Thơ tự do, không vần của Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 41 - 49)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Thơ tự do, không vần của Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi

1.3.1.1. Trần Mai Ninh (1917 -1947), quê gốc ở huyện Thanh Oai - Hà Đông, gia đình lại định cư ở Thanh Hoá. Ông được sinh ra tại Hương Khê - Hà Tĩnh. Lớn lên và học tiểu học ở Vinh, học trung học ở Thanh Hoá, ra Hà

Nội thi tú tài. Tên khai sinh là Nguyễn Thường Khanh.

Chàng thanh niên 20 tuổi Trần Mai Ninh đã sớm đến với cách mạng, tham gia nhóm nghiên cứu mác - xít ở Hà Nội, hoạt động trong phong trào Thanh niên dân chủ Đông Dương. Từ đầu năm 1937, ông tham gia công tác báo chí của Đảng, viết cho các tờ báo công khai cũng như bí mật (với các bút danh Trần Mai Ninh, Tố Chi, Mạc Đỗ, Hồng Diệu, T.K.): các báo: Tin tức, Thế giới, Đời nay, Bạn dân, Thời mới… Các tác phẩm đã xuất bản: Thằng Tuất (1939), Trừ họa (1941), Ngơ ngác (1941), Sống đã rồi viết văn (1944).

Trần Mai Ninh mang phẩm chất của một con người kháng chiến, một nhà thơ kháng chiến. Thế nhưng thơ ông đã phần nào vượt qua cái lối mòn mà các thi sĩ kháng chiến bấy giờ và cả sau này sẽ đi. Sau khi kết thúc phong trào Thơ mới, làng thơ Việt ít nhiều đã chuyển biến nhưng chưa thực sự định hình, các nhà thơ kháng chiến, đồng chí của Trần Mai Ninh, hầu hết sáng tác theo đặc trưng loại thể của phong trào Thơ mới. Trong khi đó Trần Mai Ninh đã có hướng đi riêng: thơ không vần, là một bước chuyển, nếu không nói là bước đột phá, bước đi táo bạo mang theo khát vọng cách tân đổi mới của người. Không tượng trưng, siêu thực, cũng chẳng dada... Trần Mai Ninh vẫn có thể làm mới cho mình và phần nào cho thơ ca dân tộc lúc bấy giờ. Trong khi đó một đỉnh cao của thơ ca kháng chiến như Tố Hữu, dù sáng tác trước hay sau năm 1945 vẫn thở bằng bầu không khí của Thơ mới.

Nói đến Trần Mai Ninh là nói đến Nhớ máu; Tình sông núi; Mời về...

trong đó Nhớ máu là đỉnh cao của thơ ca cách mạng nói chung, của Trần Mai Ninh nói riêng. Dường như nó không còn là của riêng ông mà của cả một thời đại. Bài thơ được hoàn thành vào đêm 9 tháng 11 - 1946 tại Tuy Hoà.

Trong Nhớ máu chất văn xuôi đã được đưa vào thơ ca khá đậm nét. Đó là lối ngôn từ bình dị đời thường, tưởng như tác giả không hề gọt dũa, nó như đi từ cuộc sống vào thơ ca. Những hô ngữ, khẩu ngữ xuất hiện nhiều khiến câu

thơ như những lời nói chân quê, những mẩu đối thoại hết sức tự do: "Ơ cái gió Tuy Hoà...’’,"Rồi đây/Còn mấy bước tới Nha Trang/- A, gần lắm!", "Ơi hỡi Nha Trang!"... Câu thơ như những câu văn, kéo dài không liên kết với nhau bằng vần điệu, hài thanh... như thơ ca truyền thống nhưng ý thơ vẫn liên hệ nhau về nghĩa. Nhịp thơ ngắt nghỉ theo từng cụm từ, câu, một câu có thể kéo dài đến 7, 8 hàng. Câu thơ Trần Mai Ninh là câu chuyện, câu chuyện mà ta tưởng có thể kể bằng lời văn. Xét về mặt kết cấu cú pháp ta có thể ngắt câu khi hết một ý lớn nhưng trong thơ Trần Mai Ninh tác giả rất ít dùng dấu câu. Câu thơ cứ trôi đi một cách tự do, dòng suối cảm xúc cứ tuôn trào theo đầu ngọn bút. Đọc Nhớ máu ta cứ bị lôi cuốn bởi dòng chảy tự nhiên của câu chuyện, không biết có thể dừng lại ở đâu bởi chi tiết này cứ nối tiếp chi tiết kia bằng những mối liên hệ rất tự nhiên mà chặt chẽ:

Ta có nhớ

Những con người Đã bước vào bất tử! Ơ, những người!

Đen như mực, đặc thành keo Tròn một củ

Hay những người gầy sắt lại Mặt rẹt một đường gươm Lạnh gáy...

Lòng bàn tay

Khắc ấn chuỗi dao găm!

Thơ Trần Mai Ninh tự nhiên mà không dễ dãi, giản dị mà không hề giản đơn. Tính chất ''không vần'', chất văn xuôi được gia tăng bởi các yếu tố khẩu ngữ, yếu tố hội thoại... góp phần giúp nhà thơ "trải rộng" văn bản. Mặt

khác nó còn làm thơ Trần Mai Ninh trở nên gần gũi, mang hơi thở cuộc sống:

''Ơ cái gió Tuy Hoà…’’; ''A, gần lắm!’’; ''Ơ, những người!’’...

Nhưng thơ Trần Mai Ninh vẫn giàu nhạc tính, nhạc tính được tạo bởi cách điệp cú, điệp từ, điệp ngữ. Những cấu trúc đồng đẳng đứng cạnh nhau tạo cho lời thơ sự êm dịu hài hoà. Không khó khi nhận ra những cặp sóng đôi nhau tưởng như ngẫu nhiên mà thực tài tình, có khi là những điệp từ: "Gió nghỉ, Gió cười’’; ''Ta gần máu, Ta gần người, Ta gần quyết liệt’’; "cả mặt, cả người, cả hồn ta sát tới’’... điệp cấu trúc: "Gió đi ngang, đi dọc, Gió trẻ lại - lưng chừng’’...

Trong thơ Trần Mai Ninh, chiến tranh quyết liệt đến mức không cần một vẻ đẹp hoành tráng, dù biết chỉ là để an ủi vong hồn người chiến sĩ. Sự quyết liệt và ác liệt chỉ còn trên những nét gồ ghề, đơn giản, mộc mạc của người lính, trên đường gươm vết đạn của chiến tranh, trong hình ảnh kinh tởm của kẻ thù, loài chó dữ:

Cả một đàn chó ghẻ Sủa lau nhau

Và lần lượt theo nhau Chết không ngáp! Dao găm để gáy, Súng màng tang

Ồng ộc xối đầy đường máu chó. Chúng nó rú...

Trần Mai Ninh không tuyên ngôn nhưng ông và một số cây bút khác đã đi theo một con đường mới, một thi sĩ trẻ sau này đã thay ông phát biểu về khuynh hướng thẩm mĩ mới:

Những thanh gươm yên ngựa Giờ đã cũ mèm rồi

Bài hát của chúng tôi Là bài ca ống cóng !

(Thanh Thảo)

Nói về thơ Trần Mai Ninh là nói về cái trần trụi, gai góc của hiện thực, chỉ cần một chi tiết này thôi, ta đã hiểu sức mạnh của bài thơ là những câu thơ về mắt mà không mùi lãng mạn, đôi mắt sắc như lưỡi gươm, mạnh mẽ và quyết liệt:

Chân bọc sắt

Mắt khoét thủng đêm dày… Mắt ta căng lên

Cả mặt Cả người

Cả hồn ta sát tới…

Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai

Trần Mai Ninh không chỉ mới trong hình thức thức thơ không vần, ông còn mới trong cách dùng từ, những kiểu kết hợp mới lạ được vận dụng tự nhiên trong một thứ ngôn ngữ bình dị: Mắt khoét thủng đêm dày (...) Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai… khiến cho bọn giặc cướp nước không chịu nổi đôi mắt ấy, đôi mắt ấy đã nhìn thấu ngày hôm nay, để rồi đã từ rất lâu ông theo đuổi một lí tưởng mà sứ mệnh ấy thuộc về tương lai.

1.3.1.2. Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) quê Hà Nội, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1941. Sau Cách mạng tháng Tám ông tham gia lãnh đạo Hội Văn hoá cứu quốc và Hội Văn nghệ Việt Nam, Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Nguyễn Đình Thi được đánh giá là một nghệ sĩ đa tài, ông sáng tác và có nhiều đóng trên nhiều lĩnh vực như viết văn, âm nhạc, soạn kịch, biên khảo triết học, phê bình và đặc biệt là thơ.

Phong trào Thơ mới 1932 - 1945 dù làm nên “một thời đại trong thi ca” nhưng vẫn chưa thể từ bỏ vần. Sau khi phong trào Thơ mới kết thúc (từ năm 1946), lối thơ không vần mới được định hình và trở thành một khuynh hướng với những sáng tác như: Nhớ máu, Tình sông núi... của Trần Mai Ninh;

Đèo Cả, Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Ngoại ô mùa đông năm 46 của Văn Cao… Tuy nhiên, người có đóng góp xuất sắc và tiêu biểu nhất trong nỗ lực tìm một tiếng nói mới cho thơ là Nguyễn Đình Thi với những bài thơ như

Đường núi, Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa...

Nguyễn Đình Thi đến với thơ cùng lúc đến với cách mạng, không phải trải qua thời gian "lột xác" để thích nghi với hoàn cảnh như nhiều nhà thơ đi theo kháng chiến khác, ông hoà mình vào hiện thực kháng chiến. Bằng tâm hồn và tài năng ông đã đưa cuộc sống kháng chiến vào thơ ca theo một lối riêng. Hiện thực kháng chiến trong thơ Nguyễn Đình Thi được cảm nhận bằng cái tôi trữ tình của chính thi sĩ, nó không bị khúc xạ bởi sự nhập vai quần chúng, bởi sự hoá thân... thơ ông là tiếng nói rút ra tự tâm hồn, tự trái tim mình.

Thơ không vần Nguyễn Đình Thi đã bước qua giới hạn vần điệu của thơ ca truyền thống, đem đến cho văn đàn thi ca đương thời những âm sắc mới. Như trong một bản hợp xướng, tiếng thơ Nguyễn Đình Thi như một âm sắc lạ nổi bật lên trong màn hoà tấu của thơ ca kháng chiến. Thơ ông thời kì chống Pháp đã có những cách tân đáng kể về thi liệu, ngôn ngữ, giọng điệu trữ tình... nhưng quan trọng nhất là những cách tân trong hình thức thể loại nhằm hiện đại hoá thơ ca.

Thơ Nguyễn Đình Thi hiện hình trên trang giấy bằng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị và tự nhiên, ở đó mỗi từ trong câu thơ đảm nhận một chức năng tương đương nhau. Những từ thuần Việt, tư đơn tiết, từ láy... xuất hiện nhiều. Thế nhưng, những từ tưởng như bình thường ấy vẫn có một khả năng "vẫy gọi" đến bất ngờ. Xung quanh nó là những ánh sáng toát ra từ vẻ đẹp giản dị:

Ôi những vạt ruộng vàng Chiều nay rung rinh lúa ngã Dải áo chàm bay múa

Tiếng hát ai lênh đênh

(Đường núi)

Giản dị mà không kém phần sáng tạo, thơ Nguyễn Đình Thi không thiếu những hình ảnh độc đáo. Ông cho rằng: ''Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật bỗng phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, toả ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy'' [57; 94]. Coi trọng hình ảnh thơ, ông đem đến cho độc giả những câu thơ với hình ảnh kì thú:

Ngang đồi một tia vàng bay vút

Một vàng sao sáng ngời muôn vầng sao Tung lên như hoa lửa

Như bụi ngọc ngập trời Rơi rơi trên đầu trên cổ Trên ngón tay

Triệu triệu sao

(Hà Nội đêm nay)

Hình ảnh thơ Nguyễn Đình Thi khoẻ khoắn, tự nhiên, chất phác, nó có gì đó gân guốc, mộc mạc mà tinh tế. Những gì vốn thân quen gần gũi xung quanh ta khi vào thơ ông như đã khoác một tấm áo mới:

Ôi nắng dội chan hòa nao nao trời biếc

Nắng nhuộm hương đồng ruộng, hương rừng chiến khu Tháp rùa lim dim nhìn nắng

Không hoàn toàn phủ nhận vai trò của vần nhưng ông cho rằng: không phải hết vần là hết thơ. Đôi khi chính vần đã gò bó cảm xúc, hạn chế cảm xúc trong thơ, nói đúng vần thì mất ý, có ý mà không hợp vần thì bế tắc... Không coi trọng vần nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn chú trọng tính nhạc và nhịp, bởi ''cái kì diệu của tiếng nói trong thơ, có lẽ chăng ta tìm nó ở trong nhịp điệu, trong nhạc thơ'' [57; 72]. Nhạc điệu trong thơ ông không bị chi phối bởi luật bằng trắc mà đó là thứ nhạc điệu tự nhiên, "nhạc điệu của tâm hồn". Có lúc lời thơ êm "như tiếng hạc bay qua":

Sáng mát trong như sáng năm xưa Gió thổi mùa thu hương cốm mới Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em Nắng soi ngõ vắng

Thềm cũ lối ra đi Lá rụng đầy...

(Sáng mát trong như sáng năm xưa)

Có lúc câu thơ khúc khuỷu, dài ngắn đan xen diễn tả nỗi căm hờn uất hận, tiết tấu câu thơ giãn ra, đứt đoạn:

Ngoài phố ầm ầm lũ cướp Bắt

Khám Chăng dây

Miệng súng đen sì tua tủa

(Đêm sao)

Hơn nửa thế kỉ trôi qua, kể từ Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc năm 1949, thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi đã được nhìn nhận lại. Những đóng góp của ông cho thơ ca Việt Nam hiện đại đã được khẳng định. Lịch sử ghi nhận những nỗ lực cách tân thơ của Nguyễn Đình Thi những năm đầu kháng chiến chống Pháp là sự đánh giá công bình. Tiếc rằng thơ không

vần Nguyễn Đình Thi chỉ phát tiết trong một thời gian ngắn. Nhưng những giá trị mà nó để lại, cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, là rất đáng trân trọng. Thơ ông là một âm sắc mới lạ trong làng thơ kháng chiến và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nhà thơ thế hệ sau này.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ thanh tâm tuyền qua hai tập tôi không còn cô độc và liên, đêm, mặt trời tìm thấy luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 41 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(171 trang)
w