chung, là sự giản đơn, máy móc của nó. Thanh Tâm Tuyền cho rằng tiểu thuyết tiền chiến không nhiều sáng tạo, chung quy lại nó chỉ có chừng ấy vấn đề, một số hình thức biểu hiện, thậm chí có thể quy thành công thức. Mà nói đến công thức là nói đến sự đơn điệu trong sáng tạo, nói cách khác đó là sự phi sáng tạo, phản sáng tạo: "có thể gọi chung tiểu thuyết tiền chiến là một thứ tiểu thuyết đơn giản. Trước hết, đề tài là một sự giản lược của đời sống. Cốt truyện cũng hết sức giản lược, có thể quy thành công thức sau này: một đàn ông + một đàn bà = một chuyện tình. Chuyện tình có thể chia rẽ hay hoà hợp, bởi trở ngại cũ, mới, luân lý, lý tưởng v.v. Bố cục tiểu thuyết tiền chiến thì mạch lạc, đơn giản. Tâm lý hời hợt, bởi chỉ ngưng lại cái vỏ con người là tình cảm" [67; 7].

Ngoài ra, Thanh Tâm Tuyền đòi hỏi nhà văn phải thể hiện được tư tưởng chủ quan của mình về đời sống. Mà đời sống thì luôn diễn ra với những biến cố phức tạp sống động, con người cũng cần được đặt trong những mối quan hệ phức tạp của đời sống. Nhà văn không thể nhìn nhận cuốc sống một cách dễ dãi. Những yếu tố vốn được xem là trung tâm của tiểu thuyết truyền thống như nhân vật, cốt truyện... thì Thanh Tâm Tuyền không đánh giá cao, nghĩa là về mặt chủ trương ông đã xác định những phương diện cần cách tân.

Chính vì vậy trong truyện Bếp lửa tác giả sử dụng ngôn ngữ bình dị, nhiều từ đơn âm ít từ kép, lại càng ít từ Hán - Việt. Lối đặt câu ngắn có khi cụt ngủn, giản lược các từ, câu văn cô lại khó hiểu như một sự dồn nén trong nội tâm, cảm xúc nhân vật, có sự tương giao với chất thơ, chất nhạc: "Một bên đường cỏ hoang và núi đóng đồn binh"; "ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về dữ dội"; "Buổi sáng mùa đông ngây ngất vào lối 10 giờ";

"Buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã"... [dẫn theo: 96; 7]. Không khí chung trong truyện Bếp lửa là không khí tiểu thuyết mới. Chính Thanh Tâm Tuyền đã xác định: "Điều chúng ta nhận thấy trong một số tiểu thuyết mới là tác giả chú trọng tạo cái không khí cho toàn thể tác phẩm. Không khí là chính. Nhân vật là phụ" [67; 11].

Về mặt kết cấu Thanh Tâm Tuyền chủ trương sử dụng lối kêt cấu mở, nhà văn không có chủ đích hướng độc giả vào một đề tài, chủ đề cụ thể như luân lí, đạo đức, triết học, chính trị... tác phẩm cũng không cần kết luận mà trình bày một sự dang dở, mở cửa cho những suy nghĩ khác và sẵn sàng chờ đón những tiếp nối về sau. Trong tác phẩm, tác giả trở thành chứng nhân không thể loại trừ, chứng nhân nằm trong diễn biến, va chạm với hoàn cảnh. Thanh Tâm Tuyền chủ trương khai thác đời sống tâm linh, cái chiều sâu thẳm trong con người. Muốn vậy công cụ khai thác nó là thuyết phân tâm học của Freud: "Bây giờ, con người là một đồng nhất. Trong mỗi hành động đều gồm cả một đời sống tâm linh. Phải kể ở đây tâm lý học của Freud chú trọng khai triển con người ở bí mật tiềm thức hiện lên" [67; 15].

Những truyện về sau, như tập truyện ngắn Dọc đường, tiểu thuyết Cát lầy là hai tác phẩm nổi bật, Thanh Tâm Tuyền càng đi sâu vào những bí ẩn siêu hình, truy lùng nhận thức, mô tả hiện tượng, đi vào chiều sâu cái thế giới đen tối, phức hợp của những khắc khoải nội tâm. Văn phong độc đáo, cách tạo hình của hội họa lập thể... gây cho người đọc những vật vã, những căng thẳng khó chịu...

Người đọc, theo Thanh Tâm Tuyền, có một vị trí rất quan trọng trong quá trình lĩnh hội tác phẩm. Những con chữ trong tác phẩm chỉ là công cụ để người đọc theo đó mà vui buồn, mà suy tư và tự tìm thấy vấn đề. Trong quá trình đó, người đọc là một chủ thể sáng tạo, ít nhất họ làm chủ suy nghĩ của chính mình, không phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác...''Đọc là chìm mắt.

Mặc cho chữ nổi hiện, tiếng lời làm chủ. Đọc là buông thả và chăm chú. Như đứa trẻ chưa biết nói lắng nghe tiếng trò chuyện bông đùa của người lớn (người lớn đang quên mình là người lớn). Những chữ vô tội, những tiếng vô tội, không chỉ thị, không phát hiện, biểu diễn những bỗng - những chênh chao vang động của lúc, của thoáng'' [104; 7].

Thanh Tâm Tuyền rất đề cao sáng tác văn học, đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn trọng nhưng đó vẫn là một "trò": "Văn chương không phải là trò đùa hồn nhiên, giản dị, ngây thơ. Văn chương là một trò dành cho “người lớn”, giữa một thế giới “người lớn”. Đó là niềm hạnh phúc và mối bất hạnh của “người lớn” viết. Văn chương không phải là chuyện “trẻ con”, không phải chuyện “rỡn”. Đó là một trò hết sức nghiêm trọng [104; 3].

Thanh Tâm Tuyền và những người cùng chung chí hướng mong muốn "kết liễu" một cách nhanh chóng nhất số phận của kiểu sáng tác Thơ mới, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn... cho dù để chiến thắng, đôi lúc họ đã phũ phàng với các bậc tiền nhân, những người mà chính họ đã một thời ngưỡng mộ. Quan điểm của Thanh Tâm Tuyền về nghệ thuật tiền chiến là khá toàn diện và sâu sắc nhưng thiển nghĩ cần loại trừ những phát ngôn có phần cực đoan trong khi phủ định. Dầu sao quan niệm vẫn chỉ là cái chủ quan cho dù đó có là quan niệm của một nhóm người, một tập thể. Quan niệm văn học cũng mang tính chất lịch đại nên mỗi thời mỗi khác.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w