Tính đa ngã

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 74 - 79)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Tính đa ngã

Trong văn học ta vẫn thường nói đến tính đa diện, đa thanh, đặc biệt trong tiểu thuyết hiện đại. Đa diện, cũng có thể hiểu là đa tính cách, đặc điểm này có nhiều ở các nhân vật tiểu thuyết, một người mà trong bản thân họ mang những tính cách trái ngược nhau, tốt xấu lẫn lộn, vừa cao thượng vừa thấp hèn, vừa dũng cảm vừa nhát sợ. Tính đa thanh lại xét ở góc độ ngôn ngữ tác phẩm,

phát ngôn trong tác phẩm thực chất là của ai, nhân vật, nhà văn, hay độc giả nói... khó mà phân biệt. Có lúc nhà văn để cho nhân vật nói lên quan điểm của mình, có lúc nhân vật xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau mà phát ngôn nên lời nói của họ mang nhiều tư cách, đại diện cho nhiều người, nhiều loại người...

Chúng tôi xét tính đa ngã trong thơ Thanh Tâm Tuyền ở góc độ cái tôi tác giả, ở hình tượng nhân vật trữ tình. Trong thơ Thanh Tâm Tuyền ta bắt gặp một cái tôi đa ngã luôn bị phân thân, bị giằng xé mãnh liệt. Thơ truyền thống xưa nay thường chỉ có một nhân vật trữ tình, tác giả, bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp, hoặc nhập thân vào hình tượng khác (con hổ trong vườn bách thú -

Nhớ rừng của Thế Lữ). Loại nhân vật trữ tình phân thân để tự đối thoại với chính mình quả thực hiếm có thế nhưng trong thơ Thanh Tâm Tuyền lại là một hiện tượng phổ biến.

Vì sao lại có hiện tượng độc đáo này? Trong thơ, Thanh Tâm Tuyền thường xuyên đối diện với chính mình, đối diện với sự cô đơn, cô độc khủng khiếp. Một mặt do ông chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh, một trào lưu văn học xuất hiện ở châu Âu sau thế chiến II, khi mà con người phải đối diện với những đảo lộn, những mất thăng bằng do chiến tranh đem lại. Mặt khác, Thanh Tâm Tuyền, phải sống trong một thời kì mà đất nước có nhiều biến động, là một sĩ quan trong quân đội ông không lạ gì những tổn thất, những mất mát do chiến tranh đem lại. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: "Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh cho rằng trong thế giới ngày nay mọi giá trị tinh thần đang mất hết ý nghĩa mà không thể bù đắp lại được. Điều dó sẽ dẫn tới tấm thảm kịch truyền kiếp "thân phận con người" mà nhà triết học Đan Mạch Kiếckêga từ thế kỉ XIX, đã có nói đến các thuyết về tội lỗi con người ở một thời đại mất chúa" (thực chất là sự quan niệm về sự mất ý nghĩa của cuộc sống). Theo họ thì con người đang bị bỏ rơi trong nỗi cô đơn giữa cái hiện hữu thù nghịch, cho nên cuộc đời chỉ là một sự vô nghĩa" [16; 64].

Thanh Tâm Tuyền luôn đối thoại, luôn phân thân để đối thoại. Bài Phục sinh có thể coi như một thông điệp tư tưởng và nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền. Nhà thơ đối diện với chính mình, từ thực tại ngán ngẩm, "tôi buồn khóc như buồn nôn", đến giải pháp "tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ". Lúc này mới chỉ có sự tách biệt giữa ''tên" và "tôi", tôi chưa hoàn toàn đối lập với chính mình. Trạng thái cảm xúc càng về sau càng tăng cao, "tôi" như một đối tượng biệt lập, kẻ thù, kẻ mà tôi đang giận:

tôi hét tên tôi cho nguôi giận thanh tâm tuyền

đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi

Có một "tôi" và một "Thanh Tâm Tuyền", kẻ mà "tôi" hướng đến, đang đối thoại nhau, "tôi gọi tên tôi", "tôi hét tên tôi" trong tột cùng thất vọng. "Đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi", ai tội lỗi? "Tôi", Thanh Tâm Tuyền hay cái bản ngã trong "tôi"?.. không thể nào biết được.

Và rồi mối quan hệ giữa con người Thanh Tâm Tuyền và cái bản ngã trong ông càng lúc càng căng thẳng, đó là cuộc đấu tranh tới cùng, không khoan nhượng để được phục sinh trong tính NGƯỜI toàn vẹn :

tôi gào tên tôi thảm thiết thanh tâm tuyền

bóp cổ tôi chết gục để tôi được phục sinh

Xét cho cùng, sự mâu thẫn trong tôi ấy chính là sự mâu thuẫn, giằng xé của những con người trong một con người... Đó là sự tự giải thoát cho chính mình bởi những bi kịch nội tại. Nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê viết: "Trong khoảng tối nội tại, phóng ra những hình ảnh hỗn loạn, ghê gớm mà con người dấu kỹ trong tiềm thức và quên đi trong vô thức: Những tội ác, giết người, lang sói... của cái tôi được phanh phui, trần trụi trước ánh nắng thủy

tinh, trước tia mắt băng trinh của em bé quàng khăn đỏ. (...) Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ: có một cái tôi hiện hữu (tôi gọi tên tôi) và một tôi vắng mặt (cho đỡ nhớ). Sự phân thân và phân tâm này vừa chứng minh sự xé đôi, sự đổ vỡ không cứu vãn được trong con người, vừa là nhận thức sâu xa về những mất mát, tứ tán của chính mình" [33; 72].

Trong thơ Thanh Tâm Tuyền luôn có sự đối kháng giữa một cái tôi tội lỗi, một con chó sói, loài sát nhân và cái tôi trong sáng, thánh thiện, như em bé quàng khăn đỏ. Chúng tìm kiếm nhau, thù hận nhau như hai thế lực bóng tối và ánh sáng, thánh thiện và và tàn nhẫn, nhân ái và tội ác... Đó là phần con và phần người trong chính tác giả, cuộc đấu tranh trong chính bản thân mình, trong tính đa ngã nhiều đau đớn và vô cùng quyết liệt. Hình ảnh thơ mang đậm tính siêu thực, thể hiện quan niệm về con người hiện đại, cái nhìn về bản thân:

em bé quàng khăn đỏ ơi này một con chó sói thứ chó sói lang thang tôi thèm giết tôi

loài sát nhân muôn đời

Có khi cái tôi cô đơn, cô độc Thanh Tâm Tuyền tự tách mình khỏi thân thể, người tự quan sát mình. Bao giờ cho thấy một cái tôi luôn khát vọng về ngày mai, về những giây phút bình yên trong cuộc sống. Thanh Tâm Tuyền bao giờ cũng thế, day dứt, dằn vặt trước hết là với chính mình:

Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông Mà lòng mình phơi trên kè đá

Con thuyền xuôi

Chiều không xanh không tím không hồng những ống khói tàu mệt lả

Thanh Tâm Tuyền đã cố gắng đi vào cõi sâu thẳm của tâm hồn mình, nói tiếng nói của mình bằng chính cổ họng mình:

tỉnh dậy ôi nao nức

ấy là tiếng thét trong hồn ta

(Phiên khúc 20)

''Ta'' tách khỏi chính mình, rồi giờ đây tiếng thét của ta tách khỏi cổ họng ta. Hai con người khác nhau trong một con người đang tồn tại. Một Thanh Tâm Tuyền của thực tại đang buồn đau thất vọng, một hình bóng Thanh Tâm Tuyền, hay chính là cái phần bản ngã sâu thẳm kia đang trỗi dậy. Nói cách khác có một Thanh Tâm Tuyền đang bị ám ảnh bởi những mất mát, thất bại. tuyệt vọng... trong cuộc sống sẵn sàng sẻ chia, tranh luận, đối thoại, thậm chí đối chọi, đấu tranh...

Có khi cái tôi đa ngã Thanh Tâm Tuyền tự xét mình qua một hình tượng khác, sự hoá thân. Nhân vật thi sĩ trong bài Tôi không còn cô độc là một sự hoá thân như vậy. Tiếng nói của thi sĩ chính là tiếng nói của Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tâm Tuyền lại đối thoại với chính mình, với mọi người (qua các nhân vật khác như ông già, em gái, người yêu, những người hợp xướng...) mà thực chất chỉ là sự phân thân của "nhiều mảnh" Thanh Tâm Tuyền.

Trong thơ Thanh Tâm Tuyền, tác giả vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng phản ánh. Thi nhân tự quan sát mình bằng chính đôi mắt của mình. Có ai hiểu mình hơn chính mình? Có ai hiểu hết cõi sâu thẳm không cùng của con người mình? - chỉ có mình, ấy thế mà chưa chắc. Mình có thể hiểu mình nhất nhưng không phải là hiểu hết, những cái mà ta sợ hãi, những lỗi lầm, tội ác, cái đê hèn trần tục trong mỗi con người... ai mà không có và nó luôn bị che phủ bởi vẻ bề ngoài trái ngược, ít ai thấu thị. Cái tôi đa ngã trong thơ Thanh Tâm Tuyền thể hiện một con người cô đơn tột độ, người không biết bày tỏ cùng ai đành nói chuyện với chính mình có thể ngôn từ ấy không phải không gay gắt. Đó phải chăng còn là quá trình đấu tranh để con người vươn lên, hoàn thiện mình, dẹp bỏ những gì hạn chế, cái phần bản năng mà ai cũng có. Cái tôi

đa ngã Thanh Tâm Tuyền chính là sự giằng xé, sự mâu thuẫn trong cõi sâu nhất linh hồn ông, đặc điểm này làm nên nét mới mẻ, đặc sắc của thơ Thanh Tâm Tuyền.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w