Nhãn quan mới về ngôn ngữ thơ

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 117 - 127)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1.Nhãn quan mới về ngôn ngữ thơ

Theo quan niệm truyền thống thơ phải có các yếu tố cơ bản như: có vần, được quy định bởi số câu số chữ tuỳ vào thể loại, có sự phối thanh hài thanh, có cách diễn đạt ý tại ngôn ngoại... nói chung thơ đối lập với văn xuôi. Còn R. Jakobson trong bài Thơ là gì? đã viết: "Thơ là gì? nếu chúng ta muốn xác định khái niệm này, chúng ta cần phải đối lập nó với cái không phải là thơ" [dẫn theo: 14; 77]. Chỉ có điều, cũng theo R. Jakobson, để tìm ra cái nào không phải là thơ cũng không dễ.

3.2.1.1. Thơ Thanh Tâm Tuyền tổ chức bài thơ theo hướng tự do, sự kết hợp bất ngờ, ngẫu nhiên theo dòng chảy của tiềm thức, vô thức. "Các nhà siêu thực kêu gọi giải phóng cái tôi khỏi “gông cùm” của lô-gích, lý trí, đạo đức và mỹ học truyền thống, bị coi là sản phẩm quái gở của nền văn minh tư sản, cản trở khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Vậy nên, theo các nhà siêu thực, hiện thực chân thực nhất, hiện thực tuyệt đối - tức siêu thực - là hiện thực bị “cầm

tù” trong vô thức, cần phải được giải phóng và được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật" [dẫn theo: 89; 1].

Chủ nghĩa siêu thực tôn trọng dòng chảy của vô thức tiềm thức, thế giới thơ của chủ nghĩa siêu thực là thế giới của những giấc mơ mà giấc mơ thì chập chờn, đứt đoạn. Hình ảnh thơ Thanh Tâm Tuyền cũng vậy, nó không đem đến một nội dung cụ thể, không nhằm truyền đạt một tư tưởng trọn vẹn, thơ chỉ gợi những rung động thuần tuý, tinh vi trong sâu thẳm tâm thức con người. Để cho dòng tiềm thức, vô thức tự do trôi chảy, thi nhân muốn chạm vào cõi sâu nhất của tâm hồn. Biểu hiện của thơ là những ảo giác, những trạng thái tâm lí chập chờn tỉnh - mộng, thực - hư... "tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ"/ "tôi buồn chết như buồn ngủ"/ "tôi thèm giết tôi"/ "bóp cổ tôi chết gục"... là một giấc mơ hay chí ít cũng là lúc mà thi sĩ quên đi thế giới thực tại, người đang sống trong một cõi riêng, cõi vô thức.

Giấc mơ, ảo giác, được nhà thơ khai thác một cách tự nhiên. Thanh Tâm Tuyền kể một câu chuyện huyễn hoặc mà hết sức xúc động, xúc động bởi một phần nó như sự thật, một phần bởi điều mà người muốn nói: sự tội nghiệp, đáng thương của một kiếp người cho dù kẻ đó nắm trong tay quyền lực gần như tuyệt đối, có thể làm khuynh đảo thế giới:

Hắn bước ra giữa sân khấudìu theo một bóng hình tưởng tượng. Không, một bóng hình trong suốt. Hắn gục đầu vào vai người ấy mà khóc, không nước mắt, chỉ thấy hai hàng khói đục thở ra theo lỗ mũi mờ mịt (...)

Tên hề hiện nguyên hình là Napoléon, Napoléon mắm môi đang khóc.

Mày chỉ là tên hề buồn, tên hề buồn nhất thế giới chẳng làm ai cười nổi.

(Sầu khúc - 5)

Ngay cả trong cõi thực, thế giới vẫn như một giấc mơ, những cảm giác mong manh mơ hồ choán ngợp. Thực hay mơ khó mà phân biệt nhưng nó là cõi thực đấy! bởi câu chuyện người kể lúc tỉnh, chuyện giữa ban ngày nhưng nào ai biết! :

bỗng nhiên hè đường tách

lìa khỏi linh hồn, rồi những mặt nhà những chòm cây xe cộ nghĩa là thành phố đáng ghét như thù nghịch

(Thành phố)

Không có những trật tự tuyến tính, không có những logic lí trí. Những gì diễn ra trong thơ là những ẩn ức, những cảm xúc bị ám ảnh, những gì con người phải tiết chế được vỏ não ghi lại rồi tái hiện một cách tự nhiên, nhà thơ chỉ là người ghi chép lại.

3.2.1.2. Thơ Thanh Tâm Tuyền phá vỡ tính liên tục của dòng chảy cảm xúc, mạch liên tưởng, tạo khoảng trống khoảng trắng. Những kết hợp ngôn từ trong thơ theo một sự cao hứng, một dòng cảm xúc vô thức nào đó chi phối, cái mạch nối kết các bộ phận trong câu thơ là cảm xúc, chỉ có thể là cảm xúc. Trật tự cú pháp thông thường nhiều lần bị tước bỏ bằng cách ngắt câu và phương thức tổ chức bất thường, các liên từ, quan hệ từ liên kết bộ phận câu bị tước bỏ. Bài thơ như là sự tập hợp những ngữ đoạn, những mệnh đề vốn rời rạc trong ngôn ngữ hằng ngày chúng chưa bao giờ liên kết với nhau vì, đơn giản, chúng không thể liên kết:

trái tim ngọn lửa xanh áo mùa đông

ngón tay út ngây thơ nền vải (Của em)

chẳng hạn: trái tim như ngọn lửa xanh (và) áo mùa đông/ trái tim và ngọn lửa xanh (cùng với) áo mùa đông/ trái tim và ngọn lửa xanh (mong manh như) áo mùa đông...

Thơ Thanh Tâm Tuyền nhiều khoảng trống, khoảng trắng. Khoảng trống, khoảng trắng trong thơ là những "vùng khuyết" mà tác giả tạo ra, ở đó tác giả không nói hết điều mình cần nói. Cũng có thể đó là lối nói "bóng gió", lối diễn đạt hình tượng hay tính đa nghĩa mà tác phẩm gợi nên... Khoảng trống khoảng trắng đòi hỏi độc giả phải dùng kinh nghiệm, tri thức thậm chí là cảm giác, phán đoán mà bổ sung vào để thể nghiệm, để hiểu điều tác giả muốn nói. Như vậy độc giả cũng góp phần vào quá trình sáng tạo, là người đồng sáng tạo. Khoảng trống, khoảng trắng còn biểu hiện qua cách kết thúc mở nhiều dang dở, qua câu thơ có nhiều kiểu kết hợp tạo nên sự mơ hồ...

Hình tượng trong thơ Thanh Tâm Tuyền thường biểu đạt một lúc nhiều ý niệm. Nhà thơ tạo cho hình tượng tính "đa nhân cách" để nó có thể sống cùng lúc nhiều số phận, ở đó mỗi độc giả bắt gặp một số phận khác nhau, thậm chí cùng lúc bắt gặp nhiều số phận, nó còn phụ thuộc vào kinh nghiệm sống và sự nhạy cảm của mỗi người. Hình tượng Mặt trời, Mai, Chim, Mắt biếc, Kiến trúc... trong những bài thơ cùng tên của ông là ví dụ.

Từ những từ ngữ thông thường nhưng được kết hợp với nhau theo những tiêu chuẩn mới, hình thức mới câu thơ bỗng nhiên mang những ý niệm mới, từ cái vốn cụ thể mà tạo ra những cái trừu tượng. Người đọc không lạ gì những từ ngữ rất thông thường trong kho tàng từ vựng tiếng Việt như: ''mùa hè''/ ''tiếng cười''/ ''bàn tay''/ ''nước suối''/ ''mùa''/ ''tóc mun''... nhưng khi chúng được Thanh Tâm Tuyền kết hợp trong những "vũ điệu" mới thì đến những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó lòng mà giảng nghĩa:

Mùa hè lên tiếng cười trong bàn tay nước suối Mùa tóc phun

(Mai 2)

Cấu trúc thơ Thanh Tâm Tuyền nhìn bề ngoài có vẻ rời rạc, ngôn ngữ thơ như những nhát cắt. Kết hợp ngôn từ trong thơ thường rất xa lạ so với cách sử dụng ngôn ngữ thông thường, nhà thơ không lưu tâm đến truyền thống kết hợp từ vựng của chúng. Câu trong thơ ông là một phán đoán không đầy đủ, những tam đoạn luận rời rạc. Bùi Bảo Trúc nhận xét về đặc điểm này rất xác đáng: "những hình ảnh này đều được ghép bằng những yếu tố rất xa nhau, rất khác nhau, không có liên lạc gì với nhau: tại sao đêm giao thừa lại để cạnh thế kỷ? tại sao đang mưa lại có sao, sao rơi? v.v... đọc thơ Thanh Tâm Tuyền lần đầu, người ta không hiểu gì cả, hệt như đứng trước bức tranh siêu thực của Chagall: một cô dâu bay bổng trên trời (...) Sau này, chúng ta quen hát Trịnh Công Sơn: "Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao, nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ..." tất nhiên là cũng không hiểu gì cả, nhưng cứ hát, mà không để ý là trước Sơn, đã có người nói như thế" [98; 2].

Ở một hình thức khác, những so sánh đối chiếu, những cách diễn đạt trong thơ Thanh Tâm Tuyền rất bất ngờ, đó là những phép "chiếu hình" ngôn ngữ xa lạ chưa từng thấy, những kết hợp kiểu ấy tạo nên những liên tưởng đa chiều thú vị :

- Cửa sổ trời những mắt chưa quen trán hoang đồng cỏ

run đường môi kỉ niêm

đi qua những thành phố đầy tim (Của em) - Mắt biếc mắt biếc

tròn như vòng chân trời thăm thẳm (Mắt biếc)

Những câu thơ như một bức tranh siêu thực với những mảng màu được kết hợp với nhau ngẫu nhiên, những mảng màu ấy không đem đến một hình

ảnh cụ thể nhưng nó chứa đựng trong đó vô vàn hình ảnh đầy biến ảo. Thụy Khuê viết: "Phải nói thêm rằng, tính cách dang dở, dứt đoạn, này là tính cách chung của văn học nghệ thuật thế kỷ XX: Picasso "cắt" mặt các cô gái Avignon (Mesdemoiselles d'Avignon) ra làm nhiều mảnh, tung lên tranh, thể hiện những khuôn mặt đang chuyển động, với nhiều góc cạnh, kể cả khía cạnh nội tâm; để thay thế những bức chân dung cổ điển, hoàn mỹ, vẽ những khuôn mặt im lìm - chết, không có trong thực tế" [33; 70].

3.2.1.3. Tính hàm súc - đa nghĩa

Hàm súc - đa nghĩa là đặc trưng của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ nói chung, từ xưa thi nhân đã ý thức rõ tính chất này. Đổng Trọng Thư (đời Tây Hán) đưa ra mệnh đề "thi vô đạt hỗ" [dẫn theo: 71; 170], thơ ca không thể giải thích rõ ràng. Tạ Trăn cho rằng: "thơ có chỗ khả giải, bất khả giải, bất tất giải, giống như hoa dưới nước, trăng trong gương, không cần câu nệ tới dấu tích" [dẫn theo: 71; 171]. Tính chất mơ hồ đa nghĩa trong thơ dần dần được người ta mặc nhận là tính chất của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, để phân biệt các loại hình văn bản ngôn từ phi nghệ thuật khác. W. Empson phân loại, bảy loại ý nghĩa mơ hồ "Bảy loại ấy là: 1) Nói vật này mà như nói tới vật khác, vì giữa các sự vật ấy có nhiều điểm giống nhau; 2)Ý nghĩ mơ hồ do quan hệ ngữ pháp không chặt chẽ và ngữ cảnh cho phép; 3)Một từ trong một văn cảnh mà giảng hai nghĩa đều thông; 4)Lời trần thuật của tác giả có mâu thuẫn, không nhất trí, nhưng đều thể hiện trạng thái chung của tư tưởng nhà văn; 5)Tác giả vừa viết ý này nhưng lại hé ra một ý khác, chân thực hơn, thuộc vô thức; 6)Ý nghĩa mặt chữ của lời trần thuật vừa trùng lặp vừa mâu thuẫn khiến cho người đọc có thể giải thích trái ngược nhau; 7)Một từ có hai nghĩa, hai loại giá trị mơ hồ, nhưng lại là hai nghĩa trái ngược nhau do văn cảnh quy định." [dẫn theo: 71; 172].

Tính đa nghĩa trong thơ Thanh Tâm Tuyền biểu hiện từ cấp độ hình ảnh thơ, câu thơ lẫn cấp độ hình tượng, cấp độ nội dung tư tưởng. Trong một câu thơ các bộ phận câu mang tính độc lập cao nên có nhiều chiều kết hợp, bản

thân nó dẫn đến nhiều cách hiểu, nhiều ý nghĩa nội dung, đặc biệt là những bài thơ đậm chất tượng trưng như: Phục sinh; Mặt trời; Mắt biếc; Kiến trúc; Hoa; Chim; Mưa ngủ; Lệ đá xanh; Mai; Cỏ; Dạ khúc; Sầu khúc; Đêm; Đoản khúc; Mặt trời tìm thấy...

Nhà thơ phác hoạ lại những đường nét kiến trúc: có kiến trúc của hình ảnh, của âm thanh, của ánh sáng, của không gian, kiến trúc của những giai điệu, tiết tấu ...

Bằng đường nét nhịp nhàng cửa sổ xuôi mi mắt đẹp ngõ hẻm sáng trưng nhạc khúc dạo mở đầu bay bay hàng lửa điện đường mơ rộng mười lần xe khiêu vũ

(Kiến trúc)

Trong niềm say mê người thấy thế giới là một kiến trúc hoàn hảo, ở đâu cũng đẹp, cân đối hài hoà, vạn vật hoà vào vũ điệu của kiến trúc. Đó là ý nghĩa chung, còn những hình ảnh cụ thể thì không thể giải thích, hoặc chỉ có thể giải thích theo nhiều cách. Tương tự như vậy, Chim là một bài thơ đa nghĩa với những câu thơ kì bí:

tôi ru chim trong cổ họng

mặt trời kêu xuống thái dương những mầu ánh sáng thơm tim kinh ngạc

đời tạo câu cười thiên nhiên mai'

Vẫn thấy xuyên suốt một hình tượng Chim, nhưng người đọc khó lòng mà hiểu nổi ý nghĩa của hình tượng ấy: chim là gì? Qua biểu tượng tác giả hàm ý về một vấn đề gì chăng? Chắc chắn thế nhưng rồi ai cũng bất lực tuyệt vọng khi đi tìm cách giải.

Không chỉ những bài thơ nói trên mới đa nghĩa, cả những bài thơ có tính "khả giải" cao cũng chứa đựng nhiều bí ẩn. Đằng sau những câu chữ thông dụng có liên kết khá mạch lạc là những ẩn số mà khi giải mã người ta có thể thu được kết quả đa trị "nhiều nghiệm" thậm chí là "vô số nghiệm":

Ngực anh thủng lỗ đạn tròn lưỡi lê thấu phổi

con tim còn nhẩy đập nhịp ba nhịp ba nhịp ba (Nhịp ba)

Cái "nhịp ba nhịp ba nhịp ba" đều đặn ngân vang ấy chứa đựng nhiều ý nghĩa. Đó là nhịp điệu cuộc sống, nhịp điệu con tim anh con tim tôi, con tim mỗi chúng ta... hay là sự thanh thản của mỗi con người trong cuộc đấu tranh vươn tới những gì tốt đẹp. Nhịp ba là nhịp của sự sống cả khi đã "trúng đạn rồi", nhịp điệu bất diệt của đời người không bao giờ dứt.

Tính đa nghĩa là đặc điểm của văn chương từ cổ chí kim nhưng trong văn học truyền thống thì tính "khả giải" bao giờ cũng khá cao, người ta, dù khó khăn, rồi ít nhiều cũng giải mã được phần nào văn bản ngôn từ. Trong thơ Thanh Tâm Tuyền tính đã nghĩa được đẩy lên một mức cao: "bất khả giải", cả những người tự tin và ngạo mạn nhất cũng không dám nói "tôi đã hiểu hết bài thơ". Thơ Thanh Tâm Tuyền chỉ gợi, gợi ở chiều sâu vô thức, gợi bởi những lớp nghĩa đa tầng, những hình tượng đa nghĩa, những liên kết đa chiều...

3.2.1.4. Đậm chất văn xuôi, chất đời thường

Chất văn xuôi vốn là một đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết. Nghĩa là tiểu thuyết phản ánh đời sống trong tính nguyên dạng, đa dạng của nó. Đời sống trong tiểu thuyết gồm những gì thô ráp, góc cạnh, thấp hèn, tàn nhẫn... xen lẫn vẻ đẹp, sự cao cả, lòng nhân ái... Tiểu thuyết miêu tả cuộc sống với những ngổn ngang, phức tạp bộn bề bi hài lẫn lộn... Ở đó người viết trực tiếp bày tỏ thái độ của mình về thế giới mà họ miêu tả. Cấu trúc tiểu thuyết có sự co giãn

biến đổi linh hoạt, tính đối thoại trong ngôn ngữ tiểu thuyết rất cao. Tiểu thuyết miêu tả thế giới trong tính hiện tại dang dở, đối tượng của tiểu thuyết là những số phận, là đời tư...

Thơ Thanh Tâm Tuyền viết về cuộc sống với nhiều sắc thái thẩm mĩ khác nhau: có cái bi lẫn cái hài, có niềm vui nỗi buồn có sự trái ngang dang dở, có thành và bại, có tốt xấu đan xen...

Đề tài trong thơ Thanh Tâm Tuyền rất đa dạng, nhưng chung quy lại đó là những gì của cuộc sống diễn ra xung quanh tác giả, những con người thân thuộc là Liên là Đĩnh, là Minh Châu Phương Thảo, là Quách Thoại... Những chuyện thường ngày trong cuộc sống: Bằng hữu; Gửi Quách Thoại; Của Duy Thanh; Chiều trên phi trường; Một chỗ trên ô tô buýt; Thành phố; Đừng bắt tôi từ biệt... Đỗ Lai Thuý cảm nhận: "Ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền, bởi thế, đầy những vật liệu của công nghiệp và thành phố. Thơ mới, mặc dù là con đẻ của văn hóa đô thị, nhưng chưa thực sự sống thành phố bởi còn bị ám ảnh những hoài niệm thôn quê. Thanh Tâm Tuyền đã bắt được nhịp sống đô thị, cũng là nhịp sống của hôm nay, đương đại. Thành phố trong thơ ông như một công trường xây dựng. Đầy những vật liệu nhân tạo. Tất cả đều dang dở, ngổn ngang, thậm chí hỗn độn" [91; 4]:

Chập chùng những bờ hàng hoá người thuỷ thủ già

xuống bến tàu sớm mai

biển tím thổi gió mặn vào sông thành sắt đỏ hoen

(Bến tàu)

Chất văn xuôi trong thơ Thanh Tâm Tuyền thể hiện một cách rõ nét qua ngôn ngữ thơ. Thơ Thanh Tâm Tuyền không vần bởi lẽ vần gò bó và giới hạn cảm xúc, vần dễ đưa thơ vào ngõ cụt. Thơ không vần giải phóng cảm xúc nhà

thơ giúp thi sĩ diễn đạt điều mình muốn nói. Thơ không vần là bước cách tân

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 117 - 127)