Những chuẩn bị của Trần Dần cho cuộc cách tân thơ

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 49 - 55)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Những chuẩn bị của Trần Dần cho cuộc cách tân thơ

Trần Dần (1926 - 1997), quê Nam Định, năm 1946, cùng với những người bạn đồng chí hướng như Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Trần Mai Châu... chủ trương thành lập tạp chí Dạ đài nhằm chuẩn bị cho cuộc cách tân thơ Việt.

Sau khi đỗ tú tài phần II, Trần Dần tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động văn nghệ. Có thể nói, Trần Dần mang trong mình phẩm chất của một "nhà cách mạng'', theo cả hai nghĩa: cách mạng chính trị và cách mạng văn chương. Vì mang cốt cách của một nhà cách mạng, Trần Dần đã dấn thân trên hành trình nghệ thuật đầy sóng gió. Như người chinh phu xưa "giã nhà đeo bức chiến bào, thét roi cầu Vị ào ào gió thu’’ (Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm), nay cuộc trường chinh của Trần Dần cũng đầy gian nan và mang một quyết tâm và không kém, quyết chôn thơ tiền chiến vào quá khứ. Trần Dần chính là người chấp bút cho tuyên ngôn tượng trưng của nhóm Dạ đài. Tuy nhiên những sáng tác đầu tiên trên tạp chí Dạ đài số 1 (tháng 11 năm 1946) vẫn chưa theo kịp tuyên ngôn. Số 2 chưa kịp ra đời thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trần Dần và các bạn văn xếp bút nghiên lên đường kháng chiến, Dạ đài dang dở ...

Quyết dứt áo chia tay chủ nghĩa lãng mạn, Trần Dần quan niệm: làm thơ là làm tiếng Việt. Ông có ý thức giải phóng con chữ khỏi những lối mòn thơ truyền thống. Thơ Trần Dần khai thác khả năng tạo sinh nghĩa của những hình vị, khả năng cộng hưởng của các đơn vị ngữ âm, để các âm tố giao thoa

một cách tự do mà bung ra những nghĩa mới chưa từng có, vượt ngoài khuôn khổ cố định của ngôn từ.

Trước Cách mạng tháng Tám, Trần Dần chủ trương" bất phương chủ nghĩa", nay ông xác định theo phương của dân, của Đảng: "bây giờ tôi muốn một thứ thơ nào đó có cái phấn khởi của những giọt nước mắt, mồ hôi và máu đào; phấn khởi của những khói bụi, đất cát, thuốc súng, xác chết, nhà thiêu, bãi cháy, bom xé, đạn thiêu; phấn khởi của những thất vọng, những điêu tàn, những chia ly, tan rã và thất bại. Tôi muốn một thang thuốc ngọt bởi những vị đắng và cay nhất của trái đất. Tôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của Đảng tôi, dân tôi, triệu triệu quả tim dân chúng và quân đội, chiến sĩ và cán bộ, lãnh tụ và quần chúng. Tôi lại cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỷ, và Thơ nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật” [4; 35].

Trần Dần chống lại cái nhìn hời hợt bên ngoài, ông soi chiếu hiện thực trong tính đa diện của nó, ông làm thơ "chính trị chiều sâu" và quan niệm rằng nhà thơ làm cách mạng thi ca cũng là làm cách mạng xã hội. Những tác phẩm trong thời kì chống Pháp: Tiếng trống tương lai(1955), Nhất định thắng (1955), Hãy đi mãi (1957), Đi! Đây Việt Bắc (1957)... đã có nhiều cách tân. Trần Dần đưa vào thơ những từ ngữ vốn chẳng thơ, thậm chí là thô thiển. Ông chủ trương thơ phải có khả năng khơi gợi trong chiều sâu tiềm thức, vô thức trong con người, có thể khám phá những gì huyền nhiệm tự chốn sâu kín của tâm hồn: "Vì thế, thơ cũng phải âm u như cảnh giới của cái tôi thầm lặng. Không thể rung cảm chúng ta nữa cái văn chương cổ tích chỉ có một chiều, chỉ nhắc gợi một cõi đất, một tâm tình. Thơ phải cấu tạo bằng tinh chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ, phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy'' [8; 2].

Trường ca Đi!Đây Việt Bắc, xuất hiện hơn 50 từ ''đi", "đi" là một tín hiệu nghệ thuật, một thành tố trung tâm của tác phẩm. ''Đi" được cấu tạo theo một mô típ mang nghĩa biểu trưng, một "mắt thơ hiện đại":

Đi! Đi! Dù sức lực kiệt mòn Tay hấp hối vẫn giơ về phía trước!

Trần Dần đã rất chú trọng hình tượng thơ, chính hình tượng là yếu tố khơi gợi trong thơ, mang theo, giai điệu, diễn đạt cảm xúc, ý tứ, nhạc tính... tạo sự dư ba cho ngôn ngữ thơ. Ông viết: ''Và những hình tượng còn tạo tác được những âm thanh huyền diệu nữa. Âm nhạc trong thơ không phải chỉ kết hợp hoàn toàn bởi những cú điệu số học, những luật lệ trắc bằng. Biết bao nhiêu câu thơ niêm luật rất chỉnh tề mà vẫn tắt ngấm ở mang tai sau khi chữ cuối cùng vừa đọc hết. Chỉ một sự nhận thức đó cũng đủ tỏ chứng rằng âm nhạc của một bài thơ phần lớn là do ở sức rung động Tâm Lý của bài thơ ấy. Nói đến âm nhạc trong thơ là phải nói đến sức gợi khêu của chữ'' [8; 3].

Trần Dần sử dụng hình thức thơ bậc thang, câu thơ được chia cắt thành nhiều dòng bậc, số chữ trong câu là vô hạn định. Thơ bậc thang vừa có khả năng tác động đến thị giác người đọc, một tính chất cơ bản của thơ hiện đại, vừa tạo nên nhịp điệu, nhạc tính cho thơ. Ta bắt gặp trong Đi! Đây Việt Bắc

những con chữ được sắp đặt như một bức tranh, lời thơ như một bản nhạc; Sông Lô

nước xanh

tròng trành mảnh nguyệt! Bình Ca

sương xuống lạc

con đò! Đáy dạ thời gian

còn đọng những tên Như Nà Phạc Phủ Thông Đèo Thùng Khau Vác...

Ngôn ngữ thơ Trần Dần sử dụng những kết hợp ngẫu nhiên, ngẫu hứng vì vậy một hình vị, một từ, thậm chí một âm tố có thể sinh ra nhiều nghĩa. Kiếu ngôn ngữ đa trị trong thơ Trần Dần là một đặc điểm của thơ tượng trưng: nơi thân ta rữa mục; nếp nghĩ - mù lòa; những con tàu/ phải lòng/ mùa hải lý; nghìn hải - cảng - mưa - buồn; những bữa; cuộc đời kham khổ ấy’’. Ngoài ra, ngôn ngữ Đi! Đây Việt Bắc! còn rất nhiều những ẩn dụ thú vị. Nhưng khác với ẩn dụ lãng mạn thiên bề ngoài, hữu thức, ẩn dụ tượng trưng nghiêng bề sâu, trừu tượng. Ẩn dụ trong thơ Trần Dần giai đoạn này cụ thể một cách táo bạo:

đáy dạ thời gian, đá nhọn tháng ngày, nhọt tin buồn, con mắt chột mặt trời...

Đi! Đây Việt Bắc không ít những câu thơ hay đến giật mình: Sông Lô nước xanh tròng trành mảnh nguyệt! Bình Ca sương xuống lạc

con đò! Đáy dạ thời gian

còn đọng...

Là nhà thơ và cũng là một hoạ sĩ, Trần Dần rất ý thức trong việc sử dụng vật liệu ngôn từ để tạo nên những đường nét, bố cục sắc màu... Càng về sau ngôn ngữ thơ Trần Dần càng được đẩy lên mức độ tượng trưng - siêu thực cao hơn. Những con chữ trong thơ ông tự nó làm nghĩa, những nét nghĩa thông thường bị nhoè đi. Bằng sư phối hợp mang tính ngẫu kết, con chữ Trần Dần nhảy múa mà tạo ra những ''vũ điệu'' vô ngôn. Thơ Trần Dần có sự tương cận cao giữa thơ - nhạc - hoạ. Về sau, trong Mùa sạch, các âm vốn có nghĩa trong từ vựng tiếng Việt như: ''mùa'', ''sáng'', ''trong'', ''thu''... lại bị "cưỡng bức" kết hợp với các từ mà nó chưa bao giờ ''sánh đôi''. Nhưng chính sự kết hợp đó lại đem đến những giá trị mới. Một con chữ mà người đọc có thể thấy trong đó nhiều nghĩa mới được tạo sinh. Những từ này vốn không có định nghĩa chính xác, chúng gợi mở, chúng vừa như vô nghĩa vừa đa nghĩa, vừa có những hố đen vừa chan hoà ánh sáng... Nhưng đó chính là cái Trần Dần tìm kiếm:

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa Miền miền sầm uất thị thành mùa Bộ hành như dáo mác tủa mùa Tàu mùa tấp nập còi mùa

(Trên quả đất mùa)

Ngoài ra thi nhân còn sử dụng lối nói, cách nói của đồng dao như luôn có sự lặp lại một số từ, một kiểu kết cấu: Tôi qua..., Anh vẫn tìm em...

Tôi qua sáng ngõ Sáng ngõ trong sao Tôi qua sáng cầu Sáng cầu trong nhịp

Như đồng dao, bài hát của con trẻ (hầu hết chẳng ai hiểu nó nói gì), lớp nghĩa của nó bị mờ đi, bị làm nhoè đi, cái còn lại chỉ là âm thanh, giai điệu, tiết tấu vui nhộn.... Trần Dần muốn qua cảm thức đồng dao đem đến cho thơ những lớp nghĩa chồng chất, bí ẩn... Ông đã đem đến cho độc giả những nhận thức mới về thơ, những con chữ trong Lịch thu không hàm chứa cảm xúc, tâm lý, Lịch thu không mang một ý nghĩa nội dung cụ thể, không truyền tải những tư tưởng đạo đức hay triết lí nhân sinh, trái lại những con chữ trong Lịch thu

mang đậm tính chất của lí thuyết trò chơi:

Mưa thu phay phay thu Nhà máy xay thu xay thu Xổ số thu quay thu

Mậu dịch thu bày thu Đèn thu hấp hay thu

Thơ Trần Dần chỉ nhằm gieo vào người đọc những cảm giác, ấn tượng gợi nên những hình ảnh nhập nhoè, những âm thanh diệu vợi... tất cả đều không thể gọi tên. Các chi tiết không giải thích cho nhau vì vậy, những nỗ lực giải nghĩa thơ Trần Dần gần như là không thể.

Hành trình quãng 70 năm làm thơ của Trần Dần là một hành trình đầy sóng gió. Ông đã sống và viết bằng tất cả niềm đam mê, khát vọng: khát vọng làm mới một nền thơ. Cuộc đời đã lấy đi của ông niềm vinh quang của một thi sĩ thành danh mà đáng ra ông đã có. Nhưng cũng chính cuộc đời đã tôn vinh ông như một người chiến binh trên mặt trận thi ca, người đã chiến dấu cho khát vọng tự do, khát vọng canh tân văn học nước nhà. Thời gian trôi qua, từ một kẻ "tội đồ", tên tuổi Trần Dần lại được ghi danh trên bảng vàng văn học. Người đã vững niềm tin "Nhất định thắng" và tự thôi thúc mình bằng quyết tâm "Hãy đi mãi", suốt cuộc đời ông đã luôn hướng về một ngày mai vang "Tiếng trống tương lai''.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 49 - 55)